Nước Mỹ bất ổn trước thềm bầu cử
Nước Mỹ bất ổn trước thềm bầu cử
Trong vụ ám sát hụt gây chấn động nước Mỹ hôm qua, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bị bắn trúng tai phải trong lúc tham gia vận động tranh cử. Nhiều câu hỏi được nêu lên liên quan đến lỗ hổng an ninh trong công tác bảo vệ của Mật vụ Mỹ đối với ông Trump, người vừa là cựu tổng thống vừa là ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Lỗ hổng an ninh nghiêm trọng
Vụ tấn công xảy ra tại cuộc mít tinh tranh cử của cựu Tổng thống Trump ở Butler (bang Pennsylvania) hôm 13.7 (giờ địa phương). Âm mưu ám sát được thực hiện ngay trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở TP.Milwaukee (bang Wisconsin) bắt đầu từ ngày 15.7. Tại sự kiện này, dự kiến ông Trump sẽ chính thức trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống.
Ngay sau khi tin tức vụ ám sát được truyền đi, nhiều người thắc mắc bằng cách nào một tay súng phục kích trên mái nhà có thể nổ súng liên tiếp về phía một cựu tổng thống đang trên bục phát biểu tại cuộc mít tinh có sự hiện diện của Mật vụ, cảnh sát địa phương và trước sự chứng kiến của không ít khán giả? Đài CNBC News dẫn lời một số chuyên gia an ninh kết luận những gì xảy ra ở Butler là hậu quả của sai sót an ninh nghiêm trọng, có lẽ chỉ sau vụ Tổng thống Ronald Reagan bị bắn trọng thương bên ngoài một khách sạn ở thủ đô Washington D.C năm 1981.
Đài BBC News dẫn lời một nhân chứng cho biết đã phát hiện bóng dáng một tay súng trên mái nhà và báo cho cảnh sát đang bảo vệ cuộc mít tinh tranh cử. “Và phía cảnh sát phản ứng kiểu “Hả, chuyện gì thế?”. Chúng tôi nói “đằng kia kìa, ngay trên mái nhà. Chúng tôi có thể nhìn thấy tay súng từ nơi chúng tôi đang đứng. Hắn đang bò trên mái nhà”, nhân chứng kể lại. Vài phút sau, tay súng bóp cò.
Các chuyên gia an ninh đồng ý rằng rất khó để loại trừ mọi mối đe dọa, đặc biệt khi tay súng có vũ khí tấn công tầm xa và tại những sự kiện ngoài trời. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ được giảm thiểu nếu phía phụ trách an ninh kiểm tra các mái nhà gần nơi tổ chức sự kiện. Đài CNBC News dẫn lời ông Jim Cavanaugh, cựu đặc vụ của Cục Quản lý chất cồn, thuốc lá, vũ khí và chất nổ thuộc Bộ Tư pháp Mỹ từng hợp tác với Mật vụ, tỏ ra ngạc nhiên vì tay súng có thể chiếm cứ một cao điểm có thể đặt nơi tổ chức mít tinh vào tầm bắn.
Theo ông Cavanaugh, khẩu súng trường dòng AR-15 mà tay súng ám sát ông Trump sử dụng có tầm bắn đến 183 m. Trong khi đó, Đài NBC tính toán được mái nhà nơi hung thủ nổ súng chỉ cách ông Trump phát biểu khoảng 135 m. “Mỗi khi tôi làm việc với Mật vụ Mỹ, mỗi cứ điểm trên cao đều được họ kiểm soát hoặc do lực lượng phản ứng nhanh (SWAT) địa phương thực hiện”, ông Cavanaugh nói và cho biết thêm không ai được phép có mặt trên các mái nhà xung quanh nơi tổ chức sự kiện.
Vài giờ sau vụ tấn công, Giám đốc Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle nhận được yêu cầu ra điều trần về vụ việc tại Hạ viện Mỹ vào ngày 22.7. Chưa rõ Mật vụ Mỹ sẽ có sự điều chỉnh cụ thể nào để bảo vệ các ứng viên tổng thống sau vụ việc.
Trong bài phân tích tựa đề Suýt nữa rơi vào nguy cơ nội chiến, trang The Conversation dẫn lời học giả Arie Perliger của Đại học Massachusetts nhắc nhở nước Mỹ vừa trải qua một chương đầy bạo lực của nền chính trị đang ngày càng phân cực. Theo vị chuyên gia này, trong trường hợp ông Trump bị thương nghiêm trọng hoặc thậm chí thiệt mạng, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng bạo lực và hỗn loạn trong những tháng tới. Trang Vox cũng cảnh báo nước Mỹ chưa sẵn sàng đối mặt những gì sẽ xảy ra kế tiếp trong trường hợp kẻ ám sát thành công.
Lợi thế cho ông Trump
Loạt đạn bắn về hướng ông Trump được cho đã nâng cơ hội thắng cử của đảng Cộng hòa vào ngày 5.11 tới. Thậm chí, tờ The Washington Post còn đưa ra nhận định vụ ám sát đã đảo ngược tình thế trên đường đua vào Nhà Trắng vốn dĩ đã hỗn loạn từ đầu năm đến nay.
Vài giây sau khi những phát súng nổ ra, giới quan sát chính trị Mỹ phát hiện cục diện tranh cử rõ ràng đã có sự thay đổi lớn. Hình ảnh ông Trump trong tình trạng một bên mặt thấm máu vẫn giơ nắm đấm lên cao và thốt lên từ “chiến đấu” đã trở thành biểu tượng mới của Mỹ, theo sử gia Douglas Brinkley của Đại học Rice (Mỹ) nhận định với The Washington Post.
Còn trong bài viết giật tít Âm mưu ám sát ông Trump đã thay đổi mọi thứ, tờ The Telegraph gọi vụ ám sát là thời khắc quan trọng nhất lịch sử Mỹ trong nhiều thập niên. “Và lịch sử nói với chúng ta rằng ông Trump sẽ quay lại Nhà Trắng”, theo bài báo.
Từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay, phía cựu Tổng thống Trump xây dựng hình ảnh là “chiến binh” chống lại mọi sức ép đến từ các công tố viên liên bang, thẩm phán, quan chức bầu cử, các đối thủ chính trị. Ông Trump đối mặt 4 phiên tòa hình sự đe dọa khả năng quay lại Nhà Trắng.
Trong khi các cuộc khảo sát gần đây ghi nhận Tổng thống Biden và ông Trump đang trong tình thế giằng co, âm mưu ám sát bất thành được cho mang đến lợi thế tranh cử đối với ông Trump. “Người Mỹ ưa chuộng tinh thần dũng cảm và kiên cường trước áp lực, và việc ông Trump giơ nắm đấm lên cao sau khi trúng đạn sẽ trở thành biểu tượng mới của nước này”, sử gia Brinkley phân tích.
Các tỉ phú Mỹ ủng hộ ông Trump tranh cử
Các tỉ phú Mỹ, như Elon Musk và Bill Ackman đã công khai ủng hộ ông Trump tranh cử ngay sau khi biết tin về vụ ám sát. “Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Reagan đã tăng 22 điểm % trong các cuộc khảo sát sau khi ông bị ám sát năm 1981. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay nhiều khả năng sẽ chứng kiến chiến thắng vang dội”, Reuters dẫn lời nhà đầu tư trưởng Nick Ferres của công ty quản lý tài sản Vantage Point (Singapore).
Bạn đang đọc Nước Mỹ bất ổn trước thềm bầu cử tại website hungday.com
Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.