Điều tôi nhận ra từ buổi viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tháng bảy 27, 2024

Vào ngày 21/7, Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, để lại nhiều tiếc thương cho người dân trên mọi miền Tổ Quốc. Tuy nhiên chỉ khi được tham gia viếng thăm Bác, tôi mới cảm nhận rõ hơn sự kính trọng này với một người lãnh đạo giản dị này từ những công dân Việt Nam trong đó có thủ đô Hà Nội.
Vào chín giờ sáng ngày 26 tháng 7, tôi có được đi viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là khoảng thời gian người người lớp lớp đứng xếp hàng chờ được viếng thăm Tổng Bí thư trong giây phút trang nghiêm này – nơi khiến tôi nhận ra nhiều điều.

Ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được chỉnh đen trắng để phù hợp với bối cảnh. Nguồn: Wikipedia
Kính trọng từ cảnh viếng
Mặc dù hôm nay đã là ngày quốc tang thứ hai trên khắp mọi miền chữ S nhưng người đến tang thực sự vẫn rất đông. Ở Hà Nội, chúng tôi có hai cổng chính được dùng để đón người tham gia buổi viếng thiêng liêng này. Một cổng ở Lò Đúc, một cổng còn lại lộ tại Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ. Tôi đã đứng ở cổng Tăng Bạt Hổ và phải thú thật rằng đây là một cửa rất đông. Người người lớp lớp dày đặc như những khối electron khi sát gần nhau để tạo thành khối đá kiên cường vậy. Họ cứ bước, cứ đi, cứ tiến gần hơn với nhà tang lễ. Và tất cả đều được sắp xếp và chỉ dẫn bởi các thanh niên tình nguyện cũng như các thiếu uý, đại uý công an.
Những người đến chia buồn Tổng Bí thư rất đông. Già, trẻ, gái, trai, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc cũng đều đến đây viếng Bác cả. Có những người ở đây đã xếp hàng từ năm giờ sáng, có những người đến chín giờ mới đến nơi. Có những người có thể đã trực tiếp bộc lộ tình cảm trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có những người có thể chỉ im lặng chia buồn. Tuy nhiên chính sự im lặng đó cũng là một ngọn lửa, thổi nhẹ lên sự tri ân của con người Việt Nam đối với sự ra đi của Tổng Bí thư cũng như là một lời chia buồn gửi tới ông. Trong kháng chiến chống Mĩ, những người dân lặng lẽ thực ra cũng mang trong mình một đóng góp không nhỏ cho thành công lớn của dân tộc. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết: “Và cứ thế nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời /Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”.
Vì vậy, dù có gián tiếp hay trực tiếp bộc lộ tình cảm với Tổng Bí thư hay không thì sự đông đảo của buổi viếng ngày hôm nay đủ để thấy được thước đo lòng dân mà Tổng Bí thư nhận được lớn thế nào.
Sự chất phác và thật thà
Quả thực, khung cảnh xung quanh hướng đi tang lễ tại Tăng Bạt Hổ đủ nóng bức để những giọt mồ hôi có thể tuôn trào ra như những dòng sông chảy ra thượng nguồn vậy. Mọi người ai nấy đều cảm thấy rất nóng, một cơn nóng bức “Ve kêu rừng phách đổ vàng” như trong bài thơ Việt Bắc mà Tố Hữu từng chắp bút. Nhưng đó lại là nắng nóng vàng ươm của đô thị, một cơn nắng mà đủ để làm người ta sốc nhiệt nếu không chăm sóc tốt cho sức khoẻ.
Chính vì vậy trong đoàn người đến tang của chúng tôi sáng nay đã xuất hiện một người bà đã sẵn sàng giúp chúng tôi vượt qua cơn nóng này. Biết chúng tôi ai ai đều cũng nóng, bà xé từng bìa cát tông đựng nước của các đoàn hỗ trợ để giúp chúng tôi có thêm quạt gió rồi để xua tan cái nắng nóng của mùa hè. Mọi người quả thực đều cảm nhận được lòng tốt của bà, nhưng điều này sẽ thật ảnh hưởng đến công việc của đoàn thanh niên. Vì thế nên trong cuộc sống sẽ có rất nhiều sự nhiệt tình nhưng sẽ hữu ích hơn nếu ta vừa biết cách nhiều tình mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của mọi người xung quanh.
Nhưng bên cạnh người bà nhiệt tình đó, chúng tôi hiếm lắm mới gặp được một hộ gia đình đã rất hào phóng tại suốt một đoạn đường dài trên phố Tăng Bạt Hổ này. Dù chỉ có một chiếc quạt bé nhỏ nhưng chính nó đã tạo ra luồng gió mát cho nhiều người xung quanh trong đó có tôi – công dân tham gia buổi viếng thiêng liêng này của Đất nước.
Sự kiên trì làm nên lời tri ân
Có một thực tế mà tôi không thể phủ nhận được rằng đứng ở lối chờ Tăng Bạt Hổ sẽ rất lâu. Lâu vì trước chúng tôi còn là người người lớp lớp tham gia tang lễ. Lâu vì chúng tôi còn đợi những đoàn xe đón các đoàn tang đã được đăng kí trước.
Đứng trước tôi có những người cùng nhau hỏi liệu sang bên hướng Lò Đúc có nhanh hơn không? Có những người đã có người nhà cùng xuất phát tại thời điểm đó đã viếng Bác xong ở bên lối Lò Đúc. Tôi cũng có ý định đó, tôi hỏi ngỏ bố tôi rằng “Bố muốn sống nhanh hay sống chậm”. Bố tôi chỉ đáp: “Nếu như chúng ta không vào viếng được thì đứng ở đây đã là một lời tri ân rồi. Khi đứng ở đây thì con sẽ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống. Mọi người chỉ nói vậy thôi chứ ta làm sao có căn cứ cho việc đó”
Tôi bỗng chốc sực lại và nhớ một câu triết lí từng được học ở trên ghế nhà trường: “Sống đã, rồi hãy viết. Hãy hoà mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân” của cố nhà văn Nam Cao. Là một người sau này đi theo hướng viết lách thì chính tôi cần những trải nghiệm đơn giản này. Từ những trải nghiệm đó, tôi mới có chất liệu để hoà mình vào cuộc sống thường ngày của con người Việt Nam.
Hãy tuân thủ để lòng tốt được gửi đi
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại biết bao niềm thương tiếc cho mọi người. Mặc dù không phải ai cũng có tình cảm đặc biệt dành cho vị lãnh đạo này nhưng họ cũng có sự kính trọng nhất định.
Chính vì vậy, nếu như ai cũng tuân thủ các hướng dẫn trong lễ viếng thì sự tôn trọng dành cho Tổng Bí thư có lẽ sẽ được gửi đến nhiều hơn. Cuộc sống cũng vậy, lúc cần đi nhanh chúng ta cứ đi nhanh nhưng lúc cần đi chậm thì cũng từ từ để lòng tốt được gửi đến nhiều nhất.
Để làm tốt được điều này thì ban tổ chức có lẽ đã rất tận tâm trong việc nhắc nhở các công dân tuân thủ các hướng dẫn vào thăm viếng Tổng Bí thư.
Lời chia buồn
Hôm nay cũng là ngày thứ hai của lễ tang cũng như là ngày cuối cùng theo quyết định của ban chỉ đạo tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ theo thời điểm tôi làm bài viết này, người đã được các chiến sĩ, đồng bào tiễn đưa trong một chuyến công tác xa. Đó không phải là một chuyến công du tới bất kì quốc gia nào mà đó là chuyến công du tới nơi Bác được an nghỉ cùng với các nguyên lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam
Là một công dân trẻ Việt Nam, tôi biết ơn với Bác Tổng Bí thư vì đã lãnh đạo Đất nước thịnh vượng, phát triển, minh bạch với tham nhũng. Mặc dù xã hội Việt Nam vẫn còn những khuyết điểm chưa được khắc phục nhưng sự sát cánh của Tổng Bí thư đã giúp cho nước ta ngày một phát triển hơn. Vì thế, những thành viên thế hệ trẻ Việt Nam như chúng tôi sẽ ra sức học tập để Đất Nước có thêm nguồn nhân tài trẻ mới mà Bác từng mong ước như phỏng vấn tại Đại hội 12 của Đảng

Bên em làm anh chị cẩn liên hệ ngay bên em nhé.