Nghệ nhân miền Tây chế tác hơn 110 nhạc cụ từ gỗ dừa
Nghệ nhân miền Tây chế tác hơn 110 nhạc cụ từ gỗ dừa
Từ niềm mong muốn trả ơn cây dừa
Nghệ nhân Ba Bá kể, gia đình có truyền thống nghệ thuật. Năm 12 tuổi, ông đã theo cha, chú học đờn ca tài tử, tiếp xúc nhiều nhạc cụ và học đóng đàn. Đến năm 15 tuổi, ông bắt đầu tự làm các loại đàn đơn giản. Khi trưởng thành, ông tham gia kháng chiến 20 năm. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục theo nghiệp đờn ca và làm nhạc cụ kiếm sống. Từ năm 2011 đến nay, ông đã chế tác hơn 110 nhạc cụ gồm các loại: kìm, gáo, tranh, bầu, guitar… từ gỗ dừa.
“Thấy người ta làm đồ mỹ nghệ từ dừa, tôi nghĩ tại sao mình không làm nhạc cụ. Từ đó, tôi muốn tạo ra một thứ âm sắc mộc mạc từ xứ dừa, gọi là trả ơn và nhớ ơn cây dừa, bởi cây dừa giúp người dân xứ này kiếm ra đồng tiền nuôi sống gia đình, lo cho con cái ăn học”, nghệ nhân Ba Bá chia sẻ.
Theo ông Bá, việc chế tác nhạc cụ từ gỗ dừa khó hơn nhiều so với các loại gỗ khác, bởi loại gỗ này rất nhiều xơ và bột, dễ vỡ. Trong quá trình làm phải rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Gỗ dừa được chọn từ 60 – 80 năm tuổi trở lên và chỉ dùng phần thân dưới vì đủ độ bền chắc, vân gỗ đẹp.
Tuy nhiên, gỗ dừa lại có nhược điểm khi dùng làm nhạc cụ là âm thanh không đạt được độ rung, tiếng kêu nhỏ, không vang vọng như những loại gỗ khác. Để khắc phục điều này, ông Bá suốt ngày lắng nghe thanh âm từ đàn rồi lựa chọn chất liệu gỗ từ những thân dừa, cưa xẻ, đục đẽo, bào, gọt, chạm, khắc, chỉnh âm để tiếng đàn nghe hay hơn.
Đến bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa đầu tiên tại Việt Nam
Bên cạnh đó, ông còn sáng chế thêm bộ phận lò xo và micro để có thể khuếch âm thanh lớn hơn, ngân dài hơn cho các loại đàn gáo, kìm, sến, bầu… Ngoài các loại đàn kích thước thông thường, ông Bá còn làm 2 cây đàn kích thước “khủng”. Đó là cây đàn kìm cao 2,5m, phần bầu dài 1,1m, đường kính 60cm và cây đàn bầu với mặt đàn hình bản đồ Việt Nam, chiều dài hơn 2m.
Tại lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012, bộ nhạc cụ dân tộc của nghệ nhân Võ Văn Bá, gồm 10 chủng loại, có 27 nhạc cụ đạt tiêu chuẩn về hình thức thẩm mỹ và âm thanh được xác lập kỷ lục là “Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam”.
Nghệ nhân Ba Bá cho biết đến nay, đã có du khách ở 11 nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào… đến tìm hiểu và giao lưu về bộ nhạc cụ dừa của ông, đồng thời nhiều người cũng tìm mua để sưu tầm.
Hiện, ông đã chuyển hầu hết các loại nhạc cụ làm từ dừa cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre trưng bày để người dân, khách du lịch tham quan tìm hiểu. Dù tuổi cao, ông vẫn luôn mong muốn truyền nghề cho thế hệ mai sau, sẵn sàng hướng dẫn miễn phí cho những ai muốn theo học đàn, chế tác các nhạc cụ để giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Duy Thuấn (50 tuổi, ngụ TP.Bến Tre) cho biết: “Là người Bến Tre, tôi thấy hãnh diện về giá trị sản phẩm của nghệ nhân Ba Bá. Những cống hiến thầm lặng của ông đã được xác lập kỷ lục là bộ nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa đầu tiên tại Việt Nam”.
Bạn đang đọc Nghệ nhân miền Tây chế tác hơn 110 nhạc cụ từ gỗ dừa tại website hungday.com