4 điều quan trọng mình muốn nói với các nhà quản lý hướng nội
Tháng sáu 28, 2024
Bạn làm tốt công việc chuyên môn, sau nhiều năm cống hiến được bổ nhiệm lên vị trí quản lý. Người hướng nội sẽ đến lúc phải lựa chọn, hoặc dễ dàng (hơn) được là chính mình tiếp tục phát triển sự nghiệp chuyên gia, hoặc rẽ hướng với vai trò mới đòi hỏi nhiều nỗ lực vượt lên trên giới hạn bản thân để dẫn dắt chính mình và đội nhóm. Vì nhiều lý do, chủ quan hoặc khách quan, vô tình hay có kế hoạch trước, bạn quyết định đón nhận vai trò quản lý như một món quà (hay lời nguyền); hãy vững tin rằng đó là hành trình ý nghĩa dù không dễ dàng.
Mình có cơ hội tiếp xúc, làm việc cùng nhiều quản lý hướng nội, từ những ngày họ chập chững bước vào “nghề làm sếp”. Dưới đây là một vài lời khuyên từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của mình, nếu bạn cũng đã/đang/sẽ đặt chân lên hành trình này, mong rằng hữu ích với những người quản lý hướng nội nhiều trăn trở của tôi:
1. Hãy trân trọng tính hướng nội của bạn. Hai năm trước, mình đã từng nói với một người anh thân thiết (một quản lý hướng nội) trong khảo sát đánh giá 360 dành cho cấp quản lý ở công ty…..”anh hãy cứ là chính mình, em biết anh áp lực, nhưng cá nhân e thấy a hoàn toàn ổn theo cách riêng của mình, một người quản lý tuyệt vời theo cách riêng.”
2. Tuyển đúng người: Hãy ưu tiên hoàn thiện nhóm bằng sự đa dạng (theo mọi nghĩa của từ này). Đối với mình, một nhóm lý tưởng cần có ít nhất một người có kinh nghiệm làm việc nhóm/ngành, ít nhất một người có chuyên môn kỹ thuật sâu sắc và ít nhất một “người hòa đồng” hướng ngoại – người có thể bắt chuyện và phát triển kết nối. Xây dựng nhóm mạnh mẽ bao gồm việc lấp đầy những khoảng trống cần thiết.
3. Đối phó với căng thẳng: Nhiều anh quản lý cấp trung từng tâm sự với mình về những lo lắng, áp lực, trăn trở ở vị trí “sếp”. Trở ngại ban đầu trong việc học cách cân bằng tỷ lệ phù hợp giữa task chuyên môn và quản lý; khó khăn trong tương tác, kết nối, phát triển con người; cộng thêm những trọng trách mới trên vai để bảo vệ anh em, khiến họ yên tâm tin tưởng nhưng vẫn cần hài hòa với lợi ích và mục tiêu chung của tổ chức. Mình chỉ muốn gửi lời này đến những người quản lý đang tìm cách đối phó với căng thẳng: “Thực ra thì có muôn vàn thứ phải học để làm quản lý cho đủ-tốt, tức là không-thẹn-với-lương-tâm. Đã thế mỗi công ty, tổ chức, đội nhóm, cá nhân, thời điểm, lại có những đặc điểm và đòi hỏi riêng nữa. Nên phải học, rèn, chiêm nghiệm cả đời. Bạn ở vị trí quản lý có thể vì nhiều lý do, chủ quan, khách quan, hoặc bất khả kháng nữa. Mình không biết cụ thể nhưng mình tin hành trình này không dễ dàng, chỉ cần làm theo trái tim mình, không hổ thẹn vậy là đủ rồi.”
4. Hiểu điều gì thực sự phù hợp dành cho bạn: Mình hiểu mỗi người đều có mong muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nhưng nếu làm vậy khiến mức độ căng thẳng của bạn không thể kiểm soát được và các kỹ năng đối phó lành mạnh không giúp ích gì, hãy thử cân nhắc liệu bạn có thực sự muốn và yêu công việc đó. Hay tìm hiểu một vai trò khác mà bạn nghĩ rằng có thể phát huy tốt nhất các thế mạnh của bạn. Suy xét thật kỹ về điều bạn thực sự muốn nhất đem lại cho bạn niềm vui trên một đoạn đường dài.
Hành trình làm quản lý là một hành trình nhiều ý nghĩa, khiến cuộc sống công sở của bạn nhiều sắc màu và cảm xúc; bạn sẽ đi qua cuộc đời người khác một cách sâu sắc và ảnh hưởng. Đó là một trải nghiệm xứng đáng dành cho những người hướng nội dũng cảm; nó xứng đáng dù trên hành trình đó, bạn trầy trật nhiều vết xước, từng có những lần sai; dù tươi sáng hay không thì mong bạn không cảm thấy nuối tiếc vì đã từng hết mình.