Tại sao biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mà những bãi biển này không chìm lại còn mở rộng ra?

Tại sao biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mà những bãi biển này không chìm lại còn mở rộng ra?

Những bức ảnh được chụp từ vệ tinh cách nhau 90 năm. Và trong suốt quá trình đó những bãi biển này không có hoạt động bồi đắp hay cải tạo đáng kể từ con người.

“Biến đổi khí hậu không có thật”, “Trái đất không ấm lên” “nước biển không dâng cao hơn”, đó là những gì mà bạn hay thấy trong chủ đề thảo luận của những nhóm hoài nghi phủ nhận biến đổi khí hậu.

Đôi khi họ đưa ra một số bằng chứng, ví dụ như bức ảnh vệ tinh dưới đây chụp bờ biển Coolangatta ở Australia vào 2 thời điểm, năm 1930 và 2020.

Lập luận của những người này là: Nếu nước biển dâng lên thì tại sao bờ biển của Coolangatta không bị xói mòn mà trái lại mở rộng hẳn ra sau 90 năm? Chính quyền địa phương cũng xác nhận họ gần như không có sự can thiệp hay bồi đắp nhân tạo nào vào bãi biển này.

Vậy thực sự thì điều gì đang diễn ra?

Bãi biển Coolangatta ở Australia vào 2 thời điểm năm 1930 và 2020.
Bãi biển Coolangatta ở Australia vào 2 thời điểm năm 1930 và 2020.

Những bãi biển mở rộng bất chấp nước biển dâng

Theo các nghiên cứu về biến đổi khí hậu dự báo, nhiệt độ của Trái đất đã tăng thêm 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mực nước biển hiện tại cũng đã cao hơn 20 cm so với khoảng giữa thế kỷ 18.

Hậu quả của nước biển dâng là nó sẽ nuốt chửng các bãi biển, nhấn chìm các đảo đá ngầm. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change năm ngoái dự báo tới hơn một phần ba (37%) bãi biển trên thế giới có thể sẽ biến mất vào năm 2100. Trong đó, một mình nước Úc có thể mất tới 12.000 km bờ biển đầy cát.

Nhưng thật kỳ lạ, cũng một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Ocean & Coastal Management vào năm nay lại chỉ ra điều ngược lại. Một số đường bờ biển ở Queensland và New South Wales lại đang mở rộng ra thay vì xói mòn.

Điều này rõ ràng là trái ngược với hiểu biết chung của chúng ta về cách biến đổi khí hậu tác động đến bờ biển. Nó thậm chí còn dẫn đến sự nhầm lẫn và trở thành nguồn “fake news” cho những người phản đối biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Sự mở rộng của bãi biển Bucasia ở Australia từ năm 1953 đến năm 2020.
Sự mở rộng của bãi biển Bucasia ở Australia từ năm 1953 đến năm 2020.

Để xem xét hiện tượng này, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Queensland đã sử dụng ảnh chụp từ trên cao và hồ sơ vệ tinh để tìm hiểu, chính xác thì điều gì đã xảy ra?

Kết quả cho thấy có ít nhất 15 bãi biển ở Queensland, trải dài từ phía bắc Cooktown đến Coolangatta, đã lấn dần ra biển so với năm 1930. Cùng với đó, hiện tượng này cũng được quan sát thấy ở một số quốc gia Châu Phi và Đông Nam Á.

Trong khi một số bãi biển mở rộng ở Trung Quốc có thể được giải thích bằng hoạt động bồi đắp nhân tạo, những bãi biển ở Australia gần như không có sự tác động nào đáng kể của con người.

Những bãi biển có ngân sách trầm tích dương

Hóa ra, đó chính là nguyên nhân dẫn tới sự mở rộng của các bãi biển. Các nhà khoa học cho biết một bãi biển mở rộng hay xói mòn phụ thuộc vào một khái niệm được gọi là “ngân sách trầm tích ven biển“.

Đó là toàn bộ lượng cát, đá và các chất trầm tích có thể di chuyển ra hoặc vào bãi biển theo thời gian. Ngân sách trầm tích dương là khi có nhiều trầm tích bồi tụ lên bãi biển hơn so với trầm tích bị xói mòn. Ngân sách trầm tích âm thì ngược lại, khi cát bị đưa ra khỏi bờ biển nhiều hơn lượng được đưa vào.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến ngân sách trầm tích hay cát trên bờ biển
Có rất nhiều yếu tố tác động đến ngân sách trầm tích hay cát trên bờ biển, không chỉ có hiện tượng nước biển dâng.

Sự dịch chuyển ra vào của trầm tích phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ sóng, thủy triều cho đến dòng biển và thậm chí chỉ bằng một cơn bão. Ví dụ vào năm 2015, người dân sống ở vùng ven bãi biển Porthleven ở Anh đã tỉnh dậy và thấy toàn bộ cát trên bãi biển biến mất chỉ sau một đêm.

Đó là đêm mà một cơn bão mạnh đã quét qua phía tây nam khu vực sinh sống của họ. Không ai thực sự biết cát đã biến đi đâu. Nhưng tất cả bãi biển đột nhiên lại được trả về nguyên trạng như cũ chỉ một ngày sau đó. Cát đã trở lại.

Đối với các bãi biển đang mở rộng ở Queensland, chẳng hạn như bãi Bucasia. Nó đang được bồi tụ nhờ lớp trầm tích đến từ một con sông gần đó. Các khu vực khác, chẳng hạn như biển Suriname ở Nam Mỹ đã phát triển do các con sông lớn chảy xiết vận chuyển một lượng lớn phù sa đến đây.

Theo thời gian, ngân sách trầm tích dương sẽ thúc đẩy sự mở rộng của các bờ biển, nó vượt qua sự xói mòn có thể gây ra bởi hiện tượng nước biển dâng. Nói cách khác, lượng cát đến bờ biển lúc này vẫn lớn hơn lượng bị mất đi do biến đổi khí hậu.

Toàn bộ cát ở bãi biển Porthleven ở Anh bị kéo ra kéo vào chỉ trong một đêm.
Toàn bộ cát ở bãi biển Porthleven ở Anh bị kéo ra kéo vào chỉ trong một đêm.

Những con thuyền ở Bucasia mắc cạn sau khi nước triều rút.
Những con thuyền ở Bucasia mắc cạn sau khi nước triều rút.

Không phải một cái cớ để chủ quan

Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là sự xói mòn do nước biển dâng không phải là nguy cơ đe dọa các bờ biển trong tương lai. Thay vào đó, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi theo dự báo tốc độ nước biển dâng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh?

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự báo mực nước biển sẽ cao hơn tới 1,01 m (so với mức 1995–2014) vào năm 2100, nếu lượng khí thải toàn cầu tiếp tục không suy giảm.

Hơn nữa, mực nước biển dâng ngày càng nhanh. IPCC nhận thấy nó tăng 1,3 mm mỗi năm trong giai đoạn 1901–1971, 1,9 mm mỗi năm trong giai đoạn 1971–2006 và 3,7 mm mỗi năm trong giai đoạn 2006–2018.

Một số bãi biển trên thế giới đang thực sự bị co hẹp lại trong những thập kỷ qua.
Một số bãi biển trên thế giới đang thực sự bị co hẹp lại trong những thập kỷ qua.

Sự gia tăng mực nước biển này cuối cùng sẽ lớn đến mức, ngân sách trầm tích dương hiện tại không còn bù đắp cho nó được nữa. Điều này cuối cùng cũng sẽ gây ra hiện tượng xói mòn ở các bãi biển hiện còn đang mở rộng.

Vì vậy, việc các đường bờ biển đang xâm lấn ra hiện nay không phải là bằng chứng cho thấy mực nước biển không dâng lên hoặc không thể làm xói mòn bờ biển. Đó chỉ là lập luận ngụy biện của những người theo chủ nghĩa hoài nghi biến đổi khí hậu đưa ra mà thôi.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *