Hà Nội thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh: Góp phần phát triển đô thị thông minh, hiện đại

Tháng bảy 8, 2024

Hà Nội thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh: Góp phần phát triển đô thị thông minh, hiện đại

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Sau quá trình thí điểm, cơ quan chức năng sẽ đánh giá toàn diện, đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Trung tâm là nền tảng cốt lõi để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hà Nội thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh: Góp phần phát triển đô thị thông minh, hiện đại
Các thông tin giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục được cập nhật về Trung tâm điều hành giao thông thông minh.

Vận hành trơn tru và hiệu quả

Sau hơn 1 tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 4-7 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Cùng với trung tâm điều hành, các thiết bị ngoại vi, như camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển báo thông tin giao thông VMS… được lắp đặt tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy).

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày đầu vận hành, hệ thống hoạt động khá trơn tru. Tình hình giao thông trên nhiều tuyến phố, nút giao, các xung đột, va chạm giao thông, tình hình vận hành xe buýt liên tục được cập nhật về trung tâm. Biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực. Các hành vi vi phạm như đi sai làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều được tự động ghi lại để lực lượng chức năng làm cơ sở phạt “nguội”. Thậm chí, các ổ gà hay sự cố giao thông phát sinh trên đường cũng được ghi lại để kịp thời cảnh báo. Tại một số nút giao thông, thời gian của đèn tín hiệu sẽ tự điều chỉnh theo lưu lượng phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, trên đường Phạm Văn Bạch, nơi triển khai thí điểm, tình hình giao thông khá ổn định, chỉ ùn ứ vào một số khung giờ cao điểm do lưu lượng phương tiện tăng cao.

Anh Nguyễn Đức Thắng (phố Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Hằng ngày, tôi di chuyển trên đường Phạm Văn Bạch. Từ khi lắp đặt hệ thống giao thông thông minh, người tham gia giao thông đã có ý thức tuân thủ hơn. Rất mong mô hình này sớm nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác”.

Nền tảng cốt lõi của hệ thống giao thông thông minh

Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, với hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị ngoại vi, có 12 chức năng cơ bản gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; quản lý vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.

Trong giai đoạn thí điểm, hệ thống có 9 chức năng (trong đó 7 chức năng hoạt động ngay và 2 chức năng chờ tích hợp). Hệ thống được thiết kế sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.

“Hiện chúng tôi đang tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn để phục vụ tổ chức, quản lý, điều hành mạng lưới giao thông vận tải hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường”, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết.

Thời gian qua, Hà Nội đã đưa vào khai thác một số tiện ích, như: Tìm kiếm chỗ đỗ và thanh toán trông giữ xe không dùng tiền mặt; tìm kiếm lộ trình xe buýt; thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt… Tuy nhiên, các dự án này rời rạc, thiếu tính kết nối nên hiệu quả chưa cao. Do đó, việc thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đã khẳng định quyết tâm xây dựng, từng bước hình thành giao thông thông minh.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, giao thông thông minh là 1/6 trụ cột chính trong cấu trúc đô thị thông minh. Lộ trình hình thành hệ thống giao thông thông minh chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2024-2026) hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (với 9/12 chức năng). Giai đoạn 2 (năm 2027-2029), trung tâm được mở rộng (gắn với việc thực hiện đủ 12/12 chức năng). Giai đoạn 3 (từ năm 2030) là giai đoạn phát triển bền vững.

Trung tâm Điều hành giao thông thông minh là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, đồng thời là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” trong thời gian tới.

Sau khi kết thúc thí điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ cùng với các đơn vị liên quan đánh giá toàn diện các ưu, nhược điểm, đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ, làm cơ sở cho việc triển khai đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” hiệu quả, khả thi, bảo đảm tiến độ.

9 chức năng của Trung tâm Điều hành giao thông thông minh gồm: Hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com

Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.