LỊCH SỬ PHÁP LUẬT VỀ TỘI QUẤY RỐI TÌNH DỤC
Tháng bảy 8, 2024
Quấy rối tình dục là hành vi đã tồn tại lâu đời trong lịch sử xã hội nhưng khái niệm của nó trong bối cảnh xã hội nói chung và pháp luật nói riêng thì mới chỉ được đề cập đến lần đầu tiên cách đây khoảng 50 năm, bắt nguồn từ các nhà làm luật Anh – Mỹ. Tuy nhiên, dù khái niệm mới mẻ nhưng nội hàm của hành vi thì không mới, và việc các hệ thống pháp luật và văn bản pháp lý ghi nhận hành vi “quấy rối tình dục” là một bước tiến lớn đối với việc bảo vệ quyền con người nói chung.
LỊCH SỬ TỘI PHẠM VỀ TÌNH DỤC
Theo Lịch sử Quấy rối và Xâm hại tình dục (Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Colombia) [1], tội phạm về tình dục sớm nhất được ghi nhận là tội cưỡng hiếp. Trong Bộ luật Hammurabi (văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn, ra đời dưới thời vua Hammurabi của Vương quốc Babylon cổ đại, năm 1760 TCN), nếu cưỡng hiếp một cô gái còn trinh thì kẻ cưỡng hiếp sẽ bị xử treo cổ, còn nếu cưỡng hiếp một người phụ nữ đã có chồng thì cả cô gái và kẻ cưỡng hiếp sẽ bị khép vào tội tử hình và đều bị xử chết. Các đạo luật cổ xử khác như luật của người Assyrian cổ, Do Thái, Ai Cập cổ đại, Celtic, La Mã,…đều coi tội cưỡng hiếp là một tội phạm về tài sản bởi theo quan niệm xã hội ở thời kỳ đó, phụ nữ là tài sản của đàn ông. Theo Luật Do Thái cổ, nếu một cô gái bị cưỡng hiếp bên ngoài địa phương mà cô ta sinh sống thì cô sẽ buộc phải lấy kẻ cưỡng hiếp và người cha của cô gái được toàn quyền đòi số tiền sính lễ tương ứng coi như một loại bồi thường. Việc người chồng ép buộc vợ mình quan hệ tình dục không được coi là hành vi cưỡng hiếp.
Tuy nhiên, ở thời kỳ này vẫn có một số điểm sáng trong luật pháp về các tội tình dục, như Luật La Mã cổ thế kỷ VI đã quy định tội cưỡng hiếp không phải một loại tội phạm về tài sản mà là tội phạm chống lại nữ giới, và nạn nhân của loại tội phạm này được mở rộng bao gồm: phụ nữ có chồng, chưa chồng, góa phụ, và các sơ – vì đây được coi là một tội phạm chống lại phụ nữ chứ không chỉ là xâm phạm đến tài sản của đàn ông. Gái điếm không được coi là nạn nhân.
Các quy định về tội phạm tình dục tiến bộ hơn kể từ thế kỷ X trở đi, dưới thời Anglo-Saxon, các tội phạm về tình dục được phân loại thành nhiều tội khác nhau với các chế tài khác nhau và nặng nhất là thiến hoặc tử hình, các nạn nhân là gái điếm không bị loại trừ. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XI và XII thì các quan điểm pháp lý mới nhìn nhận các tội phạm tình dục ít theo khía cạnh là tội phạm về tài sản hơn mà là một loại tội phạm chống lại con người, đây là một tội phạm được gây ra bởi một cá nhân chống lại cá nhân khác. Thay đổi lớn nhất với quy định về tội cưỡng hiếp là tại Hiến pháp Westminster vào thế kỷ XIII, Hiến pháp này quy định nạn nhân tội cưỡng hiếp là tất cả phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ có chồng, chưa chồng và cả gái điếm. Hiến pháp này coi cưỡng hiếp là một tội phạm chống lại nhà nước (bản chất của luật hình sự) chứ không đơn thuần là chống lại gia đình (tội phạm về tài sản). Tuy nhiên, nạn nhân vẫn bị nghi ngờ và phải có bên thứ ba hỗ trợ; phải báo án ngay lập tức,…Từ thế kỷ XVI, Mỹ trở thành thuộc địa của Anh và cũng kế thừa pháp luật Anh, bao gồm cả quy định về cưỡng hiếp, ngoại trừ bang Massachusets khi quy định tại bang này vẫn loại bỏ tội cưỡng hiếp trong hôn nhân.
Trước thế kỷ XX, việc cưỡng hiếp nô lệ tại Mỹ không được coi là tội.
Từ giữa thế kỷ XX, hàng loạt những phong trào đấu tranh vì mục đích khác nhau nổi lên và vào thập niên 60, làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền được quan tâm hơn. Năm 1979, học giả pháp lý nữ quyền người Mỹ Catharin Mackinnon lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “quấy rối tình dục” trong cuốn sách Sexual Harrasment on Working Women: A Case of Sex Discrimination xuất bản bởi Đại học Yale.
TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ PHÁP LÝ CỦA TỘI QUẤY TỐI TÌNH DỤC
Năm 1971 – 1972, Hoa Kỳ ban hành một số đạo luật được coi là Khiên chắn cưỡng hiếp, những quy định này ra đời nhằm chuẩn hóa các bằng chứng y khoa tại phòng cấp cứu và quy định lịch sử tình dục của nạn nhân không liên quan đến việc xét xử. Các tiểu bang đã sửa đổi các đạo luật về tội phạm tình dục, khiến chúng trở nên trung lập về giới tính và tạo ra phân loại các loại tội phạm tình dục. Năm 1975, Quốc hội Mỹ thông qua các điều 412, 413, 414 và 415 trong Luật Bằng chứng Liên bang. Những quy định này thường được gọi là “Khiên chắn cưỡng hiếp” bởi chúng hạn chế khả năng bị cáo trong việc thăm dò hành vi tình dục, lịch sử hoặc danh tiếng của nạn nhân để sử dụng chúng làm mất uy tín của họ.
Theo Making sexual harrasment history: the UK context (Đại học Edinburgh) [2], sự phát triển về nhận thức xã hội và pháp lý cùng với các phong trào về quấy rối tình dục tại Mỹ đã tác động sâu rộng đến thế giới, đặc biệt là Anh Quốc. Bắt nguồn từ phong trào đấu tranh về quyền của người lao động nữ tại Bắc Mỹ thập niên 70 cùng với nghiên cứu luật học của giáo sư Catharine Mackinnon, cụm từ “quấy rối tình dục” lần đầu tiên được đề cập đến trên truyền thông Anh Quốc vào năm 1975 thông qua một số câu chuyện, bài học từ Hoa Kỳ.
Theo Sexual Harrasment on Working Women, MacKinnon cho rằng quấy rối tình dục trong công sở được hình thành thông qua cấu trúc quyền lực hệ thống và nội tại, cụ thể: [3]
Về các động lực nội tại:
– Quấy rối tình dục thường được coi là bình thường trong các công sở nơi thái độ và hành vi phân biệt giới tính được coi là bình thường và tự nhiên
– Phụ nữ cũng bị phong tục hóa những vấn đề này và thường họ cảm thấy do dự khi tố cáo hành vi quấy rối tình dục
– Từ khi còn rất nhỏ, phụ nữ đã được dạy phải dễ tính, xuê xoa, ưu tiên sự hài hòa hơn sự đối đầu
– Cấu trúc xã hội cổ vũ tinh thần nội tại của phụ nữ rằng họ không có quyền lực và phải chấp nhận quấy rối như một phần trong cuộc sống công sở của họ
Về các động lực từ quyền lực hệ thống:
– Công sở được cấu trúc để phụ nữ luôn đóng vai trò phụ trợ, khiến cho họ dễ bị tổn thương, lợi dụng bởi người quản lý là nam giới
– Đàn ông có chức danh cao hơn được đặt ở vị thế có thể áp đặt đòi hỏi tình dục lên người phụ nữ ở cấp bậc thấp hơn bởi họ biết người phụ nữ cần công việc đó vì kinh tế họ phụ thuộc vào công việc
– Việc dễ tổn thương về kinh tế xảy ra do khoảng cách tiền lương được trả giữa nam giới và nữ giới và hạn chế về lựa chọn công việc
– Phụ nữ thường bị giới hạn lựa chọn trong các công việc được trả thù lao ít hơn, ít danh tiếng hơn, và phải phụ thuộc vào người quản lý hoặc đồng nghiệp nam giới của mình dẫn đến gia tăng tình trạng quấy rối
– Thiếu cơ sở pháp lý và chính sách hỗ trợ phụ nữ bị quấy rối tình dục
Tuy nhiên, MacKinnon mới chỉ đề cập đến vấn đề quấy rối tình dục đối với các nạn nhân nữ mà chưa đề cập đến các nạn nhân nam giới.
Vào năm 1981, một chiến dịch phối hợp giữa Liên đoàn Tự do dân sự (NCCL) và các nghiệp đoàn, đặc biệt là các nghiệp đoàn có tỷ lệ thành viên nữ cao như Hiệp hội Công chức địa phương (NALGO) được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quấy rối tình dục và sửa luật. Từ bài học của nghiệp đoàn Canada, NALGO phát động cuộc khảo sát kinh nghiệm về quấy rối tình dục đã gây nên một sức ép lớn trong phong trào nghiệp đoàn. Phàn ứng của các thành viên nam đi từ giễu cợt đến thù địch và đe dọa, điều này cho thấy lý do vì sao những phụ nữ đứng lên tố cáo thường lo sợ bị trả thù. Đây là thời kỳ mà việc ám chỉ bóng gió về tình dục và sự động chạm ngoài ý muốn bị bình thường hóa ở các công sở như một hành động, cử chỉ mang tính vui đùa do sự ảnh hưởng bởi một số bộ sitcom giải trí trên truyền hình như On the Buses (1969-73) và Are You Being Served? (1972-85), trong khi đó những cuốn lịch có hình khỏa thân thường thấy trên tường của các công sở.
Vào năm 1982, NCCL đưa ra báo cáo về Quấy Rối Tình Dục Tại Công Sở, bao gồm cả kết quả khảo sát của NALGO và một khảo sát khác tiến hành bởi Viện Alfred Marks và Ủy ban Cộng đồng Kinh tế Châu Âu. Theo khảo sát ở cả các khu vực công và khu vực tư nhân, 1/3 đến một nửa số người trả lời khảo sát nói rằng họ từng bị quấy rối tình dục trái với ý muốn tại nơi làm việc và phụ nữ thường sợ hãi lên tiếng.
Năm 1986, Jean Porcelli đã thắng kiện, lần đầu tiên tòa án Anh công nhận quấy rối tình dục là phân biệt đối xử theo SDA. Porcelli, làm việc tại Hội đồng Khu vực Strathclyde, bị đồng nghiệp nam quấy rối bằng các hành vi tục tĩu. Tòa án cấp cao đã phán quyết hành vi này là “một loại vũ khí đặc biệt” dựa trên giới tính của nạn nhân. Jean Porcelli cho biết vụ kiện đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của bà, nhưng bà đã góp phần thay đổi tình trạng quấy rối tình dục đối với phụ nữ.
Vụ kiện của Jean Porcelli và các sự kiện liên quan cho thấy sự phức tạp của chính trị, văn hóa đại chúng và pháp luật trong việc định hình vị thế xã hội và kinh tế của phụ nữ. Các tổ chức như EOC, NCCL, công đoàn và phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi. Bối cảnh quốc tế cũng rất quan trọng khi luật bình đẳng của Anh bị ảnh hưởng bởi các mô hình của Hoa Kỳ.
Năm 1991, luật sư Anita Hill trở thành biểu tượng quốc gia tại Hoa Kỳ khi cáo buộc sếp cũ của mình là Clarence Thomas, người vừa được bổ nhiệm vào Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, đã quấy rối tình dục cô trong nhiều năm khi cô làm việc dưới trướng Thomas. Hill cáo buộc Thomas sử dụng ngôn từ tục tĩu, nói về phim khiêu dâm và tình dục khi ở cạnh cô, và liên tục rủ cô đi chơi dù cô đã từ chối. Thomas sau này vẫn vô tội và nói rằng ông ta bị tổn thương do những cáo buộc của Hill. Vụ việc của Hill đã dấy lên một làn sóng khiếu nại về phiên tòa. Nhưng vụ việc có ý nghĩa quan trọng khi đây là lần đầu tiên của một người đứng ra nyêu cầu ai đó chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối tình dục tại công sở.
Năm 1998, lần đầu tiên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận nam giới cũng có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở thông qua phán quyết với bản án Oncale v. Sundowner Offshore Services, Inc. Cuối năm 1991, Joseph Oncale đang làm việc cho Sundowner Offshore Services trên một giàn khoan dầu của Chevron USA Inc. ở Vịnh Mexico. Onacle làm việc trong một đội gồm 8 thành viên và nhiều lần bị đồng nghiệp ép buộc phải chịu các hành động nhục mạ mang tính tình dục trước các thành viên khác trong đội. Oncale đã nộp đơn kiện chống lại Sundowner tại Tòa án Quận phía Đông Louisiana, cáo buộc rằng ông bị phân biệt đối xử trong công việc vì giới tính của mình. Dựa trên các tiền lệ trước đó, tòa án quận đã phán quyết cho bị đơn thắng kiện: “Ông Oncale, một nam giới, không có quyền kiện theo Điều VII vì bị đồng nghiệp nam quấy rối.” Onacle đã kháng cáo tại Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Năm nhưng không thành công.[4] Vụ việc sau đó được đưa đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ và Tối cao Pháp viện sau đó đã đảo ngược phán quyết của các tòa án cấp dưới. Thẩm phán Scalia của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ khi đó (được nhất trí bởi Thẩm phán Thomas) đã ra phán quyết rằng “…hành vi của bị đơn đối với nguyên đơn là cực kỳ thù địch và lạm dụng”, “…phân biệt đối xử giới tính bao gồm quấy rối tình dục cùng giới tính có thể được kiện theo Điều VII [Đạo luật các Quyền Dân sự 1964]”. [5]
Ngày nay, phong trào #MeToo được xem là sự tiếp nối những nỗ lực để nâng cao nhận thức cộng đồng và pháp lý đối với hành vi quấy rối tình dục.[6]
LỊCH SỬ QUẤY RỐI TÌNH DỤC Ở VIỆT NAM
Thật khó có thể coi Việt Nam có một lịch sử về tội quấy rối tình dục do nền tư pháp còn non trẻ của chúng ta. Mãi đến năm 2015, Việt Nam mới lần đầu tiên ban hành một Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đây là kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam. Bộ quy tắc này được viết ra để “người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc” [7]. Bộ quy tắc này đưa ra các khái niệm về quấy rối tình dục, phân loại các hành vi quấy rối tình dục, việc phân loại tương đối chi tiết giúp dễ dàng nhận diện các hành vi, bên cạnh đó là các khuyến nghị đối với việc ban hành quy định, quy chế trong doanh nghiệp về phòng, chống quấy rối tình dục. Tuy nhiên, việc dừng lại ở một Bộ quy tắc ứng xử không thực sự có nhiều ý nghĩa khi mà vấn đề về quấy rối tình dục không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một vấn đề pháp lý. Khi nhìn vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quấy rối tình dục, có thể thấy rằng các văn bản này chưa thực sự có đem lại hiệu quả trong việc phòng, chống quấy rối tình dục.
Nhìn từ lịch sử pháp lý của một số nước trên thế giới như đã đề cập ở trên, có thể hiểu rằng ở góc độ pháp lý, để việc phòng, chống quấy rối tình dục hiệu quả thì quy định pháp luật phải cho nạn nhân tấm khiên để bảo vệ mình, đồng thời phải có chế tài phù hợp. Soi chiếu đến pháp luật Việt Nam hiện tại, chúng ta mới chỉ có quy định xử phạt vi phạm hành chính rất nhẹ đối với tội quấy rối tình dục – phạt từ 2.000.000đ đến 3.000.000đ và phạt tiền từ 5.000.000đ đến 8.000.000đ với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng (Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Điều đáng chú ý là phạm vi của chế tài này nằm trong Điều 7 về Vi phạm quy định về trật tự công cộng, tức là dưới góc độ của luật pháp Việt Nam, chúng ta đang coi hành vi này là một hành vi gây rối trật tự chứ không phải hành vi chống lại cá nhân. Bộ luật lao động 2019 và các văn bản dưới luật liên quan có quy định chế tài nặng hơn như: quấy rối tình dục bị nghiêm cấm (Điều 8, Bộ luật lao động 2019) và người lao động có hành vi quấy rối tình dục có thể bị sa thải (Điều 35, Bộ luật lao động 2019), và người quấy rối tình dục có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30.000.000đ (Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). Nhìn bề mặt, có thể thấy rằng chế tài hiện hành có thể xử lý được hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Tuy nhiên, khi đi vào nội hàm, cần phải hiểu rằng quấy rối tình dục là một hành vi không dễ dàng chứng minh và theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nạn nhân vẫn cần phải chứng minh được hành vi quấy rối tình dục. Do đó, đến cuối cùng thì đây vẫn là một hành vi dễ dàng xảy ra ở các nơi công sở nhưng lại khó có thể chứng minh.
Với trường hợp pháp luật chưa đủ sức để ngăn ngừa hành vi thì việc cấp thiết hơn cả là nâng cao nhận thức xã hội về quấy rối tình dục để những người có khả năng thực hiện hành vi biết được mình có sai lầm và nạn nhân được quyền lên tiếng và được xã hội ủng hộ lẫn bảo vệ mà không phải sợ hãi. Trong bài học lịch sử của các nước đi trước, có thể thấy rằng quấy rối tình dục gắn liền với tiến trình xã hội của các phòng trào đấu tranh vì con người và nâng cao nhận thức chung của xã hội về hành vi này. Do đó, trước khi chờ đến các quy định pháp luật, xã hội có lẽ nên tiên phong trong việc nâng cao nhận thức và tự nâng cao nhận thức của mình về quấy rối tình dục.
Tham khảo:
[1] History of Sexual Abuse and Harrassment, Freedom and Citizenship, Center for American Studies, Columbia University, https://freedomandcitizenship.columbia.edu/gender-equality-history-2021, accessed on 22/6/2024 at 10:24 P.M
[2] Making sexual harassment history: the UK context, University of Edinburgh, https://www.genderequalitiesat50.ed.ac.uk/2021/06/24/making-sexual-harassment-history-the-uk-context/, accessed on July 01, 2024 at 10:13 PM
[3] MacKinnon, Catharine A. (1979), Sexual harrassment of working women, Yale University Press
[4] Tóm tắt vụ Oncale v. Sundowner Offshore Services, Inc. (1998), ., accessed on 8/7/2024 at 05:14 P.M
[5] Oncale v. Sundowner Offshore Services, Inc., 523 U.S. 75 (1998), ., accessed on 8/7/2024 at 05:14 P.M
[6] MacKINNON, C. A., & SIEGEL, R. B. (Eds.). (2004). Directions in Sexual Harassment Law. Yale University Press.
[7] Bộ quy tắc ứng xử về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc (2015),
[8] Bộ luật lao động 2019
[9] Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
[10] Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.