Chân dung Lý Quang Diệu – Kiến trúc sư lập quốc đại tài dựng nên huyền thoại Châu Á
Tháng sáu 28, 2024
Singapore không có tượng đài Lý Quang Diệu, tiền tệ của đất nước này cũng không in hình ông. Tuy nhiên khi nhắc đến Singapore, người ta không thể không nghĩ đến Lý Quang Diệu – nhà kiến trúc sư lập quốc đại tài dựng nên huyền thoại châu Á.
Trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, có một lời nhận định chưa được kiểm chứng được cho là của Lý Quang Diệu: “Hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Câu nói này phản ánh tình thế của Singapore lúc bấy giờ: một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu, thiếu thốn tài nguyên và nguồn lực trên mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến an ninh, văn hóa.
Nhưng chưa đầy 30 năm sau, từ một đầm lầy nghèo nàn lạc hậu, Singapore đã vươn lên trở thành một trong những “con rồng châu Á” với nền kinh tế có GDP đứng hàng đầu khu vực, cơ sở hạ tầng tân tiến cùng an ninh xã hội phát triển vượt bậc. Đứng sau sự phát triển thần tốc này là Lý Quang Diệu – cha đẻ quốc đảo Singapore.
Làm sao một quốc gia xuất phát từ con số âm, chỉ rộng 64 km2, không có bất kỳ một nguồn tài nguyên thiên nhiên nào như dầu mỏ, khoáng sản, hay đất nông nghiệp rộng lớn, thậm chí phải nhập khẩu hầu hết mọi thứ từ lương thực, năng lượng đến nước sạch lại có thể vươn lên thành một huyền thoại châu Á trong thời gian ngắn như vậy?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tiểu sử của Lý Quang Diệu cùng những cải cách tài ba đã giúp ông đưa Singapore trở thành phép màu kỳ diệu của Châu Á.
I. Giai đoạn trưởng thành của chàng trai trẻ Lý Quang Diệu
1. Xuất thân
Lý Quang Diệu sinh ra trong một gia đình người Hoa gốc Khách Gia ở Singapore vào năm 1923. Gia đình ông thuộc nhóm người Hoa Peranakan, một cộng đồng người Hoa sống lâu đời ở Đông Nam Á có nền văn hóa pha trộn giữa Trung Hoa và các yếu tố địa phương. Chính môi trường giàu văn hóa ấy đã góp phần hình thành nên một con người tôn trọng sự đa dạng sắc tộc của Lý Quang Diệu sau này. Những chính sách thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng văn hóa của Singapore có lẽ đã được ảnh hưởng sâu sắc từ xuất thân của ông.
Gia đình Lý Quang Diệu thuộc tầng lớp trung lưu có tri thức, vậy nên ngay từ nhỏ ông đã được cha mẹ tạo điều kiện tốt nhất để theo đuổi con đường học vấn. Nhưng trong cuốn hồi ký của mình, ông tự mô tả thời tiểu học của bản thân là “không có gì nổi bật”.
2. Thuở thiếu thời
Có lẽ “không có gì nổi bật” đối với ông lại là xuất sắc với những con người bình thường như chúng ta, khi ông nhận được học bổng vào trường Raffle Institution – ngôi trường trung học danh tiếng nhất Singapore lúc bấy giờ. Ông bộc bạch rằng bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều lần để theo kịp 150 sinh viên đứng đầu toàn Singapore.
Năm 1942, Nhật Bản xâm lược Singapore nên Lý Quang Diệu buộc phải tạm dừng việc học. Ông trải qua ba năm rưỡi dưới sự cai trị của quân Nhật, sống trong lo sợ và khủng hoảng khi chứng kiến những khó khăn và khổ đau của người dân trong giai đoạn này. Tuy nhiên, chính những năm tháng thử thách ấy đã định hình nên một Lý Quang Diệu có ý chí và bản lĩnh, đồng thời hun đúc cho ông những niềm tin sơ khởi vào tương lai mai này của Singapore.
Chiến tranh kết thúc, Lý Quang Diệu tiếp tục theo học tại trường Raffles Institution, nhận học bổng du học tại Đại học Cambridge và tốt nghiệp ngành Luật với thành tích xuất sắc. Những năm học ở Anh đã mở rộng tầm nhìn của ông, củng cố niềm tin vào giá trị của giáo dục, pháp luật kỷ cương nếu muốn xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.
Thay vì lựa chọn các cơ hội rộng mở tại Anh, ông quyết định trở về Singapore và bắt đầu sự nghiệp luật sư tại quê nhà. Ông cũng tham gia những bước đầu tiên vào các hoạt động chính trị và trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi nổi bật nhất Singapore.
Việc Lý Quang Diệu trở về Singapore và theo đuổi chính trị là một quyết định táo bạo và đầy thử thách. Khi ấy, Singapore đang đấu tranh giành độc lập từ Anh và đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng niềm đam mê chính trị của Lý Quang Diệu có lẽ đã được hun đúc từ lâu trước đó, từ những cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề xã hội, các tư tưởng tiến bộ toàn cầu cho đến trăn trở về việc kiến tạo một Singapore thịnh vượng đã thôi thúc ông dấn thân. Đây được coi là một quyết định mang tính bước ngoặt, định hình cuộc đời Lý Quang Diệu và toàn bộ lịch sử Singapore sau này.
II. Hành trình bản lĩnh, quật cường của một “anh hùng thời loạn”
1. Giai đoạn khởi đầu và tham gia chính trị
Bắt đầu với vai trò luật sư là một bước đệm cho Lý Quang Diệu trong khoảng thời gian mới trở về quê nhà. Thời gian làm luật sư đã cho ông tiếp xúc nhiều vấn đề về xã hội và kinh tế của Singapore, từ đó nhận ra những bất cập cũng như tiềm năng của đất nước. Trong giai đoạn mới tham gia vào các phong trào chính trị, Lý Quang Diệu tập trung đặc biệt cho việc đấu tranh quyền lợi của công nhân và những lao động nghèo. Từ đây, ông đã kết nối với nhiều lãnh đạo công đoàn và những nhà hoạt động xã hội để hiểu rõ hơn về mong muốn của người dân.
Lý Quang Diệu bộc lộ những phẩm chất của một nhà chính trị vĩ đại ngay ở thời điểm này. Ông có sự đồng cảm sâu sắc với người dân lao động, có một tinh thần đấu tranh kiên định, sẵn sàng đối đầu với những lực lượng quyền lực, bất kể những thách thức và nguy hiểm phải đối mặt. Với khả năng tập hợp và lãnh đạo, truyền cảm hứng mạnh mẽ, ông cùng những người bạn thuộc giai cấp trung lưu đã thành lập nên Đảng Hành động Nhân dân PAP. Sứ mệnh của đảng PAP rất rõ ràng: Đấu tranh cho sự công bằng xã hội, cải thiện đời sống của người lao động và giành độc lập cho Singapore. Ngay từ khi thành lập, Đảng PAP đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ các tầng lớp xã hội, đặc biệt là nhóm công nhân và dân cư nghèo khó.
Năm 1954, ông Lý Quang Diệu cùng một nhóm bạn thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP). Ông nắm giữ vị trí Tổng thư ký của Đảng.
2. Giai đoạn đấu tranh giành độc lập, trở thành Thủ Tướng đầu tiên của Singapore
Vào năm 1955, Singapore tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên theo hình thức tự trị. Đảng PAP đã giành được ba ghế trong Hội đồng Lập Pháp, còn Lý Quang Diệu được bầu làm nghị sĩ.
Ông đã chứng tỏ mình là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng tương lai của Singapore bằng cách đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán với chính phủ Anh nhằm giành lại độc lập cho đất nước. Với những nỗ lực không ngừng, ông đã thành công trong việc thuyết phục Anh Quốc trao quyền tự trị cho Singapore.
Thành tựu này là một nền móng quan trọng cho cuộc bầu cử năm 1959, khi đảng PAP đã giành chiến thắng áp đảo với 43 trong số 51 ghế của Hội đồng Lập pháp. Chiến thắng này đã mở đường cho Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông.
Dù ngay sau khi nhậm chức, Lý Quang Diệu đã thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, xã hội nhưng vẫn gặp phải rất nhiều thách thức. Hiểu rõ Singapore là một đất nước nhỏ bé, còn thiếu thốn rất nhiều tài nguyên và nguồn lực nên ông đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển cho Singapore.
Nhận thấy mối đe dọa từ nhiều phía như quốc phòng, chính trị, kinh tế, vào 1963 Lý Quang Diệu đã khởi phát chiến dịch sáp nhập với Malaysia, biến Singapore trở thành một phần của Liên bang Malaysia. Việc sáp nhập vào Malaysia là một nước đi sáng suốt của Lý Quang Diệu nhằm tận dụng các lợi thế mà Malaysia có thể mang lại.
Thứ nhất về mặt an ninh quốc phòng, Liên bang Malaysia sở hữu một quân đội mạnh mẽ sẽ cung cấp sự bảo vệ cho Singapore trước các nguy cơ quân sự tiềm ẩn, bởi nếu tự mình đối phó thì Singapore rất khó có thể đứng vững.
Thứ hai về mặt lợi ích kinh tế, Malaysia sẽ giúp Singapore mở rộng thị trường nội địa, tăng cường trao đổi thương mại giữa các vùng, đặc biệt khi nền kinh tế của đất nước này đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài ra, Malaysia còn có nhiều tài nguyên dồi dào như dầu mỏ, gỗ và đất nông nghiệp. Việc sáp nhập sẽ giúp Singapore tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tài nguyên này.
Nổi cộm hơn cả ở thời điểm bấy giờ là tình trạng thất nghiệp, kinh tế đình trệ liên miên của Singapore. Việc liên minh với Malaysia sẽ giúp Singapore giảm bớt áp lực bằng cách mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Ở một bức tranh tổng quan, Lý Quang Diệu tin rằng việc tham gia vào Liên bang Malaysia sẽ là một bước tiến quan trọng không chỉ là về lợi ích kinh tế, mà còn giúp Singapore đạt được sự tự chủ và độc lập thực sự, thoát ra khỏi ảnh hưởng lớn từ Anh Quốc.
Tuy những lợi ích mà Malaysia đem lại là không thể phủ nhận, nhưng quyết định sáp nhập Singapore vào Liên bang Malaysia không phải là một lựa chọn dễ dàng mà đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và một tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Lý Quang Diệu.
Việc Malaysia và Singapore thuộc chung một liên bang có thể sẽ dẫn tới nguy cơ về mâu thuẫn sắc tộc, xung đột về mặt quyền lợi, chính sách cầm quyền. Lý Quang Diệu hoàn toàn nhận thức được rõ các thách thức, cơ hội và rủi ro, nhưng vẫn đưa ra quyết định này để đạt được mục tiêu lớn hơn: Bảo vệ và phát triển Singapore.
III. Từ đống tro tàn, Lý Quang Diệu một tay dựng xây cả một quốc gia
1. Cú ngã ngựa của Singapore, trở thành đảo quốc bị bỏ rơi
Tuy vậy, niềm vui chưa kịp nở trên môi ông Lý thì vỏn vẹn 2 năm sau, mối quan hệ giữa Malaysia và Singapore ngày càng chuyển biến xấu bởi những xung đột chính trị và sắc tộc. Singapore, với dân số chủ yếu là người Hoa đã nảy sinh mâu thuẫn với chính quyền liên bang Malaysia. Chính quyền Malay theo đuổi chính sách ưu đãi người dân Malaysia về giáo dục, việc làm và chính trị, khiến người dân Singapore cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Ngay cả Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Lý Quang Diệu cũng công khai chỉ trích chính sách phân biệt chủng tộc của chính quyền Malaysia, kêu gọi cải cách mới hướng tới một xã hội mang lại quyền lợi bình đẳng cho tất cả công dân. Mối quan hệ giữa hai đảng căng thẳng gay gắt tới mức một số người thuộc chính quyền Malaysia muốn bắt giữ Lý Quang Diệu.
Đỉnh điểm cho những xung đột không thể hòa giải này là cuộc bạo loạn sắc tộc lan rộng khắp Singapore năm 1964, khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương nghiêm trọng.
Ngày 9 tháng 8 năm 1965, Thủ tướng Malaysia đã quyết định loại bỏ Singapore ra khỏi Liên bang Malaysia với lời tuyên bố: “Cắt đứt mọi quan hệ với chính quyền của một tiểu bang đã không đưa ra bất cứ biện pháp nào chứng tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương”. Lý Quang Diệu khi ấy đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm khắc phục hậu quả, thuyết phục Malaysia cho Singapore ở lại Liên bang.
Ông chủ trương hỗ trợ các nạn nhân của bạo động và bồi thường thiệt hại, đàm phán với Thủ tướng Malaysia để tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng, nhấn mạnh việc hai đất nước có chung lợi ích và việc chia rẽ sẽ chỉ gây bất lợi cho hai bên. Thậm chí, Lý Quang Diệu còn đề xuất thành lập một “Hội đồng chung” để điều phối các vấn đề giữa hai nước.
Mặc những nỗ lực khẩn thiết ấy, Malaysia vẫn quyết định trục xuất Singapore khỏi Liên bang, đẩy Singapore vào tình thế trở thành một quốc đảo bị bỏ rơi. Lý Quang Diệu đã bật khóc trên sóng truyền hình và gọi đây là một thời khắc đau đớn nhất cuộc đời mình, đi ngược lại “tất cả những gì mà chúng ta mong muốn”. Đồng thời ông chính thức tuyên bố, Singapore nhỏ bé từ nay sẽ là quốc gia độc lập.
Khi viết về “cú ngã ngựa” lịch sử này trong hồi ký, Lý Quang Diệu không ngần ngại thể hiện sự cay đắng. Sau tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng một Singapore tốt đẹp hơn, giờ đây mọi thành quả dường như đã trở về con số không. Đây là một cú sốc tinh thần lớn đối với ông và cả dân tộc.
Tuy nhiên, liệu có vĩ nhân nào trên thế giới chưa từng trải qua những thời khắc đen tối như vậy? Có một câu nói về thái độ sống ngoan cường mà tôi rất tâm đắc: “When you’ve reached rock bottom, there’s only one way to go, and that’s up!”. Bước ngoặt này tưởng chừng sẽ đẩy Singapore vào một tình thế tuyệt vọng, nhưng ngược lại, nó đã trở thành động lực củng cố quyết tâm của Lý Quang Diệu trong việc xây dựng một Singapore độc lập và thành công.
2. Gian nan “luyện rồng” Singapore
Liệu có thể nói Singapore đã đi lên từ “tay trắng”? Vào năm 2006, ông Lý đã thẳng thắn thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn:
“Chúng tôi không có các yếu tố cơ bản làm nên một quốc gia: Dân tộc đồng nhất, ngôn ngữ, văn hóa và vận mệnh chung, chúng tôi không có những điều đó”.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi sáp nhập không thành, ông đã mạnh mẽ tuyên bố với thế giới: “Mười năm kể từ bây giờ, nơi đây sẽ là một đô thị lớn. Đừng bao giờ sợ hãi.” Đó là điều gần như không tưởng với Singapore thời bấy giờ.
Cần phải nhớ lại vào năm 1965, khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia, quốc gia non trẻ này đã mất đi sự tín nhiệm quốc tế và gặp vô vàn khó khăn trong việc thiết lập ngoại giao và xây dựng lòng tin. Mặc dù đã trở thành một đất nước độc lập, sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo vẫn là rào cản lớn trong việc xây dựng một khối nhân dân đoàn kết.
Thời điểm đó, dân số Singapore còn chưa đến 2 triệu người. Với nguồn nhân lực ít ỏi, Singapore rất khó để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ. Thêm vào đó, quốc gia này không có tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản, hay đất nông nghiệp rộng lớn để duy trì nền kinh tế. Điều này khiến Singapore phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu, tăng chi phí sinh hoạt lên gấp nhiều lần và rất dễ gặp khủng hoảng nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
3. Những cải cách tài ba của Thủ tướng Lý Quang Diệu
Mũi tên đầu tiên trong hàng loạt những cải cách tài ba của Lý Quang Diệu là chuyển đổi kinh tế. Ông hướng đất nước đến mô hình thương mại công nghiệp với nền kinh tế thị trường mở, tập trung tạo một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch. Ông Lý phát triển các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao như điện tử, hoá chất, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin để khuyến khích thương mại quốc tế, đồng thời áp dụng các chính sách như miễn thuế, giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.
Singapore nổi tiếng với chế độ “nhân tài trị” bởi con người là tài sản quý nhất mà quốc đảo này có. Triết lý của ông Lý Quang Diệu chính là: “Trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, chúng ta có thể khai thác được những điều tốt đẹp của người dân”. Ông Lý đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục để tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao, xây dựng một hệ thống bình đẳng với những cơ hội rộng mở và bình đẳng nhằm thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới.
Lý Quang Diệu còn thực hiện được một điều hiếm hoi ít thủ tướng nào làm được, đó là biến đất nước của mình trở thành nơi có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới. Ông tin rằng năng lực xuất sắc với những phẩm chất đáng tin cậy sẽ là vũ khí mạnh nhất của Singapore. Trong thời gian cầm quyền, ông đã ban hành những luật lệ cứng rắn, sẵn sàng dùng đến pháp luật để xử phạt với mục tiêu tạo nên một hệ thống chính trị liêm chính, lấy người dân làm trung tâm. Ông Lý quyết liệt tới mức quy định đồng phục của các vị trí chủ chốt lãnh đạo phải là màu trắng để thể hiện sự trong sạch, liêm chính của mình. Tất cả những điều đó đã mang lại một kết quả được thế giới thừa nhận, giống như ông từng tự hào tuyên bố:
“Nếu bạn mang theo sổ hộ chiếu Singapore ở bất cứ nơi nào bạn đi đến, người ta tự khắc biết bạn tượng trung cho tính liêm chính, năng lực và sự đáng tin cậy. Ở các nước giàu có, khi họ tìm một chuyên gia tài chính, họ sẽ đi tìm người Singapore!”
Với thực trạng đất nước chiếm đa số đều là dân nhập cư, Lý Quang Diệu hiểu rằng nhiều người chỉ coi Singapore là điểm dừng chân tạm thời. Để thuyết phục họ gắn bó và lập nghiệp tại đây, ông đã ban hành chính sách xây dựng nhà ở chất lượng với giá rẻ để các hộ gia đình đều sở hữu ít nhất một căn hộ tiện nghi. Song song đó là phát triển các dịch vụ y tế và an sinh xã hội chất lượng cao, giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cú chuyển mình “biến điểm yếu thành điểm mạnh” mà tôi thấy trầm trồ nhất của Lý Quang Diệu là việc ông quyết tâm xây dựng một xã hội hài hoà đa sắc tộc. Ông hiểu rằng sự bình đẳng trong giáo dục, việc làm và cơ hội kinh tế, cùng với sự tôn trọng và cởi mở, là yếu tố then chốt để tạo nên sự đoàn kết giữa các cộng đồng khác nhau Nhờ tầm nhìn này mà Singapore đã trở thành một trong những quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú bậc nhất châu Á, là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình và tầm nhìn xa trông rộng của ông.
IV. Di sản và tầm ảnh hưởng của Lý Quang Diệu để lại cho Singapore
Mặc dù vấp phải không ít chỉ trích trong đường lối lãnh đạo mà nhiều người gọi ông là “kẻ độc tài chuyên quyền”, song Lý Quang Diệu thẳng thắn đối mặt với những lời phê phán: “Chúng tôi cứ thấy đúng là làm, không quan tâm thiên hạ nghĩ gì”.
Bằng chứng rằng sau ba thập niên, Singapore đã vươn lên đứng đầu trong danh sách các nước phát triển nhất. Giờ đây, người Singapore đã ngẩng đầu kiêu hãnh với một quốc đảo xanh sạch nổi tiếng với hệ thống hạ tầng xa xỉ hiện đại bậc nhất, cùng một cuộc sống văn minh kỷ cương không có tham nhũng. Đây chính là di sản vĩ đại nhất mà ông Lý Quang Diệu để lại cho Singapore và những người kế nhiệm sau này.
Lý Quang Diệu đã dành trọn cuộc đời mình cho Singapore. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: “Nếu Singapore là một đứa trẻ, tôi tự hào vì đã chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy”. Ông không chỉ xây dựng một quốc gia từ đống tro tàn mà còn khắc sâu tên tuổi mình trong lòng mỗi người dân Singapore. Nếu có ai đó tìm kiếm đài tưởng niệm của Lý Quang Diệu, người dân Singapore có thể tự hào mà trả lời rằng: “Hãy nhìn xung quanh bạn”.
Cuộc đời Lý Quang Diệu sẽ luôn là một nguồn cảm hứng khổng lồ cho người dân Singapore và cả thế giới. Ông đã sống một cuộc đời nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng cho những lý tưởng cao đẹp, nghiêm khắc với bản thân để rèn luyện những phẩm chất đạo đức đáng quý. Lý Quang Diệu không chỉ là một kiến trúc sư lập quốc tài ba, mà còn là biểu tượng sống động cho sức mạnh ý chí, lòng kiên định và dũng cảm trước những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua.
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.