[Tóm tắt sách] Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu? | Khám phá kỹ thuật đọc sách hiệu quả

Tháng bảy 20, 2024

Hình ảnh sách
“Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn.”
– Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama – 
Đã bao giờ bạn đọc một cuốn sách sau đó nhận ra bản thân không nhớ những gì đã đọc. Cảm giác khi ấy là vô cùng thất vọng có phải không? Ngày xưa mình cũng từng như vậy – đọc một cuốn sách thú vị sau đó quên sạch nội dung chỉ sau vài tuần.
May mắn thay, những vấn đề khó khăn chúng ta thường gặp đã được một vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh kiêm nhà văn người Nhật giải đáp và đề xuất các phương pháp ghi nhớ hiệu quả được viết trong cuốn sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?” do ông chắp bút.

Đôi nét về tác giả: 

Tác giả| Internet

Tác giả| Internet
Zion Kabasawa sinh năm 1965. Tốt nghiệp khoa y, Đại học Y Sapporo, Nhật Bản. Từ năm 2004, ông du học 3 năm tại Đại học Illinois ở Chicago, Mỹ. Sau khi về nước, Kabasawa thành lập Viện Nghiên cứu tâm lý học Kabasawa. Hiện tại ông là một bác sĩ tâm thần kiêm nhà văn tại Nhật Bản.
Là một người say mê đọc sách, mỗi tháng trung bình Zion Kabasawa có thể đọc từ 20 -30 đầu sách khác nhau. Tình yêu và đam mê dành cho sách đã giúp ông trở thành một chuyên gia về các kỹ thuật đọc sách và ghi nhớ kiến thức hiệu quả.
Ngoài “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?”,  Kabasawa cũng sở hữu một số đầu sách khác về kỹ năng học tập như: “Làm sao học ít hiểu nhiều”,  Mail no chou puro ga oshieru Gmail shigoto jutsu ( tạm dịch: Hướng dẫn sử dụng e -mail chuyên nghiệp và kỹ năng làm việc với Gmail), Twitter no choupuro ga oshieru Facebook shigoto jutsu ( tạm dịch: Hướng dẫn sử dụng Twitter chuyên nghiệp – Kỹ năng làm việc bằng Facebook..)
Tiểu sử cũng như kinh nghiệm cho thấy sự chuyên sâu và tâm huyết mà Zion Kabasawa dành cho các phương pháp học tập, phát triển bản thân thông qua việc đọc.

Tóm tắt nội dung

Lợi ích của việc đọc sách:

Hầu hết ai trong chúng ta cũng từng được nghe lời khuyên ràng nếu có thời gian hãy chăm chỉ đọc sách. Nhưng đọc sách để làm gì, đọc sách sao cho hiệu quả thì không ai hiểu và nắm rõ. 
Trong chương đầu tiên của “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?”, tác giả Zion Kabasawa đã tổng hợp chi tiết lợi ích quan trọng của việc đọc sách. Những lợi ích bao gồm: 
– Kết tinh thông tin thành kiến thức: Những gì bạn đọc trên mạng, báo, facebook chủ yếu là thông tin, là những mảng kiến thức nhỏ, bị phân tách. Đọc sách bạn sẽ tiếp cận kiến thức bao quát và sâu sắc. Điều này có được là nhờ sự liên kết logic giữa các ý tưởng, sự phân tích chuyên sâu, sự tổng hợp đa chiều về các vấn đề đến từ tác giả.
Mua thời gian: Khi đọc sách, bạn sẽ học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tránh được lặp lại những sai lầm tương tự, đôi khi việc đọc có thể giúp bạn tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Mỗi ngày dành 30 phút để đọc sách, trong vòng 1 năm bạn đã có 150 giờ cho việc tiếp thu tri thức. Thời gian đọc sách mỗi ngày tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đó lại là một con số khổng lồ nếu xét trên một chặng đường dài.
Nâng cao năng lực làm việc: Đọc nhiều sách giúp bạn nâng cao khả năng nhận diện và kết nối tri thức. Khi gặp những nhiệm vụ mới, bạn sẽ biết bắt đầu từ đâu, tìm hiểu nguồn tài liệu và xử lý thông tin nhanh chóng như thế nào.
Ví dụ như khi sếp được giao nhiệm vụ viết một bài báo về xu hướng lãi suất ngân hàng, nếu bạn từng đọc về kinh tế vĩ mô, lịch sử biến động lãi suất, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách giao dịch tiền tệ, bạn sẽ biết cách nghiên cứu vấn đề nhanh chóng. Bạn sẽ dễ dàng tìm được những nguồn tài liệu chính xác, hệ thống các ý tưởng một cách logic, từ đó viết ra một bài tổng hợp chất lượng.
– Đọc sách có thể giúp giảm căng thẳng: Theo nhiều nghiên cứu tổng hợp, việc đọc sách giúp thư giãn tốt hơn so với các hoạt động như nghe nhạc, uống cà phê, chơi game. Nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh) chỉ ra rằng, đọc sách có thể giảm stress tới 68%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các hoạt động giải trí thông thường.
Việc đọc còn mang lại nhiều lợi ích khác. Các nghiên cứu cho thấy đọc sách có thể hoạt hóa nhiều vùng não khác nhau, kích thích não bộ hoạt động mạnh mẽ, tăng cường sự tập trung, sáng tạo. Ngoài ra, đọc sách còn giúp bạn nâng cao cảm xúc, trau dồi tâm hồn, phát triển bản thân, gia tăng niềm vui, sự hài lòng trong cuộc sống.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình hoàn toàn đồng ý với lợi ích mà tác giả liệt kê. Có 3 lợi ích chính mà mình thấy việc đọc đã mang lại cho mình trong giai đoạn hiện tại. 

Phát triển bản thân: Sách đã khơi dậy trong mình niềm đam mê tìm hiểu về sâu hơn về bản thân. Nhờ đọc sách mình có sự thay đổi lớn trên hành trình sự nghiệp, như việc dấn thân trở thành một người viết. Nhờ sách, mình dần hiểu hơn về những mong muốn bản thân, những gì mình thích hoặc không thích trong từng thời điểm.
– “Bổ ích theo nhiều hướng khác nhau” đó là cảm nhận của mình trong quá trình đọc. Trước đây, khi đọc sách văn học, mình thường tự hỏi liệu những cuốn sách đó có giúp ích được gì cho mình hay không. Nhưng bây giờ mình có thể khẳng định rằng chúng thực sự có giá trị. Nhờ việc đọc những cuốn sách thiếu nhi như “Cam ngọt của tôi”, “Totto chan bên cửa sổ”, “Bố con cá gai”, mà mình có sự thêm kiên nhẫn, có thêm yêu thương đối với công việc dạy học cùng các bạn nhỏ.
Giảm tải căng thẳng, có thêm niềm vui: Hiện tại thay vì chỉ đọc sách kỹ năng hay chuyên ngành, mình thường tìm đến những cuốn sách có chủ đề khác nhau như nghệ thuật, hội họa, truyện tranh hài hước.
Có một khoảng thời gian vì vội vã nạp thêm kiến thức mà mình đánh mất niềm vui với với việc đọc. Sau trải nghiệm lần đó, mình nhận ra việc quá tập trung vào mục tiêu có thêm kiến thức, vô tình chung khiến quá trình đọc của mình trở nên căng thẳng. Vậy nên gần đây, mỗi lần ghé thư viện hay có dịp lang thang ở các hiệu sách trong thành phố.
Mình thường chọn những cuốn sách vui mắt để đọc. Việc đọc bây giờ không phải để cố gắng dung nạp kiến thức. Mà đơn giản chỉ là tìm lại cảm giác thích thú khi cầm một cuốn sách trên tay hay tận hưởng những giây phút yên bình cùng những câu chữ trong trẻo. Nhưng lạ thay, bằng cách này mình lại cảm thấy mình đang học hỏi được rất nhiều điều thú vị.
Ở chương tiếp theo, cũng là phần quan trọng nhất trong cuốn sách. Trong phần này, tác giả sẽ giới thiệu đến bạn các kỹ thuật ghi nhớ sâu vô cùng hiệu quả.

Một số kỹ thuật ghi nhớ lâu

Internet

Internet

Thuật ghi nhớ:

– Với nội dung quan trọng, bạn hãy đọc đi đọc lại 3 – 4 lần trong 7 – 10 ngày. Não bộ cần sự lặp lại để ghi nhớ.
Sử dụng công cụ đánh dấu/ghi chú – Gạch chân, note highlight trên sách hoặc Kindle. Phương pháp đánh dấu giúp bạn dễ dàng tìm kiếm lại những kết luận, quan điểm quan trọng. 
Theo mình, ứng dụng kỹ thuật highlight quả thực rất hữu ích. Trước đây, cũng vì muốn giữ sách mới, nên mình không highlight trên sách. Vậy là ở những lần sau, mình đã mất rất nhiều thời gian để tìm lại một câu nói ấn tượng, đôi khi lật sách mỏi tay vẫn không tìm thấy. Cảm giác lúc ấy, nhìn chung khá chán nản. Nhưng kể từ khi bắt đầu áp dụng highlight, mình nhanh chóng xác định và tìm kiếm lại những thông tin cần thiết. Tuy rằng cuốn sách sau khi highlight trông rất tả tơi và tèm lem màu mực xanh đỏ tím vàng, nhưng điều đó hoàn toàn ổn. Có được kiến thức mới là điều quan trọng, mình đã nghĩ như vậy.
Tác giả cũng chia sẻ những cuốn sách mà ông đọc trông chúng rất thảm vì ông không ngừng đánh dấu và ghi chép trên từng trang. Nhưng theo ông, đó là cách đọc và ghi nhớ hiệu quả nhất.
– Chia sẻ và thảo luận với người khác về nội dung: Bạn có thể chia sẻ điều hay ho bạn đọc được với bạn bè, hoặc viết lại những cảm nhận trên nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram. Quá trình viết diễn giải sẽ giúp bạn hệ thống, biến thông tin trong sách trở thành kiến thức của bạn.

Thuật đọc sách thời gian trống:

– Tận dụng những khoảng thời gian chờ đợi, di chuyển… để đọc sách
– Những khoảng thời gian như kiểm tra email, lướt điện thoại thường chiếm khoảng 10% cuộc sống. Giả dụ bạn sống để 60 tuổi, vậy thì quãng thời gian tranh thủ tương đương 6 năm để đọc sách, đó là chưa kể bạn có khoảng thời gian cố định đọc đầu sách kỹ năng, chuyên ngành.

Thuật đọc sâu:

– Thay vì đọc vội vã, đọc nhanh để thống kê lại số lượng, tác giả khuyến khích bạn nên dành nhiều thời gian đọc sâu.
– Đọc sâu vào nội dung, sao cho sau khi đọc xong, bạn có thể tranh luận, thảo luận về chủ đề. Quá trình đọc sâu sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ giúp bạn hiểu vấn đề trong sách một cách toàn diện.

Một số kỹ thuật đọc sách thời gian trống tăng cường trí nhớ:

– Chia nhỏ thời gian đọc, ví dụ 15 phút liên tục, thay vì đọc 60 phút liên tục. Giới hạn thời gian sẽ khiến bạn tập trung, tránh xao nhãng.
– Tập trung cao độ trong 5 phút đầu và 5 phút cuối, mỗi lần đọc trong vòng 15 phút. Đây là thời gian bạn có thể ghi nhớ tốt nhất.
– Lặp lại chu kỳ này 4 lần sẽ hiệu quả hơn so với đọc 60 phút liên tục.

Thêm một số kỹ thuật đọc sách thú vị và bổ ích

Kỹ thuật “đọc sách tản mạn”

Giống như khi đi xe bus, trước khi lên xe, bạn cần phải xác định rõ ràng lộ trình và điểm đến. Viêvj đọc sách cũng vậy, để lĩnh hội kiến thức, trước tiên bạn hãy lướt qua mục lục để nắm bắt được nội dung sách. Xác định mục đích đọc, đọc những thông tin cần tìm kiếm, hãng quyết định bạn nên đọc cuốn sách nhanh hay chậm. 

Kỹ thuật “đọc sách dịch chuyển”

Khi đã hiểu được bản chất của cuốn sách, hãy tự hỏi bản thân phần nào là quan trọng nhất, sau đó nhanh chóng hướng tới chương nội dung cần đọc (nhờ vào mục lục). Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian và tập trung vào mục đích đọc. Tuy nhiên, đối với những cuốn sách cần đọc sâu thì kỹ thuật đọc sách dịch chuyển sẽ khiến bạn gặp khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần đọc chậm và đọc sâu nhằm ôn lại và nắm bắt ý chính sẽ phù hợp hơn.

Cách đọc sách với tâm trạng hào hứng

Dopamine – chất hoocmon quan trọng cho trí nhớ và năng suất. Dopamine được tiết ra khi ta cảm thấy phấn khích và hạnh phúc.
Nếu bạn là fan của truyện tranh, thì hẳn là bạn sẽ nhớ cái cảm giác háo hức chờ đợi những tập truyện tranh mới nhất ra hàng tuần? Cảm giác sở hữu và đọc ngay những tập mới nhất đã để lại những ký ức vô cùng ấn tượng, cho đến tận bây giờ bạn hoàn toàn có kể lại vanh vách những chi tiết lý thú phải không nào.
Tương tự, nếu gặp một quyển sách khiến bạn háo hức, vừa mới mua về, hãy đọc ngay. Giây phút được đắm chìm trong sự hào hứng giúp bạn dễ dàng tiếp thu và khắc sâu kiến thức trong trí nhớ. Đây là cách tuyệt vời để vừa thưởng thức, vừa học hỏi kiến thức mới mẻ mà không lo nhàm chán.

Thuật đọc sách “trăm nghe không bằng một thấy”

Gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với tác giả của cuốn sách bạn đang đọc có thể nâng cao trải nghiệm đọc. Khi có cơ hội giao lưu và trò chuyện với người sáng tác, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc và bối cảnh của tác phẩm. Cách thức này sẽ giúp bạn tiếp nhận và ghi nhớ nội dung cuốn sách một cách hiệu quả hơn.
Mình từng có một trải nghiệm ý nghĩa như vậy. Bạn có nhớ bài viết review về cuốn sách mình đã từng viết.
Trước khi đọc cuốn sách, mình đã có cơ hội trò chuyện trực tiếp với Sư Thầy – tác giả của cuốn sách. Sau buổi trao đổi với Sư tại đường sách Nguyễn Văn Bình, mình đã hiểu hơn về bối cảnh và động lực Sư viết sách. Hiểu về bối cảnh, mình thêm trân trọng những giá trị ý nghĩa mà Sư Thầy cố gắng truyền tải đến độc giả.

Một số nội dung khác

Sau khi trình bày các loại kỹ thuật ghi nhớ lâu dài, chương tiếp theo tác giả hướng dẫn bạn cách thức chọn sách. Chọn sách cũng giống như chọn một bạn – chọn đúng thì cuộc sống sẽ thêm phần an vui và bổ ích, chọn sai thì chúng ta sẽ tốn không ít thời gian và công sức, thậm chí còn thêm phần mệt mỏi.
Để tối đa hóa lợi ích từ việc đọc sách, tác giả khuyên bạn nên bắt đầu từ những cuốn sách phù hợp với sở thích của bản thân. Sau đó, hãy dần mở rộng tầm đọc sang các thể loại khác nhau theo thời gian. Khi lựa chọn sách, đừng chỉ tập trung vào những tựa sách bán chạy nhất.
Một cuốn sách best seller không nhất thiết phải tốt nhất hoặc đáng đọc nhất. Bên cạnh đó, khi tham khảo những bài đánh giá, nhận xét về sách, cần lưu ý nhận định đó là chủ quan. Những bài viết bạn đọc trên trang website nhà Nhện của mình là một trong số đó, bạn chỉ nên coi chúng như những gợi ý tham khảo, không phải coi chúng đúng 100%, bởi tất cả nhận định ở đây đều dựa trên cảm nhận cá nhân mình trong quá trình đọc.
Chương cuối cùng, tác giả sẽ hướng dẫn bạn cách tận dụng các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle, cách thức mua sách để có thể tiết kiệm, thêm lợi ích. Phần cuối, tác giả có đề xuất số đầu sách chất lượng bạn có thể tìm đọc.

Lời kết

Một cuốn sách không quá dày, nhưng lại chưa khá nhiều phương pháp chọn sách và ghi nhớ kiến thức hữu ích. Nếu bạn cần cuốn sách tổng hợp các kỹ thuật ghi nhớ sâu, có được một hệ thống rõ ràng về tầm quan trọng của việc đọc sách thì hãy tìm đến “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” nhé!