NGUYỄN PHÚ TRỌNG – MỘT ĐỜI VÌ NƯỚC VÌ DÂN

Tháng bảy 29, 2024

Ngày 21 tháng 7 năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thông báo là đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa và gia đình hết lòng chăm sóc. Vậy là một trái tim lớn nữa của đất nước ta vừa ngừng đập. Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Vậy cuộc đời của con người vĩ đại ấy đã trải qua những sự kiện, biến cố nào để hình thành nên một nhân cách cao đẹp như thế?

1, Tuổi thơ lam lũ

Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại thôn Lại Đà, xã Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Ông là con út trong số bốn người con của một gia đình bần nông như bao gia đình khác trong làng.
Ba năm đầu cuộc đời, ông Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều biến cố lớn của lịch sử dân tộc. Năm 1944, lúc bấy giờ đất nước đang rơi vào những giờ phút tăm tối dưới ách đô hộ “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật nhưng không khí cách mạng cũng đang dần sục sôi khắp nơi. Tới năm 1945, tuy Tổng Khởi nghĩa tháng Tám thành công rất vĩ đại nhưng đó cũng là lúc nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp miền Bắc nước ta. Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến thực dân Pháp, gia đình ông Nguyễn Phú Trọng khi ấy phải tản cư lên Thái Nguyên. Tuy còn quá nhỏ để biết và nhớ về những ngày tháng đầy sóng gió ấy, nhưng ông vẫn được cha mẹ ông kể cho nghe những gì đã trải qua:
“Tôi nghe mẹ kể lại, tôi lúc đó mới 2 tuổi được đặt ngồi 1 bên thúng, còn chị tôi ngồi 1 bên để mẹ gánh đi bộ từ huyện Đông Anh lên Thái Nguyên ở nhờ nhà người quen”.
Tới năm 6 tuổi, ông cùng gia đình trở lại quê hương. Tại đây, tuổi thơ của ông Nguyễn Phú Trọng gắn liền với sự lam lũ. Dù vào thời kì ấy, đa phần các gia đình đều là bần nông, thế nhưng kinh tế của gia đình ông đặc biệt khó khăn. Những món khoai, món sắn đã gắn liền với những tháng ngày thơ ấu của ông. Nhưng hoàn cảnh cơ cực ấy cũng không ngăn ông có được một tuổi thơ trọn vẹn bên xóm làng. Ông Vương Khắc Côn (81 tuổi, ở xóm 7, thôn Lại Đà) gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1 đến hết cấp 2 thường kể về những ngày tháng tươi đẹp thủa thiếu thời của ông Trọng cùng bạn bè:
“Tuổi trẻ thì anh em với nhau trong làng trong xóm. Kỷ niệm với Tổng Bí thư thời ấy thì nhiều, cùng đi chăn trâu, cùng tắm sông, trổ mạ, đi đò sang huyện Gia Lâm để đi học. Thời kỳ mới hoà bình lại rất là nghèo, chúng tôi quần nâu áo vá, đi chân đất là chính. Anh em có gì cũng chia nhau ăn chung…”
Lớn lên trong một làng quê bình dị với truyền thống hiếu học và phong trào cách mạng đang dâng cao, cậu bé Nguyễn Phú Trọng khi ấy cũng đã nỗ lực chăm chỉ học tập với mơ ước sau này trở thành một người giỏi giang. Trong làng không có trường học nên mọi người phải tập trung học ở trong sân đình. Riêng ông Nguyễn Phú Trọng, do nhà ở xa nên thường ở trọ lại luôn trong đình.
Các bạn học của ông, tới bây giờ vẫn còn nhớ tới ông với dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng lạ thường và đặc biệt là rất ngoan hiền. Thầy cô giáo của ông thì lại ấn tượng bởi sự điềm đạm, hiền lành của ông, cũng như năng khiếu với môn văn của ông. 
Năm 1957, ông Nguyễn Phú Trọng lên cấp 2. Do địa phương không có trường học, ông phải đi bộ sang học nhờ ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nhà không có đồng hồ, cứ gà gáy là bố ông sẽ gọi dậy đi học. Ông thường đi một mình khi trời chưa sáng hẳn, đi qua các thôn giữa tiếng chó sủa ran, rồi còn phải đi qua bãi tha ma. Khi đến bến đò lại ngồi chờ trời sáng hẳn lái đò mới chở qua sông Đuống.
“Khi đó, tôi mới 11, 12 tuổi mà đi bộ từ nhà sang Gia Lâm học. Đi một mình, trời rét, đi chân đất, mặc bộ quần áo nâu, đi qua bãi tha ma rất sợ.” – Cố Tổng Bí thư từng chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục học cấp 3 ở Trường Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm. Thầy giáo Đoàn Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều hồi tưởng về người học trò cũ này:
“Quả thực từ ngày đó, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt với trò Trọng. Tôi còn nhớ rất rõ, do nhà nghèo lại ở xa, nên Trọng phải trọ học trong một ngôi chùa gần trường. Đã có nhiều thầy cô giáo nói với tôi về tư chất, năng lực lãnh đạo đoàn thể của cậu trò này”.
Ông sau đó thi Học sinh giỏi Văn toàn quốc, đỗ giải cao và được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp, Khoa Văn. Tuy nhiên, do đất nước đang trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mỹ nên ông đã viết tâm thư xin tình nguyện đi vào Nam chiến đấu. Cán bộ lúc đó giải thích: có người phải đi chiến đấu, nhưng cũng có người phải ở lại học để chuẩn bị khi giành thắng lợi còn xây dựng đất nước. Hiểu được điều này, ông càng tập trung học tập chăm chỉ hơn, chờ ngày đất nước được giải phóng sẽ góp tay vào xây dựng tổ quốc.

2, Thời sinh viên nhiệt huyết

Năm 1963, ông Nguyễn Phú Trọng nhập học Khoa Ngữ Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cuốn kỷ yếu “100 năm Đại học Đông Dương – Đại học Quốc gia Hà Nội”, ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xúc động và tự hào khi lần đầu tiên đến trường nhập học:
“Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 – phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường Đại học Việt Nam” sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng “siêu” cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…”

Khi ấy, Khoa Ngữ văn có tới 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nhưng “đồng chí” Nguyễn Phú Trọng đã được tin tưởng giữ trọng trách Bí thư Chi đoàn lớp. Phải nói là ngay từ thời sinh viên, các bạn học đã rất nể phục ông Nguyễn Phú Trọng vì sự nghiêm túc, cần cù và tỉ mỉ. Không chỉ giữ vững nề nếp của một sinh viên, ông cũng là một người cực kì kĩ tính trong vấn đề nghiên cứu, học hỏi. Trong các môn lý luận văn học, tác giả giáo trình thường trích câu nói nổi tiếng như của Karl Marx hay Lenin nói về văn học nghệ thuật. Các bạn học khác có thể không quá để ý nhưng ông luôn dành nhiều thời gian tra cứu, đi tìm xem những câu nói đó trích dẫn ở đâu, trong bối cảnh nào và tại sao lại nói như vậy để tìm hiểu bản chất của vấn đề.
Không chỉ là một sinh viên gương mẫu, ông Nguyễn Phú Trọng còn là một chỗ dựa tinh thần, một “lãnh đạo” của lớp trong thời kì khó khăn. Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào cao điểm cam go do kẻ thù tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Chiến tranh khiến trường lớp phân tán: năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì, tới năm thứ ba thì cả trường phải sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Suốt cả quá trình gian lao cơ cực ấy, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ được cho mình kỉ cương, đồng thời ra sức động viên về mặt tinh thần cho các bạn. Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa – bạn cùng lớp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét:
“Anh Trọng từ khi còn theo học đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi mà anh Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể. Bình thường, anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo”.
Năm 1967, bước sang năm thứ tư đại học, khi đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, ông Nguyễn Phú Trọng tham gia Đội Thanh niên xung phong ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ học hàng ngày, ông còn đi làm đường, cuốc đất, buổi tối sinh hoạt tập thể, đàn hát vui vẻ nên anh chị em thanh niên xung phong ai cũng mến. Dưới sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng sau đó đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” và là người duy nhất của khoá học đạt điểm tối ưu. Cũng trong năm đó (1967), ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, một điều rất hiếm gặp đối với sinh viên thời bấy giờ. Cuối khóa học, ông đạt tốt nghiệp thủ khoa với xếp loại xuất sắc.

3, Bước đầu trong sự nghiệp chính trị

Kể từ ngày 19 tháng 12 năm 1967, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức trở thành đảng viên của Đảng Lao Động Việt Nam (một tên gọi khác của Đảng ta trong thời kì ấy). Từ tháng 12 năm 1967, ông công tác tại tạp chí Học tập (tiền thân Tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, ông được sống, học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành một nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng. Nhờ sự thể hiện xuất sắc của mình trong thời gian làm việc, tới năm 1981, ông trở thành một trong số những người được Đảng lựa chọn sang Liên Xô học tập, bồi dưỡng cán bộ nguồn.
Nói về những năm tháng học tập ở Liên Xô, nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu đánh giá bạn học Nguyễn Phú Trọng là người gương mẫu, có ý thức tu dưỡng, giữ gìn, tư cách trong sáng và trong sạch. Ông sau đó chọn đề tài nghiên cứu luận án với chủ đề “Luận án lịch sử – chuyên đề xây dựng Đảng”, một luận án mang tính thiết thực với quá trình xây dựng Đảng không chỉ khi ấy mà còn cả về sau này.
Tháng 8 năm 1983, ông Nguyễn Phú Trọng từ Liên Xô về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Sau đó ông được đề bạt làm Phó trưởng ban vào tháng 10 năm 1983 rồi Trưởng ban vào tháng 9 năm 1987, Ủy viên Ban biên tập tháng 3 năm 1989, Phó tổng biên tập tháng 5 năm 1990 và Tổng biên tập tháng 8 năm 1991.
Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng đã cùng với 19 cá nhân ưu tú khác được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII nhiệm kì 1991-1996.
Tháng 8 năm 1996, ông Nguyễn Phú Trọng được điều làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.
Tháng 12 năm 1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII.
Tới tháng 3 năm 1998, ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII năm 2000, ông đã tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.

Vào tháng 1 năm 2000, ông Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông cũng kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông đã trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm Đổi Mới, chuẩn bị và biên soạn tiếp Văn kiện Đại hội X của Đảng.

4, Trở thành trụ cột của Đảng

Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XI do người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn An từ chức để nghỉ hưu sớm. Tới ngày 29 tháng 11 năm 2006, Quốc hội dưới sự dẫn dắt của ông đã thông qua và phê chuẩn Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11, Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ khóa XI kể cả nhiệm kỳ người tiền nhiệm là Nguyễn Văn An, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi 84 bộ luật và 34 pháp lệnh.
Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3 khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan và giải thể tỉnh Hà Tây. Từ sau ngày 1 tháng 8 năm 2008, cả nước có 63 đơn vị hành chính bao gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 58 tỉnh. Kỳ họp thứ 6 khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu cũng như đưa ra nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội khóa XII đã thông qua 67 luật và 14 pháp lệnh đồng thời khóa XII cũng rút ngắn thời gian nhiệm kỳ 1 năm để tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIII cho cùng thời gian với cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp năm 2011. Ngày 19 tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng kế nhiệm ông Nông Đức Mạnh, kiêm nhiệm thêm chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tới ngày 23 tháng 7 năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi vai trò này.

Ngày 27 tháng 1 năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục tái đắc cử chức Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII. Trong giữa nhiệm kỳ, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã không xuất hiện trong một khoảng thời gian, nguyên nhân sau đó được ra là ông Huynh nghỉ để chữa bệnh. Ông Trần Quốc Vượng đã được chọn để thay thế vào ngày 2 tháng 3 năm 2018, trước đó ông Vượng đã giữ Quyền Thường trực Ban Bí thư. Đây là một người có những quan điểm về việc đẩy mạnh chống tham nhũng, duy trì, đảm bảo vai trò và vị thế của Đảng Cộng sản trong thời kỳ mới, rất hợp với tư tưởng chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 23 tháng 10 năm 2018, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016–2021 do người trước đó là Trần Đại Quang đã qua đời. Từ đây, ông trở thành người quyền lực nhất Việt Nam và là người thứ ba trong lịch sử kiêm nhiệm 2 chức vụ quyền lực sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh. Vào lúc 15 giờ 15 phút cùng ngày, ông chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ngày 28 tháng 12 năm 2018, ông được phân công làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Năm 2019, Việt Nam được chọn làm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ. Đây là một vinh dự lớn lao với đất nước, nhưng cũng là một thách thức to lớn với các lãnh đạo. Từ ngày 27 tới ngày 28 tháng 2 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng sau đó đã gặp và tiếp đón cả hai phía. Hội nghị diễn ra thành công vượt ngoài mong đợi.
Vào ngày 14 tháng 4 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công tác cơ sở tại tỉnh Kiên Giang. Tại đây, do lịch trình công tác dày đặc và thời tiết nắng nóng bất thường đã khiến ông lâm bệnh. Theo thông cáo báo chí chính thức của Phát ngôn Viên Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo ngày 25 tháng 4 năm 2019, bà Lê Thị Thu Hằng đã xác nhận rằng “do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”. Ngày 25 tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng sức khỏe của ông đã ổn định, nhưng tại tang lễ của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào ngày 3 tháng 5 thì ông đã không xuất hiện dù nắm vai trò trưởng ban.
Sang tới năm 2020, khi cơn đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Việt Nam cũng như toàn thế giới, ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn” sau khi công tác chống dịch gian qua có chỉ đạo rất kịp thời đạt được những kết quả tích cực. Theo ông, để chiến thắng được dịch thì sự đoàn kết là yếu tố chủ chốt. Ngày 10 tháng 3 năm 2021, ông đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho công ty Việt Á theo đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành tích nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR (sau này, khi bê bối của Việt Á được phát hiện và xử lý, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thay ông thu hồi lại Huân chương này vào ngày 23 tháng 6 năm 2022).
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành trường hợp đặc biệt khi tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kì thứ ba liên tiếp tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam dù chức Tổng bí thư bị giới hạn 2 nhiệm kỳ theo Điều lệ Đảng năm 2011 (Điều 17) quy định. Trong sự nghiệp chính trị của mình, có lẽ đây là điều mà ông bị nhiều người cả trong nước lẫn quốc tế chỉ trích nhiều nhất. Thực tế, trước đó hầu hết những chỉ trích về ông đều là không hài lòng với việc ông đã kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ qua nhiều nhiệm kỳ. Nhưng tới khi ông đắc cử Tổng Bí thư lần thứ ba, mọi chỉ trích đều chuyển sang xoay quanh việc này.
Ngày 1 tháng 2 năm 2021, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự họp báo. Thời điểm này, sức khỏe của ông vẫn là một câu hỏi lớn, nhất là khi ông đang nắm giữ trong tay quá nhiều chức vụ quan trọng. Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông đã chia sẻ:
“Tôi hay nói chúc mừng hay chúc lo. Mừng thì mừng rồi nhưng lo nhiều hơn vì sắp tới nhiệm vụ còn lớn, nhiều, khó khăn, phức tạp; còn nhiều nguy cơ, diễn biễn phức tạp chưa lường hết được. Cảm ơn các bạn đã chúc mừng tôi, thứ hai cũng chúc mừng sức khỏe. Đúng đây là nhân tố rất quan trọng, không nói là quyết định để làm việc. Bây giờ tôi không được khỏe lắm, các đồng chí biết, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.
Tới ngày 2 tháng 4 năm 2021, có lẽ là sau khi đánh giá lại tình hình sức khỏe của ông, cũng như xem xét phản ứng của dư luận trong nước và quốc tế, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của Nguyễn Phú Trọng với 91,25% phiếu bầu. Ngày 5 tháng 4 năm 2021, Quốc hội đã miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng dù khóa XIV chưa hết nhiệm kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã được bầu làm Chủ tịch nước kế nhiệm ông. Như vậy, ông từng là Chủ tịch nước có nhiệm kỳ ngắn nhất Việt Nam cho đến khi ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước vào ngày 18 tháng 1 năm 2023. Tuy nhiên, trên thực tế ông vẫn là lãnh đạo cao nhất của đất nước, với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 8, Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban văn kiện và tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng vào năm 2026 (sẽ diễn ra trong tương lai).

5, Người đốt lò vĩ đại

“Chiến dịch đốt lò” là biệt danh và cụm từ không chính thống được dư luận sử dụng rộng rãi để chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013 trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng.
Phải nói, kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản, ông đã nhiều lần thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của mình. Đáng chú ý, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 6 tháng 10 năm 2014, ông khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ, tuy nhiên xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển:
“Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.
Đặc biệt khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, ông đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm thành những hành động cụ thể. Trong các phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng thường dùng hình tượng “củi và lò” để thể hiện công cuộc chống tham nhũng. Lần đầu tiên ông nhắc đến khái niệm “đốt lò” là ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng:
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.”
Ngày 26 tháng 7 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại phiên họp này, ông đưa ra tuyên bố đanh thép:
“Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào.”
Tư tưởng chỉ đạo chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được hệ thống hóa trong cuốn “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII trở đi.
Tháng 1 năm 2023, Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Nguyễn Phú Trọng được tiếp tục ra mắt, cuốn sách được Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu trong buổi lễ ra mắt là “hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả công tác này”.
Tại phiên họp thứ 15 ngày của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng 21 tháng 1 năm 2019 tổng kết trong năm 2018 cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000 hecta đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến đầu năm 2019, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ với 498 bị cáo. Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ với 222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ với 251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); xét xử sơ thẩm 23 vụ với 304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tại phiên họp thứ 16 ngày 26 tháng 7 năm 2019, trong giai đoạn nửa đầu 2019, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2019, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án với 19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án với 27 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án với 21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án với 149 bị cáo.
Trong nhiệm kỳ thứ ba, ông Nguyễn Phú Trọng được cho là đã đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò” của mình hơn nữa. Liên tiếp các quan chức bị bắt và bị khai trừ khỏi Đảng, nổi bật như Tô Anh Dũng trong bê bối chuyến bay giải cứu hay trong bê bối Việt Á đã có hơn 102 bị can trong đó có 3 người của Ủy viên Trung ương Đảng là Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng bộ Y tế đã phải xin thôi việc sau khi bị kỷ luật vì bê bối này. Ngày 30 tháng 12 năm 2022, hai Phó Thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đã thôi làm Uỷ viên Trung ương Đảng, cả hai cũng thôi làm Phó Thủ tướng vào ngày 5 tháng 1 năm 2023 vì hai ông được cho liên quan đến tham nhũng tiêu cực. Ngay cả chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải từ chức trong chiến dịch đốt lò do vợ của ông vướng phải sai phạm. Trong buổi gặp mặt các cử tri vào ngày 15 tháng 10 năm 2022, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tuyên bố:
“Các bác chờ mấy vụ sắp tới sẽ làm. Có vụ tồn tích lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được. Ngồi đấy chờ mà xem trốn có được không. Ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che. Làm quyết tâm, quyết liệt. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của ta được nhân dân rất hoan nghênh, thế giới nể phục”.

6, Lâm bệnh dai dẳng và từ trần

Như đã nói, vào ngày 14 tháng 4 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công tác cơ sở tại tỉnh Kiên Giang và tại đây, do lịch trình công tác dày đặc và thời tiết nắng nóng bất thường đã khiến ông lâm bệnh. Kể từ thời điểm này, ông thường được thấy xuất hiện trên truyền thông với sức khỏe suy giảm dần. Tuy nhiên, do kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ kèm theo đó là quá nhiều công việc, dự án cần được giải quyết nên ông vẫn luôn phải dành nhiều thời gian để tham gia các sự kiện lớn nhỏ của Đảng thay vì có thể tập trung chữa trị tối ưu.
Tới đầu năm 2024, ông Nguyễn Phú Trọng đã được cho là có vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khi ông đã không xuất hiện và đón tiếp các lãnh đạo các nước đến thăm theo thông lệ, trong chuyến thăm của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và mới đây là chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Đáng nói, cả hai đều không gặp mặt ông Trọng theo báo chí trong nước khi đưa tin về hoạt động hai người tại Việt Nam. Lần cuối người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện là vào ngày 26 tháng 12 năm 2023, khi ông phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và tiếp ông Shii Kazuo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Ngày 18 tháng 7 năm 2024, Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông cáo về thông báo của Bộ Chính trị tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng:
“Thời gian qua, theo yêu cầu của Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung huy động đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng bí thư”.
Cũng trong thông báo, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.
Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức qua đời vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, theo thông tin từ Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, hưởng thọ 80 tuổi.
Nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đều bàng hoàng và chia buồn sâu sắc với Việt Nam vì mất mát to lớn này. Các nhà lãnh đạo Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nga và Cuba sau khi được tin đều đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Việt Nam trước tiên. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cũng gửi lời chia buồn về sự ra đi đáng tiếc này. Sau đó lãnh đạo các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Liên Hợp Quốc và nhiều lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia cũng gửi thư chia buồn. Để tưởng nhớ ông, Cuba tuyên bố để tang từ 6 giờ ngày 20 tháng 7 (GMT−4, tức 17 giờ Hà Nội, GMT+7) tới 24 giờ ngày 21 tháng 7 (GMT−4), và nghi thức quốc tang sẽ diễn ra trong cả ngày 22 tháng 7 năm 2024.
Từ 25 tới ngày 26 tháng 7 năm 2024, lễ quốc tang của ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, sau đó ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Lễ tang được đông đảo người dân cùng chia buồn từ khắp đất nước. Ngay từ 7 giờ sáng ngày 25 tháng 7, rất đông người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Từ những học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi, những người ở tỉnh xa về Thủ đô, tất cả đều một lòng hướng về Tổng Bí thư với một niềm xúc động và tiếc thương vô hạn. Các tuyến phố Nguyễn Cao, Lò Đúc, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ… quanh Nhà tang lễ, dòng người kiên nhẫn xếp hàng đợi vào viếng vì “ngày mai ông đi rồi.” Lẫn trong dòng người có tiếng sụt sùi, nức nở. Tại nhiều địa phương, ngay sau khi có Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền và người dân đã gấp rút chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện phục vụ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đúng nghi thức Lễ Quốc tang, đảm bảo trang trọng nhất, chu đáo nhất và đúng quy định; thể hiện sự thành kính, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quê hương Đông Anh đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay.

KẾT

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Trong suốt 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.

#Backturn