Adam Smith: “Bàn tay vô hình” và hơn thế nữa

Tháng bảy 14, 2024

Adam Smith thường được gắn liền với khái niệm “bàn tay vô hình” là ” Kim chỉ nam” cho động cơ và những quyết định “ích kỷ” của cá nhân hướng tới lợi ích chung thông qua động lực thị trường. Do đó, ông đã được mọi người cho rằng ông có mối quan hệ mật thiết với chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do.
Tuy nhiên, sự liên kết của Adam Smith với “bàn tay vô hình” của thị trường thường đang được mọi người đơn giản hóa nó thành một vài câu trích dẫn, một vài khái niệm ít ỏi khiến cho những sản phẩm của ông đang bị hiểu sai hoặc thiếu sót. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về cách ông không phải là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản không kiểm soát, mà là người đã miêu tả và chú giải một cách sâu sắc những tương tác của con người mà ông quan sát được ở cấp độ cá nhân và xã hội, cũng như sự khéo léo và sáng tạo của con người trong việc làm việc hiệu quả hơn thông qua hợp tác. Những quan sát của ông tinh tế và phong phú hơn nhiều so với câu trích dẫn thường được nhắc đến. Quan trọng hơn, các tác phẩm của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, bởi chúng đi thẳng vào nền tảng của các tương tác giữa con người. Hãy cùng thử xem sao!

Adam Smith – cha đẻ của kinh tế học hiện đại

Adam Smith, người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hiện đại?

Adam Smith rõ ràng đã thấy được những lợi ích trong cơ chế hoạt động của thị trường. Nhận định nổi tiếng đầu tiên của ông, vẫn còn giá trị đến ngày nay đó là “Sự chuyên môn hóa trong thị trường lớn sẽ dẫn đến những giá trị khổng lồ về năng suất”. Ông đã minh họa ý tưởng này bằng việc sản xuất ghim cài. Một thị trường nhỏ có thể chỉ yêu cầu sản xuất một số lượng nhỏ ghim cài và được chế tạo bởi một vài cá nhân thực hiện nhiều bước trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, thay vì một người thực hiện tất cả các bước để sản xuất một chiếc ghim cài, mỗi người chỉ cần làm một bước cụ thể như kéo sợi kim loại, cắt đoạn, mài nhọn, gắn đầu ghim và đóng gói. Sự chuyên môn hóa này dẫn đến năng suất cao hơn, bởi mỗi công nhân trở nên thành thạo và nhanh chóng hơn trong nhiệm vụ của mình, và các công đoạn sản xuất được thực hiện liên tục mà không bị gián đoạn. Kết quả là, nhà máy có thể sản xuất một số lượng lớn ghim cài với chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn.
Phân công lao động trong một nhà máy sản xuất ghim cài

Phân công lao động trong một nhà máy sản xuất ghim cài
Về lợi ích từ sự phân công lao động như vậy, Smith đã viết:
“Chính sự gia tăng đáng kể về sản lượng của tất cả các ngành khác nhau, là kết quả của sự phân công lao động, tạo ra sự giàu có phổ biến trong một xã hội được quản lý tốt, mà sự giàu có này lan rộng đến các tầng lớp thấp nhất của người dân.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển I, Chương I
Do sự tích hợp các thị trường trong một quốc gia đã tạo ra cơ hội để tăng năng suất và đồng thời làm tăng sự phúc lợi xã hội. Con người có thể tạo ra nhiều tài sản hơn với sự nỗ lực ít hơn. Áp dụng với thương mại quốc tế, điều này cũng đã mở rộng hơn nữa sự phân công lao động trên các thị trường quốc tế.
“Nhờ vào kính, nhà kính và bức tường nhiệt, những loại nho ngon giờ đây có thể được trồng ở Scotland và cũng có thể làm rượu từ chúng với chi phí khoảng ba mươi lần so với việc mua rượu tương đương từ các nước ngoài. Liệu việc cấm nhập khẩu tất cả các loại rượu ngoại chỉ để khuyến khích sản xuất rượu claret và burgundy ở Scotland có phải là một luật lệ hợp lý không?” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển IV, Chương II
Đâykhông hoàn toàn là cái gì đó mới mẻ: ngay trước Cách mạng Công nghiệp ( Cuối thế kỉ 18), các thương nhân đã tiến hành chuyên môn hóa, vì nó hiệu quả hơn (và do đó làm tăng năng suất, dẫn đến sản phẩm rẻ hơn) khi thợ mổ “chuyển đổi” gia súc thành thịt bò, người pha chế nấu men bia, mạch và hoa bia thành bia, và người làm bánh tạo ra bánh mì từ bột mì. Nhưng với Smith, ông nhận thấy rằng việc áp dụng nguyên tắc này sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn nhiều khi áp dụng trên quy mô Quốc Gia, đặc biệt trong thời đại thương mại quốc tế ngày càng mở rộng.
Ngoài dung sai của thị trường, Smith cũng đánh giá cao việc các nhà sản xuất đưa ra thị trường những mặt hàng mà người dân quan tâm với mục đích lợi nhuận. Theo đó, ngay cả khi không có tổ chức như một cơ quan hành chính, thị trường vẫn có thể dẫn dắt những người theo đuổi lợi ích cá nhân của họ và tạo ra một kết quả xã hội tích cực. Điều này chính là bản chất của câu nói nổi tiếng về “bàn tay vô hình” của ông.
“Mỗi cá nhân… dù họ không có ý định thúc đẩy lợi ích của công chúng, người ta chỉ có ý định đảm bảo sự an toàn cho bản thân; và bằng cách điều hướng ngành công nghiệp để sản phẩm của họ có giá trị lớn nhất, họ chỉ dự định sao cho đạt được lợi ích của riêng mình tốt nhất. Trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, chúng ta đang được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thúc đẩy một mục đích mà không phải là ý định ban đầu của mình.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển IV, Chương II
Vậy, liệu điều này có chứng minh rằng Smith đang biện hộ cho những lợi ích của chủ nghĩa tư bản tự do không bị ràng buộc? Nhưng đâu chỉ có vậy. Đó chỉ là một khía cạnh của quan điểm về kinh tế của Smith mà thôi.

Adam Smith, chỉ trích về sự chiếm đoạt kinh tế và lợi ích nhóm

Adam Smith không phải là người bảo vệ cho những “đại gia”của thời đại ông. Mặc dù ông đã có ý kiến cá nhân về những lợi ích của nền kinh tế thị trường, ông lại không đòi hỏi sự tự do cho các thành viên quyền lực của tầng lớp tinh hoa kinh tế. Smith đã thừa nhận những lợi ích từ cạnh tranh trên thị trường, nhưng ông không có ảo tưởng rằng những nhà sản xuất có “quyền lực ngầm” sẽ không phá vỡ sự cạnh tranh này bằng cách “hợp tác chính trị”, để có thể làm giảm lương nhân công và từ đó tăng lợi nhuận.
“Các ông chủ khắp mọi nơi trên thế giới này sẽ luôn luôn có sự kết hợp ngầm, liên tục và nhất quán, không để lương người lao động cao đến mức thực tế.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển VIII, Chương VIII
” Bất kỳ đề xuất điều luật mới nào hoặc thêm quy định thương mại đến từ [những nhà kinh doanh] nên luôn được cân nhắc kỹ càng và cẩn thận. [Họ] thường sẽ có những lợi ích riêng khi lừa dối và thậm chí áp bức dư luận.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển III, Chương XI
Thật vậy, ngược lại với một vài quan điểm ngây thơ rằng theo đuổi lợi ích cá nhân sẽ luôn mang lại lợi ích chung, Smith đã thẳng thắn chỉ trích mục đích của các tầng lớp thượng lưu xã hội, lợi ích cá nhân của họ có thể xung đột với lợi ích của đa số dân số, những hành động của họ có thể không luôn hướng tới lợi ích chung của xã hội. Đó là một quan điểm rất tinh tế. Có sự cân bằng giữa động cơ cá nhân và kết quả xã hội.
“Dành hết cho chính mình và không có gì cho người khác dường như là phương châm hèn mọn của những kẻ thống trị nhân loại, xuyên suốt mọi thời đại.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển III, Chương IV
Trên cơ sở đó, các cơ chế thị trường thường hướng đến lợi ích của đại chúng, trong khi sự thiếu cạnh tranh thị trường thường mang lại lợi ích cho các thành viên quyền lực của tầng lớp thượng lưu. Quan điểm này của Adam Smith hợp lý khi ông bày tỏ mối lo ngại về mức độ bất công cao trong xã hội.
“Không thể có một xã hội thịnh vượng và hạnh phúc nếu phần lớn đông đảo của dân số đều nghèo khổ và đau khổ.” — Adam Smith, Của Cải Của Các Quốc Gia, Quyển I, Chương VIII
Vậy thì có thể nói Adam Smith là một người con xã hội chủ nghĩa hay không? Mình cũng không chắc. Ông là một nhà kinh tế học tự do thuộc trường phái cổ điển từ thế kỷ 18, trước Cách mạng Công nghiệp. Các cuốn sách của Smith không viết để bảo vệ thị trường tư bản với các tập đoàn lớn. Ông chỉ nhìn nhận và nói về tiềm năng lớn lao của thị trường để phục vụ dân chúng, chứ không phải những nhà sản xuất cố gắng phá hoại các cơ chế thị trường này với động cơ ích kỷ.

Adam Smith – nhà kinh tế học hành vi

Quan điểm của Adam Smith cũng đã và đang bị hiểu sai ở một khía cạnh quan trọng khác. Ông không phải là người ủng hộ quan điểm rằng chúng ta chỉ theo đuổi lợi ích cá nhân một cách hẹp hòi, lạnh lùng và hoàn toàn lý trí. Thay vào đó, ông có sự hiểu biết rất sắc sảo về tâm lý học con người và sự phức tạp của các tương tác giữa con người với nhau.
Đọc lại những tài liệu của Adam Smith bây giờ, chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc khi thấy ông đã dự đoán được một số hiện tượng mà sau này sẽ xuất hiện trong tài liệu về kinh tế học hành vi.
Một trong những khái niệm nổi tiếng nhất được Kahneman và Tversky đưa ra — công trình của họ là nguồn gốc của kinh tế học hành vi như một ngành khoa học — là khái niệm “sợ mất mát”: cho rằng những mất mát luôn được nhớ đến rõ ràng hơn (so với) những khoản lợi tương tự trong tâm trí chúng ta. Nói cách khác, chúng ta thường nghĩ về “mất” hơn là “được”. Ý tưởng này đã được mô tả trong sách Lý thuyết Tình cảm Đạo đức của Smith, 200 năm trước các bài nghiên cứu của Kahneman và Tversky.
Nghịch cảnh, … làm cho tâm trí của con người trở nên suy sụp nhiều hơn so với thịnh vượng. — Smith, Lý thuyết Tình cảm Đạo đức, Sách I, Chương III
Một lĩnh vực nghiên cứu khác trong kinh tế học hành vi là xu hướng của chúng ta quá tập trung vào hiện tại, các món lợi trước mắt dẫn đến các quyết định có thể gây hại cho chúng ta trong dài hạn. Hàng ngày vẫn luôn có hàng nghìn người bị lừa vì những chiêu trò kêu gọi đầu tư góp vốn với tỉ suất sinh lời “siêu khủng” chúng ta biết đó là bất hợp lí, nhưng nhìn vào một món hời trước mắt thì thật khó để từ chối.
Niềm hạnh phúc mà chúng ta sẽ tận hưởng trong mười năm tới ít hấp dẫn hơn nhiều so với niềm vui mà chúng ta có hôm nay, cảm xúc mà nhưng gì trong tương lai xa khơi gợi cảm xúc tự nhiên yếu hơn rất nhiều so với cảm xúc mãnh liệt mà món hời trước mắt có thể tạo ra, trừ khi điều tương lai được hỗ trợ bởi cảm giác về sự đúng đắn… — Smith, Lý thuyết Tình cảm Đạo đức, Sách IV, Chương II

Một khái niệm khác về kinh tế học hành vi thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế là: Con người có xu hướng tự tin quá mức và hình thành những niềm tin về bản thân quá tích cực hoặc tự tâng bốc bản thân. Adam Smith mô tả khía cạnh này của tâm lý con người một cách rất rõ ràng:
Sự tự phụ quá mức về khả năng của chính mình là một tệ nạn cổ xưa đã được các triết gia và nhà đạo đức học của mọi thời đại nhìn nhận ra. Sự tự tin đến mức vô lý của họ vào vận may của chính mình thì ít được chú ý hơn… Không có ai trong cuộc sống, khi đang ở trong tình trạng sức khỏe và tinh thần bình thường, lại không có một phần nào đó của sự tự phụ. Cơ hội thành công được mọi người đánh giá quá cao, và rủi ro thua lỗ lại được phần lớn mọi người đánh giá thấp. — Smith, Của Cải Các Quốc Gia, Sách I, Chương X.
Smith cũng nhận ra định kiến về kết quả: Thực tế là chúng ta có xu hướng đánh giá các hành động dựa trên kết quả (thường do may mắn) thay vì dựa trên sự hợp lý của chúng vào thời điểm đó xảy ra. Hãy lấy ví dụ trong 1 trận bóng đá. Cho dù đội của bạn chơi hay đến mấy, nhưng trong một ngày kém may, bạn có thể bị thua. Bạn vẫn phải nhận lấy sự chỉ trích cho dù về chiến thuật không có gì phải phàn nàn. Sau cùng thì chúng ta cũng chỉ quan tâm đến kết quả chứ không phải quá trình.
Rằng thế giới phán xét dựa trên kết quả, chứ không phải trên quá trình. Mọi người có thể đều đồng ý với nguyên tắc chung rằng vì kết quả không phụ thuộc vào người thực hiện, nên nó không nên ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về giá trị hay tính hợp lý của hành vi của họ. Nhưng khi chúng ta đi vào chi tiết, chúng ta thấy rằng cảm nhận của chúng ta hầu như không hoàn toàn phù hợp với những gì nguyên tắc trên đưa ra. Kết quả may mắn hay đen đủi không chỉ đưa cho chúng ta một ý kiến tốt hay xấu, mà hầu như luôn làm tăng cảm giác vui mừng hay phẫn nộ của chúng ta. — Adam Smith, Lý thuyết Tình cảm Đạo đức, Sách II, Chương II
Cuối cùng, trái ngược với quan điểm thường được cho rằng Smith ủng hộ sự ích kỷ cá nhân, ông lại cho thấy mình là con người tràn đầy đạo đức. Thực vậy, Adam Smith cũng là một triết gia đạo đức.
Dù cho con người có ích kỷ đến đâu đi nữa, rõ ràng trong bản chất của con người, làm cho chúng ta có sự quan tâm đến số phận của người khác và đươch chứng kiến hạnh phúc của họ trở mặc dù ta không thu được gì từ đó, vẫn khiến chúng ta vui vẻ. — Smith, Lý thuyết về những cảm xúc đạo đức, Sách I Chương I
Cảm thông cho người khác, kiềm chế sự ích kỷ của bản thân sẽ tạo nên sự hoàn hảo của bản tính con người. — Smith, Lý thuyết về những cảm xúc đạo đức, Sách I Chương I
Con người không chỉ mong muốn được yêu mà còn muốn trở nên đáng yêu. — Smith, Lý thuyết về những cảm xúc đạo đức, Sách I Chương II

Vĩ Thanh

Điều đặc biệt về những nhận thức sâu sắc của Adam Smith là vẫn không bị lỗi thời sau hai trăm năm từ khi ông viết những tác phẩm của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng với việc đọc chọn lọc và cái nhìn hạn hẹp đối những gì ta nghĩ rằng Smith đã viết trong tác phẩm của mình. Hãy phóng tầm mắt xa hơn và bạn sẽ thấy rằng ông không nên được coi là một gã biện hộ cho chủ nghĩa tư bản thị trường, mà thay vào đó, ông là một nhà quan sát sáng suốt về sự tương tác xã hội và kinh tế.