Độc lạ loài cây nghìn năm tuổi ở Việt Nam: Chỉ còn 60 gốc, giá thành phẩm 680 triệu đồng/kg!
Loài cây này ẩn mình ở độ cao trên dưới 2.500m so với mặt nước biển, lặng lẽ hấp thụ tinh túy đất trời và sản sinh ra thành phẩm đắt đỏ bậc nhất Việt Nam.
Trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 2400-2700m, có một loài cây hàng nghìn năm tuổi được mệnh danh là bảo vật của Việt Nam. Sở dĩ loài cây này quý giá như vậy là bởi hiện nay chúng chỉ còn lại 50-60 gốc. Vậy chúng là cây gì?
Trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 2400-2700m, có một loài cây hàng nghìn năm tuổi được mệnh danh là bảo vật của Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Loài cây đặc biệt trên dãy Hoàng Liên Sơn
Loài cây đó chính là những cây chè cổ thụ Bạch Long. Theo Báo điện tử VTC News, vào khoảng năm 2000, ông Trần Ngọc Lâm khi vào rừng hái thuốc đã đã vô tình lạc vào vườn chè này, khi tận thấy những hoa chè rơi dưới mặt đất.
Những cây chè này đều to như cây cổ thụ, lá mọc tít trên cao, lẫn trong sương mờ, rêu mốc, nên không để ý, thì không phát hiện ra được. Khi những bông hoa chè, thứ hoa rất đặc trưng rơi xuống mặt đất, thì thông thường mới phát hiện được chúng.
Ông Trần Ngọc Lâm cho biết, những cây chè cổ thụ Bạch Long sinh trưởng âm thầm cả triệu năm qua, nơi chưa có dấu chân người. Thân nó to cả người ôm, cao chót vót, đứng lẫn với những cổ thụ của đại ngàn nguyên sinh. Loài chè rừng hoang dã không mọc đều, mà theo từng khu vực. Cứ thi thoảng chúng lại xuất hiện, mà đã có là cả quần thể.
Hoa của những cây chè cổ thụ Bạch Long trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. (Ảnh: VTC News)
Ông Lâm cũng chính là người đưa ông Muteki, một kỹ sư người Nhật rất am hiểu về trà cho hay, những cây chè Bạch Long trên dãy Hoàng Liên Sơn này đều phải tính tuổi bằng hàng trăm đến cả ngàn năm.
Ở độ cao này, môi trường khắc nghiệt, giá lạnh thấu xương, mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng, cây chè phải luồn rễ sâu vào kẽ đá, đâm sâu vào lòng núi chắt lọc từng chút dưỡng chất, nên lớn rất chậm. Theo tính toán của các nhà khoa học người Nhật, ở môi trường khắc nghiệt, trên độ cao này, mỗi năm đường kính thân cây chè chỉ thêm được 1mm.
Thân những cây chè cổ thụ Bạch Long to cả người ôm, cao chót vót, đứng lẫn với những cổ thụ của đại ngàn nguyên sinh. (Ảnh: VTC News)
Khi những cây chè đã có tuổi ngàn năm, chúng gần như không chịu lớn nữa. Các nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp đã từng đo đường kính một số cây chè rừng nhỏ ở ngay Trạm Tôn và nhận thấy suốt 10 năm chúng chẳng lớn lên một chút nào. Trên độ cao hơn 3.000m, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, một cây chè bằng bắp chân, có thể có tuổi đời hàng trăm năm, những cây có vòng thân một người ôm, đều có tuổi cả ngàn năm. Chúng chính là món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho Việt Nam.
Loại trà thuộc hàng đắt nhất Việt Nam
VTC News cũng dẫn lời ông Trịnh Văn Hà, cựu kỹ sư trắc đạc từng tham gia xây dựng cáp treo Fansipan kể về rừng chè cổ thụ Bạch Long. Các cây chè mọc thẳng đứng, vỏ xù xì, rong rêu mọc quanh cây. Lá chè cũng dày và tròn hơn so với các loại chè khác, khi nhai có vị chát lạ hơi nồng và ngọt hậu. Đặc biệt, những loài như muỗi, vắt và cả rắn rết đều không hề xuất hiện tại khu vực sinh sống của những cây chè này dù chúng vốn là đặc sản của đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Lá trà của cây của chè cổ thụ Bạch Long thanh mảnh và trắng, phần thân được bao phủ bởi những sợi lông trắng. (Ảnh: Internet)
Trang Kinh tế và Tiêu dùng mô tả, tôm trà của chè cổ thụ Bạch Long thanh mảnh và trắng, phần thân được bao phủ bởi những sợi lông trắng, giống như đuôi của một con rồng nên nó được đặt tên là trà Bạch Long.
Khi pha trà, những tôm trà rơi xuống trông đầy mềm mại, hương thơm tỏa ra đặc trưng và giữ lâu hơn hẳn những loại trà bình thường. Nước trà màu vàng mơ, vị êm dịu, ngọt ngào khiến người thưởng thức thỏa mãn cả thị giác và vị giác. Nhấp một ngụm nước trà Bạch Long, ngậm một chút trong miệng rồi mới nuốt, cảm thấy vị trà thấm vào từng tế bào, sảng khoái và tỉnh táo đến khó tả.
Người phát hiện ra rừng chè cổ thụ Bạch Long – ông Trần Ngọc Lâm tiết lộ, những cây chè này càng già càng thơm, lá trà mà nấu nước cả tiếng nước vẫn trong mà ngọt lừ nơi cuống họng.
Nước trà màu vàng mơ, vị êm dịu, ngọt ngào và hương thơm tỏa ra đặc trưng và giữ lâu hơn hẳn những loại trà bình thường. (Ảnh: Internet)
Về giá thành thành phẩm của cây chè cổ thụ Bạch Long, báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ, giá cao nhất của loại trà đặc biệt này là 680 triệu đồng/kg, thuộc hàng đắt nhất Việt Nam. Nguyên nhân là bởi những cây chè có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi này chỉ có khoảng 50 đến 60 gốc. Đến nay chúng được coi là những cây chè quý hiếm, độc đáo trên thế giới. Ngoài ra, thành phẩm của cây chè Bạch Long được khai thác và chế biến thủ công một cách tinh xảo để cho ra đời loại trà Bạch Long siêu cao cấp. Người nông dân phải mất 2-3 giờ đồng hồ, để trèo và hái hết được số búp non của một cây chè cổ thụ trong một lần thu hoạch. Mỗi búp non đạt trọng lượng từ 100-300gr mới đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Để làm ra được 1kg trà khô thì phải hái được khoảng 3-3,8kg búp chè tươi. Người nông dân muốn hái hết được số lượng chè tươi như vậy thì phải trèo hết 30 cây chè. Chính vì vậy mà trong vòng một năm người nông dân chỉ khai thác được 2-3kg thành phẩm trà siêu cao cấp này. Do đó, giá của trà Bạch Long trên dãy Hoàng Liên Sơn lên tới 680 triệu đồng/kg là vì vậy.
Kho tàng gene quý hiếm cần được bảo tồn
Để bảo vệ và tận dụng tốt nguồn tài nguyên di sản là những cây chè cổ thụ bạch Long “hoang dã” ở dãy núi Hoàng Liên Sơn, mong rằng các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có những phương án cụ thể, thiết thực để bảo tồn, phát triển và nâng tầm những tài sản quý giá này mà thiên nhiên đã ban tặng.
Theo trang kyluc.vn, những cây chè cổ thụ Bạch Long là một điều kỳ diệu trong lịch sử tiến hóa của cây chè. Chúng là một kho tàng gene chè “hoang dã” quý hiếm. Chúng không chỉ là báu vật cần được bảo tồn mà còn là “hóa thạch sống” để các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc và sự tiến hóa của cây chè trong lịch sử và văn hóa trà của người Việt xưa, cũng như di sản lịch sử của nhân loại trên thế giới.
Tác giả của bài viết về những cây chè cổ thụ Bạch Long trên báo VTC News đã chia sẻ cảm nhận của bản thân sau khi thưởng thức loại trà Long Tỉnh trị giá 1,2 tỷ đồng/kg, và nhận thấy vị của nó ngọt nhẹ, thanh mát không khác gì búp chè hái từ những cây chè cổ thụ Bạch Long trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Người nông dân phải mất 2-3 giờ đồng hồ, để trèo và hái hết được số búp non của một cây chè cổ thụ Bạch Long trong một lần thu hoạch. (Ảnh: Internet)
Đáng tiếc là, khi thông tin về quần thể chè cổ thụ Bạch Long được tiết lộ, nhiều người đã tìm tới tận nơi và chặt vài cành chè mang về khiến khu rừng trở nên tan hoang, trơ trụi.
Qua những thông tin kể trên về vùng chè cổ thụ Bạch Long trong dãy Hoàng Liên Sơn có thể khẳng định rằng đây là một nguồn chè quý, hoàn toàn xứng đáng trở thành thương hiệu của Việt Nam. Hi vọng rằng trong tương lai, rừng chè cổ thụ này sẽ được tập trung trồng mới diện tích chè theo kế hoạch, bảo tồn và khai thác các diện tích chè hiện có một cách khoa học.