Giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa sau sáp nhập

Tháng tám 1, 2024

Giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa sau sáp nhập

Vì sao giữ nguyên tên “TP.Thanh Hóa”?

Ngày 1.8, thông tin từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết, HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa; thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của TP.Thanh Hóa và một số đơn vị cấp huyện khác.

Giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa sau sáp nhập- Ảnh 1.

TP.Thanh Hóa sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 228,22 km2, quy mô dân số 615.106 người

MINH HẢI

Theo đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa tán thành chủ trương sáp nhập H.Đông Sơn với diện tích tự nhiên 82,87 km2, dân số 101.272 người vào TP.Thanh Hóa. Sau khi sáp nhập, TP.Thanh Hóa sẽ có diện tích tự nhiên là 228,22 km2, quy mô dân số 615.106 người, giáp với các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, và TP.Sầm Sơn.

Đáng chú ý, HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng tán thành chủ trương sau sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa thì giữ nguyên tên là TP.Thanh Hóa.

Căn cứ để UBND tỉnh Thanh Hóa trình HĐND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về việc giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa là danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa; năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.

Cũng theo lý giải thì tên gọi lỵ sở – trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và TP.Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và đến ngày nay, trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội với những thành tựu to lớn thì tên TP.Thanh Hóa đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, TP.Thanh Hóa trước khi sáp nhập có quy mô dân số hơn 500.000 người, có hàng ngàn doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nên giữ tên gọi TP.Thanh Hóa sẽ làm giảm tác động, giảm ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác…

Cùng với thời gian tiến hành sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa, sẽ tiến hành thành lập 4 phường, gồm: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang, và Hoằng Đại; tiến hành sáp nhập P.Tân Sơn với P.Phú Sơn lấy tên là P.Phú Sơn (TP.Thanh Hóa).

Giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa sau sáp nhập- Ảnh 2.

Một góc H.Đông Sơn hiện tại

MINH HẢI

Như vậy, sau khi sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 2 thị xã, và 22 huyện.

Giải thể một xã ở TX.Nghi Sơn

HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tán thành chủ trương giải thể xã Hải Yến (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa). Diện tích xã Hải Yến sẽ được chia cắt, sáp nhập vào các phường Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Thượng và Nguyên Bình.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2019 (thời điểm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã), ở tỉnh Thanh Hóa tiến hành giải thể một đơn vị cấp xã.

Ngoài ra, một số đơn vị hành chính sẽ tiến hành sáp nhập trong giai đoạn 2024 – 2025, gồm: sáp nhập xã Quảng Đại với xã Quảng Hùng để thành lập xã Đại Hùng (TP.Sầm Sơn); sáp nhập xã Nga Trung với xã Nga Bạch để thành lập xã Nga Hiệp (H.Nga Sơn); sáp nhập xã Hà Thái với xã Hà Lai để thành lập xã Thái Lai (H.Hà Trung).

Sáp nhập xã Phong Lộc với xã Tuy Lộc lấy tên là xã Tuy Lộc (H.Hậu Lộc); sáp nhập xã Hoằng Phượng với xã Hoằng Giang lấy tên là xã Hoằng Giang (H.Hoằng Hóa); sáp nhập xã Yên Lạc với xã Yên Ninh lấy tên là xã Yên Ninh (H.Yên Định); sáp nhập xã Xuân Thịnh với xã Xuân Lộc lấy tên là xã Xuân Lộc, sáp nhập xã Thọ Vực với xã Thọ Phú lấy tên là xã Thọ Phú (H.Triệu Sơn); sáp nhập xã Thạch Đồng với xã Thạch Long lấy tên là xã Thạch Long (H.Thạch Thành).

Sau khi ban hành các nghị quyết trên, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ, đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Bạn đang đọc Giữ nguyên tên TP.Thanh Hóa sau sáp nhập tại website hungday.com