Bác sĩ nội trú không phải người bình thường!!!

Tháng bảy 28, 2024

Từ bé tôi đã vô cùng ngưỡng bộ những người làm ngành Y, hằng ngày khoác áo blouse trắng, bình tĩnh, tập trung làm công việc của họ. Nhưng quả thật, những gì tôi biết về hai từ Bác sĩ cũng chỉ dừng lại ở đó. Cho đến khi quen biết một bác sĩ nội trú, tôi mới nhận ra họ chẳng phải như những gì mà tôi từng nghĩ.
1. Bác sĩ nội trú – người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc!
Học Y chẳng dễ, học và thi Nội trú còn khó nhằn hơn. Tôi còn nhớ chia sẻ của “chú” bác sĩ mà tôi biết về thời gian anh ôn thi Nội trú. Nghe xong tôi chỉ biết khúm núm, miệng chỉ bật ra được vài âm ồ, à như trẻ mầm non tập đánh vần. “Mệt lắm em ạ! Thi đại học 29,30 điểm chưa là gì so với thi Nội trú đâu em! Đời bác sĩ có 1 lần, tụi anh phải cắm mặt vào học, má tóp mắt tịt nhưng phải cố. Mấy cuốn giáo trình dày cui, em nhìn chắc chắn là trố mắt ra đấy. Haha!!. Sách để ôn thi chắc phải tính theo kí lô chứ chẳng đếm được bao nhiêu cuốn. Kể lại thế thôi, chứ cũng chẳng nhằn gì với bây giờ đâu em, giờ điên hơn nhiều! Vài tháng nữa có cái bằng Thạc sĩ rồi, anh phải nghỉ xa hơi, đi đâu đó cho khuây khỏa. Haha”. Kể lại chill hơn nhiều là rõ. Nhưng ai cũng biết chẳng phải dễ dàng gì.
2. Bác sĩ nội trú – người vất vả nhất trong những người vất vả.
Tôi biết sẽ có nhiều ngành nghề cũng khó nhọc vô cùng. Nhưng thực sự tôi phải tá hỏa khi biết cường độ công việc của một bác sĩ. Anh kể với tôi có những ngày anh phải đứng mổ hơn 10 tiếng, đeo găng y tế đến nỗi da tay trắng hếu, cổ tay thì bị thít chặt, in hằn lại. Mắt nặng trĩu những vẫn phải căng ra, chân như muốn khụy xuống nhưng chẳng thể. Hết ca mô đâu phải là xong việc. “Vừa mổ về. Đêm nay anh còn phải kê thuốc cho cả khoa”. Anh chụp màn hình excel dày đặc chữ với các triệu chứng, mấy ký hiệu viết tắt, vài cụm tiếng Anh xì lồ xì lào bên cạnh cột tên bệnh nhân dài ngoằng ngoèo mà tôi chả hiểu gì.
Có lần tôi hỏi anh, thời gian mổ không linh hoạt các anh ăn uống kiểu gì? Anh bảo bác sĩ là những người không lành mành nhất trong tất cả những người không lành mạnh. Ăn không đúng giờ, ngủ không đủ giấc, để giữ tỉnh táo phải làm mọi cách cho thần kinh căng lên. Thuốc lá, đường, cà phê, … là bạn. ”Đồ ăn tụi anh cũng không có nhiều lựa chọn đâu em, cái quán dưới biện viện bán gì thì ăn nấy thôi. Nói chung, biết không tốt nhưng còn hơn là không ăn”
Khái niệm nghỉ lễ dường như không tồn tại trong cuộc sống của họ. “Hằng ngày quay đi quay lại trong viện, hết phòng mổ rồi phòng làm việc. Anh chẳng biết trời sao gì đâu em! Lâu lâu được nghỉ một ngày, không trong viện thì cũng đi đâu đâu? Chẳng nghĩ ra được chỗ nào mà lui tới”. Tết, Quốc Khánh, Giỗ tổ,… cũng như ngày thường thôi. “Năm vừa rồi này, đêm giao thừa anh có một ca mổ chấn thương sọ não. Đưa vào cùng ngày, ra đi cũng cùng ngay luôn”. Trong cái ngày mà mọi người được sum họp, đoàn viên thì đầu óc họ phải căng như dây đàn, tất bật với những ca cấp cứu, bệnh nhân nội trú,… .
Hôm rồi gặp anh, ngồi xuống cạnh bàn nhưng điện thoại cũng không ngừng reo. “Ừ! tiêm cho người ta … cc, …….. kali, ……… viên màu trắng,…….” Quá nhiều từ ngữ y khoa, một câu dài nhưng tôi chỉ nghe ra được vài từ. Có lúc thì là cuộc gọi về khẩn cấp, có khi là tin nhắn hỏi thuốc cho bệnh nhân. Vậy tính ra, ngày nghỉ cũng không đồng nghĩa với việc nghỉ lắm!
Bệnh nhân đau ốm có bác sĩ, nhưng bác sĩ đau ốm thì cũng chỉ có mình họ thôi. “Sốt cao, da thịt nóng như thiêu 38,39 độ thì cũng phải cố thôi em, được thì nhờ bạn đỡ cho mấy ca mổ, còn đâu thì chuyền nước, uống thuốc vào rồi đi làm như bình thường.”
3. Bác sĩ nội trú – bám rễ tại nơi mà chẳng ai muốn tới.
Tôi cho rằng bác sĩ là những người làm việc trong môi trường cũng vô cùng độc hại. Độc hại về mặt tinh thần. Bệnh viện là nơi giăng đầy năng lượng tiêu cực, đầy lo toan, đau đớn. Tất nhiên cũng có niềm vui len lỏi trong đó. Nhưng chẳng là gì so với không khí trĩu nặng bao trùm. Sức khỏe thể chất của “thầy thuốc” bị hao mòn, nhưng về tinh thần, tôi cho rằng họ cũng không khỏe mạnh hơn là bao.
“Máu lạnh” là cụm từ chẳng tốt đẹp gì, dành cho mấy gã ất ơ chẳng đâu vào đâu. Một vị thầy thuốc cũng có thể hợp với cụm từ đó. Nhưng với một ý nghĩa tốt đẹp hơn rất nhiều. Số lượng bệnh nhân ở bệnh viện cũng tấp nập như thể ở bến xe. Chỉ khác là tâm trạng lại chẳng hồ hởi, ồn ã như ở bến. Người đau nhẹ, người đau nặng. Các bác sĩ không thể cảm tính như người thân bệnh nhân. Họ phải hết sức bình tĩnh, lý trí trong mọi trường hợp. Mặc dù vậy, nói “máu lạnh” cũng chẳng phải. Bác sĩ không phải là không có cảm xúc. Họ đơn giản là không được thể hiện cảm xúc một cách tự do như người khác mà thôi.
Đó là những gì tôi được nghe từ chia sẻ của một bác sĩ nội trú và một số cảm nghĩ cá nhân về công việc đáng quý này.
Tôi vẫn thầm hâm mộ những người làm nghề Y với sự tài giỏi của họ. Nhưng quả thật, khi đã biết nhiều hơn về công việc này, “hâm mộ” dường như không thể diễn đạt được hết. Họ vẫn vậy, vẫn thầm lặng làm việc và vẫn luôn tỏa ra hào quang trong mắt tôi. Chỉ là bây giờ ánh hào quang ấy sáng hơn so với trước đây rất nhiều.
______________________________________________________________________
P/s: Nghe đồn rằng bác sĩ nội trú, đặc biệt bác sĩ ngoại khoa là “cờ đỏ” chính hiệu. Đời sống của họ cũng phong phú phết :)))

Bên em làm anh chị cẩn liên hệ ngay bên em nhé.