Tất cả chúng ta nên cô độc.

Tháng bảy 9, 2024

1. Những hiểu lầm về “cô độc”

Một fanpage rất lớn về sách đã từng trích dẫn dòng trạng thái này, chắc bạn cũng sẽ thấy quen:
“Có người hỏi tôi làm sao để phân biệt cô độc và cô đơn.
Có một ngày, bạn đang đi trên con phố lớn thì đột nhiên trời mưa, bạn trú dưới mái hiên rồi mở danh bạ cũng không biết tìm ai để nhờ mang ô đến. Thời khắc đó là cô độc.
Còn cô đơn, là bạn một mình trú dưới mái hiên, an tĩnh đợi mưa tạnh. _ST”
Có vẻ đến cả những người dường như đọc sách nhiều hơn người khác, cũng vô tình nhầm lẫn giữa cô độc và cô đơn? Trong đoạn trích ở trên, phải đổi chỗ cho 2 từ này, may ra mới gần được hiểu đúng nghĩa.
Thêm nữa, một nhà văn nổi tiếng đã đề tặng trong cuốn sách của mình “Trong hành trình tìm kiếm bản thân, em có thể cô đơn nhưng đừng cô độc”. Lớn lên, dường như điều này càng trở nên trái ngược với thể nghiệm mà bản thân mình tìm kiếm. Đó có phải là vấn đề chung của tất cả mọi người, khi luôn vô tình đánh tráo khái niệm và ý nghĩa giữa cô độc và cô đơn.
Số đông đại chúng vẫn mặc định cô độc đồng nghĩa với thất bại. Thực ra, cô độc là một sự lựa chọn để theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, chỉ đơn giản là vậy. Sự khác biệt giữa cô độc và cô đơn nằm trong hai chữ “đủ đầy.”
Người cô độc giống như làn hương trầm trước Phật: nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên. Bởi cái lối sống vì bản thân và chỉ dựa vào bản thân ấy, người cô độc biết lắng nghe mọi tâm tư của mình và trút bỏ đi những ưu tư không đáng có.
Cô độc là trạng thái một mình, còn cô đơn là cảm thấy một mình. Người cô đơn luôn chán nản, phát ốm với chính mình. Người cô độc hân hoan, thanh thản khi được là chính mình.
Cô độc mang lại sự tự do.
“Phải thừa nhận, phần lớn các mối quan hệ xã hội đều vô dụng, suy cho cùng cũng chỉ là một nhóm người nhìn như vui vẻ tụ tập, nhưng thực chất đều mang mục đích xua tan sự tịch mịch cùng trống rỗng của mình. Một khi chìm vào loại xã giao này quá lâu, thời gian và thế giới tinh thần sẽ trói buộc. Cho nên những người thông minh thường buông bỏ mắt xích này, tự do tự tại đối mặt với bản thân, dành phần lớn thời gian làm bạn với chính mình.”
Nhưng “Sẽ là một bất hạnh lớn khi mất khả năng ở một mình, khi bị cuốn vào đám đông, khi hi sinh sự độc nhất của mình để làm hài lòng số đông.”

2. Tại sao ta nên sống cô độc

Nuôi dưỡng những mối quan hệ:
“Không có gì hủy hoại những mối quan hệ nhanh hơn khi con người ta “vô tâm, vô nghĩ” không giới hạn. Những người như vậy rất khó để trở thành là những cá nhân toàn vẹn khi họ thậm chí không hề có chút gì là của mình, là chính mình. Điều này gợi ý rằng ngay cả những người hiểu rằng các mối quan hệ trong cuộc sống (bất kỳ quan hệ gì) khiến họ cảm thấy tốt hơn, viên mãn hơn cũng đều cần một khoảng không gian riêng cho chính họ, hoặc ít nhất một vài dịp để có thể tận dụng nó. Nếu bạn thực sự hiểu bản thân mình và hiểu rằng bạn kết nối với những người khác là bởi vì bạn thực sự muốn vậy thay vì bị yếu tố khác khống chế, hoặc chỉ vì sự tuyệt vọng hay sự tham lam, hoặc vì bạn sợ rằng sự tồn tại của bạn cần phải được công nhận bởi những người khác, thì bạn thực sự là một người TỰ DO. Sự cô độc trong thực tế sẽ nuôi dưỡng các mối quan hệ, đơn giản vì những mối quan hệ đó được dựa trên sự TỰ DO.”
“Yêu đúng:
Xét về một mối quan hệ giữa hai người, một người nếu chưa hiểu rõ bản thân mình thì rất khó có thể gọi là biết cách yêu người khác. Nếu bản thân một người không có đủ hiểu biết về mình (chưa bao giờ tự nghĩ về mình, hoặc tìm cách để hiểu bản thân – một biểu hiện của cô độc), thì cũng sẽ không có đủ hiểu biết về những cảm xúc xuất hiện từ phía mình. Khi đó những thứ cảm xúc của mình với một người có thể bị nhầm lẫn với những nhu cầu khác không phải là yêu, ví dụ như tò mò, nhu cầu được xã hội công nhận, nhu cầu được bảo vệ, nhu cầu để bớt cô đơn, nhu cầu muốn thấy mình cũng được yêu và từ đó cảm thấy mình không vô dụng, cuộc đời mình cũng có nghĩa. Tất cả chỗ đấy, chẳng có cái nào gọi là tình yêu cả.
Hãy cô độc để hiểu trọn vẹn bản thể của mình, bạn sẽ hiểu thế nào là yêu, để từ đó biết yêu người khác đúng cách.
Phát triển trí tuệ & lương tâm, biết cách kết nối đúng với đời sống xã hội:
Giữa thế giới kết nối cực đại như ngày nay, bạn có nhận ra chúng ta hiếm khi chừa một khoảng không gian để tự suy ngẫm. Chúng ta kiểm tra hàng trăm tin nhắn và email mỗi ngày; chúng ta lướt Mạng xã hội nhiều đến vô thức, luôn ngứa ngáy phải kết nối mọi lúc với người thân lẫn người không thân. Chúng ta bỏ thời gian để tìm kiếm bạn của bạn, người yêu cũ, người yêu mới của người yêu cũ, người chúng ta gần như không biết, thậm chí người chúng ta chẳng cần phải biết. Chúng ta thèm thuồng sự đồng hành liên tục. Ta muốn kết nối với mọi người vì cô đơn nhưng chính ta lại cảm thấy cô đơn trong vòng kết nối của mình.
Nhưng ta cần phải biết, nếu ta mất đi khả năng đồng hành một mình, chúng ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ. Chúng ta dễ bị cuốn đi bởi đám đông, bởi việc mọi người làm và tin vào. Khi đó, ta khó lòng có thể phân biệt phải trái đúng sai trong cái lồng của sự ăn theo. Bởi vậy, sự cô độc không chỉ là một trạng thái tinh thần thiết yếu với sự phát triển trí tuệ và lương tâm của một cá nhân, mà còn là một thói quen tiền đề cho người đó tham gia vào đời sống chính trị xã hội.
Những luận điểm trên do mình tìm hiểu, sưu tầm, và biên tập lại từ nhiều nguồn.
Suy cho cùng, chúng ta không nhất thiết phải hiểu trọn vẹn chính xác định nghĩa của một từ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khái niệm và dùng sai hoàn cảnh. Miễn chúng ta sống đúng là được.
Cô độc hay cô đơn cũng được. Nếu bạn thấy nó quá nhập nhằng lẫn lộn, không cần phải cố gắng phân biệt. Điểm chung của chúng là “một mình”. Chỉ cần nhớ điều quan trọng nhất, hãy “một mình” một cách chủ động. Chủ động lựa chọn, chủ động làm, nghiêm túc với nó, kiên nhẫn ngày qua ngày, sẽ dẫn đến thành quả. Vì kể cả khi bạn thuộc lòng định nghĩa của từ, bạn biết rằng bạn nên cô độc, nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi, thì hiểu biết của bạn cũng trở nên vô nghĩa. Mọi thứ có giá trị trong cuộc đời này đều cần có quá trình, với rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực một cách chủ động. Nên là, đọc để biết, nhưng phải làm (rất nhiều) để nhớ, và tạo ra impact.
Một trong những cách đơn giản để bắt đầu thực hành cô độc chủ động đó là Viết (viết nhật ký, viết thư, viết những điều cần làm và kế hoạch cho nó, viết bất kỳ điều gì – cho bản thân bạn), bên cạnh thiền định, đọc sách & nghiền ngẫm, dành thời gian cho sở thích cá nhân, tự học….Hoặc nhẹ nhàng hơn là hãy tạo cho mình thói-quen-nhìn-lại: Sau mỗi sự kiện xảy ra, hoặc sau mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, hãy cho bản thân một khoảng thời gian cố định, đơn giản chỉ để ngồi một mình, ngẫm nghĩ về những chuyện đã qua. Bạn có thể tự hỏi chính mình 2 câu hỏi định hướng để làm rõ:
– Có điều gì khiến bạn vui/buồn không? Tại sao bạn lại vui/buồn trong những hoàn cảnh/khoảnh khắc đó?
– Lý giải đó khiến bạn cảm nhận như thế nào về bản thân? (tốt, xấu, tự hào, hổ thẹn, ích kỷ…..)
Mình biết, những việc này, nói dễ mà chẳng dễ. Vì nếu dễ và ai cũng làm được thì cuộc đời này đâu còn gì để mà nỗ lực sống có ý nghĩa nữa. Thời buổi mà gần như mọi thứ đều có sẵn xung quanh chúng ta, sự khác biệt thuộc về những người chịu “chủ động” với tay ra lấy thứ mình cần; mang về mà nghiền ngẫm cho thấu hết; không ngừng cố gắng qua nhiều vòng lặp thử-sai-làm lại, cho đến khi chắt lọc được những gì tinh túy nhất mà áp dụng giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Thế giới không ngừng đổi thay, nhưng có hai thứ không bao giờ thay đối trong quy luật bất biến của thành công, đó là sự chủ động & nỗ lực hành động. Chúc bạn sống một đời chủ động trong mọi khía cạnh, kể cả cô độc.