REVIEW | NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ – KHALED HOSSEINI
Tháng bảy 16, 2024
Mày là đồ harami hậu đậu. Phần thưởng cho những gì tao phải chịu đựng là thế này đây. Một harami vụng về, làm vỡ vật gia bảo.
Harami trong tiếng Ả rập có nghĩa là con hoang. Tội lỗi vì được sinh ra chính là nguồn cơn cho những bi kịch cuộc đời của Mariam. Một đứa con hoang không thể được cha mình công nhận. Cái ngày Mariam rời khỏi kolba để đến Herat, cũng chính là ngày mẹ Nana tự vẫn, ngày mà cô nhận được cái nhìn thờ ơ từ Jalil – người cha mà cô hết lòng tin tưởng là người yêu thương mình. Mariam đã dành cả cuộc đời để trả giá cho tội lỗi của Jalil và Nana. Khi tròn 15 tuổi, cô bị gả cho Rasheed, một gã trung niên hơn cô những 30 tuổi, sống tại Kabul.
Con có thể đạt được những gì con muốn, Laila à. Bố biết con mà. Và bố cũng biết rằng khi chiến tranh kết thúc, Afghanistan sẽ cần đến con như cần những người đàn ông, thậm chí có thể hơn ấy chứ. Bởi lẽ xã hội sẽ không thể phát triển nếu người phụ nữ không được đi học.
Vào đêm diễn ra cuộc đảo chính tháng Tư năm 1978, cô bé Laila chào đời trong một gia đình thượng lưu, có babi yêu thương và luôn ủng hộ trên con đường theo đuổi tri thức.
Ngàn mặt trời rực rỡ kể một câu chuyện sống động về số phận của hai người phụ nữ với những cách biệt thế hệ, tầng lớp, cùng những biến động lịch sử trải dài bốn thập kỷ tại Afghanistan (1959 – 2001). Những tưởng cuộc đời của Mariam và Laila sẽ không có giao điểm, vậy mà trận nã rocket năm 1992 đã gắn chặt số phận họ lại, như hai mảnh ghép không thể tách rời – hai người vợ, cùng chung sống dưới một mái nhà. Cuốn tiểu thuyết được kể xen kẽ qua góc nhìn của hai nhân vật, với những lát cắt lịch sử tại Trung Đông. Dòng thời gian được chia làm 4 phân đoạn:
Chương 1: Góc nhìn của Mariam
Chương 2: Góc nhìn của Laila
Chương 3: Cuộc sống của Mariam và Laila dưới một mái nhà
Chương 4: Laila và cuộc đời mới
Tôn giáo hà khắc và bom rơi đạn lạc, một Afghanistan chằng chịt thương đau đã khiến con người trở nên lãnh cảm với đối phương, nhưng cũng mang họ xích lại gần nhau hơn. Khaled Hosseini đã viết lên câu chuyện đầy cảm động về tình yêu thương, sự hy sinh và khát vọng sống của những người phụ nữ thấp cổ bé họng, bị vùi dập bởi xã hội nam quyền. Trong những năm tháng mịt mù, những trận bão cát oi bức và tuyết rơi buốt giá triền miên, họ đã nương tựa vào nhau, cùng thoát khỏi nghịch cảnh, cứu rỗi cuộc đời nhau.
Tình bạn nhen nhóm
Những ngày đầu, Mariam tỏ ra không ưa gì Laila, người vợ mới non trẻ mà Rasheed đưa về, người đã cướp hết sự chú ý của ông ta.
Bước ngoặt trong mối quan hệ của họ, từ thù ghét thành sự đồng cảm chính là khi Aziza ra đời. Chứng kiến tình thương mà Laila dành cho con gái, niềm vui của cô khi đứa bé cười hay đánh rắm, mặc cho Rasheed buông những lời chì chiết mẹ con họ, Mariam không hề thấy hả dạ, mà ngược lại thấy thương hại cô gái. Những trận đòn roi, cái nhìn mạt sát, khinh khi của Rasheed trong cuộc hôn nhân kéo dài gần 2 thập kỷ dường như đã khiến Mariam đầu hàng số phận, cho đến khi Laila bước vào cuộc đời bà. Một cô gái thông minh, dũng cảm, kiên cường với mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh sâu thẳm.
Ở cô, Mariam tìm thấy niềm an ủi, một người bạn tri kỷ, và là nguồn sống trong những ngày tháng tăm tối nhất. Sự cứng đầu, ương bướng và nghị lực của Laila phản chiếu con người trước đây của Mariam. Bà từng là cô bé tin vào những điều đẹp đẽ, trước khi thực tại hà khắc ập đến như những cơn vũ bão, chà đạp lên niềm tin ấy, biến bà thành một người đàn bà xấu xí, một kẻ không xứng đáng được yêu thương, một harami thấp kém phải sống để trả giá cho sự tồn tại của mình. Trước khi Laila xuất hiện, chưa từng có ai bảo vệ bà khỏi những cú đấm, cái quật bằng dây da của Rasheed. Chính trong khoảnh khắc đó, hành động của Laila đã nhen nhóm trong Mariam một ý niệm, cuộc đời bất hạnh của bà đã thay đổi. Tình bạn của họ bắt đầu với những chén chai dưới sân nhà vào một đêm hè năm 1993. Hai người phụ nữ với khoảng cách thế hệ dần tìm thấy sự đồng điệu, trở thành những người bạn, cùng nương tựa vào nhau.
Hoá thành tình mẫu tử thiêng liêng
Từ tình bạn khiêm tốn, họ cùng nhau chia sẻ việc nhà và nuôi nấng những đứa trẻ. Khi ôm Aziza bé bỏng trong tay, lần đầu tiên trong chuỗi ngày bất hạnh, Mariam cảm nhận tình yêu đến với bà dễ dàng đến thế, một cách chân thật và cởi mở. Hơn cả sự đồng cảm giữa những người phụ nữ bị áp bức, mối quan hệ của họ dần trở nên khăng khít, hoá thành tình mẫu tử thiêng liêng. Những lần xảy thai ở độ tuổi thiếu niên đã cướp mất cơ hội làm mẹ của Mariam. Hai mươi năm sau, thượng đế đưa Laila đến để bù đắp cho bà.
Bằng tất cả tình yêu sẵn có của một người mẹ, sự an toàn, hạnh phúc của Laila và những đứa trẻ luôn là điều tiên quyết đối với Mariam. Nhưng làm sao cô gái có thể sống bình yên nếu Rasheed phát hiện Aziza cũng là một harami, một harami giống bà? Đó là một sự sỉ nhục đáng khinh tởm, không đời nào hắn bỏ qua cho mẹ con cô; họ sẽ phải chịu sự “trừng phạt”. Mariam đã sống cuộc đời bất hạnh, đầy tủi nhục của một harami suốt hơn 40 năm, làm sao bà có thể để 40 năm ấy một lần nữa tiếp diễn, bao trùm lên số phận của Aziza – đứa trẻ không có tội tình gì ngoài việc được sinh ra? Bà nhất định không để nó xảy ra, dù có phải hy sinh tính mạng.
Khát khao làm chủ cuộc đời
Mùa xuân năm 1994, khi Aziza tròn một tuổi, họ đã cùng nhau bỏ trốn. Nhưng người phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không đi cùng người thân là nam giới. Kế hoạch thất bại và Laila một lần nữa chứng kiến Mariam bị Rasheed đánh đập vì cho rằng bà đã xúi giục cô.
Cùng với những tiếp diễn lịch sử, tháng Chín năm 1996, phiến quân Taliban tiếp quản Kabul, ban hành đạo luật Hồi giáo hà khắc:
Nghiêm cấm trẻ em gái đến trường. Tất cả trường học dành cho con gái sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.
Nghiêm cấm phụ nữ đi làm.
Nếu bị bắt gặp ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết
Vào một buổi chiều lạnh lẽo, Laila băn khoăn liệu cô có thể yêu đứa con của Rasheed như cái cách cô đã yêu Aziza – kết tinh tình yêu của cô và Tariq – hay không? Chiến tranh đã cướp đi những người anh trai, giết chết bạn bè thuở nhỏ của cô. Mammy và babi đã chết, Tariq cũng vậy. Nòng súng, khói đạn, sự hung chiến của các phiến quân đã gây ra cái chết của những người cô yêu thương, đẩy cô vào cuộc hôn nhân địa ngục này. Đã có quá nhiều sự chết chóc. Làm sao Laila có thể cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ vô tội. Đây là cuộc chiến của riêng cô và Rasheed. Tháng Chín năm sau đó, Zalmai chào đời.
Rồi điều Mariam lo sợ cũng xảy đến. Hạn hán kéo dài và việc buôn bán ế ẩm, khiến Rasheed thất nghiệp, ba người họ phải đối mặt với nhau cả ngày. Tính khí của lão cũng ngày một nóng nảy, hung hãn hơn. Lão dường như đã biết Aziza là một harami từ lâu. Lão đã cố chịu đựng điều này suốt nhiều năm cho đến khi Zalmai kháu khỉnh mách lẻo rằng mẹ nó đã gặp và nói chuyện với một người đàn ông tên Tariq.
Rasheed cảm thấy sự tráo trở, sự phản bội không thể dung thứ, ông ta giờ đã thực sự trở thành một ahmaq. Một cuộc ẩu đả diễn ra. Sự phẫn nộ lên tới đỉnh điểm, mắt lão long sòng đỏ, lão dường như có thể giết chết Laila vào lúc này. Mariam không thể để lão làm vậy. Lão ta đã cướp đi của bà 27 năm tuổi trẻ, cướp đi quyền làm mẹ, khiến cuộc đời bà khốn khổ khốn nạn. Bà đã chịu đựng, hầu hạ và chăm sóc lão, chỉ để đổi lại những cú đấm thụm, những cái tát trời giáng và đòn roi khắp cơ thể. Bà đã gây nên tội tình gì với lão để phải hứng chịu tất thảy những bi kịch này. Mariam giờ đã ngoài 40, đây là lần đầu tiên bà tự quyết định số phận – kết thúc chuỗi ngày tăm tối.
Một người vợ đã giết chồng, để cứu người vợ còn lại.
Cuộc đời của Mariam và Laila đã hoà quyện vào nhau. Một cuộc sống bình yên, cặp vợ chồng cùng nuôi nấng những đứa con thơ, một nơi không khói lửa chiến tranh – cuộc đời của Laila chính là cuộc đời của bà. Mariam sống trong Laila, trong mọi quyết định của cô. Trong mất mát, chia ly và khổ hạnh chồng chất như mây đen dày đặc, bà là cả ngàn mặt trời rực rỡ, cứu cô khỏi cơn ác mộng. Tình yêu thương, sự hy sinh của Mariam là ánh sáng, là nguồn sống, nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng trong cô.
Ngoài thông điệp về số phận của hai người phụ nữ Afghanistan, Khaled Hosseini còn khéo léo lồng ghép vào đó sự giằng xé, mâu thuẫn của con người khi bị khuất phục bởi những định kiến xã hội cổ hủ, hà khắc. Một Jalil dù rất yêu thương Mariam, nhưng không thể đón nhận cô như một đứa con, để rồi phải sống trong ân hận đến những ngày cuối đời. Ông gửi gắm vào cuốn sách giá trị nhân văn, khắc hoạ rõ hành trình trăn trở, nghị lực sống một cuộc đời tốt đẹp của những người tị nạn chiến tranh. Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ còn là khát vọng hoà bình, tình yêu quê hương của tác giả dành cho mảnh đất Afghanistan yêu dấu, nơi ông cất tiếng khóc chào đời.