Đảo rắn Brazil – nơi kinh hoàng nhất thế giới Đảo Ilha da Queimada Grande – Đảo rắn
Thế giới có nhiều vùng đất mới mẻ, thú vị. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu con người cũng có thể đặt chân đến thám hiểm hay thăm thú.
Đảo Ilha da Queimada Grande – Đảo rắn là một trong những địa danh như vậy. Hòn đảo thuộc địa phận Brazil, nằm phía Nam Đại Tây Dương này hiện được xem là nơi nguy hiểm nhất thế giới, đến mức cấm tuyệt đối con người được bén mảng tới.
Hòn đảo xinh đẹp này là một trong những đảo chết người nhất thế giới. (Ảnh: atlaobscura)
Iiha da Queimada Grande là một hòn đảo rộng 45 ha, nằm lẻ loi ở Nam Đại Tây Dương và cách bờ biển Sao Paulo 35km.
Trước đây, hòn đảo này mang tên “Đảo Cháy” do ngư dân đã có gắng chiếm bờ biển bằng cách đốt rừng và đuổi động vật hoang dã vào trong rừng sâu, nhưng với sự hiện diện của vô vàn loài rắn độc, nơi đây được biết đến nhiều hơn với tên “Đảo rắn”. Khí hậu ở đây rất ôn hòa, không khác gì so với hòn đảo lân cận Nimer.
Hòn đảo này có nhiều loại thảm thực vật và địa hình của nó cũng rất đa dạng. Theo các nhà nghiên cứu, diện tích của hòn đảo được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới, trong khi các khu vực còn lại là đá cằn cỗi và đồng cỏ trống trải. Sự mất cân bằng này đến từ hành vi tàn phá rừng của con người trong quá khứ, hiện đang thể hiện rõ ràng ở mọi ngóc ngách của hòn đảo.
Rắn hổ lục đầu vàng chỉ sống duy nhất trên đảo rắn Brazil. (Ảnh: exotictravel)
Hòn đảo này nổi tiếng là nơi sinh sống duy nhất của loài rắn hổ lục đầu vàng độc nhất thế giới. Tuy rắn hổ lục đầu vàng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng ở những nơi khác trên thế giới nhưng trên đảo có nhiều loài rắn này tới mức cứ một mét vuông có tới 1 – 5 con hổ lục đầu vàng. Loại rắn này khi trưởng thành có thể dài hơn nửa mét và nọc độc mạnh hơn 5 lần so với nọc rắn trong đất liền, do chúng chỉ ăn chim thay vì ăn động vật có vú.
Ngoài rắn hổ lục đầu vàng, đảo Rắn cũng là nơi sinh sống của khoảng 400.000 con rắn khác, tất cả đều được xếp loại độc hoặc cực độc. Lý giải cho sự đa dạng đáng sợ này, một giả thuyết cho rằng cách đây 11.000 năm rắn đã bị mắc kẹt trên đảo khi mực nước biển dâng cao, nhấn chìm cả vùng đất nối liền giữa đảo với đất liền.
Quần thể của loài này đang phải đối mặt với bệnh tật và những biến dị di truyền đến từ giao phối cận huyết. Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN khẳng định rằng rắn hổ lục đầu giáo vàng đang bị đe dọa nghiêm trọng do số lượng tổng thể của chúng thấp. Nó cũng được đưa vào danh sách các loài bị đe dọa ở Brazil.
Một vết cắn của hổ lục đầu vàng có thể giết chết một người trưởng thành bằng cách gây sưng đau, ói mửa, bầm tím, chảy máu nội tạng, suy thận, xuất huyết não và dẫn tới hoại tử cơ bắp nghiêm trọng chỉ sau 2 giờ đồng hồ.
Nọc rắn hổ lục đầu vàng có khả năng phá hủy và làm tan cơ thể người.
Sở dĩ, các nhà khoa học kết luận rắn hổ lục đầu vàng có khả năng phá hủy và làm tan cơ thể người và các loài động khác là vì trong nọc độc của chúng chứa chất độc Hemotoxin làm ăn mòn thịt và mô.
Loại nọc độc này không chỉ “tiễn” nạn nhân về cõi chết nhanh chóng mà còn giúp hổ lục đầu vàng dễ dàng nuốt con mồi hơn.
Nọc độc, sự cô lập và nhung nhúc rắn độc ở khắp nơi đã biến Ilha da Queimada Grande trở thành “nghĩa địa” đáng sợ bậc nhất thế giới!
Ngoài rắn hổ lục đầu vàng, rất nhiều loài rắn nguy hiểm khác cũng sống tại nơi đây.
Người dân Brazil thường kể cho những vị khách du lịch hai câu chuyện về những người chết vì rắn trên hòn đảo.
Nhân vật chính trong câu chuyện thứ nhất là một ngư dân. Trong một lần đi biển, ông đã ghé vào hòn đảo để hái quả và một con rắn cắn ông. Người ngư dân vội vã chạy về thuyền. Nhưng sau đó vài ngày, người dân đã phát hiện ông chết trên chiếc thuyền đang trôi lênh đênh và nằm trong một vũng máu.
Câu chuyện thứ hai nói về người canh ngọn hải đăng và gia đình ông. Trên đảo duy nhất có một ngọn hải đăng và hầu như không có người sống. Có một truyền thuyết rằng cư dân cuối cùng sống trên đảo là người canh gác ngọn hải đăng. Một đêm, hàng trăm con rắn trườn qua cửa sổ tấn công gia đình ông khiến họ phải tìm cách trốn thoát ra thuyền ngoài khơi. Tuy nhiên những con rắn dài hơn nửa mét đã treo mình qua những cành cây, cắn cả gia đình này khiến họ chết trong đau đớn.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu một con rắn hổ lục đầu vàng.
Vì sự hiện diện quá đông đúc của loài động vật nguy hiểm chết người này, Hải quân Brazil đã cấm không cho ai được tới đảo ngoại trừ các nhà khoa học và người canh gác ngọn hải đăng.
Suốt từ năm 2010, chuyên trang du lịch nổi tiếng Listverse đã chọn hòn đảo này là địa điểm du lịch kinh khủng nhất thế giới, xếp trên cả khu vực bị ô nhiễm phóng xạ Chernobyl và các núi lửa bùn tại Azerbaijan.
Dù hòn đảo có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng vì mật độ rắn độc quá cao nên chính phủ Brazil đã đóng cửa nơi này. Mỗi năm chỉ có Hải quân Brazil và các nhà nghiên cứu do Viện bảo tồn đa dạng sinh học Chico Mendes lựa chọn, đơn vị bảo tồn liên bang Brazil mới được phép đặt chân lên đảo để nghiên cứu. Tất nhiên, họ cũng phải được tranh bị bảo hộ đặc biệt và có chuyên môn cao, chẳng những vậy, họ còn đi cùng với các bác sĩ – những người luôn trong trạng thái sẵn sàng cấp cứu các ca bệnh bị rắn cắn.
Tuy nhiên, một số kẻ săn bắt trộm vẫn liều lĩnh đến đây vì loài rắn này được bán với giá rất cao ngoài chợ đen, khoảng 30.000 USD (660 triệu đồng).
Năm 2019, Tara Brown, nữ du khách người Australia đã quyết định tới đảo Rắn dù mọi người kịch liệt phản đối.
Là người yêu thích các chuyến phiêu lưu mạo hiểm, cô đã đồng ý tham gia chương trình “60 minutues” (Australia) tới đảo Rắn. Nhóm mất 6 tháng để được cấp phép đến đây.
Tara Brown chụp ảnh cùng rắn khi đến thăm đảo.
Dù không thích rắn, Tara tự trấn an mọi chuyện sẽ ổn. Đoàn làm phim đã trang bị thiết bị như xe cứu thương, máy khử rung tim và đội ngũ y tế dày dặn kinh nghiệm.
Nữ du khách kể trung bình cứ ba bước chân, cô lại gặp năm con rắn cực độc màu vàng. Đôi lúc, cô lại gần các con rắn đang ngủ, trạng thái an toàn nhất của chúng, để chụp ảnh nhưng vẫn cảm thấy căng thẳng, sợ hãi. Chuyến đi không phải kỳ nghỉ lý tưởng nhưng giúp Tara mở rộng kiến thức về loài rắn cùng hòn đảo “cực độc” của thế giới.