[Homo Scachorum] Paul Morphy dưới góc nhìn Phân tâm học (Phần 3/4)
Tháng sáu 28, 2024
ᴥ ᴥ ᴥ
TẠP CHÍ PHÂN TÂM HỌC QUỐC TẾ
TẬP XII THÁNG MỘT 1931 PHẦN 1
NGHIÊN CỨU NGUYÊN BẢN
ᴥ ᴥ ᴥ
VẤN ĐỀ CỦA PAUL MORPHY
MỘT ĐÓNG GÓP CHO NGÀNH PHÂN TÂM HỌC CỜ VUA
CỦA
ERNEST JONES
ᴥ ᴥ ᴥ
Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch
ᴥ ᴥ ᴥ
Giờ đây chúng ta nên nói gì đó về sự tiếp đón mà những thành công của Morphy nhận được, bởi chúng thuộc dạng thành công mà khiến người ta dấy lên câu hỏi liệu sự suy sụp sau đó của ông có phải là bị ảnh hưởng từ hình mẫu mà Freud đã miêu tả dưới cái tên Die am Erfoige scheitern (“Những người khốn khổ vì thành công”). Trước đó tôi đã nhắc đến Café de la Régence nơi diễn ra kì tích trác tuyệt là Morphy chiến thắng cùng một lúc tám kì thủ mạnh bằng cách chơi cờ bịt mắt; mọi người huyên náo đến nỗi binh lính phải chạy tới với lo ngại rằng ở đây vừa có thêm một cuộc cách mạng nữa. Morphy trở thành quý nhân của giới thượng lưu Paris, được chiêu đãi khắp nơi, lịch thiệp để mình bị các nữ công tước và hoàng nữ đánh bại trên bàn cờ, và cuối cùng rời Pháp trong hào quang rực rỡ, với đỉnh điểm là một bữa tiệc mà ở đó tượng bán thân của ông, do một nhà điêu khắc nổi tiếng tạo nên, được trưng bày với vòng nguyệt quế đội đầu. Sự tiếp đón dành cho ông khi trở về New York, nơi lòng yêu nước được thêm vào bên cạnh các cảm xúc khác, kể cũng dễ tưởng tượng. Công chúng cảm thấy rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một người Mĩ đã chứng tỏ được bản thân, không chỉ ngang bằng, mà còn vượt trội so với bất kì người đại diện nào đến từ các cựu quốc gia trong lĩnh vực này, đến mức mà Morphy đã thêm hẳn độ dài một cẳng tay cho tầm vóc của nền văn minh Mĩ. Trước sự có mặt của một hội đồng lớn trong nhà nguyện của trường Đại học, ông đã được tặng một bộ quà chứng nhận bao gồm một bàn cờ với các ô cờ làm bằng xà cừ và gỗ mun cùng với một bộ quân cờ bằng vàng và bạc; ông còn được nhận một chiếc đồng hồ bằng vàng, trên đó có các quân cờ nhiều màu thay cho các chữ số. Một sự cố xảy ra trong buổi tề tựu này mà có thể được nêu ra nhằm minh hoạ cho sự nhạy cảm của Morphy. Đại tá Mead, chủ tịch uỷ ban tiếp tân, đã ngụ ý trong bài phát biểu rằng cờ vua như là một nghề nghiệp, và dẫn Morphy ra như là một trường hợp điển hình suất sắc nhất. “Morphy phản đối việc bị coi là kì thủ chuyên nghiệp, dẫu chỉ là ngụ ý, và anh ấy bực mình với việc ấy đến mức khiến Đại tá Mead choáng ngợp vì bối rối. Việc bị mất thể diện trước sự việc không hay này đã khiến Đại tá Mead phải rút lui khỏi các hoạt động khác trong buổi tôn vinh Morphy này” (Buck). Tại Hội quán Công đoàn New York ông được tặng một vòng nguyệt quế bằng bạc. Sau đó ông tới Boston nơi có một bữa tiệc được tổ chức để tôn vinh ông với sự có mặt, bên cạnh nhiều người khác, của Agassiz, Oliver Wendell Holmes, Longfellow và Lowell; trong bài phát biểu tại bữa tiệc này Quincey đã đưa ra nhận xét hóm hỉnh: “Morphy vĩ đại hơn Caesar, bởi vì anh ấy đã đến và không thấy bị chinh phục.” Ngay sau đó ông được tặng một chiếc vương miện bằng vàng ở Boston.
Việc tâng bốc ở mức độ này đối với một chàng trai hai mươi mốt tuổi chắc chắn tạo ra sự căng thẳng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn tâm lí, và người ta có thể hỏi liệu việc này có góp phần vào bi kịch xảy ra sau đó hay không. Trong vấn đề này tôi xin trích dẫn một đoạn văn thú vị từ bài cáo phó được Maurian, người bạn từ thuở nhỏ của Morphy, viết sau đó nhiều năm. Maurian cho rằng ác cảm với cờ vua của Morphy – thứ mà, tiện nói, không được ông ta liên hệ đến chứng rối loạn tâm lí sau đó của bạn mình – xuất phát từ sự thành công mĩ mãn của Morphy, nhưng theo nghĩa hoàn toàn ngược lại với những gì chúng tôi vừa chỉ ra. Ông ta viết:
“Paul Morphy chưa bao giờ đam mê và tận hiến cho cờ vua như người đời lầm tưởng. Mối quen biết thân cận và việc quan sát lâu năm cho phép chúng tôi khẳng định chắc chắn điều này. Sự cống hiến duy nhất của anh ấy cho trò chơi này, nếu có thể gọi như vậy, nằm ở hoài bão gặp gỡ và đánh bại các kì thủ giỏi nhất và các kiện tướng vĩ đại nhất ở đất nước này và ở châu Âu. Anh ấy cảm nhận được quyền năng khổng lồ của mình, và không bao giờ mảy may nghi ngờ kết quả. Thực vậy, trước chuyến khởi hành đầu tiên hướng tới châu Âu, anh ấy đã tiên đoán trong riêng tư và khiêm tốn, nhưng hết sức tự tin, với chúng tôi về một thành công chắc nịch, và lúc trở về anh ấy bày tỏ sự đoan chắc rằng mình đã chơi không tốt và vội vàng – rằng đáng lẽ sẽ không có đối thủ nào của anh ấy có cơ hội chơi hay được đến thế. Nhưng, ngay khi hoài bão được thoả mãn, anh ấy dường như mất hết hứng thú với trò chơi này.”
Trước khi cố gắng trả lời câu hỏi vừa nêu lên, tôi nghĩ mình nên kết thúc câu chuyện và đưa ra lời giải thích về các diễn biến tâm lí sau đó. Khi định cư ở New Orleans, dự định của Morphy là cống hiến cho nghề luật, nghề mà ông sở hữu kiến thức xuất sắc. Tuy nhiên ông nhận ra rằng cái thanh danh không hợp lúc dưới tư cách kì thủ lúc này đã cản trở người đời nhìn nhận ông nghiêm túc dưới tư cách luật sư, và sự bất công này đã tàn phá nặng nề tâm trí ông. Buck, người được người thân của Morphy giúp đỡ trong việc biên soạn câu chuyện về những năm cuối đời của ông, cho biết rằng “Anh ấy từng phải lòng một tiểu thư giàu có và diễm lệ ở New Orleans và từng ngỏ lời với một người bạn chung về sự việc, người bạn đã đề cập chuyện này với nàng tiểu thư; nhưng cô nàng khinh miệt ý tưởng phải kết hôn với ‘một kì thủ đơn thuần’.”
Trong vòng một hai năm kể từ khi chú tâm vào thứ mà ông ấy dự định là nghề nghiệp nghiêm túc trọn đời của mình, cuộc Nội chiến nổ ra và Morphy đối mặt với viễn cảnh về một cuộc chiến tranh thực sự mà sẽ cản trở nỗ lực của ông trong việc dùng một ngành nghề hoà bình để thay thế cho trò tiêu khiển mô phỏng chiến tranh xưa kia.(6) Phản ứng tâm lí của ông là điểm đặc trưng của mẫu người đã xây dựng tính toàn vẹn tâm lí của mình bằng cách chuyển đổi ý định thù địch thành ý định thân thiện – ông vội vã đến Richmond, và giữa lúc chiến sự ông nộp đơn xin làm một chức vụ ngoại giao. Việc này bị từ chối và ngay khi về New Orleans, thành phố quê hương ông, nó đã bị quân thù phe Liên bang chiếm đóng. Gia đình Morphy chạy trốn trên một chiến hạm Tây Ban Nha để tới Cuba, sau đó là Havana, Cadiz và Paris. Ông sống một năm ở Paris rồi trở về Havana cho đến khi chiến tranh kết thúc.
(6) Trong cuộc thảo luận về nghiên cứu này, Dr. Bryan và Miss Sean rất coi trọng ảnh hưởng của tình tiết này đối với tâm trí của Morphy, và tôi có xu hướng đồng ý với họ; nó thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm thần, vì các trải nghiệm ở London chắc chắn là chứng loạn thần kinh chức năng.
Ở thời điểm đó trạng thái tâm lí của ông đã không hề ổn định chút nào rồi, bởi trong vòng vài năm sau khi trở về New Orleans, mẹ ông đã thuyết phục ông sống mười tám tháng tại Paris, trong chuyến ghé thăm thứ ba ở đó, với hi vọng rằng tình trạng thay đổi môi trường sẽ chữa lành cho ông. Ác cảm với cờ vua của ông lúc này đã toàn diện đến nỗi ông không lại gần những nơi liên quan đến chiến thắng xưa kia của mình.
Chẳng bao lâu sau những bằng chứng rõ rệt của chứng hoang tưởng xuất hiện. Ông tưởng tượng mình bị hãm hại bởi những người muốn cuộc đời ông trở nên khốn khổ. Những ảo tưởng của ông xoay quanh người chồng của chị gái ông, người quản lí tài sản của cha ông, người mà ông tin rằng đang cố cướp đoạt phần gia sản của ông. Ông thách ông ta đấu tay đôi và sau đó khởi kiện ông ta, dành nhiều năm để chuẩn bị cho vụ kiện này; tại toà người ta dễ dàng chứng minh rằng những lời buộc tội của ông là hoàn toàn vô căn cứ. Ông còn cho rằng mọi người, đặc biệt là người anh rể, đang cố đầu độc mình, và có thời gian ông từ chối nhận đồ ăn trừ khi mẹ ông hoặc em gái ông (chưa chồng) mang tới. Một ảo tưởng khác cho rằng người anh rể và người bạn thân, Binder, đang ủ mưu để phá huỷ quần áo của ông, thứ được ông yêu thích một cách phù phiếm, và để giết ông; một dịp nọ ông đến văn phòng của người bạn thân và bất ngờ hành hung ông ta. Ông được cho là đã dừng lại và nhìn chằm chằm vào mọi gương mặt xinh xắn trên đường phố, điều mà tôi quy căn nguyên cho sự tự nhận dạng nữ tính. Ông cũng rất say mê các loài hoa. Tôi xin dẫn ra một thói quen của ông trong thời gian này, dẫu không làm sáng tỏ nó được. Trong một giai đoạn nhất định, theo cháu gái ông, ông nghiện việc đi đi lại lại trước hiên nhà và nói lớn những lời sau: “Il plantera la bannière de Castille sur les murs de Madrid au cri de Ville gagnée, et le petit Roi s’en ira tout penaud.”(d) Nó nghe như một danh ngôn, nhưng nếu vậy thì tôi không tìm được nguồn, cũng không giải thích được ngụ ý. Nhịp sống của ông là đi dạo hằng ngày, rất đúng giờ vào buổi trưa và ăn mặc cực kì chỉnh tề, sau đó ông sẽ lui về nghỉ ngơi cho đến buổi tối thì ra ngoài nghe opera, không bao giờ bỏ lỡ một buổi diễn nào. Ông không gặp ai trừ mẹ mình, và sẽ nổi giận nếu bà ấy đánh bạo mời dẫu là những người thân thiết đến nhà. Hai năm trước khi qua đời ông được hỏi ý để xin phép đưa cuộc đời ông vào một dự án viết sách tiểu sử về những người nổi tiếng của bang Louisiana. Ông đã gửi một bức thư phúc đáp trong phẫn nộ, nói rằng cha ông, Thẩm phán Alonzo Morphy của Toà án Tối cao Louisiana, khi qua đời đã để lại khoản tiền 146.162 đô và 54 xen, trong khi bản thân ông không theo đuổi nghề nghiệp nào và không có liên quan gì đến tiểu sử. Nội dung trò chuyện của ông liên tục xoay quanh tài sản của cha, và chỉ cần nhắc đến cờ vua cũng đủ khiến ông nổi cáu.
(d) Tiếng Pháp: “Anh ta sẽ dựng biểu ngữ Castille trên các bức tường ở Madrid trước tiếng hò reo của Thành phố chiến thắng, và ông Vua nhỏ sẽ bỏ đi trong trong hổ thẹn bẽ bàng.”
Vấn đề mà chúng tôi đặt ra ngay từ đầu là đã có mối quan hệ nào giữa sự nghiệp cờ vua của Morphy với chứng rối loạn tâm thần sau này của ông? Sergeant đã dốc sức chứng minh rằng mỗi việc bận tâm vào cờ vua thôi thì không phải là vấn đề, và mọi chuyên gia y tế lẫn tâm lí có thể xác nhận quan điểm này. Bản tóm tắt của ông ta về sự phát triển của chứng rối loạn này đã rõ ràng đến mức đáng được trích dẫn đầy đủ. “Đầu tiên, Morphy có lí do chính đáng cho lòng ghét bỏ của mình, không phải với cờ vua mà với các kiện tướng cờ vua, những người mà ông ấy thấy là có tính cách rất khác với mình. Ông ấy lên đường – khi còn trẻ trung, hào sảng, nhiệt tình, chỉ mong nhận về, như ông ấy tuyên bố, không gì ngoài danh tiếng – rốt cuộc đã không gặp các hiệp sĩ đồng đạo mà chỉ toàn các tay múa bút xảo trá, quân vu oan giá hoạ, phường cờ gian bạc lận. Dẫu phải thừa nhận rằng ông ấy cũng gặp được những quý ông tử tế như Anderssen, Löwenthal, và phần lớn những kì thủ nghiệp dư hàng đầu ở London và Paris. Nhưng những vết thương hèn hạ do loại người thứ hai gây ra thì không dễ gì lành được. Thứ đến, ông ấy luôn giữ bản thân trong sạch trước mọi vết nhơ (theo ông ấy tưởng tượng dù đúng hay sai) của tính chuyên nghiệp trong cờ vua, dẫu vậy ông ấy vẫn liên tục bị, nếu không phải gọi thì ít nhất là nhìn, dưới tư cách chuyên gia. Và, cuối cùng, ông ấy ôm hoài bão với sự nghiệp mà mình đã chọn trong đời, và, thất bại trong việc ấy do sự kết hợp xui rủi của nhiều hoàn cảnh, ông ấy đổ lỗi cho cờ vua. Hoài bão lụi tàn chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến số phận đáng buồn của Morphy… Một con người siêu nhạy cảm như ông ấy không đủ khả năng chịu đựng những thử thách như vậy.” Có thể thấy Morphy đã nỗ lực che đậy vết thương của mình đến mức nào qua đoạn văn sau trích từ bài phát biểu tại buổi lễ tôn vinh ông khi trở về New York:
“Về chuyến du lịch châu Âu, tôi sẽ chỉ nói rằng nó thú vị ở gần như mọi khía cạnh. Về thảy những đối thủ mình đụng độ trong cuộc chiến hoà bình trên cánh đồng kẻ ô, tôi vẫn giữ được những hồi ức sống động và dễ chịu. Tôi thấy họ rất lịch thiệp, hào hiệp và nhã nhặn, giống như những tín đồ đích thực của trò chơi dành cho vua chúa.”
Hãy để tôi xem xét vấn đề theo góc độ khác. Chứng rối loạn tâm thần của Morphy xảy ra do sự thành công hay do sự thất bại và thất vọng của ông ấy? Phải chăng tình trạng của ông ấy giống với Pictor Ignotus của Browning, người mà chỉ cần chạm đến danh tiếng tối cao thôi là phải thét lớn rằng:
“Ý nghĩ ấy ngọt ngào đến mức tôi phải sợ!”
Phải chăng ông ấy tự nhủ, như Andrea, rằng:
“Sống cuộc sống vàng rực thay màu xám tối tăm,
Còn ta như con dơi tránh mặt trời rù quyến,
Không bỏ cuộc sống cũ trong bốn bức tường dày.”
Phải chăng ông ấy rút lui khỏi nhân thế cùng lời tự an ủi khinh miệt:
“Ít nhất trái tim ta không nhuốm màu thương mại.”(e)
(e) Những câu thơ này được trích từ hai bài thơ Pictor Ignotus và Andrea del Sarto của Robert Browning.
Diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm lí học, liệu Morphy có khiếp đảm trước sự kiêu ngạo của mình khi bị ánh mắt quần chúng chiếu vào? Freud đã chỉ ra rằng những người gục ngã dưới sức ép của một thành công quá lớn sẽ làm như vậy bởi vì họ chỉ chịu đựng được nó trong trí tưởng tượng chứ không trong thực tế. Hành động thiến người cha trong giấc mơ là chuyện rất khác so với trong thực tế. Tình huống thực tế sẽ kích động hết thảy cảm giác tội lỗi vô thức, và hình phạt có thể là suy sụp tâm lí.
Tôi không cho rằng lời giải thích toàn diện nằm ở đó. Chúng ta phải nhớ rằng trong mục đích cốt lõi, Morphy đã không thành công mà thất bại. Chúng ta đã thấy Staunton được ông coi là hình tượng người cha trịch thượng, và ông đã không có cơ hội tính sổ với ông ta. Sẽ hết sức hợp lí khi ông chứng tỏ mình là kì thủ mạnh nhất thế giới, với giả định chắc nịch rằng mình cũng đánh bại được cả Staunton. Nhưng sự thật phũ phàng là tên đối thủ trịch thượng này đã trốn tránh ông. Người cha đáng sợ ấy không những vẫn đang nhởn nhơ, mà còn biểu lộ dấu hiệu thù địch rõ rệt. Mục đích của Morphy đã không thành trong việc giải quyết cảm giác thù địch bị dồn nén dành cho cha mình – và nỗi sợ trước cảm giác thù địch mà cha dành cho mình – bằng cách chuyển dịch điều này thành một cuộc đấu đồng tính thân thiện. Tôi nghĩ là đoạn suy xét sau đây cho thấy một gợi ý rằng bản thân Morphy cũng phần nào nhận thức được về sự thất bại trong mục đích của mình. Lúc về New York, ông tuyên bố sẽ không đấu với bất kì người Mĩ nào nữa trừ khi chơi chấp quân, và điều này chắc chắn là hợp lí trong hoàn cảnh ấy. Nhưng vài tuần sau lúc về mái nhà an toàn ở quê hương New Orleans, ông đưa ra lời thách đấu đến thảy mọi người trên thế giới với việc chấp một tốt và một nước đi, đây là lần duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp cờ vua mà ông chắc chắn đã đánh giá quá cao thực lực của mình.(7) Tôi coi điều này là chỉ dấu của sự bù đắp tâm lí cho cảm giác thất bại tiềm ẩn, và nỗi lo âu khi sự ấy khuấy đảo trong vô thức của ông.
(7) “Trái với điều này, tôi thừa nhận, có một thực kiện rằng có một kiện tướng không thua gì Saint-Amant đã khẳng định là Paul Morphy trong tương lai có thể chơi chấp với mọi đối thủ.”
Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều hơn thế. Khi Staunton trốn tránh ông ấy, ông ta đã làm theo cách mà hẳn đã khơi gợi cho một người nhạy cảm, như Morphy, rằng mục đích của ông ấy là thứ bất chính. Chúng ta biết rằng sự toàn vẹn tâm lí phụ thuộc chủ yếu vào sự toàn vẹn đạo đức, rằng sự ổn định tâm lí chỉ có thể tồn tại khi không có cảm giác tội lỗi. Morphy sẽ không thể nào bộc lộ được những năng lực mình có nếu tài năng và hoạt động tâm lí của ông được tự do nhằm giúp ông tập trung hoàn toàn vào những nhiệm vụ mà mình đặt ra. Nhưng điều này chỉ xảy ra trong chừng mực ông được giải vây khỏi mọi khả năng của các phản lực bị khuấy động trong vô thức của mình. Ông dễ bị tổn thương trước mọi thứ có thể làm được điều đó. Trước đó tôi đã chỉ ra rằng ông đã nhạy cảm một cách bất thường đến thế nào trước mọi ám chỉ rằng mục đích của ông có thể sẽ không được đón tiếp một cách thân thiện, tức là chúng có thể bị đối xử như thể bản thân chúng là thứ không thân thiện; trước mọi gợi ý rằng chúng không đến từ các động cơ trong sạch, đặc biệt là khả năng chúng bị vấy bẩn bởi các động cơ vụ lợi; và trước mọi thái độ thể hiện lòng coi thường đối với bản chất trẻ con của chúng.(8)
(8) Bạn có thể thấy Morphy đã “đạo đức hoá” thú tiêu khiển này một cách đẹp đẽ như thế nào trong đoạn văn sau đây lấy từ bài phát biểu đã được trích dẫn: “Nó không chỉ là thú giải trí hết sức thú vị và khoa học, mà còn hết sức đạo đức. Không giống những trò chơi khác mà trong đó lợi nhuận là kết quả và mục đích của các đấu thủ, nó tự tiến cử mình tới trước những người khôn ngoan, bằng thực tế là các cuộc đánh trận giả của nó diễn ra không vì phần thưởng hay danh dự. Nó tuyệt đối và dứt khoát là trò chơi của triết gia. Hãy để bàn chơi cờ thế chỗ bàn đánh bài và sự cải thiện vĩ đại sẽ hiển lộ trong đạo đức của cộng đồng.”
Staunton đã gây tổn thương sâu sắc cho ông ấy ở cả ba khía cạnh này. Lối hành xử của ông ta với ông ấy rõ ràng là trái ngược với tính thân thiện – có thể nói không ngoa là thô bỉ; thực tế ông ta đã cáo buộc ông ấy là một tay du đấu kiết xác; và rốt cuộc ông ta né tránh ông ấy bằng cái cớ rằng mình còn có nhiều vấn đề nghiêm túc hơn, tức là người lớn hơn, để bận tâm. Trước những cáo buộc này Morphy đã ngã lòng, ông chịu thua và từ bỏ con đường xấu xa trong sự nghiệp cờ vua của mình. Sự ấy như thể người cha đã vạch trần ý định xấu xa của ông và giờ đây lại dùng chính thái độ thù địch ấy để chĩa vào ông. Điều tưởng chừng như là một biểu hiện vô tư và đáng quý trong nhân cách của ông giờ đây hoá ra lại là những ước muốn hết sức ấu trĩ và đê tiện, những xung năng vô thức nhằm tấn công tình dục người cha và đồng thời làm ông ta nhận thương tích vĩnh viễn; nói ngắn gọn, nhằm “mate” ông ta theo cả nghĩa tiếng Anh [giao cấu] lẫn tiếng Ba Tư [giết vua] của từ ngữ này. Tuân theo mong muốn của người cha thực sự của mình, giờ đây ông tập trung vào công việc của người lớn tức nghề luật và bỏ ngang thứ được gọi là công việc của trẻ con tức cờ vua.(9) Nhưng đã quá muộn rồi; “tội lỗi” đã đi theo ông. Trong hai điều thuộc về tuổi trưởng thành, một sự nghiệp nghiêm túc giữa những người đàn ông và tình yêu đến từ phụ nữ, cờ vua đã đeo bám và cản trở ông. Ông chưa bao giờ thoát được khỏi “tội lỗi” của thời trẻ và tìm được vị trí của mình giữa những người đàn ông. Không đáng ngạc nhiên khi sự dằn hắt cờ vua của ông ngày càng trở nên mạnh mẽ, đến mức ông căm ghét chính cái tên của nó. Cách thức duy nhất còn sót lại cho ông trong nỗ lực giải quyết gánh nặng tội lỗi của mình là phóng chiếu nó. Trong ảo tưởng bị đầu độc và cướp bóc của ông, chúng ta nhận ra những dị tưởng mang tính bạo dâm đường miệng và đường hậu môn được phóng chiếu lên người chồng của chị gái ông. Sự thân thiện đồng giới của ông dành cho đàn ông đã tan vỡ, và cảm giác đối kháng tiềm ẩn đã bộc lộ. Điều này được thể hiện trong mối quan hệ của ông với anh rể, hiển nhiên là người thế chỗ cho anh trai ông, trong khi đó giai thoại cuối cùng về cuộc đời ông, mà đã kể bên trên, cho thấy ông đã trung thành với sự tán dương và tôn kính dành cho cha mình đến thế nào, với người mà có đặc quyền gia trưởng trong việc “kiếm tiền.”
(9) Xin trích lại một lần nữa bài phát biểu đã nói bên trên: “Cờ vua chưa bao giờ và không bao giờ có thể là gì ngoài một trò giải trí. Nó không nên được nuông chiều để làm tổn hại đến những thú vui khác nghiêm túc hơn – không nên được cho lôi cuốn hoặc nuốt trọn suy nghĩ của những tín đồ tại điện thờ của nó, mà nên được giữ ở phía sau, và được hạn chế trong phạm vi phù hợp với nó. Dưới tư cách một trò chơi, một thú tiêu khiển sau những công việc khắc nghiệt của cuộc sống, nó xứng đáng với những lời tuyên dương.”
Có lẽ một kết luận chung sẽ xuất hiện khi chúng ta suy ngẫm về câu chuyện bi thảm này. Nó dường như cung cấp manh mối nào đó về mối liên hệ ai cũng công nhận giữa thiên tài và sự bất ổn tâm lí. Biết đâu trường hợp của Morphy là trường hợp chung. Thiên tài hiển nhiên là năng lực áp dụng những năng khiếu lạ thường với sự tập trung cao độ, ngay cả khi chỉ trong tạm thời. Tôi gợi ý rằng điều này, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào năng lực đặc biệt trong việc tìm ra những điều kiện mà ở đó cảm giác tội lỗi vô thức có thể được kìm nén tuyệt đối. Điều này rõ ràng có liên quan đến tính khắc khổ, tính chân thành, và sự trong sạch nổi tiếng của lương tâm nghệ thuật. Tuy nhiên nó được mua với cái giá là tính toàn vẹn tâm lí sẽ dễ bị tổn thương trước mọi sự xáo trộn tác động vào những điều kiện tối cần thiết này. Và đó dường như là bí mật của “óc nhạy cảm nghệ thuật.”
Câu chuyện cũng thích hợp cho việc thảo luận về một số suy xét phân tâm học quan trọng mà tôi đã không có đủ thời gian để trình bày ở đây.
Người ta sẽ nhận thấy rằng, để cho đơn giản vấn đề, tôi đã mặc định coi những tài năng của Morphy là một dấu hiệu của năng lực thăng hoa, và câu hỏi đáng được đặt ra rằng liệu đây có phải là một miêu tả chính xác hay là một cách nguỵ trang của xung năng thù địch được thoả mãn, như là xung năng giết cha. Để trả lời, tôi phải thừa nhận rằng các xung năng đứng sau việc chơi cờ rốt cuộc mang tính chất hỗn hợp, nhưng quá trình cốt lõi đối với tôi có lẽ là quá trình mang xung năng tính dục. Tôi quan niệm rằng các xung năng giết cha được ràng buộc bởi xung lượng khiêu dâm, thực tế là xung lượng đồng tính, và điều này tới lượt nó được thăng hoa. Giá trị to lớn của quá trình này đối với sức khoẻ tâm thần của Morphy đã lộ rõ qua những suy xét đã nếu trên, và tôi coi đây là ví dụ về một quy luật tổng quát quan trọng, đó là quá trình thăng hoa rốt cuộc lại mang chức năng phòng vệ.(10) Bằng cách giải phóng năng lượng bản năng theo con đường uốn cong, và đặc biệt bằng cách chuyển hoá sự hung hăng tính dục, nó bảo vệ bản ngã trước những mối nguy mà chúng ta đã biết là bắt nguồn từ việc tích luỹ quá mức những năng lượng ấy.
(10) Dr. Glover đã đưa ra kết luận tương tự trong nghiên cứu gần đây của ông ấy trước Hiệp hội này: Sublimation, Substitution and Social Anxiety (Sự thăng hoa, sự thay thế, và nỗi lo âu xã hội), tháng Mười, 1930.
Cuối cùng, cần phải chỉ ra rằng khi người ta nói trên phương diện lâm sàng về “sự suy sụp của sự thăng hoa” là thật ra người ta muốn nói đến việc chấm dứt chức năng phòng vệ của nó. Morphy vẫn có thể chơi cờ sau khi bị suy nhược tâm lí ngang với trước đó, như có thể thấy từ các ván cờ được chơi túc tắc với Maurian: trong hầu hết, mà có thể là tất thảy, trường hợp như vậy, năng lực thực tế đạt được trong quá trình thăng hoa vẫn còn nguyên vẹn. Thứ bị mất mát là năng lực sử dụng tài năng này làm một phương tiện phòng vệ trước những xung năng ồ ạt của bản năng, và đây thật sự là điều mà bệnh nhân e ngại khi họ bày tỏ nỗi lo âu rằng “phân tâm học sẽ tước đoạt khỏi họ sự thăng hoa.” (11)
(11) Những tài liệu gốc làm cơ sở cho tiểu luận này hầu hết đều có thể tìm được thông qua thư mục tham khảo trong Bách khoa thư Britannica (ấn bản thứ mười một và mười bốn), và quyển Morphy’s Games of Chess (Các ván cờ của Morphy) của P. W. Sergeant (1921). Tôi cũng biết ơn Mr. Sergeant rất nhiều vì lòng hào hiệp của ông trong việc gửi cho tôi nhiều tài liệu chưa được xuất bản, bao gồm bản thảo của một quyển sách sắp xuất bản khác của ông ấy về Paul Morphy. Tôi cũng mang ơn cháu gái của Paul Morphy, Mrs. Morphy-Voitier người New Orleans, vì đã chu đáo cung cấp cho tôi nhiều thông tin hữu ích về ông ấy và gia đình.
ᴥ ᴥ ᴥ
Bài gốc: của Ernest Jones.
ᴥ ᴥ ᴥ
TORNAD
28/06/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI Gemini
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.