Vườn quốc gia núi Kenya
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vườn quốc gia núi Kenya của Kenya là Di sản Thiên nhiên thế giới năm 1997.
Vườn quốc gia núi Kenya là một khu vực được thành lập từ năm 1949 để bảo vệ khu vực núi và xung quanh núi Kenya. Ban đầu nơi đây chỉ là khu bảo tồn sau đó mới được phát triển thành vườn quốc gia. Tháng 4 năm 1978, khu bảo tồn này được Tổ chức Unesco đưa vào danh mục Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cho đến năm 1997, vườn quốc gia chính thức được công nhận là Di sản thế giới.
Núi Kenya thực chất là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động nằm ở miền trung Kenya. Với chiều cao 5.199 mét so với mực nước biển, núi Kenya là ngọn núi cao thứ hai ở Châu Phi sau Kilimanjaro. Núi Kenya nằm cách thủ đô Nairobi 150 km về phía đông bắc. Các nhà khoa học cho rằng, núi Kenya được tạo ra từ các hoạt động phun trào liên tục của hàng loạt núi lửa xung quanh khoảng 2,5 đến 3 triệu năm trước. Thời kỳ đầu núi có một miệng núi lửa trên đỉnh nhưng hiện nay đã bị bào mòn và phủ trắng tuyết, trở thành một đỉnh núi tuyết tuyệt đẹp. Trước đây khu vực thung lũng tồn tại một hồ nước đóng băng nhưng khoảng 150.000 năm trước, hồ băng này đã tan, nước từ hồ chảy xuống chân núi tạo thành những hồ nhỏ và tiếp tục đóng băng. Cho đến thế kỷ 19 thì các hồ này hoàn toàn tan hết do khí hậu nóng dần của trái đất.
Núi Kenya có hệ sinh thái vô cùng phong phú với những rừng cây cao, rừng cây thấp và cả vùng đồng cỏ. Bởi sự đa dạng về hệ thực vật kéo theo sự phong phú về động vật sinh trưởng nơi đây.
Thảm thực vật tại vườn quốc gia núi Kenya phát triển và biến đổi theo độ cao từ vùng đồng cỏ lên núi cao. Ở khu vực đồng cỏ chủ yếu là hoa dại và cỏ thì ở sườn dốc nơi có độ cao trung bình lại chủ yếu phát triển cây tùng, cây tuyết. Khác với nhiều khu rừng, tre ở đây sinh trưởng mạnh ở độ cao trên 2.500 mét. Từ độ cao trên 2.500 chiều cao của các loài cây giảm dần, rừng cây chuyển dần sang cây lùm hoặc những cây thân thấp tán rộng. Trên 3.000 có một số loài hoa rừng phát triển mạnh. Từ 4.500 trở lên, thực vật gần như không còn tồn tại chỉ có một số ít loài cỏ có thể duy trì sự sống tại môi trường khắc nghiệt đó.
Về hệ động vật thì vườn quốc gia núi Kenya là nơi sinh trưởng của vô số loài động vật hoang dã như: Khỉ, khỉ đầu chó, hươu cao cổ, trâu, voi, lợn rừng, cầy hương, linh cẩu, tê giác và nhiều loại linh dương… Đặc biệt có những loài được ghi trong danh sách động vật quý hiếm như Voi Châu Phi; Tê giác đen; Linh dương ngực đen; Cầy đuôi trắng.. Một số loài vật sống trong khu vực rừng tre cũng rất phong phú như: thằn lằn, lợn rừng, chuột chù. Bên cạnh đó tại vườn quốc gia núi Kenya cũng là nơi cư trú của vô số loài chim, với những loài đặc biệt có tên trong danh sách động vật hoang dã quý hiếm như: Đại bằng, cú tai dài…
Núi Kenya là ngọn núi cao thứ 2 ở Châu Phi, thảm thực vật tại núi góp phần bình ổn hệ sinh thái của khu vực này. Bên cạnh đó, nguồn núi còn cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm không nhỏ cho người dân sống gần khu vực núi. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, số lượng dân số tăng nhanh đe dọa không nhỏ tới nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như hệ sinh thái của vườn quốc giá núi Kenya. Nạn chặt phá rừng trái phép, khai thác quặng trái phép và đốn cây, săn phẳng đất để phục vụ các hoạt động nông nghiệp đã làm cho diện tích rừng bị giảm mạnh. Bên cạnh đó nạn săn bắn thú rừng, lấy mật ong… cũng ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái chung của vườn quốc gia. Chính phủ Kenya đã phải có nhiều biện pháp nhằm thắt chặt hơn công tác bảo vệ rừng và hệ động thực vật của vườn quốc gia. Hiện nay ước tính mỗi năm có khoảng hơn 15.000 lượt khách thăm quan du lịch tới đây để thăm quan, khám phá.
Vườn quốc gia núi Kenya được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (vii) và (ix).
Tiêu chí (vii): Núi Kenya là đỉnh núi cao thứ hai ở Châu Phi với chiều cao 5,199 mét so với mặt nước biển. Đây là ngọn núi được hình thành qua quá trình phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước với cảnh quan tự nhiên vô cùng kỳ thú.
Tiêu chí (ix): Quá trình tiến hóa và phát triển của hệ sinh thái cũng như hệ động thực vật tại vườn quốc gia núi Kenya là ví dụ nổi bật cho quá trình thay đổi để thích nghi với môi trường của các loài động vật, thực vật trong hàng triệu năm. Bên cạnh đó sự đa dạng của hệ sinh thái tại vườn quốc gia cũng là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu quá trình phát triển của nhiều loài thực vật, động vật và môi trường.