TƯỞNG GIỚI THẠCH – TỔNG THỐNG KHAI QUỐC CỦA ĐÀI LOAN (P.1)

Tháng bảy 6, 2024

Thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng khi nhắc tới cái tên Tưởng Giới Thạch thì chắc chắn đều không cảm thấy lạ lẫm gì. Chiến tranh có kẻ thắng thì cũng phải có người thua. Và trong cuộc nội chiến giữa phe Cộng sản Trung Quốc và phe Quốc Dân đảng, kẻ thắng là Mao Trạch Đông và người thua là Tưởng Giới Thạch. Đó là những gì người ta thường hay nhớ tới nhất về ông. Thế nhưng, cuộc đời ông không chỉ có như vậy.

Cho tới ngày nay, sức ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch vẫn còn rất lớn trong văn hóa Đài Loan.
Là người đứng đầu Chính phủ Quốc dân Trung Quốc thời kỳ 1928-1949, nhân vật ấy từng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật trong 8 năm 1937-1945, khi ra Đài Loan lại làm Tổng thống chính quyền đảo này cho tới ngày qua đời ở Đài Bắc (ngày 5 tháng 4 năm 1975). Ông cũng là nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy được nhiều chính khách tại Bắc Kinh đánh giá là lãnh tụ dân tộc, là vĩ nhân trong lịch sử cận-hiện đại Trung Quốc, thế nhưng trong tâm thức nhiều người đại lục, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn mang đầy những nét tiêu cực. Vậy thực chất con người của Tưởng Giới Thạch như thế nào?

1. Tuổi thơ dữ dội

Tưởng Giới Thạch sinh ra với phả danh Chu Thái vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 9 năm Quang Tự thứ 39 (tức ngày 31 tháng 10 năm 1887) tại hiệu muối Ngọc Thái, trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Cha của ông tên là Tưởng Triệu Công và mẹ là Vương Thái Hữu, thuộc một gia đình thương gia buôn bán muối giàu có. Gia đình ông khi ấy có thể xem là thành phần trung lưu trong xã hội và cũng có một số sự giao thiệp nhất định với giới thượng lưu.
Năm Giới Thạch 8 tuổi, ông nội và cha cậu lần lượt qua đời. Cũng từ đây, gia cảnh họ Tưởng dần sa sút. Người mẹ là Vương Thái Ngọc là vẫn một mình kiên định thủ tiết nuôi con khôn lớn. Trong một bài phát biểu năm 1945 trước Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch đã xúc động tuyên bố về mẹ mình:
“Như mọi người đã biết, tôi là một cậu bé mồ côi trong một gia đình nghèo. Bị tước đoạt mọi sự bảo vệ sau cái chết của chồng, mẹ tôi phải chịu sự bóc lột tàn nhẫn nhất của những kẻ hàng xóm lưu manh và giới quý tộc địa phương. Những nỗ lực của bà trong việc đấu tranh chống lại những âm mưu của những kẻ xấu xa này chắc chắn đã ban tặng cho đứa con của bà, đứa con lớn lên trong môi trường như vậy, một tinh thần bất khuất để đấu tranh cho công lý. Trong suốt thời thơ ấu của mình, tôi và mẹ đã cảm thấy mình đang chiến đấu trong một cuộc chiến đơn độc bất lực. Chúng tôi đơn độc tựa như ở trong sa mạc, không có sự trợ giúp sẵn có hoặc khả thi nào. Nhưng quyết tâm của chúng tôi không bao giờ bị lung lay và cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng.”
Lại nói, Tưởng Giới Thạch lớn lên trong một thời kì tồi tệ của lịch sử Trung Hoa. Kể từ Chiến tranh nha phiến, những yêu cầu liên tiếp của các cường quốc phương Tây và Nhật Bản đã khiến nhà Thanh mắc nợ hàng triệu lượng bạc. Lớn lên vào một thời kỳ mà quốc gia rất xáo trộn và tụt hậu so với thế giới, cậu bé Giới Thạch vì vậy đã quyết định đi theo con đường thế thiên hành đạo.
Khi còn nhỏ, Tưởng Giới Thạch ít có cơ hội tiếp xúc và cũng không quá quan tâm đến việc tiếp nhận tri thức hiện đại. Tất nhiên, không thể nói Tưởng Giới Thạch vào thời thanh thiên thiếu hoàn toàn không cảm nhận được ảnh hưởng của tư tưởng mới; thông qua ảnh hưởng của báo chí và tin tức khác, Tưởng Giới Thạch cũng nảy sinh ý tưởng cách tân và trù tính tìm cách đi ra thế giới bên ngoài.
Năm 1901, ông kết hôn với người vợ đầu Mao Phúc Mai theo sự “chỉ đạo” của mẹ. Mao Phúc Mai người cùng làng Phục Hóa (Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang), sinh ra trong một gia đình vừa làm làm ruộng, vừa buôn bán nên thuộc dạng khá giả trong làng. Phúc Mai hơn Tưởng 5 tuổi, lại là người không biết chữ, trong khi đó Tưởng Giới Thạch lúc đó đã đi học được 9 năm. Về cả tuổi tác, tư tưởng hay tình cảm thì cuộc hôn nhân này đều có sự chênh lệch rõ ràng. Ấy vậy mà cuộc sống hôn nhân của cả hai vẫn diễn ra tương đối suôn sẻ. Tưởng Giới Thạch còn thường dẫn vợ đi xa cùng mình.
Năm 1902, Tưởng Giới Thạch tham gia “đồng tử thí”. Trải nghiệm mà ông đúc kết được thì cuộc thi này là “trường thi có quy tắc dung tục và vô giá trị”. Có lẽ, cũng từ đây ông dần mất thiện cảm với nền giáo dục cổ điển của Trung Hoa. Năm 1903, Tưởng Giới Thạch lên huyện lỵ để theo học tại Học đường Phụng Lộc, nơi ông bắt đầu tiếp nhận giáo dục kiểu mới. Tới tháng 1 năm 1906, Tưởng Giới Thạch lại đến huyện lị, theo học tại Học đường Long Tân. Học đường Phụng Lộc và Học Đường Long Tân khi ấy là hai trường mới thành lập tại Phụng Hóa, tuy trọng tâm giáo dục vẫn là cựu học kinh sử nhưng đồng thời mở các môn học mới như Anh văn, toán học… Sự xuất sắc trong cốt cách của Tưởng Giới Thạch đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc tới giáo viên của hai học đường này. Đồng thời, hai học đường này cũng đã giới thiệu tới với Tưởng Giới Thạch về báo chí tân thời, một chủ đề mà ông đã tỏ ra quan tâm sâu sắc.

2, Tham gia quân đội ở tuổi thanh niên

 Tháng 3 năm 1906, Tưởng Giới Thạch quyết chí tham gia cách mạng để lật đổ sự cai trị của người Mãn Châu và khôi phục Trung Hoa dưới chế độ cộng hoà. Ông tự mô tả mình khi ấy là người có tình cảm dân tộc mạnh mẽ nên đã tự cắt tóc đuôi sam và thôi học. Ông cũng nhờ bạn báo tin cho gia đình để thể hiện quyết tâm. Khi tin này được truyền về quê, hầu hết mọi người đều bàng hoàng vì hành động của ông.
Tới tháng 4 cùng năm, Tưởng Giới Thạch lên thuyền sang Nhật Bản. Ngay từ khi bước lên thuyền, văn hóa kỷ luật của người Nhật đã tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ với ông. Trong một bài phát biểu năm 1969, ông kể lại câu chuyện về chuyến đi thuyền đến Nhật Bản năm 19 tuổi. Khi đó, một hành khách khác trên tàu là một du học sinh người Trung Quốc có thói quen khạc nhổ xuống sàn đã bị thủy thủ Trung Quốc khiển trách rằng người Nhật không nhổ xuống sàn mà thay vào đó sẽ nhổ vào khăn tay. Tưởng Giới Thạch đã lấy câu chuyện ấy làm ví dụ về việc người dân Đài Loan vào năm 1969 đã không phát triển được tinh thần vệ sinh công cộng như Nhật Bản, cho thấy ấn tượng sâu sắc của ông tới nền văn hóa kỷ luật của người Nhật tới suốt cuộc đời về sau ra sao.
Tới Nhật, Tưởng Giới Thạch theo học tại Trường Thanh Hoa Tokyo. Cũng tại đó, ông quen biết Trần Kỳ Mỹ, một trong số những nhà sáng lập của Trung Hoa Dân Quốc sau này. Không giống với rất nhiều người đương thời, Tưởng Giới Thạch chọn học các ngành liên quan đến phát triển xã hội như khoa học-công nghệ và giáo dục, song thời thời gian dần chứng minh lựa chọn đó và con người văn hóa truyền thống Trung Quốc như ông lại không thích hợp với nhau.
Tưởng Giới Thạch sau đó có ý định học trường quân sự, song do Hiệp nghị Nhật-Thanh, ông không phải là người được chính phủ Thanh chính thức cử đi nên không có sự hỗ trợ kinh tế nào. Và cũng bởi không có công phí lưu học nên ông không thể vào trường quân sự như dự định.
Mùa đông năm 1906, Tưởng Giới Thạch trở về Trung Quốc. Đến mùa hè năm 1907, Tưởng Giới Thạch đến Bảo Định, theo học Trường cấp tốc Lục quân Toàn quốc Bộ Lục quân. Cuối năm đó, ông tham gia thi để sang Nhật Bản học quân sự. Lần này thì vận may đã mỉm cười với ông.
Năm 1908, Tưởng Giới Thạch lại sang Nhật Bản, theo học tại Trường Shinbu Tokyo. Trong đợt nghỉ hè về nước thăm người thân cùng năm; do được Trần Kỳ Mỹ giới thiệu, ông gia nhập Đồng Minh hội. Năm 1909, Tưởng Giới Thạch lần đầu gặp Tôn Trung Sơn. Trong cuộc gặp gỡ ấy, ông có cơ hội đàm luận quốc sự với vị lãnh đạo cách mạng quốc dân tương lai này.
Năm 1910, sau 3 năm học tập ở xứ người, Tưởng Giới Thạch chính thức tốt nghiệp Trường Shinbu Tokyo. Ông trở thành học sinh sĩ quan dự bị tại Liên đội Pháo dã chiến số 19 thuộc Sư đoàn 13 Lục quân Takata. Tại đây, chương trình học của ông chủ yếu là môn học quân sự và tiếng Nhật. Hệ thống giáo dục quân sự hóa cao độ khiến cho Tưởng Giới Thạch bắt đầu có tư duy quân phiệt hóa, và tư duy này còn ảnh hưởng mãnh liệt tới tác phong của ông về sau. Khi đã nắm đại quyền, ông yêu cầu cấp dưới đối với mình “phục tùng cần đến mức độ mù quáng, tin phục cần đến mức độ mê tín”.

3, Tham gia cách mạng

Tháng 10 năm 1911, sau khi tin tức về Khởi nghĩa Vũ Xương được truyền đến Nhật Bản, Tưởng Giới Thạch liền lên thuyền từ Nagasaki về Trung Quốc. Ngày 30 tháng 10 thuyền đến Thượng Hải; ngày 3 tháng 11, Trần Kỳ Mỹ chiếm được Thượng Hải, đồng thời tập hợp lực lượng nhằm công chiếm Nam Kinh. Tưởng Giới Thạch tham gia các hoạt động này, được Trần Kỳ Mỹ đánh giá cao và thăng cho làm sĩ quan chỉ huy đội tiên phong đánh Chiết Giang. Tưởng Giới Thạch thuộc sư đoàn số hai, sư đoàn trưởng là Hoàng Phu, lữ đoàn trưởng là Trương Tông Xương. Tưởng Giới Thạch dẫn đội cảm tử tấn công trụ sở của tuần phủ Chiết Giang, bắt giữ Tuần phủ Tăng Uẩn. Trở về Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch nhậm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Hỗ quân (quân đội Thượng Hải), giúp Trần Kỳ Mỹ tính kế bình định toàn Giang Tô. Tưởng Giới Thạch được nhận định nằm trong số nhân tài quân sự trong đảng.
Tháng 3 năm 1913, Viên Thế Khải bãi miễn bốn vị đô đốc là đảng viên của Quốc dân Đảng, ký kết các khoản vay lớn với ngân hàng năm quốc gia, âm mưu lật đổ Dân quốc. Việc này bị Quốc dân Đảng công khai chỉ trích. Sau đó Trần Kỳ Mỹ được cử đi thảo phạt quân của Viên Thế Khải, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh tấn công Cục Chế tạo Giang Nam song bất thành. Tưởng Giới Thạch chiến bại nên rút lui đến Áp Bắc, song lại bị lính tuần Anh Quốc tước vũ khí, sau đó bị Đô đốc Hỗ quân Dương Thiện Đức hạ lệnh lùng bắt.
Mùa hè năm 1914, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh của Tôn Trung Sơn, chủ trì thảo phạt lực lượng quân sự của Viên Thế Khải tại Thượng Hải – Nam Kinh. Thế nhưng không may sự việc bại lộ, Tưởng Giới Thạch bị Viên Thế Khải truy bắt rất gắt gao. Để lẩn tránh, ông liền nghe theo điện của Trần Kỳ Mỹ sang Nhật Bản. Tưởng Giới Thạch sau đó theo lệnh đến Cáp Nhĩ Tân, thị sát tình hình Đông Bắc. Cùng trong thời gian này, ông gửi thư báo cáo Tôn Trung Sơn để bàn về kế hoạch lật đổ Viên Thế Khải. Tại Đông Bắc, Tưởng Giới Thạch lập kế hoạch thảo phạt Viên Thế Khải, song do thế lực Nhật Bản khống chế Đông Bắc nên kế hoạch khó tiến triển, chưa thực hiện được.
Năm 1915, ý chí thảo phạt Viên Thế Khải chưa thành, Tưởng Giới Thạch sống gò bó tại Tokyo, quyết tâm học tập, đồng thời bắt đầu viết nhật ký. Trần Kỳ Mỹ nhậm chức Tư lệnh Tùng Hỗ, triệu Tưởng Giới Thạch về nước làm công việc cơ yếu, âm mưu vận động tàu Triệu Hòa và chiếm tàu Ứng Thụy, đồng thời đánh chiếm các sở quan trên đất liền, song không thành. Tháng 9, Trần Kỳ Mỹ mắc kẹt tại Thượng Hải, đặt tổng cơ quan tại tô giới Pháp, do Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm chức vụ quân sự. Đến tháng 10, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh Tôn Trung Sơn trở về Thượng Hải, viết ra “thư kế hoạch quân sự khởi nghĩa Tùng Hỗ”, đưa cho Trần Kỳ Mỹ tham khảo. Ngày 10 tháng 11, Trần Kỹ Mỹ phái nhóm Vương Minh Sơn ám sát Trịnh Nhữ Thành thuộc phe Viên Thế Khải; lực lượng quân sự tại Cục Chế tác không thể hưởng ứng kịp thời; Trần Kỳ Mỹ và Tưởng Giới Thạch triệt thoái về cơ quan, song lúc này bị lính tuần Pháp đến lùng bắt nên phải chạy trốn.
Ngày 14 tháng 12 năm 1916, Tưởng Giới Thạch dẫn đám Dương Hổ đánh chiếm công sự Giang Âm, để làm căn cứ chiếm lấy khu vực Trường Giang, đồng thời tuyên bố độc lập. Sau khi chiếm được năm ngày, do nội bộ có loạn, người đồng hành đều trốn đi lúc đêm tối; Tưởng Giới Thạch một mình trong lũy, đến đêm khuya, có hai binh sĩ đến báo cáo “lũy đã trống, sao chưa đi mau”. Tưởng bèn lệnh cho hai người dẫn đường, rời pháo đài về Thượng Hải. Ngày 8 tháng 5, Trần Kỳ Mỹ bị ám sát. Tưởng Giới Thạch chủ trì tang lễ; tháng 7, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh Tôn Trung Sơn đi đến huyện Duy thuộc tỉnh Sơn Đông để nhậm chức Tham mưu trưởng Đông Bắc quân của Trung Hoa Cách mạng Quân. Tưởng Giới Thạch đến chỉ huy tác chiến, song quyền lực không tập trung, khó có hiệu quả; Tưởng Giới Thạch bèn đến Bắc Kinh quan sát chính cục, mùa thu cùng năm lại trở về Thượng Hải.
Tháng 7 năm 1917, Tôn Trung Sơn đến Quảng Châu lãnh đạo Phong trào Hộ pháp, Hải quân hưởng ứng trước tiên, kinh phí thuyết phục Hải quân đến từ Công sứ Đức, tài chính do Tôn Trung Sơn giao cho Tưởng Giới Thạch một tay lo liệu tại Thượng Hải, mở ra cho Tưởng Giới Thạch cơ hội thiết lập kênh liên hệ với giới tài chính Thượng Hải.

4, Phong trào Hộ pháp

Mùa xuân năm 1917, Tưởng Giới Thạch ở tại Thượng Hải, liên lạc với đồng chí tại Nam Kinh và Thiệu Hưng mưu tính diệt trừ thế lực tàn dư của Viên Thế Khải. Mùa xuân năm 1918, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh đến Quảng Đông, trên đường đi ông soạn ra “Thư phán đoán hành động hai quân nam-bắc về sau”. Đến Quảng Đông, ông nhậm chức Trưởng ban tác chiến Bộ Tổng tư lệnh Mân-Việt quân, lập kế hoạch tác chiến thời kỳ thứ nhất và thứ hai, đồng thời tự mình đốc chiến. Đến mùa hè, ông từ chức và trở về Thượng Hải, song lại phụng lệnh đến Phúc Kiến nhậm chức Tư lệnh chi đội số hai Việt quân. Mùa đông cùng năm, ông đánh chiếm được Vĩnh Thái, song sau đó lại nhận lệnh đình chiến. Sau khi rời Phúc Kiến, Tưởng Giới Thạch lập ra một sở giao dịch thương nghiệp tại Thượng Hải; trải qua thời gian một năm, thu được một triệu đồng, huy động được một khoản tài trợ cho Tôn Trung Sơn.
Mùa thu năm 1919, Tưởng Giới Thạch từ chức và trở về Thượng Hải; đến mùa đông, ông sang Nhật Bản rồi lại về nước. Năm 1920, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh đến Phúc Kiến, tham gia sự vụ tác chiến cơ yếu, đồng thời trình lên kế hoạch công kích và tác chiến thời kỳ thứ ba. Trần Quýnh Minh bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch là sĩ quan tổng chỉ huy tiền tuyến quân đoàn số hai của Việt quân, song Tưởng Giới Thạch không nhận chức mà về quê chăm sóc mẹ. Sau đó, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh đến Chương Châu thuộc Phúc Kiến, thúc giục nhóm Trần Quýnh Minh đưa quân về Quảng Châu. Ngày 5 tháng 10; Tưởng Giới Thạch đến Tổng bộ Sán Đầu.

5, Nổi lên trên chính trường

Năm 1922, Tưởng Giới Thạch đến Quảng Tây gặp Tôn Trung Sơn, thảo luận về thời điểm xuất quân, kiến nghị dời đại bản doanh đến Thiều Châu. Do Trần Quýnh Minh có ý đồ khác nên cản trở Bắc phạt, Tưởng Giới Thạch hết sức tức giận. Tháng 6, Trần Quýnh Minh làm phản, Tôn Trung Sơn phải tị nạn trên tàu Vĩnh Phong. Ngày 29 tháng 6, Tưởng Giới Thạch đến Quảng Đông, từ đó mỗi ngày Tưởng Giới Thạch đi theo Tôn Trung Sơn, chỉ huy hải quân tấn công phản quân. Đến ngày 9 tháng 8 biết được tin quân Bắc phạt thất bại quay về, Tưởng Giới Thạch mới cùng với Tôn Trung Sơn rời Quảng Đông đến Thượng Hải. Ở trên tàu trong hơn 40 ngày, Tưởng Giới Thạch hộ giá Tôn Trung Sơn thoát hiểm đến Thượng Hải, đồng thời sáng tác “Ký sự Tôn đại tổng thống gặp nguy tại Quảng Châu”, nhằm vạch trần tội trạng của Trần Quýnh Minh.
Đến mùa đông, Tưởng Giới Thạch tuân lệnh nhậm chức Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 Đông lộ thảo tặc quân, đến Phúc Kiến lập kế dẹp loạn. Lúc đó, Tôn Trung Sơn phái Tưởng Giới Thạch đi Phúc Kiến, lập liên hệ cùng An Phúc hệ quân phiệt; dưới sự hỗ trợ của họ, Tôn Trung Sơn trở về Quảng Châu vào năm 1923.
Năm 1923, Ủy ban Quân sự Tổng bộ Trung Quốc Quốc dân Đảng được thành lập, Tưởng được làm ủy viên, cũng nhậm chức tham mưu trưởng đại bản doanh. Tưởng từ chức tham mưu trưởng Đông lộ thảo tặc quân, chuyên tâm xử lý công tác cơ yếu của đại bản doanh, theo Tôn Trung Sơn thân chinh. Ngày 17 tháng 2, Tôn Trung Sơn bổ nhiệm đặc biệt Tưởng Giới Thạch làm tham mưu trưởng hành doanh đại nguyên soái.
Tháng 2 năm 1925, Tưởng Giới Thạch dẫn Đoàn giáo đạo trường quân sự Hoàng Phố (tư lệnh kiêm tổng giáo quan, về sau Hà Ứng Khâm nhậm chức tổng giáo quan, phân thành “Giáo đạo đệ Nhất đoàn”, “Giáo đạo đệ Nhị đoàn”) cùng Việt quân lần đầu tiên đông chinh Trần Quýnh Minh, chưa đầy một tháng, họ đánh thẳng đến Triều Châu, Sán Đầu, Mai huyện. Đến tháng 9, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh làm tổng chỉ huy quân đông chinh.
Ngày 24 tháng 1 năm 1924, Tôn Trung Sơn lấy danh nghĩa đại nguyên soái, giao cho Tưởng Giới Thạch làm ủy viên trưởng Ủy ban trù bị Trường quân sự Lục quân. Ngày 6 tháng 2, Tưởng Giới Thạch lập ban trù bị Trường quân sự Lục quân tại Quảng Châu. Một tháng sau, Tưởng Giới Thạch từ chức. Đến tháng 4, Tôn Trung Sơn gửi công văn cho Tưởng Giới Thạch nói rằng nhất thiết phải làm việc không ngại gian khổ, oán thán, kiên trì phấn đấu, không cho phép từ chức.
Ngày 21 tháng 4, Tưởng Giới Thạch trở lại Quảng Châu. Mùa hè cùng năm, Tưởng Giới Thạch nhậm chức hiệu trưởng Trường quân sự Lục quân kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tổng tư lệnh Việt quân. Sang mùa thu, ông kiêm nhiệm thêm chức vị Tư lệnh yếu địa Trường Châu. Đến mùa đông, Ủy ban Cách mạng thành lập, Tưởng được bổ nhiệm làm ủy viên toàn quyền Ủy ban cách mạng, phụ trách sự biến Thương đoàn Nhị Bình. Sau đó thì Tân quân đổi thành Đảng quân, Tưởng Giới Thạch được bổ nhiệm làm bí thư quân sự.
Tháng 3 năm 1925, Tôn Trung Sơn từ trần tại Bắc Kinh, Tưởng Giới Thạch phát thư thương tiếc. Khi trở lại quân đội, ông nhậm chức Triều Sán thiện hậu đốc biện. Vào tháng 4, Trung ương bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm Tư lệnh quan Đảng quân. Đến tháng 6, Dương Hy Mẫn, Lưu Chấn Hoàn làm phản, Tưởng Giới Thạch theo lệnh kiêm nhiệm Tư lệnh quân đồn trú Quảng Châu, đem quân bình loạn. Tháng 7, ủy ban quân sự thành lập, Tưởng Giới Thạch nhậm chức ủy viên, kiến nghị sáu đại kế hoạch cách mạng.
Đến tháng 8, một thủ lĩnh Trung Quốc Quốc dân Đảng là Liệu Trọng Khải bị ám sát, dư luận căm phẫn. Trung ương tổ chức ủy ban đặc biệt, bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm ủy viên, phụ trách toàn quyền chính trị quân sự và cảnh sát, xử lý vụ án Liệu Trọng Khải. Đảng quân đổi thành Đệ Nhất quân của Quốc dân Cách mạng Quân, Tưởng Giới Thạch nhậm chức quân trưởng. Ngày 24 tháng 8, Tưởng Giới Thạch lại trở thành Tư lệnh quân đồn trú Quảng Châu. Lúc đó, Tưởng nhậm chức ủy viên trung ương hậu bổ, Mao Trạch Đông chính là quyền bộ trưởng tuyên truyền của Trung ương Quốc dân Đảng.
Tháng 12 năm 1925, Tưởng Giới Thạch chiến thắng trở về Quảng Châu. Tháng 1 năm 1926, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân Đảng khai mạc, bầu cử ủy viên ủy ban chấp hành trung ương khóa hai, Tưởng Giới Thạch đắc cử làm ủy viên chấp hành, lại được chọn làm ủy viên thường vụ. Sang tháng 2, ủy ban quân sự bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm Tổng giám Quốc dân Cách mạng quân, Tưởng Giới Thạch từ chối không nhận. Trong sự kiện biến loạn tàu Trung Sơn ngày 18 tháng 3 nhằm hãm hại Tưởng Giới Thạch, sau khi phát giác, ông liền nhanh chóng xử trí, biến loạn bị dẹp yên. Chủ mưu là Uông Triệu Minh rời Quảng Đông để tránh nghi ngờ. Đến tháng 4, Uông Thiệu Minh phái hội nghị Tây Sơn làm trái điều lệ đảng, mở đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai tại Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch gửi điện phản đối, báo hiệu một tương lai đầy biến động sẽ diễn ra.

TIỂU KẾT

Như vậy, chúng ta vừa theo dõi về chuyến hành trình của Tưởng Giới Thạch trong kể từ thủa thiếu thời cho tới lúc trở thành một ngôi sao đang lên trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nhân vật này? Cùng đón chờ trong phần tiếp theo của loạt video “Tưởng Giới Thạch – Tổng thống khai quốc của Đài Loan” nhé. Đừng quên subscribe,like cho video nếu thấy hay và để lại một cmt bày tỏ quan điểm của các bạn nhé. Xin chào và hẹn gặp lại.

#Backturn