Phản anh hùng

Tháng năm 27, 2024

Cứu một người là không cứu một người!

Kiritsugu Emiya trong anime Fate: Zero
Đó là câu nói của một trong những nhân vật quan trọng của thế giới Fate – Kiritsugu Emiya với người con trai nuôi Shirou Emiya của mình. Giải thích thêm cho câu nói của mình, Kiritsugu Emiya đã khẳng định rằng: “Chúng ta là con người. Sức lực của chúng ta có hạn. Chúng ta chỉ có thể cứu được một số ít người mà chẳng thể cứu được tất cả.” Do đó “Cứu một người là không cứu một người“.
Nếu bạn là một người đã xem phần Fate: Zero, bạn sẽ biết câu nói này còn phản ánh chính cuộc đời của Kiritsugu Emiya – một con người sẵn sàng hy sinh cả gia đình của mình vì lý tưởng cứu rỗi nhân loại thông qua sức mạnh từ chén thánh. Thế nhưng cuối cùng Kiritsugu Emiya chỉ có thể cứu được một người duy nhất.

Lựa chọn

Tại một góc bảo tàng nghệ thuật Lyon nước Pháp, du khách có thể được chiêm ngưỡng một tác phẩm hội họa về trận đại hồng thủy Noah nổi tiếng trong kinh thánh của họa sĩ Joseph-Désiré Court.
Trong bức tranh này đã miêu tả tình thế ngặt nghèo của một người đàn ông khi phải đưa ra lựa chọn cứu một trong ba người thân của mình đang bị cơn lũ dữ đe dọa tính mạng: người cha già, đứa con thơ và vợ. Cuối cùng người đàn ông đã chọn cứu lấy người cha già của mình.
<i>Scene from the Great Flood</i>

Scene from the Great Flood
Có quá nhiều câu hỏi mang tính triết học cũng như đạo đức có thể được đặt ra, tranh luận thông qua nội dung của bức họa trên, tuy nhiên tôi sẽ tiếp cận vấn đề này theo một phương diện khác.
Tại sao bi kịch này lại xảy ra?

Khi những anh hùng xuất hiện

Mẹ của tôi hay bảo với tôi rằng, khi mẹ tôi còn nhỏ cứ bước chân ra đường là gặp anh hùng. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ nghi ngờ về điều đó. Các cụ nhà ta có câu :”Thời thế tạo anh hùng“. Khi đất nước bị lâm nguy, một ông nông dân không biết đạp xe đạp cũng có thể trở thành anh hùng không quân, đạt được danh hiệu “Ace” lừng lẫy.
Và người nông dân tôi nhắc đến ở đây không ai khác ngoài anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy

Và người nông dân tôi nhắc đến ở đây không ai khác ngoài anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy
Tôi có hay ngồi chém gió với mấy ông bạn biết chút tướng số của mình. Ông bạn của tôi hay nói đùa với tôi rằng: “Lá số này của tôi mà vào thời binh đao thì phất lắm. Mỗi tội tôi lại sinh vào thời bình.”. Tướng số với nhiều người là chuyện khó tin, nhưng cái thuyết “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tựu lại cũng có ý chung với câu “thời thế tạo anh hùng“.

Tại vụ cháy nhà trọ Trung Kính vừa qua, giữa những con người “ngày thường áo vải”, trong hỏa ngục bạo tàn, chúng ta bỗng thấy vụt lên những hình dáng “siêu nhân” bước ra từ điện ảnh hay truyện tranh. Tôi không ngại ngần để góp thêm tràng pháo tay của mình, tán tụng cho hành động quyết liệt, quả cảm của những anh hùng “áo vải” này. Thế nhưng, trước khi những tấm bằng khen được đến tay, những người anh hùng của chúng ta cũng phải xót xa mà thốt lên rằng: giá như có thể cứu thêm được nhiều người nữa.
Khi học môn luật nhân đạo quốc tế phần chiến tranh, giảng viên của chúng tôi đặt một sự chú ý đặc biệt và yêu cầu chúng tôi phải phân biệt được hai khái niệm Ruse de guerre (mưu kế) và Perfidy (bội tín). Theo công ước Geneva, ruse de guerre hoàn toàn hợp pháp, và có thể được áp dụng trong mọi cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang. Ngược lại perfidy theo điều 37, được coi là bất hợp pháp bị cấm; bất cứ sự bối tín phục vụ lợi ích của một bên tham chiến nào có thể bị quy kết thành tội ác chiến tranh.
Giảng viên của chúng tôi đã lấy một ví dụ về perfidy như sau:” Một cô bé mười ba tuổi giấu vũ khí trên xe chở cỏ của mình đi qua trạm gác của quân chiếm đóng để chuyển cho quân kháng chiến. Lính gác tin tưởng cô bé nên đã không khám xe. Đó là một sự bội tín.” Sau đó giảng viên của chúng tôi bổ sung thêm rằng: “Nhưng đó có phải là hành động anh hùng không? Phải, đó là một hành động anh hùng”. Vâng, phản bội lại lòng tin của người khác với hậu quả có thể dẫn tới cái chết của họ ở một thời điểm nào đó lại trở thành hành động anh hùng.

Tại sao bi kịch này lại xảy ra?

Có vẻ như đó là điều kỳ lạ để ghi nhớ, nhưng tôi chắc chắn rằng số lần tôi bố thí trong đời mình ít hơn số ngón tay trên một bàn tay. Tôi là một tên kẹt sỉ? Tôi là một kẻ thực dụng đến điên rồ? Tôi sẽ không phản bác nếu có bất cứ ai bình luận như vậy về bản thân mình. Nhưng các bị quan tòa online xin cho phép tôi kháng cáo bằng cái lý lẽ “củ chuối” của mình. Tôi luôn nghĩ rằng: tôi có thể cho người khổ hạnh một bữa ăn, nhưng tôi không thể nuôi họ cả đời; tôi có thể cho một người khổ hạnh một bữa ăn, nhưng trên con đường tôi hay đi qua có bao nhiêu người ăn xin?
Tôi không nhớ là ai, nhưng người đó đã nói một câu nói tôi rất tâm đắc: “Trong một cuộc thảm sát, không có lựa chọn nào là đúng.” Như tôi đã luôn nhấn mạnh từ đầu bài viết: “Tại sao bi kịch lại xảy ra?”, “Tại sao em yêu à, cả em và mẹ anh đều cùng rơi xuống nước vậy?”.
Tại sao ngoài đường thời xưa cứ vài bước lại thấy anh hùng? Đó là thời chiến. Mà chiến tranh là gì? Là thời kỳ “… không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương.” Nếu các bạn quan tâm đến thống kê dân thường thiệt mạng/ binh lính thiệt mạng, bạn mới nhận ra rằng ngoài một số lượng cực kỳ ít cá biệt cuộc chiến, dân thường mới là người chịu nhiều thương vong nhất trong chiến tranh. Chủ nghĩa anh hùng trong thời chiến đã tạm thời xoa dịu đi nỗi đau của chiến tranh. Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, khi con người ta bình tĩnh nhìn lại nó bằng con mắt người thường, con mắt của người nằm ngoài “cuộc thảm sát”, chúng ta mới cảm nhận được thấy nỗi đau của những người như mẹ Thứ.
Tại sao lại có những người ăn xin? Đó là một câu hỏi mang tầm vĩ mô. Với Bác Hồ, Người chỉ có một ham muốn tột bậc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dân tộc ta đã hoàn thành được một nửa ước vọng cháy bỏng của Bác là có được độc lập, tự do, nhưng cái ngày mà mọi đồng bào đều có cơm ăn áo mặc, được học hành, đến nay tôi cũng chưa thấy. Đâu đó ngoài kia, vẫn có những đứa trẻ phải ngủ gầm cầu, đói rách, không được học hành, trong khi các “chủ nô” – đám chăn dắt trẻ em ăn xin ngồi trong tiệm cơm, cắn ngập răng một miếng thịt chiên thơm phức.
Tại sao mỗi vụ cháy chung cư tại Hà Nội đều để lại hậu quả thảm khốc như vậy? Tôi mượn lời của một vị lãnh đạo rằng Hà Nội đang được quy hoạch theo hướng “băm nát thủ đô”. Tại trung tâm một “Hà Nội không vội được đâu” tôi vẫn thấy một “khu rừng bê tông khổng lồ” đang um tùm độn mọc thêm nhiều cái cây mới, cái sau “thi đua” cao hơn, lớn hơn cái trước.

“Loại bỏ” những anh hùng

Tôi không trông cậy vào sự xuất hiện nào của một “đấng cứu thế” hay rồi kém vĩ đại hơn là các “anh hùng”. Một người bạn của tôi hay nói đùa rằng :”Từ nguyên của từ hero nghĩa là “chết đầu tiên“.”
Nữ phóng viên Park Hyo-sil

Nữ phóng viên Park Hyo-sil
Chắc chắn nhiều bạn đọc bài viết này sẽ biết tới bê bối Burning Sun (hay ở Việt Nam thường gọi là phòng chat của Seungri) từng rầm rộ một thời gian trên mạng xã hội năm 2019. Một trong những người anh hùng có công đưa vụ bê bối này ra trước ánh sáng là nữ phóng viên Park Hyo-sil.
Một thành viên của nhóm chat biến thái Seungri đã bị tố cáo là phạm tội “molka” (quay trộm những hình ảnh nhạy cảm) từ năm 2016, và chính nữ phóng viên Park Hyo-sil là người đã “nắm” được cái “kim trong bọc”. Tuy nhiên do sự thông đồng của cảnh sát và phản ứng quá nhanh chóng từ đội ngũ quản lý của đối tượng, phóng viên Park Hyo-Sil ngay lập tức trở thành một kẻ chống lại “chúa” (idol Kpop) và bị các con chiên tử vì đạo khủng bố đến mức hai lần sẩy thai. Giống như mọi câu chuyện về các vị anh hùng khác, nữ phóng viên Park đã không bị búa rìa dư luận hạ gục. Với sự kiên định theo đuổi đến cùng của mình từ bằng chứng ban đầu, bí mật về phòng chat biến thái của các siêu sao Kpop cuối cùng đã bị phanh phui vào năm 2019.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về vụ bê bối này, phim tài liệu Burning Sun của BBC sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin khác.
Trong bài viết của mình, tôi đã đề cập không ít lần tới chuyện cứu người đuối nước. Điều đó làm tôi bỗng nhớ lại tới một người họ hàng xa của mình. Trong một hôm đi biển sớm, anh ấy thấy hai người thanh niên đi tắm biển sớm bị triều cuốn ra xa. Không suy nghĩ nhiều, anh ấy lao ra cứu được một người vào bờ. Khi cố gắng cứu người thứ hai vào bờ phần vì mệt, phần vì triều động mạnh, anh ấy đã để lại cả tuổi thanh xuân của mình.
Trong vụ cháy tại nhà trọ Trung Kính, trong số các nạn nhân có một người đàn ông tử vong khi cố gắng lao vào lửa dữ cứu cả nhà đang mắc kẹt trong đó. Thế nhưng số phận đã không cho người đàn ông kia cơ hội.

Không giống như dân mạng hay đùa, nhiều “The Liêm” trong đời thực thường sẽ vào vai “chết trước” trước khi kịp trở thành anh hùng đặc biệt trong các chuyên án liên quan tới tội phạm có tổ chức. Tôi sẽ không tiếp tục đưa ra một ví dụ đời thực nào cả, mà thay vào đó, tôi muốn giới thiệu tới các bạn một manga tôi đang theo dõi gần đây – smiley.

Nhân vật Joker trong Dark Knight 2 đã có một câu thoại vĩ đại rằng: “You complete me!”. Và trong 99% câu chuyện về anh hùng mà tôi biết, đi cùng với anh hùng luôn là nghịch cảnh, là một thảm kịch khủng khiếp. Và tôi lại một lần nữa đặt câu hỏi: “Tại sao bi kịch lại xảy ra?”
Nếu mọi quy định về an toàn cháy nổ được tuân thủ. Nếu các thành phố lớn được quy hoạch một cách khoa học, phù hợp. Nếu pháp luật thực sự làm được thứ như Hàn Phi Tử hơn hai nghìn năm trước mơ tưởng: “Khiến kẻ xấu muốn làm điều xấu cũng không được”. Nếu các quốc gia có thể cùng ngồi xuống bình tĩnh, nói chuyện trên tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau… Và còn rất nhiều cái nếu nữa mang tính vĩ mô, căn bản, sâu xa. Tôi tin rằng, các anh hùng sẽ được “loại bỏ”.

Kết

Tôi muốn chống lại một thực tế rằng nước mắt sẽ ướt đầy mặt trước khi ánh sáng của anh hùng xuất hiện, xóa nhòa đi màn đêm.