Vũ trụ là một phép Đại ẩn dụ (Phần 4/5)

Tháng bảy 23, 2024

b. CUỘC ĐỜI

Tất cả những điều lớn, điều nhỏ, những phát kiến, phát minh trong việc tạo nên thế giới và tạo nên vũ trụ quan của loài Người sẽ chỉ được quan tâm và lưu ý tới khi và chỉ khi nó có tác dụng tích cực trong cuộc sống của mỗi người, bằng không sớm hay muộn nó sẽ rơi vào lãng quên. Có những vĩ Nhân mà tên tuổi của họ tồn tại tới hàng ngàn năm, được tôn lên ngang hàng với Đấng Tạo hóa. Họ vĩ đại vì chiến thắng cũng như làm chủ hay thậm chí tạo tác được cuộc đời, tạo tác tương lai có chủ đích chính là điều mà nhân loại luôn thèm khát. Từ đó, những vĩ Nhân sở hữu một cuộc đời đáng mơ ước, không chỉ vậy, họ còn tạo ra rất nhiều cuộc đời khác.
Tuy vậy dẫu có là ai trên cuộc đời này, dù có là Đấng Thoth(Hermes Trismegistus), Brahma, Phục Hy, Abraham, Lão tử, Mose, Thích ca, Khổng tử, Muhammad… hay chỉ là một người bình thường sống ở thời cổ đại hay trung đại hoặc hiện đại. Tất cả đều chia sẻ điểm chung đó là: Ta ở đây để hoàn thành một hành trình mang tên Cuộc đời. Và Tôi chắc chắn rằng, bất cứ ai trong số họ hay chúng ta đều ít nhiều bị Cuộc đời(hay định mệnh; Fate) dạy cho một bài học, bài học đó có thể ở dạng 1 cú đánh trực diện, 1 cú đánh bất ngờ hay là một sự bảo vệ, một sự cứu rỗi… Sau khi trải qua và vượt qua được những điều tồi tệ nhất, khi nhìn lại, hóa ra những điều tồi tệ đó lại chính là những điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với mình. Nhờ có sự vấp ngã, tổn thương mà mình đã trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn, thành công hơn và hoàn thiện hơn.
Vậy chắc hẳn phải có một Đấng toàn năng nào đó, vượt ngoài thực tại này tạo nên cuộc đời.  Và đó cũng chính là lí do vì sao, có rất nhiều Tôn giáo, Tín ngưỡng trên thế giới này được ra đời.
Ai ai cũng đều mê mẩn với ý nghĩ rằng mình sẽ sớm được sống trong Thiên đàng, dù là cuối kiếp này hay kiếp sau. Mọi Tôn giáo trên thế giới này đều nói rằng sẽ có kiếp sau, mà theo quan sát thực tế của Tôi, Tôi chưa thấy ai trở về từ cõi chết vậy nên Tôi không thể bàn luận về cái mà Tôi chưa nhìn thấy. Đối với Tôi, Tôi chỉ có kiếp này thôi, và nếu kiếp sau có thật thì kiếp này Tôi không trân trọng và làm hết sức mình thì có cho thêm thời gian ở kiếp sau cũng chẳng để làm gì. So với vòng đời của các loài côn trùng và các loài thú khác, Tôi đã và đang sở hữu một cuộc sống dài tựa như “bất tử”. Ở ngay tại “cõi đời” này, Tôi đã thấy có người đang tận hưởng 1 cuộc sống toàn vẹn, hạnh phúc như ở tiên cảnh, vậy đâu là chìa khóa để giải quyết vấn đề trong việc tạo tác tương lai?
– Nền tảng tạo nên Cuộc đời
Mỗi người đều có hoàn cảnh cũng như góc nhìn khác nhau về cuộc đời, để trả lời cho câu hỏi này, Tôi sẽ bắt đầu từ: Những điểm chung tạo nên mọi cuộc đời.
Về mặt không gian, kết quả của sự giao thoa giữa giống đực và giống cái tạo nên 1 bào thai. Bào thai đó ban đầu là 1 phần được kết nối trực tiếp với cơ thể của người Mẹ, nhưng theo thời gian, nó bắt đầu tự có đầy đủ các bộ phận để có thể hoạt động độc lập ngay sau khi được sinh ra. Sau khi được sinh ra, con người đấy sẽ cũng giống như bao người khác, sẽ sở hữu 1 cuộc đời bao gồm n ngày, và n ngày được cấu thành từ 1 ngày.
Mà về cơ bản, mọi ngày đều giống nhau, lí do vì sao phải chia ra thứ 2, thứ 3 hay lịch(calender) để phân biệt và đo lường cũng như chỉ báo cho 4 mùa, tiện lợi hơn cho việc gieo trồng và công tác. Nếu như cắm 1 cái que và quan sát đường đi bóng(shadow) của nó, ta sẽ thấy rằng, sau khoảng 1 năm tức ~365 ngày thì cái bóng nó sẽ có chiều dài như cũ. Nếu để biểu diễn dưới dạng hình học thì 1 điểm khi di chuyển khỏi vị trí ban đầu sẽ trở về là chính nó khi và chỉ khi nó tạo nên 1 đường tròn. 4,8,12,24… đều là cách chia đều hình tròn để tính ngày, giờ.
Năm sinh của tôi được đánh số là 1993, điều đó chứng tỏ điều gì? Điều đầu tiên, nó chứng tỏ tôi đã sinh ra muộn 1993 năm so với nhân loại, đó là còn chưa kể khoảng thời gian trước công nguyên, và thời gian trước khi có loài người. Trong khoảng thời gian đó, vạn vật đều phát triển và thay đổi. Vì vậy, trong khoảng thời gian đầu đời, tôi phải thu thập kiến thức cũng như bắt kịp để có thể bù lấp khoảng trống do việc sinh sau đẻ muộn. Trong khoảng thời gian đầu đời, tâm thức con trẻ chưa phát triển vì chưa có sự tích lũy từ những hành trình cũng như những bài học trong cuộc sống. Thế nên yếu tố quan trọng nhất với chúng đó là: ai tạo ra ta, Cha Mẹ ta thế nào, gia đình ta có giàu hay không, dân tộc ta thượng đẳng như nào, quần áo xe cộ mình được cha mẹ lo cho có xịn và đắt tiền hơn bạn bè cùng trang lứa, Cha Mẹ mình có giỏi hơn so với Cha Mẹ người… Đối với con trẻ, để có một ngày hạnh phúc rất đơn giản, đó là kiếm được nhiều trải nghiệm mới nhất có thể, cuộc đời chúng mới chỉ là 1 tập n ngày hạnh phúc. Vì lí do đó mà khuôn mặt trẻ thơ luôn cân bằng và xinh đẹp, đáng yêu cũng như đầy sức sống.
  Sự ám ảnh tạo nên tâm thức của trẻ nhỏ, sự lặp đi lặp lại những hình ảnh giống nhau qua mỗi ngày giúp chúng nhận thức được đâu là người thân, nhà của mình, khu phố mình đang sống, đồ chơi, cách sinh hoạt… hay thậm chí trong cách chúng đòi hỏi mọi thứ. Chúng sẽ chỉ dừng nhõng nhẽo đòi quà cho tới khi Cha Mẹ cương quyết nói không trong một thời gian dài, hay sự tồn tại của “bước sóng”(lặp đi lặp lại với tần suất 24h/ lần) cũ không còn. Cũng tương tự với các nhu cầu sử dụng vật chất tối thiểu mỗi ngày hay đặc biệt là nỗi sợ từ bé sẽ bị ám thị tới già.
Khi trưởng thành, ta gần như chạm tới chân trời khả năng của bản thân, những hành trình mới, trải nghiệm mới hay những thứ còn “mới” ngày càng ít dần. Khi tất cả những thứ trước đây tạo nên một ngày tuyệt vời nó mất đi tính mới, chỉ còn là sự lặp đi lặp lại mỗi ngày trong công việc cũng như cuộc sống tới mức nhàm chán. Lúc đó, chẳng có thứ gì có thể tạo ra ta nữa cả, cuộc sống chỉ còn ta và thứ ta tạo ra ở quanh mình mà thôi.
Với trình độ, ta có thể tạo ra 1 ngày tuyệt vời và trọn vẹn, nhưng với n ngày, trình độ đó mà không được thực thi với thái độ bền bỉ thì toàn bộ thành quả sẽ ngay lập tức bị chôn vùi bởi thời gian. Có thể thấy rõ nhất trong việc rèn luyện bản thân từ thể chất tới tinh thần, bạn muốn giảm béo hay tăng cơ cũng như tích lũy được nhiều tri thức, luyện tập thất thường chỉ một vài ngày trong một tháng thì sẽ không bao giờ có kết quả. Cũng tương tự cưỡng đoạt, lừa đảo chỉ thành công được một vài lần là cùng, mất thương hiệu ta thiệt cả đời. Mỗi ngày là một sự tái lập(reestablish), ta được ban một sự tái sinh “nhỏ”, vậy nên cơ hội để thay đổi tương lai cũng gần như được coi là vô hạn. Vấn đề chỉ ở chỗ ta có sẵn sàng cho cái giá phải trả hay không mà thôi.   
Thời gian có cấu tạo 3 phần là quá khứ, hiện tại và tương lai; Thế nhưng với ta quá khứ hay tương lai chỉ là những phiên bản khác nhau của hiện tại(being). Cũng như ánh sáng, thời gian có tính chất 1 chiều trong hành trình của nó, những gì đã qua sẽ không bao giờ quay lại. Đó là lí do vì sao sau khi đã đạt được điều mình mong muốn trước đây, sớm hay muộn mình sẽ thèm một thứ khác, cứ như thế cho đến khi chết, không bao giờ cảm thấy đủ. Điều này dẫn đến tính chung cuộc trong 1 cuộc đời. Trẻ sướng già khổ thì chung cuộc là khổ vì hiện tại mình đang ở tuổi già, trẻ khổ già sướng thì chung cuộc là sướng… Vì lẽ đó, cuộc đời nào cũng vậy, phải có chiến lược thì mới có thể khai thác hết được “hiện tại”. Con người chỉ khác biệt và hơn thua nhau ở điểm họ đó là làm gì khi rảnh. Nguyên tắc khai thác hiện tại chỉ có 1, đó là tập trung.
Trưởng thành chính là khi ta nhận ra mình đã đi qua ranh giới vô hình giữa thứ tạo nên mình và thứ mình tạo nên. Ngày qua ngày, lặp đi lặp lại, thật đâu ngờ ta chính là 1 vector(1D) có tần số(2D) dưới hình dạng(3D) con người(4D), xuất phát từ khi sinh ra, kết thúc ở khi chết đi. 
Ngày qua ngày về cơ bản đó là sự vận hành của Trời- Đất, để trải qua, kết nối được từng đó ngày, ta phải là một Sự phát triển, hay dưới dạng hình học thì phải là một vector thì mới có thể đâm xuyên qua từng đấy ngày mà tồn tại, còn về việc vector đó hướng theo chiều hướng tốt- xấu, sáng tạo- phá hủy lại là câu chuyện khác. Có thể thấy rất rõ ở trẻ nhỏ, chúng lớn lên từng ngày, với người lớn nổi bật nhất là lòng tham, ham muốn, với cơ thể đó là hệ miễn dịch. Thậm chí nếu mọi thứ xuất hiện của ngày hôm nay không khác ngày hôm qua, tốt hơn ngày hôm qua thì tôi chắc chắn rằng, đôi lúc ta còn không nhận ra mình còn đang sống. Khi về già, ta rất cần có hậu duệ tiếp theo để thông qua sự phát triển của trẻ nhỏ, ta mới nhận thức được mình đang sống.
Điểm quan trọng tiếp theo của cuộc đời đó chính là xác định chính xác ta là ai, và đó là lúc gương cũng như hiệu ứng của nó phát huy những ý nghĩa huyền diệu. Với nghĩa đen, soi gương là cách chân thực và tuyệt vời nhất để biết được hình dạng vật chất thật sự của bản thân. Với nghĩa bóng, sự phản chiếu hình ảnh của ta trong tâm trí của chính ta, của người thân, bạn bè và xã hội chính là di sản của hành vi cũng như giá trị của bản thân.
Đặc điểm của vector đó là có nó gốc, nhưng không xác định điểm cuối, cũng như cái cây, gốc của nó ghim chặt xuống đất và bất động, còn ngọn cây thì ngả nghiêng theo gió và thoải mái uốn lượn để hướng về phía có ánh sáng. Con Người cũng vậy, sự thành bại đầu đời của một người phần nhiều đến từ nếp sinh hoạt được Cha Mẹ dạy khi còn bé, từ thói quen(routines) ăn, thói quen sinh hoạt, cách học, cách làm việc(hành trình gốc, bệ phóng). Cũng tương tự như một bước sóng, sau khi xác định được tần số, nó sẽ như vậy mãi cho tới khi bị thay đổi hoặc phá hủy.
Mọi hành trình từ nghĩa đen cũng như nghĩa bóng chỉ có 3 phần dù nó vô tận về hình thái. A là điều hay hoàn cảnh mình muốn thoát khỏi, B là thực tế hay viễn cảnh mình muốn hướng tới, C là những thứ mà ta mang theo mình để có thể hoàn thành hành trình. A và B luôn là hình ảnh phản chiếu(tương tác đối lập) của nhau, mỗi một A sẽ có một B tương ứng. Nó cũng tương tự việc bạn soi gương, người trong gương là chính bạn chứ không thể nào là một người khác, góc nhìn thứ nhất và góc nhìn thứ ba là 1, chúng chỉ ngược chiều mà thôi. Hành trình trong cuộc sống cũng vậy, bạn không thể nào kiếm được 1 tỉ đồng/ tháng nếu bạn không làm công việc có độ vất vả và yêu cầu sự tích lũy cá nhân tương ứng, đó là sự thật. Dễ thấy nhất ở trong việc luyện tập thi đấu thể thao, chỉ có thể trở thành nhà vô địch khi luyện tập như nhà vô địch thực thụ, tới thời điểm xảy ra trận so găng thì đó chỉ là lúc ta giành đai vô địch thôi. Vô địch 1 lần đã khó, vô địch n lần(win streak) còn khó gấp bội, vì khi ta chưa vô địch, điểm B là mục tiêu có thật, tồn tại thật, còn khi đã vô địch ta phải tự vẽ ra điểm B’ trong ảo tưởng để tiếp tục luyện tập. Tự khuyến khích bản thân, tự khích lệ bản thân hay điểm C là một trong những thứ khó mang theo mình nhất khi mà xung quanh đã quá đầy đủ những thứ mình cần. Những nhà vô địch thực thụ chỉ được lưu danh vào sử sách khi và chỉ khi họ giàu có nhưng luyện tập như khi còn phải đi ăn mày. 

C là một vector, nghĩa là nó phải có gốc trước khi có ngọn, gốc đâm càng sâu thì ngọn mới có thể vươn cao. Thế nhưng trả giá trước luôn là điều cực kì khó khăn với con người vì chúng ta sở hữu bộ não quá thông minh. Tiếng nói của bộ não trong tâm trí đa phần là khuyên ta nên lười nhác để tiết kiệm năng lượng, do đó với cùng 1 lượng lương thực ta có thể sinh tồn được lâu hơn. Nếu có thể lừa đảo được chính bộ não của mình và khai thác thành công cái lười của nó thì đó chính là người có sức mạnh vô song. Tất cả các loại máy móc, các loại phương tiện trên thế gian này đều đến từ việc khai thác tính lười mà não bộ khuyến nghị. Nhờ có lười mà ta tiết kiệm được thời gian, nhờ có lười mà ta có thêm nguồn lực quý báu trong cuộc sống. “Mật pháp” của thuật tư tưởng này chỉ đơn giản là vẽ ra những viễn cảnh B’ để giúp tạo ra đường đi cho C. Ví dụ nếu muốn đốc thúc bản thân chạy 5km hằng ngày, tôi thường dụ não tôi rằng, chạy xong sẽ được thưởng 10 vợ… Những ảo mộng cũng có những mặt tích cực của nó.
Ở ngoài đời thực, đặc biệt trong nền kinh tế ở nhiều cấp độ, từ khu vực tới vùng miền, cả một quốc gia hay liên quốc gia, do hiểu được tính chất lười nhác và ham hưởng thụ của não bộ, mà hàng loạt các phi vụ lừa đảo để chiếm đoạt tài sản được ra đời. Ai hay thậm chí dân tộc nào mà chẳng thích ngồi mát ăn bát vàng, chỉ cần “gãi” được đúng điểm B mà con mồi thèm khát có sẵn trong tư tưởng hằng ngày của họ. Dụ họ mua sản phẩm này bằng cách tiêm cho họ ảo mộng chỉ cần mua và ngồi chờ ăn lợi nhuận cao mà không phải làm gì, tiền tự nó đẻ ra tiền… Hay một kiểu lừa đảo khác, tìm được thứ mà họ sợ hãi hay điểm A, khi đã đánh được vào nỗi sợ, thì con mồi sẽ trở thành 1 vector chạy để thoát thân, từ đó đi tắt, đón đầu và làm thịt. Hoặc vẽ ra con đường C đầy hoa hồng rồi trải ra những “thuận lợi” vì sẽ được quan tâm đầu tư… Tương tự như vậy, các loại ma túy được sáng chế ra để giúp người dùng không cần tốn công đào móng cho C, chỉ cần bỏ ít tiền ra để sử dụng là có thể được tận hưởng điểm B sướng như tiên cảnh…
Như đã lập- kết luận ở trên, Ta là 1 vector có tần số dưới hình dạng con người, vì vậy C mới là hình dạng thật của chúng ta và cũng là thứ ta nên tập trung vào. Chuyển hướng tập trung về C là cách duy nhất mà ta có thể cảm thấy hạnh phúc. A- B, quá khứ hay hiện tại, nghèo hay giàu sướng hay khổ chỉ là những thứ “không có thật” vì chúng sẽ không bao giờ tồn tại mãi.
Con Người không chỉ chịu tác động của cái tôi mà còn phải chịu tác động của tập thể cũng như Tự nhiên- Thiên nhiên. Thông qua hình tượng ở trong rừng, ở đâu có suối, có thức ăn thì muôn thú tự biết đường mà tìm về, ta thấy được mô thức mà Tự nhiên tác động lên muôn loài đó là sự quy phục. Tất cả những gì tồn tại trên thế giới này đều được sinh ra bởi Tự nhiên và toàn bộ sự phát triển phải phù hợp với quy luật của Tự nhiên thì mới có thể tồn tại. Tập thể đơn giản chỉ là tập hợp của nhiều cá nhân, thế nhưng ai cũng có cái tôi trong đó, để tạo thành một tổ chức thống nhất thì buộc mỗi cá nhân dù ít dù nhiều đều phải lùi cá nhân để tiến tập thể.
Nói tóm lại bất cứ ai trên cuộc đời này đều chịu sự giằng xé của 3 thực thể: Tự nhiên- Cá nhân- Tập thể. Hoặc là một sự tổng hòa cân bằng giữa 3 yếu tố.

Con Người là một thực thể có đường biên tách biệt trôi dạt ở đời, mà đời là một sự vô tận. Cùng với ví dụ về 1 điểm trôi dạt trong khoảng không trống rỗng vô tận, mọi sự mọi vật xuất hiện trong hành trình cuộc đời đều có tính tương tác đối nghịch để xác nhận sự tồn tại của nhau. Cùng với đặc điểm ta chỉ quản trị pha nạp vào, ta cho nó nhập vào bên trong tức là ta chọn nó là một phần của mình. Nếu như hiển thị theo nhị phân, cho vào là 1, không cho vào là 0, với vô tận biến số, nó sẽ phác họa chính xác ta là ai, càng nhiều tương tác sự phác họa đó càng chi tiết. Khi sinh ra, sự khác biệt giữa trẻ nhỏ trong cùng 1 dân tộc không khác biệt quá lớn về ngoại hình. Thế những mỗi hoàn cảnh của một bé sẽ khác nhau sau khi bắt đầu nhận được sự chăm sóc cũng như tương tác của người thân, hay tần số của người thân truyền lại cho em bé. Từ đó sự khác biệt theo thời gian ngày càng lớn, mỗi bé sẽ lại có bệ phóng và hành trình khác nhau.
– TƯƠNG TÁC GIỮA CÁC CUỘC ĐỜI
Kiếm ra nhiều hơn tiêu đi cơ bản chính là mục tiêu của mỗi người, mối tương quan này(dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng) phần nào nói lên được người đó đang sướng hay đang khổ. Khi sự tương tác giữa con Người với con Người chưa lớn, kiếm ra và tiêu đi gần như bằng nhau và không thay đổi theo thời gian. Muốn trồng hoa màu cũng như chăn nuôi để lấy thực phẩm, ta phải chờ một khoảng thời gian không đổi theo vòng đời của vật nuôi cây trồng. Chết đói trước khi có thể thu hoạch chính là nỗi sợ của nhiều người chăn nuôi. Đó là còn chưa tính đến khi thu hoạch xong cất vào kho chẳng khác gì dọn cỗ cho trộm nó xơi. Do có quá nhiều kẻ “thông minh” nên những người lao động chân chính yếu đuối xưa kia chính là những người bị tổn thương rất nhiều. Từ đó mà các làng ấp, các cộng đồng, các quốc gia được ra đời với mục đích nguyên thủy là để cùng nhau góp sức, mỗi người đảm nhận một công việc thì mới có bảo vệ thành quả lao động của nhau thông qua các thỏa ước. Tuy vậy, sau một khoảng thời gian dài, các quốc gia, vùng lãnh thổ giờ đây trở thành những trại chăn nuôi và bóc lột con người không thương tiếc, thay vì bảo vệ và che chở. GDP ngày càng tăng, về lý thuyết mỗi người phải ngày càng trở nên no đủ, thế nhưng thực tế thì ngược lại. Không những thế, cái ăn chính là thứ duy nhất giúp ta có thể nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ, một chiều không thể tách rời giữa con Người với thế giới Tự nhiên. Điều đó cũng có nghĩa là song song với những quyền lợi(B) mà ta được hưởng luôn luôn có những trách nhiệm(A) đi kèm khi mà ta được giao phó cương vị làm chủ muôn loài. 
Khi quá no đủ, thế giới xung quanh con người dần biến thành thế giới giả lập thay vì thực tế. Người nghèo đói khát đã đành, nhưng nay người giàu cũng đói khát không kém vì tính giả lập sẽ không bao giờ thỏa mãn được con người thực tế. Bản chất con người là 1 vector, vậy nên khi hết không gian bên ngoài để chinh phục, chỉ còn có một khả dĩ duy nhất đó là vector đấy đổi chiều vào phía trong, tự loài người chinh phục lẫn nhau thay vì cùng nhau chinh phục. Tất cả các cuộc xung đột, chém giết nhau cũng đều vì lẽ này. Điều này chỉ có thể thay đổi nếu mỗi người hướng vector phát triển vào trong chính bản thân mà thôi. Lý thuyết là vậy còn thực tế thì đúng là rất khó có thể xảy ra. Người lớn hay con trẻ ai chẳng muốn có nhiều quyền lợi, đồ chơi hơn. Lùi cá nhân mà tiến tập thể không thể xảy ra nếu mỗi cá nhân trong đó không tự nguyện lùi lại.
Các tổ chức trên thế giới này đều do con Người lập ra, và quả thật chúng đều phục vụ lại con Người, chỉ có điều là cho tất cả hay chỉ là cho một số Người. Những chính trị gia, những nhà tài phiệt về cơ bản đều quản trị cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến những cuộc đời khác. Thật là có phúc cho bất cứ Quốc gia nào có được người đứng đầu thật sự quan tâm đến cuộc đời của người khác. Và thật là đại họa cho Quốc gia nào khi mà người đứng đầu chỉ quan tâm tới cuộc sống của bản thân và coi cuộc đời của những kẻ khác chỉ là cỏ rác. Không chỉ vậy, họ còn chính là những kẻ giúp dân tộc khác lột da hút máu dân tộc mình. 
Hãy thử tưởng tượng quy mô của sự hút máu khi mà họ đứng đầu ở một nơi nhưng con cháu của họ lại sống ở một nơi khác, điều này thường xảy ra với các Nước ở thế giới thứ 3. Của cải và công sức lao động của toàn bộ Quốc gia đổ dồn vào chỉ để cho một số người ăn chơi hưởng thụ. Cùng với sự chênh lệch của tỉ giá quy đổi trong thương mại, 1 triệu con gà ở quê nhà bán đi mới đổi được một bữa ăn sang chảnh nơi đất khách… Nắm được điều này, các Quốc gia lớn với những đầu óc tinh khôn lọc lõi hoàn toàn có thể nghĩ ra nhiều phương pháp để chọc ngoáy, thao túng và nô dịch cả một Quốc gia. Chỉ cần chăn 1 người, hàng triệu người sẽ bị chăn.
Chìa khóa chính là những “Trái tim” của người đứng đầu.
  Do nhận được sự “chăm sóc” đặc biệt, những trái tim kia không được phép cảm thấy no đủ. Chúng càng đói, Cha Mẹ chúng càng điên cuồng gò ép gây ảnh hưởng tiêu cực ở quê nhà. Và thế là họ dần dần sẽ đạt được mọi mục đích họ cần bởi phương pháp tác động gián tiếp. Toàn bộ đường hướng phát triển của một quốc gia, nền giáo dục, nền kinh tế… sẽ trở thành một khuôn đúc biến người dân thành nô lệ ngay khi được sinh ra với số nợ có sẵn khổng lồ cùng với sự cài đặt của truyền thông lên tâm thức con trẻ. Không chỉ vậy, những gia đình trung lưu cũng nhận ra được vấn đề và dần chuyển hướng để thích nghi với thời cuộc. Đó là lí do những người kẹt lại càng lao động vất vả càng đói, vì họ lấy tài nguyên thật và cho mình tài nguyên ảo. 
Cũng tương tự như một túi đựng nước treo ở trên cao, dù có nhiều vết thủng nhỏ ở các phía thì mặt nước vẫn bình lặng và nó sẽ vẫn đầy lại nếu GDP dương. Nhưng nếu có một vết thủng lớn, toàn bộ lượng nước bình lặng kia sẽ biến thành một vòng xoáy để hút nước ra ngoài.
Hình tượng đó giải thích lí do vì sao tỉ lệ phạm tội ở các nước yếu ngày càng gia tăng bởi “vòng xoáy”. Mọi sự chú ý của người dân tập trung vào việc làm sao để có thể kiếm được nhiều tờ giấy chỉ còn giá trị ảo tưởng kia một cách nhanh nhất. Kiếm được giấy thì mới mong có được cái ăn để nhét vào mồm vì làm gì còn đất mà canh tác. Ở thế giới Tự nhiên thì làm gì có tồn tại tờ bạc xanh, muốn kiếm tờ giấy bạc đó thì chỉ có vào làm công ăn lương những nhà máy, xí nghiệp, công sở nơi mà kẻ in tiền tạo ra. Còn nếu sở hữu một khoản tiền tiết kiệm thì sẽ có rất nhiều “kênh đầu tư” mời gọi vì lãi suất dành cho những lựa chọn an toàn, dài hạn thường rất là thấp. Những “cá mập” trên thị trường khi nắm giữ tỉ lệ trên 51% tha hồ lèo lái để giằng xé con mồi.
Chính phủ các nước cũng đành làm ngơ hay thậm chí còn tạo ra cơ chế để giúp đỡ vì càng nhiều kẻ tham gia, chi phí sử dụng hệ thống càng tăng, lại càng có thêm nguồn lực để “vẽ bánh”.
Toàn bộ các món ăn từ dinh dưỡng đến những món ăn tinh thần được cung ra chỉ có một mục đích để nuôi nấng vỗ béo cho những ảo tưởng rằng tờ giấy kia là quan trọng nhất với mọi mặt trong đời sống con người. Con người vốn đã từng là một loài kí sinh gắn chặt với thế giới Tự nhiên nơi mà những quy luật rất công bằng chi phối. Nay đã trở thành một loài kí sinh bị giam chặt với những thỏa ước, những ảo tưởng có mục đích hướng toàn bộ nguồn lực từ Thiên nhiên tới con người về tay những kẻ thao túng bậc thầy và cực kì am hiểu quy luật chi phối Thực tại.
Vậy là từ một Quốc gia có chủ quyền màu mỡ, nay đã trở thành “bãi mỏ” để khai thác tài nguyên từ Thiên nhiên tới con Người mà không phải tốn công để phát động chiến tranh làm gì cho ồn ào cũng như dễ bị biểu tình phản đối. Mọi sự trao đổi nào cũng đều phải có đi có lại, người dân của các Nước nghèo sẽ nhận lại hàng tấn giấy vụn in hình màu xanh chỉ còn giá trị ảo tưởng để thỏa mãn cơn đói khát. Đáng tiếc, ngoại tệ chỉ có thể tiêu được ở thị trường nơi mà nó trở thành nội tệ. Nó có chỗ đứng ở Quốc gia khác vì đến cuối cùng nó sẽ về tay người cần đổi để mang tài sản đi mà thôi. Chỉ một mũi tên đã bắn trúng cả tỉ con chim, kinh doanh giấy vụn có logo chính là ngành công nghiệp có lời nhất trong lịch sử Nhân loại. Để tạo đối trọng, họ đã xây dựng một hệ thống rất phù hợp từ giáo dục, công việc, nhà cửa, phương tiện, môi trường sống không thể chê được, và mời gọi giới “tinh hoa” hay muốn “được trở thành” giới tinh hoa…

Với những người xuất thân từ số đông của @, để có 1 cuộc sống dễ thở thì cũng không có quá nhiều lựa chọn. Đa phần có 2 con đường, 1 là chen chân để vượt lên và đứng đầu ở xã hội @, 2 là tìm cách chạy sang xã hội # để kiếm tiền với nghề sẵn có của mình hoặc tìm cách để được hưởng trợ cấp, sau đó mang về xã hội @ tiêu. Nếu có điều kiện di chuyển, buôn lậu hàng hóa để tận dụng sự chênh lệch tỉ giá trong quy đổi. Ngoài ra, điều kinh khủng nhất đó là do với cùng 1 mặt hàng có chất lượng như nhau, ở xã hội # có giá 1000, ở xã hội @ có giá 100, từ đó tạo ra một làn sóng trao đổi, tốt thì về #, rác thì về @. Vì với sức mạnh tiền tệ(currency) yếu trên thị trường quốc tế thì sao có thể mua được hàng tốt có giá phù hợp với trung bình của người tiêu dùng trong nước có thể trả. Thực phẩm bẩn, kém chất lượng, thuốc giả, hàng nhái cứ thế tuồn về.
Có 3 cách để tăng khoảng cách giữa # và @, đầu tiên đó là cải thiện gia tốc phát triển của # so với @; thứ 2 làm # tăng đồng thời làm @ giảm và cuối cùng là khiến cho @ tự quy hàng vì khoảng cách quá lớn mà lùi lại hay “quỳ xuống”. Đa phần các nước lớn thường chọn cách thứ 2, chặn không cho @ tăng bằng cách cấm vận từ quân sự tới kinh tế. Khi @ đói không chịu được phải ngoại giao để cầu thực thì họ bắt đầu phương pháp đầu tư để kéo @ xuống bằng những khoản nợ, điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Khi đã đói rồi thì chúng ta không có vị trí để đòi hỏi…  Mối quan hệ giữa tương quan hơn kém giữa # và @ không chỉ đúng ở quan hệ quốc tế mà nó còn hiện diện ở trong nước, đặc biệt là trong bộ máy chính trị nơi được gắn liền với sức mạnh quyền lực. # là vua, @ là quan, không phải vị vua nào cũng là người giỏi hơn bá quan văn võ đang phục vụ mình. Nhưng vì ngồi ở một chức vụ cao tựa trời xanh, nên đôi lúc dù có thua kém nhưng vẫn phải gồng mình để tạo ra góc nhìn thứ 3 thật hoàn hảo trong mắt bá quan văn võ. Cùng với tính chất phản nghịch đối chiếu trong hình học 2 chiều, hoặc # tiến lên không thì @ phải lùi xuống để có thể giữ được “quyền lực”. Góc nhìn thứ 1 và góc nhìn thứ 3 không khớp lệnh, đó là lúc những lời khen, tán dương phải được thốt ra để thỏa mãn góc nhìn thứ 3 mà nhà vua muốn nhận lại. Nịnh thần và hôn quân luôn là lẽ tất yếu với một quốc gia có thực lực kém…
Cách duy nhất để thoát khỏi cảnh này chỉ có 1, đó là nắm được vì sao họ hơn mình cũng như bí mật trong sự thành công của họ. Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập tuy lớn mạnh nhưng một khi bị lộ ra bí mật thì cũng vẫn sụp đổ và lụi tàn như thường. Đúng là trong mọi cuộc thi, mọi cuộc tranh đấu đều là cuộc chiến
giữa ta và người, thế nhưng vì cùng đứng và tồn tại trên một nền tảng thực tại, nên kẻ nào trả giá nhiều hơn, luyện tập nhiều hơn, đặt ra được nhiều câu hỏi hơn, tìm ra được nhiều câu trả lời hơn thì sẽ là người chiến thắng. Ta tự đấu với ta, người tự đấu với người, tương tác với nhau chỉ để xác định rằng ai thỏa mãn Thực tại này hơn mà thôi.
Quay trở lại với những tương tác cá nhân nhỏ hơn, ví dụ như Cha và Con chẳng hạn. Về cơ bản Cha và Con đều có chung 1 cuộc đời, giao thoa với nhau, “mắc nối tiếp” với nhau.
Cha là người tạo ra con về mặt sinh học, thế nhưng nếu xét về cuộc đời, Cha có cuộc đời đi trước và con có cuộc đời đi sau. Nôm na nếu người Cha nếu muốn lời của mình đi vào được lòng của con trẻ, thì đó phải là lời chân thành của một người anh đi trước chứ không phải là lời của một chúa Trời giáng sấm sét xuống để trừng phạt tạo vật mà mình nặn ra. Đó cũng là sai lầm của rất nhiều bậc Cha và Mẹ ở Việt Nam. Sau khi tích lũy những ức chế từ việc thua kém trong những câu chuyện so sánh con cái ở nơi công sở, về nhà quát mắng con trẻ để xả giận cũng như dạy nó “học”. Hệ quy chiếu sống của Cha Mẹ chính là hệ quy chiếu đầu đời của con trẻ. Cha Mẹ thấy vạn vật như thế nào, ghét gì, thích gì, sợ gì, muốn gì thì con trẻ sẽ đều vô thức mà làm theo. Chỉ có khi nào chúng lớn lên hẳn, tích lũy được nhiều góc nhìn hơn, tự thấy chán ghét bản thân mình, chúng mới có thể tự thay đổi. Điều này không xấu, chỉ có điều sẽ chiếm mất một lượng thời gian dài trong khoảng thời gian đầu đời của con trẻ khi mà ngày càng có quá nhiều thứ cần phải bắt kịp. Con trẻ nó cần sự phát triển hay nó chính là sự phát triển(1 vector), cũng như cái cây, nó cần vun gốc, tỉa cành, thúc đẩy hay khuyến khích chứ không cần sự cấm đoán. Dù có bao bọc, cấm đoán kiểu gì, trẻ con nó cũng sẽ tìm được đường để chui ra mà thôi. Vậy nên, tạo ra được những vỏ bọc tích cực để kích thích tiềm năng ẩn giấu sâu trong con trẻ, khiến nó tự muốn vượt ngưỡng, vượt qua giới hạn của bản thân cũng là một nghệ thuật trong việc trồng người…
Trong tương tác giữa các cuộc đời ở ngoài xã hội, mọi thứ ta muốn có được đều có cái giá phải trả tương ứng. Giả sử, khi thèm ăn 1 gói bim bim ta chạy ra cửa hàng tạp hóa ở đầu ngõ, nếu trả tiền trước rồi lấy bim bim sau thì đó là một chuyện bình thường. Lấy bim bim trước rồi tháng sau mới trả tiền thì sẽ mắc nợ và gây ra lòng thù hận. Suy rộng ra ở đời cũng vậy, dẫu là trong cuộc sống hay trong công tác, tuy cùng có cấu tạo 2 phần là: trả giá- nhận hàng nhưng nếu đổi chỗ thứ tự xuất hiện giữa chúng thì sẽ gây ra 2 hệ quả hoàn toàn khác và đối lập nhau. Tham ô, chiếm đoạt, lừa đảo cũng đều là những hình thức nhận hàng trước khi trả giá. Những cái giá phải trả có thể đến muộn, nhưng khi nó đến bao giờ cũng đắt hơn rất nhiều vì kèm theo lãi suất.
  Để giải quyết toàn bộ các vấn đề còn tồn đọng trên trong một thời gian ngắn hạn là điều không thể vì đúng là họ trao cho ta những ảo tưởng, nhưng ta là người mắc nợ thật. Kẻ yếu sao có thể quỵt nợ với kẻ mạnh, chỉ có kẻ mạnh quỵt nợ kẻ yếu mà thôi, đó cũng là một quy luật sắt đá tồn tại trong thế giới Tự nhiên. Cách giải quyết mọi vấn đề trong Vũ trụ này luôn là bám sát vào bản chất gốc. Như đã lập luận- chứng minh và trình bày ở trên, hình dạng thật của con người là 1 vector có tần số. Có 3 điều quan trọng cấu thành nên 1 vector: gốc(1); số lượng(n) và gia tốc.
1 điểm(point) chính là “gốc của gốc”(tương tự Hydro) để có thể tạo nên 1 đoạn thẳng(n), 1 vector(1D), 1 đường thẳng, 1 đường tròn(2D), n trục tọa độ… và thậm chí xa hơn là tạo nên sự tồn tại của toàn bộ các loài sinh vật(4D) cũng như thế giới Tự nhiên(nD). Do là 1 vector, vậy nên loài vật nào, xã hội nào, thế giới nào cũng đều có hệ miễn dịch của riêng nó nhằm mục đích bảo vệ sự phát triển và tồn tại. Để đọc một cuốn sách dày 600 trang, nếu mỗi ngày ta hoàn thành 20 trang thì về lý thuyết sau 30 ngày ta sẽ đọc xong. Ở sự đời cũng vậy, nếu gia tốc của giải quyết vấn đề lớn hơn gia tốc tạo ra vấn đề, thì sớm muộn gì các vấn đề còn tồn động cũng sẽ được giải quyết hết. Để làm được điều này, phải rất kiên định với mục tiêu cũng như đường hướng.
Quay trở lại với vấn đề xã hội con người, “điểm 1” trong thế giới cũng như của mỗi con người chính là hành trình gốc của mỗi cá nhân, hay cụ thể là tuổi thơ. Nói đến tuổi thơ là nói đến sự bắt kịp thời đại thông qua giáo dục, sự cài đặt “hệ điều hành” hay trồng người. Mỗi một thời điểm sẽ yêu cầu hướng phát triển cá nhân khác nhau để đối phó với thời cuộc. 
Về cấp độ vĩ mô, nền giáo dục phải hướng đến mục tiêu trợ giúp cũng như định hướng sự phát triển chứ không phải chỉ tạo ra một hệ quy chiếu để phân hạng giỏi và kém qua việc thiết kế 1 con đường lỗi thời. Ai mà gò mình chịu được đi hết thì sẽ được coi là giỏi, không đi được thì sẽ bị coi là kém. Nhưng con người sinh ra đều có bản chất là độc nhất và khác biệt với nhau. Không thể gom con cá, con chim, con sâu, con rùa rồi bắt nó chạy đua trên đường bê tông với con thỏ được, mỗi con có một thế mạnh và một sở trường riêng, con người cũng vậy. Có kẻ mạnh về thể chất, có kẻ mạnh về cảm xúc, có kẻ mạnh về chiến lược, có kẻ mạnh về ngoại giao… Đó là còn chưa kể những người chấp nhận gò mình thường có hoài bão rất lớn, họ chịu đựng để đạt một điều gì đấy to lớn hơn. Vậy nên mới có những câu chuyện nhúng chàm sau này.

Quay trở lại với thang độ vi mô, theo góc nhìn của tôi, đây là điểm cốt yếu mà bất cứ cá nhân nào đều phải đạt được theo từng thời kì.
Độ tuổi mẫu giáo: Tập làm chủ cơ thể của chính mình, do cấu tạo của cơ thể gồm 2 phần đối lập được kết nối bằng sự cân bằng, nên các trò chơi bổ trợ cho khả năng thao túng thăng bằng như tập đi xe đạp, đứng và di chuyển trên bề mặt không ổn định, đứng một chân, nhào lộn, vẽ, viết bằng cả 2 tay, đánh đàn piano… đóng góp rất lớn trong vai trò phát triển toàn diện của 2 bên não bộ. Đó là tiền đề giúp các bé có thể văn võ song toàn cũng như để tạo nền tảng cho sự phát triển đa chiều sau này. Vệ sinh cá nhân, nề nếp trong sinh hoạt bao gồm ăn uống, tập thể dục và nghỉ ngơi. Bồi dưỡng khả năng nhận biết sự khác biệt, tăng tốc độ nhận ra sự khác biệt, và quan trọng nhất là hiểu được vì sao các hệ quy chiếu được sinh ra. Thu nạp các kiến thức từ những lăng kính mà hệ quy chiếu mang lại. Và khuyến khích các bé khai phóng hết khả năng của trí tượng tưởng, tính trước các bước, sáng tạo cách thức với các trò chơi lắp ghép, vẽ, đánh cờ úp… 
Độ tuổi cấp 1: Song song với việc tiếp tục thu nạp kiến thức gốc, ở độ tuổi này, các bé rất sáng tạo vì trong đầu chúng có rất nhiều câu hỏi cũng như những cách trả lời cực kì thú vị. Vậy nên ta chỉ cần giao cho các bé 1 nguồn lực và 1 mục đích tương ứng. Vẽ ra luật chơi cố định và không cấm các phương pháp lách luật vì lách luật mà không phạm quy chính là sáng tạo, để các bé thi đua nhau nhằm mục đích tạo ra vector đa chiều trong tâm thức con trẻ cũng như tăng cường khả năng sử dụng ngôn ngữ và hợp tác. Và quan trọng nhất là rèn được tính cẩn thận trong hành vi vì tuổi này các bé rất vội và ẩu. Cẩn thận còn là cách tự bảo vệ mình và tránh sai sót.
Độ tuổi cấp 2: Độ tuổi này là độ tuổi dậy thì, nghĩa là gia tốc của sự phát triển thể chất cũng như tinh thần lớn nhất trong vòng đời của mỗi con người. Do phát triển rất mạnh thế nên sẽ dễ dẫn tới sự mất cân bằng trong thể chất cũng như trong tinh thần con trẻ. Tất cả các bệnh liên quan đến tâm lý, cột sống, lệch vai, bài tiết… đều bắt đầu khởi phát âm thầm từ giai đoạn này. Vậy nên sau khi tạo được vector đa chiều trong trẻ ở cấp tiểu học, ta bắt đầu hướng chúng áp dụng “timing”, kỹ thuật, quy trình đã được đúc kết để tránh sai lầm, chấn thương cũng như hạn chế lãng phí nguồn lực. Do mới chỉ bước một bàn chân sang ngưỡng cửa trưởng thành, thế nên sức chịu đựng cũng như độ bền trì chí kiên gan còn hạn chế, đây là điểm cần cải thiện nhất.
Độ tuổi cấp 3: Đây là độ tuổi các em đã bắt đầu nhận thức được mình có gì và mình muốn gì, hay góc nhìn thứ 3 bắt đầu xuất hiện. Và để đạt được cái mình muốn mà không phải nhận về những thương tổn thì chỉ có một phương pháp đó là: “định giá” và hiểu được “cái giá phải trả”. Thấy rõ mình là ai, chấp nhận cái giá phải trả, tự sửa thực tại của mình bằng cách hoàn thiện bản thân, chỉ có mình mới thỏa mãn được chính mình…
… Còn với những người đảm đương chức vụ quản trị cuộc đời
của kẻ khác, đầu vào buộc phải là những kẻ đã rất thành công trong cuộc sống trước khi bước vào chính trường. Nếu không phải vậy thì sao có thể bước xuống để nhường ngôi cho kẻ giỏi hơn mà không thấy bị hụt hẫng. Vì đã có tất cả trước khi bước vào chính trường thế nên có thể thắng được lòng tham, biết lùi lại để hi sinh cho Đồng bào, cống hiến không chỉ vì con cháu của mình mà vì con cháu của người khác. Chỉ khi làm được điều đó thì mới xứng đáng là Người đại diện của cả Quốc gia, Dân tộc.
***
Để kết thúc phần I, toàn bộ những câu hỏi có trong Thực tại này, tôi đều nhìn thấy câu trả lời sau khi thay đổi góc nhìn của bản thân cũng như cách hiểu về hình học và các con số cơ bản.

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.