CHÂN DUNG KẺ GIẾT VỢ TRONG VỞ KỊCH “TRÒ CHƠI MẤT TÍCH” TỪ GÓC NHÌN LÝ THUYẾT XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH

Tháng bảy 1, 2024

Để lý giải xung đột của kịch thông qua một nhân vật thì có rất nhiều lý thuyết, một trong số đó có thể ứng dụng chính là lý thuyết xung đột gia đình bằng cách phân tích cụ thể diễn biến hành động, ngôn ngữ và nhân vật trong vở kịch để từ đó thấy được nhân vật được phát triển ra sao. 
Từ khoá: xung đột, gia đình, mẫu thuẫn, quyền lực. 

Đặt vấn đề: Một bi kịch trong một gia đình có sự xuất hiện của bi kịch của một gia đình khác không? Đâu là ranh giới giữa tình cảm con người dành cho nhau với tình cảm mà chính mình dành cho bản thân? Câu trả lời có thể được lý giải thông qua vở “Trò Chơi Mất Tích”. Mặc dù có rất nhiều các lý thuyết khác giả thích cho những mâu thuẫn gia đình bên trong vở kịch “Trò Chơi Mất Tích” thế nhưng dưới góc độ lý thuyết Xung đột Gia đình lý giải dễ hiểu và là một trong những căn nguyên sâu sa của việc mâu thuẫn, bất hoà và thậm chí có những cá nhân đánh mất đi đạo đức và tình yêu thương gia đình. Tính xung đột của kịch cho thấy rõ những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân và gia đình của nhân vật từ đó soi chiếu vào xung đột nội tâm của một cá thể thuộc tổ hợp người có mối quan hệ gắn bó thân mật thông qua lý thuyết này.
Lý thuyết xung đột gia đình và mối liên hệ trong xung đột kịch
Lý thuyết xung đột gia đình được phát triển từ Lý thuyết Xung đột (Conflict Theory), xem gia đình là một xã hội thu nhỏ để lý giải những mâu thuẫn của hôn nhân và các mối quan hệ trong một gia đình.  Bởi vậy cóthể hiểu rằng, sự bất bình đẳng về của cải và quyền lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng dẫn đến những mâu thuẫn xung đột. Về cơ bản lý thuyết thể hiện tính bất hợp tác, sự chia rẽ. Trong vở “Trò Chơi Mất Tích” thể hiện thông qua cuộc hôn nhân giữa Thường (chồng) và Hậu (vợ). 
Câu chuyện xoay quanh về cuộc hôn nhân được cho là không “môn đăng hộ đối” giữa Thường và Hậu, khởi nguồn từ sự tự ti và bất mãn của Thường đối với vợ rồi đến bước ngoặt công ty gia đình họ gặp sự cố lớn. Thường dường như bị Hậu gạt bỏ ra khỏi vị trí điều hành công ty, đối với anh điều này như bị vợ mình “xoá” đi vai trò giải quyết cũng như quyền tự quyết định. Bắt đầu từ đây, Thường nảy sinh âm mưu giết vợ để đoạt quyền lực và của cải. Dưới góc độ lý thuyết xung đột, nhân vật Thường quyết định hành động để đòi lại quyền lợi của chính mình. Sau này, quyết định này chuyển biến thành dã tâm phải giải quyết triệt để thế lực đối chọi với mình – tức vợ của anh, cô cũng là người đang nắm giữ quyền lực và nhiều của cải hiện tại. Sự chênh lệch về của cải và quyền lực trong gia đình trở thành nỗi ám ảnh trong nội tâm của Thường. 
Sự xung đột trong vở kịch không chỉ dừng ở một cuộc hôn nhân trong một gia đình mà còn liên quan đến gia đình khác. Bi kịch gia đình Thường ảnh hưởng đến cả bi kịch gia đình Nhâm – người hàng xóm cũ, vì khó khăn tài chính để chữa bệnh cho con Nhâm đã làm liều nhận tiền từ Thường để ám sát Hậu. Hệ quả của hành động đó là Hậu mất tích và bị mất trí, bé Hiền thiếu vắng sự chăm sóc từ mẹ còn Nhâm cũng không chạy chữa được cho con mình, anh sống trong tội lỗi dày vò. Có thể thấy rằng thực ra Nhâm không hề chịu bất cứ sự đe doạ nào từ Thường mà anh chịu sự áp lực của vai trò “trụ cột” kinh tế trong gia đình, chính điều này mới khiến Thường chi phối được Nhâm. Đây chính là sự xung đột về của cải và quyền lực trong gia đình Nhâm. 
Từ những điều trên, xung đột trong kịch thể hiện qua hành động của nhân vật Thường và cả nhân vật Nhâm cho thấy được mối quan hệ giữa sự chênh lệch, bất bình đẳng về của cải và quyền lực giữa các thành viên trong gia đình. Chính điều ấy cũng kéo theo áp lực của vai trò “trụ cột” của một người trong một cuộc hôn nhân được thấy qua bi kịch trong một gia đình có cả sự xuất hiện của bi kịch của một gia đình khác. 
 Hậu trong thời gian khủng hoảng tinh thần sau khi bị ám sát hụt.

Hậu trong thời gian khủng hoảng tinh thần sau khi bị ám sát hụt.
Phác hoạ chân dung kẻ giết người từ lý thuyết. 
Những mâu thuẫn quyền lực và của cải trong cuộc hôn nhân dẫn đến buộc phải tranh chấp, điều này thể hiện thông qua hành động, nhân vật và ngôn ngữ của nhân vật Thường. Lúc mở màn Thường xuất hiện với hình ảnh là một người cha mẫu mực, người chồng rất yêu thương vợ của mình, Thường làm một trợ lý giám đốc đắc lực cho vợ. Trong căn biệt thự, bức tranh nữ chủ thật to treo trong phòng khách do chính Thường cất công tìm thuê một hoạ sỹ lão luyện tay nghề vẽ tranh dành tặng cho Hậu. Khi công ty gặp sự cố lớn, cuộc cãi vả căng thẳng giữa hai người đã động chạm đến nỗi tự ái, tự ti thầm kín bên trong Thường từ bao lâu nay. Sau này khi Hậu mất tích, Thường tuyên bố mình là tổng giám đốc và luôn tìm cách để chiếm đoạt được số tài sản của vợ, và bức tranh nữ chủ nhân khi trước cũng được Thường thay bằng tranh của Diễm – cũng chính là chị vợ của Thường. 
Người chồng mẫu mực ấy quyết tâm thuê người giết vợ và truy sát người đầu ấp tay gối của mình đến cùng. Trong suốt thời gian Hậu mất tích, Thường ngoại tình với Diễm và rắp tâm biến Diễm thành công cụ phục vụ cho tham vọng quyền lực của mình. Có thể nói, Thường thể hiện quyền lực của mình lên những điều nhỏ nhất, anh tuyên bố mình có quyền thay đổi nữ chủ nhân của căn biệt thự này nếu anh muốn. Khi cuộc hôn nhân xuất hiện sự rạn nứt, tranh đấu giữa Thường và Hậu, anh thực hiện âm mưu giết vợ, tức hành động tiêu diệt người đối đầu với mình (Hậu) và áp đặt quyền lực lên người đồng hành với mình (Diễm). 
Sự xung đột xảy ra thì ngôn ngữ của nhân vật Thường cũng từ sự điềm đạm, hiền từ trở nên có dữ dằn, thị uy vì tham vọng khẳng định quyền lực của mình lên đối với tất cả mọi người xung quanh. Thường muốn thay thế và xoá đi vị trí quyền lực và tài sản của Hậu nên luôn tìm kiếm và truy sát cô trong âm thầm. Thường luôn lo sợ Diễm sẽ phản bội mình và trở thành Nhơn Hậu thứ 2 nên anh luôn tìm mọi cách để thao túng tinh thần để áp đặt Diễm làm những việc phục vụ mục đích quyền lực của mình. Tất cả sự thay đổi từ một người đạo mạo, mẫu mực của gia đình chuyển biến thành kẻ bất chấp luân lí của đạo vợ chồng từ khi xung đột trong kịch xuất hiện được đã phác hoạ nên chân dung của một người đàn ông tự ti, khao khát được công nhận dần chuyển sang uất hận, một mực cho rằng mình bị khinh thường dẫn đến quyết tâm phải trừ khử đi kẻ đã coi thường và chống đối mình. 
Lần đầu tiên chạm mặt của mối quan hệ tay ba Diễm - Thường - Hậu.

Lần đầu tiên chạm mặt của mối quan hệ tay ba Diễm – Thường – Hậu.
Cái chết của kẻ giết vợ trong ranh giới cá nhân và gia đình.
Góc nhìn của lý thuyết xung đột đã lý giải được những xung đột trong vở kịch, từ đây có thể phác rõ chân dung kẻ giết vợ – nhân vật Thường là một người ra sao để người xem có thể hình dung được ranh giới giữa tình cảm con người dành cho nhau với tình cảm mà chính mình dành cho bản thân. Nhân vật Thường đã rơi vào ranh giới giữa việc khẳng định vị trí người chồng với vợ mình trong gia đình, sự đấu tranh ban đầu dường như mang tính đúng đắn đối với bản thân anh nhưng cuộc tranh cãi lần cuối như “giọt nước tràn li” khiến anh tự chọn bước vào những điều sai trái, đầy bi kịch. 
Đến khi hay tin Hậu đã ở ẩn ngoài biển đảo, Thường tức tốc đến nơi đó để tìm cho ra Nhơn Hậu. Thường đến nơi với một nỗi sợ Hậu khoẻ mạnh, phục hồi trí nhớ và tinh thần. Anh ta càng sợ hơn nữa Diễm và con gái đều có ý phản kháng lại, mong muốn Hậu quay trở về càng sớm, như vậy người vợ mất tích kia chắc chắn quay trở lại đất liền. Điều này với Thường đồng nghĩa rằng anh ta sắp bị kết thúc quyền lực và tài sản hay tệ hơn là phải ngồi tù. Chỉ có cách giết chết người vợ giám đốc ngay lúc này của mình thì anh mới được di sản thừa kế và quyền điều hành toàn bộ công ty, bởi vậy Thường đã buông những lời lẽ cay nghiệt nhất dành cho Hậu và Nhâm sau đó anh hùng hổ lao vào kết liễu Hậu. Thường giết hụt Hậu và trượt chân xuống vách núi tử vong.
Cái chết của Thường vốn dĩ không để lên án hay sự trả thù nào cho một kẻ phản diện trong kịch, mà ở đây cái chết ấy đặt dưới lý thuyết xung đột trong gia đình là sự “một mất một còn” khi có sự đấu tranh tuyệt đối xảy ra. Kết cục dù có ra sao cho nhân vật lúc này cũng đều là nỗi đau đớn của một gia đình được xuất phát từ xung đột quyền lực và của cải đứng ở ranh giới cho bản thân hay cho gia đình. Cái kết của kẻ giết vợ trở thành nỗi đau mà người vợ phải đối diện, Hậu không chỉ mỗi là sự mất mát đi người chồng muốn ám sát mình mà còn chính là một người mẹ sẽ đối diện ra sao với đứa con gái trong độ tuổi dậy thì nhạy cảm về sự mất tích suốt thời gian qua của một người mẹ và bây giờ là cái chết đột ngột của người cha.
Khoảnh khắc Nhâm xin được "tạ tội" với người bạn thanh mai trúc mã - Hậu.

Khoảnh khắc Nhâm xin được “tạ tội” với người bạn thanh mai trúc mã – Hậu.
Kết luận: Tóm lại, lý thuyết xung đột gia đình coi gia đình là một xã hội thu nhỏ trong đó mỗi thành viên đều có những nhu cầu và tư hữu riêng bởi vậy khi những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra điều không thể tránh khỏi là xung đột và đấu tranh cho bản thân, thậm chí có khả năng xảy ra sự loại trừ lẫn nhau đặc biệt là con người mất đi nhận thức về giá trị đạo đức và tình yêu thương mà khán giả đã được thấy qua vở kịch “Trò Chơi Mất Tích”. Đồng thời, lý thuyết cũng đã giúp việc nhìn nhận và tìm ra nguyên nhân đổ vỡ cuộc nhân của Thường trở nên có cơ sở và sâu sắc hơn, nhất là khi đối chiếu với nhân vật nam khác cũng cùng một trí ví và vai trò trong gia đình. Tuy nhiên, điểm hạn chế của việc áp dụng toàn bộ lý thuyết này lên đối với nhân vật khác thì trở thành vô nghĩa bởi trong vở kịch ngoại trừ Thường thì Nhâm đã biết hối cải và tình nguyện chăm sóc Hậu suốt đời nếu cô không phục hồi cũng như hai cha con nhà ông Tám hoàn toàn thấu hiểu được mặt hy sinh thiêng liêng của cá nhân dành cho gia đình. Bên cạnh đó, vở kịch này cũng có thể liên kết mở rộng đưa những góc nhìn khác như bình đẳng giới trong hôn nhân, áp lực tài chính trong hôn nhân, vai trò của giới trong hôn nhân dị tính,…
Hậu trong thời gian bị mất tích tại đảo.

Hậu trong thời gian bị mất tích tại đảo.

Tài liệu tham khảo:
1. Lý thuyết xung đột trong lý giải mâu thuẫn xung đột vợ chồng trong gia đình, tác giả Cù Thị Thanh Thuý, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công đoàn, số 9 tháng 11/2017.
2. Các lý thuyết tiếp cận nghiên cứu gia đình và văn hoá gia đình trong xã hội hiện nay, tác giả Vũ Thị Phương, Khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật – Trường Đại học Văn Hoá, đăng tải ngày 04/4/2018.
Nguồn ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, báo Tuổi trẻ, báo Người lao động.

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.