Văn hoá xiên bẩn
Tháng bảy 24, 2024
Bài viết được lấy cảm hứng trực tiếp từ tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của cố tác giả Vũ Bằng và “Văn hoá xiên bẩn” của tác giả Minh Tú Lê.
Chẳng biết tự bao giờ, xiên bẩn đã bất thình lình xuất hiện trong văn hoá Việt Nam, hay đặc thù hơn trong bài viết này, đó là văn hoá Hà Nội. Cũng phải thôi! Có lẽ do điểm khởi đầu của dòng chảy này là ở những góc đường trước cổng trường, cổng Đại học, hay những khu chợ trời,… toàn là nơi bình dân mà học sinh thường lui tới, cũng có cả những cô-cậu nhóc khóc lóc đòi bố mẹ cho đi mua, mà học sinh vốn là thế hệ mai sau của đất nước, nên nét văn hoá này cũng theo đó mà âm thầm lớn lên
Xiên bẩn, theo đúng nghĩa đen là xiên-bẩn. Một chiếc xe “độ” thêm bếp và khay đứng tấp vào lề đường, một mẹt đầy xiên sống còn đang chờ rán, một chảo to ngập dầu đang chiên biết bao là cây xiên, tất cả đều được phơi ra hết trước mặt thực khách giữa con phố inh ỏi, bụi mù xe qua lại, bảo sao mà không bẩn cho được. Nhưng cũng có lúc chính cái que xiên bằng gỗ lại là thứ bẩn, ta đâu thể biết được có những hàng sẵn sàng nhặt những cây que cũ bị ném xuống đất lên mà rửa lại, rồi lại được xiên vào đó những viên chiên mới. Nói vậy để thấy xiên bẩn khác với những xiên được bán trong quán hẳn hoi, có lồng kính che quanh chảo, có đĩa nhựa đĩa sứ đầy đủ, chúng ta sẽ gọi đó là viên chiên, hay “xiên sạch” để phân biệt.
Xiên bẩn thì rõ ràng là bẩn, lại đầy dầu mỡ, báo đài truyền thông cũng đưa tin cảnh báo sức khoẻ người tiêu dùng hằng ngày như muốn cho người xem thấy cái bản di chúc họ nên viết sẵn khi đi ăn xiên. Nhưng như vậy thì nào có hề gì, ta có thể dễ dàng vỗ đùi mà phán “Vậy mới đúng chuẩn là vị xiên bẩn chứ!”. Cứ hai nghìn một cây bốn viên xiên quả (hay còn gọi là viên hải sản), năm nghìn một xiên nguyên cây xúc xích Đức Việt như luật bất thành văn, thêm cả những xiên mới lạ nhiều mệnh giá khác nữa, đôi bàn tay nâu sạm, gầy gò vẫn khéo léo đảo đều xiên cũ, gắp vào thêm xiên mới, tiếng reo hò của chảo dầu xen lẫn tiếng chọn món của người ăn, tiếng nói chuyện rôm rả của học sinh sinh viên đang đứng hay ngồi thưởng thức xung quanh, lại còn có cả tiếng bụng rống lên vì đói nữa chứ! Xung quanh “quán” xiên bẩn thực sự là cả một xã hội thu nhỏ với đủ mọi thành phần tầng lớp, từ thấp tới cao. (Nếu bạn muốn hỏi chính quyền của xã hội này ở đâu thì cứ chờ đến lúc công an đến dẹp trật tự xe là sẽ thấy).
Tôi nhớ hồi trước, xiên bẩn cơ bản lắm, chỉ có viên chiên cá, xúc xích to (loại nhỏ mãi về sau mới có), hay sang hơn thì là xiên nem chua rán, ấy thế là quá đủ để làm thèm thuồng đám học sinh. Nhổ tóc sâu cho bà được hai đồng, hay anh nào liều hơn nhón trộm tiền đi chợ của mẹ được năm đồng là chúng tôi đem cống đến hàng xiên bẩn hết. Đồ ăn thì toàn bột, cắn đến bắn ra cả dầu, nhưng chao ôi là ngon! Xiên nào xiên nấy thơm lừng, nhìn từ ngoài đã thấy màu xanh trắng của cá xay, hoà thêm với bột và chút rau thơm, lại lấp ló miếng ớt đo đỏ như muốn kích thích thị giác. Cắn một miếng là một quả, hương thơm của cá lan toả khắp miệng, kèm một chút vị tanh của biển rất thật, quyện lại với rau thơm để đánh lạc hướng, để rồi bùng nổ là vị ngọt mặn của viên cá trong dai ngoài giòn, nuốt xong một miếng là thèm thuồng đến miếng tiếp theo. Xúc xích Đức Việt ở nhà ăn đã thấy ngon, ăn ở hàng xiên bẩn còn sướng hơn gấp vạn lần! Cây xúc xích nhìn to, tròn đều, ánh lên tia sáng phản chiếu từ dầu trên bề mặt, cứ cắn ngập răng một miếng là sẽ hiểu. Hương thơm lừng của thịt, chả cần biết là thịt bò hay lợn gà gì hết, chỉ lần biết nó thơm lên khắp cả khoang miệng, miếng xúc xích có độ đàn hồi đạt tới tuyệt đối, đưa thêm tê tê của hạt tiêu và gia vị, ăn thích đến mê mệt! Thích nhất hẳn là xiên nem chua rán, cái đắt nhất mà cũng là cái ngon nhất, chỉ có cô cậu nào nhiều tiền mới dám chơi lớn một bữa. Nó là thứ duy nhất được phủ lớp bột chiên giòn bên ngoài, bên trong lại ít bột, nhiều bì lợn, nhiều gia vị hơn hẳn hai cây kia. Vị ngon của xiên nem chua rán thì phải biết, nó giòn nhất nhờ bột hút dầu, ăn bên trong bì dai, đậm đà vị tứ vị chua cay mặn ngọt, cầm que xiên này đi ăn trong khi xung quanh lũ bạn học thèm thuồng, cảm giác cũng không khác gì một anh đại ca giang hồ cả! Xiên bẩn ăn lúc nào cũng thấy ngon, chỉ cần hơi đói bụng hay thèm thuồng đồ chiên rán, một que xiên bẩn là đủ để đáp ứng bạn! Cá nhân tôi hồi cấp một tới cấp hai không có quá nhiều tiền để đi ăn, lại hay mon men đến những giờ họ dọn quán đi về để mua xiên như một thói quen đã thành lệ. Lúc này thường sẽ được cho nốt cả vài viên hơi cháy, hay ngấm dầu quá lâu, ăn cũng vẫn thấy ngon như thường.
Que xiên bẩn ngon, không thể thiếu đi đồ chấm cũng bẩn (và cũng ngon). Tương ớt đựng trong cái can to được rót vào cốc nhỏ, màu đỏ hơi ngả cam. Vị cay của loại này nhẹ, ấy mà hậu vị lại rất lâu, ăn kĩ lại thấy có cả chút ngai ngái, nói thẳng ra là loại rẻ tiền. Nhưng rẻ thì mới được rót nhiều bao nhiêu tuỳ thích, ăn xiên bẩn với loại này mới thấy ngon nhất, mới thấy đây đúng là vị xiên bẩn rồi! Bên cạnh tương ớt cay còn có tương ớt ngọt (hay có chỗ gọi là tương cà) màu nâu đen chứ không phải đỏ đậm như bây giờ, ăn có vị ngọt thơm, ngầy ngậy. Bây giờ thì có thêm cả sốt phô mai, chấm có thể chấm với may-do-ne trắng trắng, nhưng tôi vẫn không thấy hợp giọng bằng hai loại truyền thống trộn lại với nhau. Tất nhiên những sốt chấm này cũng rất sống động, nếu được lấy đem đi soi, tôi đảm bảo sẽ thấy những loài sán, vi sinh vật đang bơi lội tung tăng trong đó. Nhưng ai quan tâm cơ chứ? Ngon là được!
Xiên bẩn vẫn chưa đạt đến đỉnh cao, vậy nên nó vẫn còn tiếp tục phát triển thêm nhiều xiên mới lạ hơn nữa. Xiên tôm ăn toàn bột, nhưng hình thức nhìn cũng xinh, vị tạm. Xiên màu sắc có nhân vàng ăn cũng vui miệng, còn có thể dùng để thả lẩu. Đặc biệt có xiên gì màu cam cam, bên trong nhân phô mai (một thứ đậu hũ của phương Tây, nhưng kết cấu lại dai dai kéo sợi giống vỏ bánh dày, có vị chua, mặn và ngậy, đôi khi chỉ ngậy không thôi), bên ngoài lại được phủ một lớp bột rán giòn, tôi đánh giá là ăn ngon, xứng đáng kế thừa ba vị tiền bối trước đây! Còn tới dăm bảy loại nữa, khó có thể liệt kê ra hết được. Xiên bẩn giờ còn bán kiểu thập cẩm, mỗi loại mấy viên cho vào hộp đem về, nhưng tôi khuyên bạn cứ nên ăn ngay tại chỗ, ngay trước hàng xiên thì mới thấy rõ được đúng vị quen thuộc!
Đôi khi tôi thèm xiên bẩn như ông cụ già nhớ hơi thuốc lào, nhớ cốc chè hãm đặc, đến cái mức mà muốn là phải đi ngay. Xiên bẩn ăn vui nhiều hơn là ngon, đó là niềm vui của tuổi trẻ, của cái thời học sinh vô lo vô nghĩ. Cô cậu cấp ba hò hẹn nhau cũng có thể chọn hàng xiên bẩn, vừa túi tiền lại vừa có cơ hội để bạn trai thể hiện tinh tế, ga lăng. Hàng xiên bẩn tạm lấp cái bao tử để học sinh có thể tiếp tục học tăng hai tăng ba, để có sức mà học bài lo cho tương lai bản thân. Sinh viên đại học đầu tháng cũng như cuối tháng, nhiều người có thói quen đánh dấu nó bằng xiên bẩn vì vừa rẻ, vừa no, hầu bao kể cả có phải mua mì ăn qua ngày cũng ráng tìm lấy cho mình một xiên. Học sinh tụ tập, ăn chơi cũng tại quán xiên bẩn, cùng nói về đề thi, về trường, cùng nhau trêu hùa đứa bạn hậu đậu làm đổ tương ớt, mỗi xiên lại thêm khắc vào mảng kí ức tươi đẹp của mình, về sau lớn đầu rồi còn có cái để cười! Kể cũng thấy mình giống ông cụ non, mới có 18 mà viết cứ cố tỏ ra lõi đời, nhưng quả thực xiên bẩn đã gắn liền với từng ngày tháng mài gấu quần trên ghế nhà trường của cá nhân tôi cũng như vài đứa bạn! Viết lại thấy đói, tôi phải đi làm vài xiên cơ bản đây!
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.