Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tháng bảy 29, 2024

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự chung tay, ủng hộ của toàn xã hội theo phương châm “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công xây nhà mới cho một hộ gia đình tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình sau lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, ngày 13/4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, hộ nghèo thuộc khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lụt. Các chính sách đã giúp cho khoảng 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn trên 315.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện ngôi nhà đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hồi cuối tháng 11/2023, tại Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đưa ra mục tiêu “… xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc”.

Trên cơ sở này, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cả nước hoàn thành 100% chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, cần sự chung tay của toàn xã hội. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình.

Với định hướng đó thì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai có hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp. Đặc biệt, đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn lực để thực hiện mục tiêu cần đa dạng hóa theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp. Có thể hiểu, Trung ương sẽ dành nguồn vốn ngân sách theo các Chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các Bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.

Cũng mới đây, ngày 19/6/2024, tại Quyết định số 539/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.

Thủ tướng kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hội theo phương châm: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Hỗ trợ xây nhà ở kiên cố giúp hộ nghèo giảm thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)

Mục đích của Kế hoạch nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, còn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó có 02 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai bão, lũ trong tháng 8 năm 2024.

Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn xã hội hóa của Quỹ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn lực từ xã hội.

Ngoài các giải pháp về chính sách, thì nhiệm vụ tuyên truyền được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ này sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

Các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân; nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Báo Xây dựng cũng sẽ là một trong các cơ quan, đơn vị báo chí chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền cho chính sách quan trọng này.

Một số Bộ, ngành với chức năng quản lý Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế huy động và quản lý nguồn vốn của Quỹ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, cân đối, bố trí vốn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. (Ảnh: D.L)

Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhân ái, nghĩa tình, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Thông qua Chương trình này phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tính đến cuối năm 2023, các địa phương trên cả nước đã hỗ trợ cho 28.040 hộ (gồm 17.516 hộ nghèo xây mới nhà ở, 7.412 hộ cận nghèo xây mới nhà ở, 1.702 hộ nghèo sửa chữa nhà ở, 1.410 hộ cận nghèo sửa chữa nhà ở), đạt 86,73% kế hoạch năm 2023 (khoảng 32.330 hộ). Đã giải ngân vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 773,890 tỷ đồng/1.020 tỷ đồng, đạt 75,87% kế hoạch năm 2023. Đã giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 71,237 tỷ đồng.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com