Chuyên gia bàn cách gỡ khó cho hệ thống trường cao đẳng

Tháng năm 31, 2024

Chuyên gia bàn cách gỡ khó cho hệ thống trường cao đẳng

Hôm nay 31.5, tại Văn phòng Thaco Chu Lai (đóng tại H.Núi Thành, Quảng Nam), Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo “CĐ – thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành về giáo dục và gần 100 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ trên cả nước.

Chuyên gia bàn cách gỡ khó cho hệ thống trường cao đẳng- Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về giáo dục

MẠNH CƯỜNG

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết trong hoạt động các trường CĐ như: thể chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; chuyển đổi số; các vấn đề liên quan đến hoạt động của CĐ sư phạm, CĐ y tế, CĐ nghề…

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho hay ở nước ta hệ thống đào tạo CĐ đã xuất hiện và gắn chặt với ĐH từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước ta tiếp tục duy trì và củng cố các trường CĐ trung học và chuyển hướng hoạt động nhằm phục vụ kháng chiến kiến quốc. Sau năm 1975, thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ CĐ nước ta phát triển rất mạnh và không ngừng.

Chuyên gia bàn cách gỡ khó cho hệ thống trường cao đẳng- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo

MẠNH CƯỜNG

Chính sự phát triển mạnh của hệ CĐ đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực nước nhà qua các thời kỳ, gồm đội ngũ y sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên… nắm giữ các vị trí quản lý trung gian trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, kể từ khi đất nước thống nhất, các trường CĐ đã đào tạo đội ngũ giáo viên chủ lực để thực hiện công cuộc phổ cập giáo dục. Đội ngũ y sĩ được đào tạo từ các trường CĐ y tế cũng có mặt ở mỗi làng, xã giúp chăm lo sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2014, luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 đã bãi bỏ những quy định liên quan đến trình độ CĐ thuộc bậc ĐH ở các luật trước đó (điều 76, 77). Chính sự thay đổi này kéo theo nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách, phương thức quản lý, đầu tư đối với hệ CĐ. Hiện tại, hệ CĐ đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả về số lượng và chất lượng.

PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định, đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới các trường CĐ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển sinh, hạn chế liên thông giữa các trình độ CĐ với giáo dục ĐH. Ngoài ra, các trường CĐ công lập đang trong xu thế sắp xếp giảm đầu mối; một số được sáp nhập vào cơ sở CĐ nghề, vào cơ sở giáo dục ĐH mà không thuộc sứ mệnh, thậm chí phải giải thể; những trường còn lại đa số rơi vào tình trạng bế tắc…

PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tại hội thảo này, chúng ta cùng nhìn lại thực trạng của hệ thống CĐ, chỉ ra những khó khăn vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ để tìm lại vị trí xứng đáng cho các trường CĐ…

Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc THACO Industries, đại diện lãnh đạo Thaco phát biểu chào mừng tại hội thảo cũng khẳng định hội thảo là cơ hội quý báu giúp các trường CĐ nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động. Theo ông Đỗ Minh Tâm, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam quy tụ các thành viên là các trường ĐH, CĐ không phân biệt công tư trên phạm vi cả nước. Hoạt động của hiệp hội là độc lập, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, hỗ trợ các hội viên để hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Việc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam chọn Thaco Chu Lai là nơi tổ chức hội thảo “CĐ – thực trạng và giải pháp” là cơ hội để Trường CĐ Thaco cùng các cơ sở đào tạo trao đổi, thảo luận tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo…

Ưu tiên đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện liên thông, đánh giá lại hiện trạng 

Tại hội thảo, các chuyên gia gợi ý, thảo luận về một số giải pháp nổi bật để phát triển hệ CĐ.

Đối với cơ quan ban ngành phụ trách hệ thống đào tạo sau THPT, rất cần các cơ quan, ban ngành, cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, khắc phục tính thiếu liên kết đồng bộ, liên thông. Các cơ quan quản lý hoạt động giáo dục đào tạo cần thực hiện thống kê số liệu, nghiên cứu cập nhật tình hình đào tạo thực tế, ban hành những chính sách quy định hoạt động thi, xét tuyển nhằm có sự phân tầng phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ giữa các hệ đào tạo.

UBND các tỉnh, thành cần đầu tư đúng mức và ưu tiên cho trường CĐ do địa phương quản lý, có những chính sách mang tính đột phá để các trường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các địa phương. Tăng mức đầu tư và học bổng cho sinh viên CĐ; các chính sách ưu đãi với doanh nghiệp nhận sinh viên CĐ; nâng cao năng lực và đầu tư chiều sâu cho cán bộ, giảng viên CĐ (tương tự các chương trình đã làm với hệ ĐH). Cần tạo điều kiện các trường CĐ của Việt Nam kết nối với một số trường có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế để liên kết đào tạo, cấp bằng.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá một cách cụ thể, chính xác chất lượng hiện nay của các trường CĐ trên các mặt: Tính chiến lược của ngành, nghề đào tạo trước yêu cầu của xã hội trong hiện tại và tương lai; đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo; đầu vào, đầu ra; kết quả làm việc của người học sau khi ra trường…

Trên cơ sở đó, cơ cấu lại hệ thống các trường CĐ cho phù hợp yêu cầu nhằm khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và tập trung tài chính, nhân lực…


Bạn đang đọc Chuyên gia bàn cách gỡ khó cho hệ thống trường cao đẳng tại website hungday.com