Tập trung giải ngân các dự án giao thông
Tập trung giải ngân các dự án giao thông
(Xây dựng) – Tính đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phân bổ chi tiết toàn bộ 62.600 tỷ đồng kế hoạch đầu tư năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 56.666 tỷ đồng từ kế hoạch giao đầu năm; 2.571 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2021 và 3.363 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2023).
Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác ít nhất 130km đường cao tốc trong năm 2024. |
Để bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư chi tiết vốn ngân sách Trung ương năm 2024 bốn lần với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 25.500 tỷ đồng, đạt khoảng 40,7% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước đạt khoảng 36%).
Xét theo nhóm các dự án, nhóm dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) đang đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Nhóm các dự án ODA có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ GTVT, đạt 30%.
Một số chủ đầu tư giải ngân tốt như Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 (56%), Ban QLDA Hàng Hải (55%), Cục Đường bộ Việt Nam (54%), Ban QLDA Thăng Long (49%). Các chủ đầu tư khác giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ, đạt khoảng 22%.
Nhận diện thách thức trong công tác giải ngân còn lại, dù các địa phương đã quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Song, tại nhiều nơi, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm hơn rất nhiều so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhu cầu nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án rất lớn. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2025, các dự án cao tốc cần khoảng 54.000.000m3 cát, chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.
Tại tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng, Đại tá Trần Hải Bắc cho biết: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các địa phương đến nay nguồn cung cấp vật liệu cát cho các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu (đặc biệt sau khi chủ trương cho nhà thầu khai thác cát biển được thông qua ngày 29/6/2024). Tuy nhiên, công suất khai thác tại các mỏ đã được cấp chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại trước ngày 30/6/2024.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 7/2024, công tác di dời đường điện cao thế vẫn còn chậm, đặc biệt là ở một số địa phương như Hà Tĩnh còn 13/15 vị trí; Quảng Trị còn 2/3 vị trí; Phú Yên còn 66/82 vị trí; Khánh Hòa còn 19/20 vị trí; Hậu Giang còn 6/7 vị trí.
Vướng mắc mặt bằng cũng đang là nguyên nhân cản tiến độ thi công hàng loạt các dự án khác có thời gian hoàn thành trong năm 2024 như: Dự án Quốc lộ 6 tuyến tránh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Dự án tuyến tránh thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; Dự án Quốc lộ 12A Quảng Bình; Dự án Quốc lộ 4B đoạn Km 18 – Km 80, tỉnh Lạng Sơn; Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên…
Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư/Ban QLDA, các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.