Cái giá của sự trì hoãn

Tháng bảy 13, 2024

Bài viết này được lấy cảm hứng từ một bài diễn thuyết trên TED Talk của Tim Urban, một blogger. Nếu các bạn chưa xem video đó thì mình sẽ để link ở dưới đây và mình rất, rất khuyên các bạn nên xem để tự ngẫm ra bài học cho riêng mình. Đây thực sự là một bài nói chuyện sáng tạo và truyền cảm hứng.
Tim Urban có nhận xét rằng, tất cả chúng ta, dù tài giỏi xuất chúng đến đâu, cũng đều là những con người trì hoãn, ít nhất là trong một số lĩnh vực nào đó.
Mình đã bị thuyết phục và thực sự tin vào điều đó. Ví dụ, ngay cả những người có kỉ luật tốt và thành công trong công việc, học tập thì cũng có thể đang gặp phải những khó khăn khác trong cuộc sống, như các mối quan hệ, gia đình, hay sức khỏe của bản thân… Nói đến trì hoãn, thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến những công việc mà chúng ta thường hay bỏ quên cho đến tận deadline. Nhưng sự thật thì không chỉ có vậy. Chúng ta chần chừ trong việc bắt đầu chơi một môn thể thao để tăng cường sức khỏe; chúng ta ngần ngại gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ; và chúng ta cũng né tránh ngay cả những việc cần làm hàng ngày đó là dọn dẹp lại căn phòng đang ngày càng bừa bộn… Thực tế trước khi bắt đầu bài viết này thì mình còn tận 2 bài viết khác đang dở dang, nhưng mình cứ trì hoãn để hoàn thành chúng. Và, điểm chung của những công việc trên là, chúng không hề có deadline.
Đúng vậy, nếu như là một công việc có “hạn nộp” thì dù có muốn hay không, cũng sẽ đến lúc bạn phải hoàn thành nó. Còn đối với những việc kể trên, chúng ta đều biết là mình nên làm nó, nhưng chẳng có ai để thúc ép mình, nên có lẽ là… để sau cũng được. Và rồi kết quả như thế nào thì ai cũng biết, bạn chỉ cần soi chiếu lại bản thân mình trong một vài lĩnh vực. Trong đầu chúng ta lúc nào có thừa những lí do để trì hoãn, để giải thích rằng không sao đâu, mình không làm thì việc vẫn còn đó, sẽ có một lúc thích hợp để mình bắt đầu công việc này. Nhưng, chúng ta cứ luôn ở giữa cái cảm giác không muốn làm một việc ngay lúc này và sự tội lỗi vì đã không làm nó.
Bạn đã bao giờ chứng kiến hậu quả to lớn của sự trì hoãn hay chưa? Mình biết một anh, dù hiện tại đang cực kì thành công với những mục tiêu trong cuộc sống nhưng vẫn luôn mang một sự hối hận vì khi xưa chỉ vì mải mê với công việc mà không dành thời gian về thăm bố của mình, cho đến khi anh không còn cơ hội được gặp người mà anh yêu thương.
Điều tệ hại nhất của sự trì hoãn là, chúng ta đều biết rõ nguyên nhân vì sao mình thất bại.
Những điều này lại gợi nhắc mình đến một kĩ năng liên quan đến sắp xếp công việc mà người ta hay nói đến: phân chia công việc theo mức độ Quan trọng và Cấp thiết.

Phân chia công việc theo thứ tự ưu tiên
Mình chỉ xét trên phương diện công việc cá nhân của mỗi người mà không có sự ủy thác những việc ‘khẩn cấp – không quan trọng’ cho người khác hay bỏ qua những việc ‘không khẩn cấp – cũng không quan trọng’. Hiển nhiên, chúng ta sẽ luôn ưu tiên hoàn thành những công việc ở số 1 trước tiên. Sau đó, chúng ta lại có xu hướng chuyển tiếp đến ô số 3, bởi đặc tính của chúng là có deadline. Sau khi đã tốn khá nhiều năng lượng ở 2 ô này thì ta dễ dàng tìm cách kết thúc ở ô số 4 – những thứ việc thường là kiểu đơn giản, dễ thực hiện. Chính ô số 2 bị bỏ quên, những công việc không deadline, lại là nơi mà bạn phát triển. Bạn biết rằng việc học một kĩ năng hay một ngôn ngữ mới, việc mở rộng các mối quan hệ… sẽ giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Chúng cũng chính là những việc quan trọng nhưng không cấp thiết. Đôi khi, để đến khi nó trở nên cấp thiết thì đã quá muộn để thực hiện.
Trong cuộc sống còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần quan tâm chứ không chỉ riêng công việc hay việc học hành. Và cũng vô cùng khó, hoặc gần như là không thể để chúng ta đạt được tất cả. Nhưng mình tin nếu bạn ý thức được điều gì là quan trọng đối với mình, bạn hoàn toàn có thể đạt được sự cân bằng và chấp nhận những thứ mà mình đã bỏ lỡ.
Mình hoàn thành bài viết này lúc 2 giờ 30 phút sáng, bởi vì mình không muốn tiếp tục trì hoãn.
I’m just a guy…

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.