Viết vẫn luôn là một việc khó. Cô độc cũng vậy. Nhưng nó đáng.
Tháng bảy 8, 2024
Franz Kafka từng nói: “Tôi cần sự cô độc cho lối viết của mình; không phải giống như một ẩn sĩ – điều đó không đủ – mà là giống như một người đã chết rồi.” (Franz Kafka là tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Bohemia nói tiếng Đức, được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.)
Lần đầu biết đến câu nói này của ông, khi mới dấn thân vào việc viết (một cách nghiêm túc với quyết tâm lớn) còn chưa đến hai chục ngày tròn, mình thực sự không hiểu, và không cảm được cái cảm của những người viết lâu năm. Tại sao Kafka lại có suy nghĩ đó nhỉ? Mình tự hỏi phải chăng thời gian ngắn ngủi khiến mình vẫn đang đứng ngoài thế giới nơi có những người-viết-đúng-nghĩa, khi viết đã là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của họ.
Trong bài phát biểu của Ernest Hemingway (Nobel Văn học 1954) viết để nhờ Đại sứ Hoa Kỳ tại Thụy Điển đọc thay trong lễ nhận giải, cũng có câu: “Writing, at its best, is a lonely life.” (Tạm dịch: Viết lách, tốt nhất, nên là một cuộc đời cô độc)
Nhìn lại bản thân mình, thực sự, đã bao giờ mình cảm thấy cô độc trên hành trình viết mười mấy ngày qua?
Ngẫm một chút. Mình quyết định đi tìm định nghĩa về “cô độc”, phải hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó, mới biết liệu mình có từng trải qua nó không. Trên mạng, người ta nói rất nhiều về hai trạng thái: cô độc và cô đơn. Nếu không viết bài viết này, để có cơ hội tìm hiểu một cách cặn kẽ, chắc mình cũng sẽ giống như nhiều người khác, vẫn đang mù mờ hiểu sai ý nghĩa thực sự của cô độc. Cô độc, thực ra là một trạng thái tích cực.
“Manh nha triết học một chút, cô độc là trạng trái mà trong đó một cuộc đối thoại yên lặng sẽ diễn ra giữa tâm hồn và bản thân bạn. Trong trạng thái cô độc, ta không bao giờ bứt rứt vì thiếu thốn tình bạn hay tình yêu. Nội tâm chính là người bạn mà ta có thể trò chuyện cùng, là một giọng nói câm với đầy những câu hỏi quan trọng.”
Với những gì mình đang hiểu thì có vẻ bản thân mình cũng không hẳn lệch nhịp với những người viết khác. Bỗng dưng mình thấy vui lạ vì mười mấy ngày qua, mình cũng đã từng cô độc.
Mình lựa chọn viết như một cách để có thời gian đối thoại với tâm hồn bên trong, thẳng thắn nhìn nhận, suy xét hành động và đào sâu lương tâm của chính mình; để hiểu mình hơn, và yêu lấy cả những điều chưa hoàn hảo. Nói chính xác là thoát khỏi sự ồn ã của đám đông để rốt cuộc nghe được thanh âm bên trong bản thân. Quá trình đó mình được tự do, đánh giá khách quan, và không lo sợ bị phán xét. Mình được trần trụi với bản thể của mình. Đó cũng là lúc mình tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống; biết phân biệt đúng – sai, thiện – ác; học thương mình – rồi mới biết làm sao thương người. Ở một khía cạnh nào đó, cô độc không phải là thiếu thốn tình cảm mà là sự tự nguyện đồng hành cùng chính mình, là lựa chọn một mình.
“Ta cần biết, nếu ta mất đi khả năng đồng hành một mình, ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ. Chúng ta dễ bị cuốn đi bởi đám đông, bởi việc mọi người làm và tin vào. Khi đó, ta khó lòng phân biệt phải trái đúng sai trong cái lồng của sự ăn theo. Bởi vậy, sự cô độc không chỉ là một trạng thái tinh thần thiết yếu với sự phát triển trí tuệ và lương tâm của một cá nhân, mà còn là một thói quen tiền đề cho người đó tham gia vào đời sống chính trị xã hội.”
Nhờ viết, mình được sống trong hai thế giới: một ngoài đời thực (thường nhật, bận rộn, nhiều mối quan hệ và trách nhiệm xã hội; cũng là nơi cung cấp chất liệu, cảm hứng cho sáng tác, giúp người viết kiểm chứng và hoàn thiện tác phẩm của mình); và một bên trong (một mình, tự do, tự tại, kết nối sâu sắc với bản thân và chiêm nghiệm). Hai thể giới này tuy khác biệt, nhưng tương hỗ lẫn nhau. Bằng cách nào đó, dù mới chỉ viết một thời gian ngắn, mình cảm thấy tâm tính đã dần chuyển biến tích cực hơn trước. Có lẽ, khoảng thời gian mình chọn “được cô độc” mỗi ngày qua đó đã giúp mình nhìn thấu nhiều điều mà có lẽ vẫn sẽ còn mãi mù mờ nếu như mình không chịu ngồi lại, và viết. Khi viết, mình được nói chuyện với chính mình – một mình, tự tại, và an yên; mình nhận ra nhiều vẻ đẹp trong cuộc sống và những điều thực sự quan trọng. Mình giải thích được lý do đằng sau những điều mình nói và làm, hiểu đúng bản chất của sự việc.
“Không có gì hủy hoại những mối quan hệ nhanh hơn khi con người ta “vô tâm, vô nghĩ” không giới hạn. Những người như vậy rất khó để trở thành là những cá nhân toàn vẹn khi họ thậm chí không hề có chút gì là của mình, là chính mình. Điều này gợi ý rằng ngay cả những người hiểu rằng các mối quan hệ trong cuộc sống (bất kỳ quan hệ gì) khiến họ cảm thấy tốt hơn, viên mãn hơn cũng đều cần một khoảng không gian riêng cho chính họ, hoặc ít nhất một vài dịp để có thể tận dụng nó.
Như một hệ quả tất yếu, khi bản thân càng cảm thấy ổn với chính mình, trong thế giới một mình, mình dễ dàng hơn với việc sống, tận hưởng, trải nghiệm thế giới ngoài đời thực cùng nhiều mối quan hệ kết nối ràng buộc lẫn nhau. Cô độc đã giúp mình rèn luyện sự tự tin, suy nghĩ tự lập, không phụ thuộc vào người khác. Khi đó, dù ở trong một thế giới phức tạp và hỗn loạn, mình vẫn đủ vững chãi khi tin vào chính mình, không dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Mình sống an nhiên hơn và trân trọng từng khoảnh khắc, mình ngày càng biết rõ điều gì nên và không nên dành nhiều tâm sức. Mình sống theo lẽ phải, tôn trọng sự khác biệt, hiểu rằng mỗi người với mỗi câu chuyện đều có vẻ đẹp riêng và không bao giờ mình biết hết được tất cả về bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì trong cuộc đời này; chỉ cần sống sao cho hòa hợp với giá trị của mình, và không hổ thẹn với chính mình.
Vậy đó, với mình, tuy khác biệt nhưng việc được sống với thế giới bên trong là tiền đề giúp mình sống tốt hơn cuộc sống bên ngoài. Muốn cảm ơn cuộc đời rất nhiều vì sau tất cả vẫn dẫn lối đưa mình đến với viết (hoặc quay trở lại viết). Dù mục đích sau cùng là gì và có đạt được không thì viết vẫn mang lại giá trị hiện hữu trong từng khoảnh khắc mình đang ngồi lại mà viết hàng ngày, như lúc này. Viết giúp mình hoàn thiện hơn. Mình yêu sự cô độc khi viết. Một vẻ cô độc thật đẹp.
“Sẽ là một bất hạnh lớn khi mất khả năng ở một mình, khi bị cuốn vào đám đông, khi hi sinh sự độc nhất của mình để làm hài lòng số đông.”
Trong không gian riêng tư, mình có thể tập trung suy nghĩ, sáng tạo và tìm ra những ý tưởng mới. Cô độc là cơ hội để mình học hỏi những điều mới, khám phá thế giới xung quanh, phát triển bản thân. Mình hiểu hơn tại sao Franz Kafka cần sự cô độc giống như một người đã chết rồi khi viết giúp ông tạo ra những kiệt tác để đời; và cũng hiểu tại sao chủ nhân giải Nobel Văn học 1954 Ernest Hemingway lại nói “Writing, at its best, is a lonely life.” (Viết lách, tốt nhất, nên là một cuộc đời cô độc):
“Dù chỉ là trong suy nghĩ thôi nhưng có lẽ chỉ khi ta nghĩ mình đã chết rồi, ta mới thấy mọi thứ xung quanh thật đẹp đẽ. Chúng đẹp đẽ không chỉ vì có câu chuyện riêng mà còn vì đơn giản là chúng đang sống, chúng vẫn tiếp tục vận động, biến đổi không ngừng; trong khi đó, ta lại là một người đã chết rồi, chỉ biết lặng lẽ đứng yên một nơi ngắm nhìn tất cả, không thể chia sẻ với bất kì ai, ta cứ duy trì mãi trạng thái bất động, không biến chuyển đó. Có thể thu vào nhưng lại không thể phát ra. Có mặt ở đó nhưng lại như không có mặt ở đó. Sống mà như một người đã chết rồi. Cảm giác ấy mới thật cô độc làm sao. Nhiều lúc, sự nhạt nhòa ấy khiến ta nghĩ rằng mình có thể khóc một mình. Nhưng nó thật là đẹp. Và cuộc sống thật là đẹp. “Life is beautiful but you don’t have a clue.” Lana Del Rey. Nàng đã hát như thế. Đúng là vậy thật nhỉ.”
Tất nhiên, viết vẫn luôn là một việc khó. Cô độc cũng vậy. Nhưng nó đáng. Hãy cứ thử, thử bắt đầu một cách đơn giản, còn hơn là không bao giờ bắt đầu; và kể cả khi bạn bỏ cuộc giữa chừng thì hành trình bạn đã đi qua đó cũng không bao giờ lãng phí.
Tin mình đi. Ngồi xuống, mở vở hoặc laptop ra, viết về bất kỳ chủ đề gì bạn muốn, như cách mình cũng đã bắt đầu và cảm thấy sự kỳ diệu đang dần xâm chiếm lấy mình và cuộc sống của mình.
“Viết đi đừng sợ!”
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.