CHUYỆN ĂN MẶC CỦA PHỤ NỮ: SLUT-SHAMING VÀ THUẦN PHONG MỸ TỤC

Vụ việc cô gái ăn mặc hở lưng gợi cảm bị quay lén, đưa lên mạng bình phẩm đang được cộng đồng mạng dành sự quan tâm. Nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra, chủ yếu chia làm hai luồng tư duy, trong đó một bộ phận cho rằng cô gái có quyền mặc bất cứ thứ gì cô thích, một số người khác lại cho rằng lộ quá nhiều da thịt ở nơi công cộng là phản cảm. Đây là một trong những ví dụ điển hình của “slut-shaming” (có thể tạm dịch là sỉ nhục dâm đãng)
Slut-shaming là một dạng của kì thị xã hội (social stigma), nó tồn tại dựa trên việc phân loại các hành vi tình dục thành 2 nhóm: hành vi bình thường chấp nhận được và hành vi lệch lạc không chấp nhận được. Những ai có những hành vi tình dục thuộc vào nhóm lệch lạc không chấp nhận được thì sẽ bị kì thị, bị xem là có nhân phẩm thấp, không xứng đáng được tôn trọng.
Slut-shaming được định nghĩa “… hành vi cố tình làm mất uy tín của một người thông qua việc gắn kết người này với hành vi và biểu hiện lệch lạc về đạo đức liên quan đến chuẩn mực giới tính và chuẩn mực tình dục; từ đó kết nối họ với sự không lành mạnh, thói quen trăng hoa hay sự lăng nhăng…” (The SAGE Encyclopedia of Psychology and Gender – Kevin L. Nadal)
Trong cuốn sách cũng đề cập đến nạn nhân của “slut-shaming” thường là phụ nữ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, danh tiếng, cô lập xã hội cũng như cảm xúc tiêu cực khác… dành cho người phụ nữ. Có thể hiểu “slut-shaming” là thân thể của người phụ nữ cũng như đời sống riêng tư của học bị rà soát thông qua con mắt công cộng, thông qua những hình ảnh bị rà soát đó người ta sẽ mang nhân phẩm, nghề nghiệp, thói quen và thậm chí là hành vi tình dục của một người phụ nữ để bàn tán. Trong cuộc sống hàng ngày, dù bạn có theo tư tưởng chính trị, có bảo thủ hay cấp tiến, thì vẫn có thể phạm phải slut-shaming qua những hành động sau:
Đổ lỗi cho nạn nhân (victim – blaming) nếu họ báo cáo bị quấy rối tình dục
“Con gái ra đường vào ban đêm bị tấn công là phải”, “ăn mặc hở hang là khiêu khích người ta nên bị vậy là đúng rồi”…Đây là một trong những hệ quả rất tệ của “slut – shaming”. Theo một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra những người có xu hướng miệt thị hư hỏng phụ nữ thì khả năng “đổ lỗi cho nạn nhân” cao hơn trong những vụ tấn công tình dục.
Chế giễu các thói quen tình dục của người khác, vì chúng “kỳ lạ”.
Chúng ta thường phản ứng khi nghe về thứ bất thường với mình và đặc biệt những câu chuyện riêng tư như tình dục. Nhưng trước chỉ trích, hãy tự hỏi bản thân một cách trung thực: Làm sao bạn biết điều đó thực sự không bình thường? Điều gì là bình thường?
Đánh giá một cô gái chỉ ăn mặc đẹp để quyến rũ đàn ông
Ngày nay, trang phục không đơn thuần là che thân, mà đó còn là phương tiện thể hiện gu thẩm mỹ, phong cách cá nhân của mỗi người. Nếu ai đó cho rằng lý do duy nhất để một cô gái ăn mặc đẹp là vì sự thích thú của các chàng trai, thì khác nào người đó đang nói chức năng chính của cơ thể phụ nữ là làm hài lòng đàn ông? Đó là một trong những lối tư duy chính trong “slut – shaming”.
Hiện tại đây được coi là một hành vi được bình thường hóa tại Việt Nam mặc dù slut-shaming xảy ra với phần lớn nạn nhân là phụ nữ, thế nhưng người đi làm nhục những phụ nữ này bao gồm cả nữ giới và nam giới. Một số nhà tâm lý học nói rằng khi nữ giới tham gia vào xỉ nhục một phụ nữ khác dưới dạng slut-shaming, họ đang biểu hiện sự áp bức đã được nội hóa (internalized oppression). Áp bức đã được nội hóa là hiện tượng khi bị áp bức, những người nằm trong nhóm người bị áp bức sử dụng chính lý lẽ của kẻ áp bức để chỉ trích và áp bức lẫn nhau. Trong trường hợp này, phụ nữ đã tự chấp nhận những tiêu chuẩn bị xã hội đặt lên cho mình, và dùng tiêu chuẩn đó để áp bức lẫn nhau.
“Kiểm soát giới tính” bằng “trang phục” của phụ nữ
Các mô hình xã hội loài người từ xưa đến nay từ cổ cho đến giai đoạn cận đại đều cho rằng phụ nữ không thể là một thực thể chính trị độc lập mà họ cần phải được quản chế bởi một người khác là đàn ông có thể là cha, chồng, anh trai hoặc em trai… Tư tưởng này ở phương Đông và phương Tây có nhiều điểm chung có thể thấy từ tư duy pháp lý ở thời kỳ Cộng hòa La Mã và tư duy Khổng giáo. Trong cuốn Sexual Morality in Ancient Rome của Rebecca Langlands, NXB Cambridge, đề cập đến từ “Sexual Virtue”, đề cao đức hạnh của người phụ nữ ảnh hưởng đến an ninh cũng như sự phát triển bình thường của nền văn cộng hòa La Mã và sau đó sự xuống cấp và không chín chắn của người phụ nữ cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của nền cộng hòa La Mã. Không chỉ riêng nền cộng hòa La Mã mà các nền văn minh cổ đại khác cũng đặc nặng “Đức hạnh tình dục” của người phụ nữ mà không phải đàn ông, sự tồn vong của quốc gia cũng được cho là xuất phát từ sự không đức hạnh của người phụ nữ ví dụ trong các câu chuyện cổ Hi Lạp hay Trung Quốc. Ở Việt Nam, chúng ta đã quen với “Tam tòng” là ba điều người phụ nữ phải tuân theo, đó là: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con). Cũng từ ý này mà người ta khẳng định: ở nhà thì phải nghe lời cha, đi lấy chồng phải nghe lời chồng, chồng chết phải nghe lời con. Như vậy, ở bất cứ nơi đâu người phụ nữ đều bị lệ thuộc. Những tư duy chính trị và tôn giáo này tạo ra một không gian mà người ta có thể kiếm soát hành vi của người phụ nói chung ở không gian công cộng cũng như là trang phục của người phụ nữ nói riêng. Ở cộng hòa La Mã thì một người phụ nữ có đức hạnh chỉ khi nào người này chấp nhận mặc bộ trang phục có tên gọi là “Stola” loại trang phục dài, cầu kì và khó vận động. Và kỳ vọng xã hội này khiến cho những người phụ nữ mà mặc những loại trang phục khác tham gia vào các hoạt động xã hội thì họ sẽ bị miệt thị hư hỏng. Với một người phụ nữ mặc trang phục “Toga” thường giành chon nam giới thì họ sẽ bị gán với cái danh là “đĩ điếm”, những trang phục để tham gia vào các hoạt động thể thao cũng có thể bị miệt thị hư hỏng. Một số nhà tư tưởng cũng có chung quan điểm này “Bạn có thể kỳ vọng đức hạnh hay sự khiêm tốn nào ở một người phụ nữ đội lên mình mũ giáp và từ bỏ chính giới tính của cô ấy?” – Juvenal, chúng ta có thể mường tượng ra đức hạnh tình dục của người phụ nữ bị gắn liền với trang phục của họ. Những tư duy này vài nghìn năm sau, chúng ta vẫn tiếp tục thấy trong xã hội hiện đại ngày nay. Một khoảng thời gian khá dài đến đầu thế kỷ 20, vấn đề trang phục tính nữ – đức hạnh tình dục và cách mà đàn ông kiểm soát phụ nữ chưa bao giờ chấm dứt.
Tuy nhiên, trong thế kỷ hai mươi, sau tác động của sự kiện Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự nổi lên của các nhà thiết kế thời trang và phong trào nữ quyền, trang phục của người phụ nữ đã có thay đổi rất lớn. Phụ nữ cơ hội từ những người phụ nữ gia đình có thể đi ra ngoài xã hội, thay thế đàn ông trong nhiều công việc khác nhau. Quần áo không còn theo phong cách tuyệt đẹp nhưng bất tiện, mà là một bộ quần áo tiện dụng, thiết thực.
Văn hóa trang phục Việt Nam
Từ xưa đến nay, trang phục ít khi được sử dụng để miệt thị phụ nữ Việt Nam có thể một số quy chuẩn về thẩm mỹ như gót sen ba tấc nhưng xét theo tư duy về kinh tế chính trị và lịch sử phát triển của Việt Nam thì không cho phép các cộng đồng yêu cầu như phương Tây.
Qua đồ đồng văn hóa Đông Sơn trong lớp văn hóa bản địa, có thể thấy trang phục truyền thống của cư dân Việt cổ là nam ở trần, đóng khố; nữ mặc váy, yếm. Cách ăn mặc này phản ánh đặc điểm của cư dân nông nghiệp và cách ứng xử phù hợp với điều kiện tự nhiên. Cách đóng khố, mặc yếm đúng cách trong truyền thống từng trở thành một trong những quan niệm về cái đẹp “Đàn ông đóng khố đuôi lươn, Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh” Có thể thấy áo yếm của Việt Nam rất thoải mái dễ vận động và gần như là hở toàn bộ lưng tại thời điểm này, phụ nữ không có vấn đề hay bị đánh giá gì từ đàn ông hay người khác nhìn thấy lưng trần của mình. Cách ăn mặc này phản ánh đặc điểm của cư dân nông nghiệp và cách ứng xử phù hợp với điều kiện tự nhiên. Có thể thấy quần áo của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, ít bị phán xét bởi tính đoan trang, kín đáo. 
Tư duy xã hội có quyền đánh giá người phụ nữ dựa trên cách ăn mặc của họ là tư duy mà chúng ta du nhập từ thời điểm mà chúng ta bị đô hộ và hiện nay là toàn cầu hóa. Trang phục Việt Nam hiện đại bắt đầu từ những thập nhiên đầu thế kỷ 20. Áo dài phụ nữ Việt Nam hiện đại là một trong những biểu hiện tiêu biểu của việc tiếp biến văn hóa đến từ bên ngoài trên cơ sở nền tản văn hóa dân tộc.
Ranh giới giữa đoan trang nơi công cộng và tự do ăn mặc ở nữ giới
“Public decency” tạm dịch là đoan trang công cộng là một căn cứ pháp lí ở nhiều nơi trên thế giới, có thể nhìn nhận rằng “đoan trang công cộng” hay “public decency” đều là những căn cứ từ qui ước cộng đồng và được dùng để duy trì cộng động. Chỉ là, nên ưu tiên những căn cứ cụ thể và khoa học hơn (ví dụ sức khỏe của từng cá nhân và sự phát triển chung cho toàn xã hội khi tháo bỏ những định kiến trang phục áp đặt lên phái nữ). Tiêu chuẩn về ăn mặc được đặt ra được cho là duy trì lễ nghĩa, lễ nghi chung cho cộng đồng.
Và ở phía ngược lại chúng ta có những nhóm ủng hộ quyền phụ nữ, quyền tự do cá nhân,tự do ăn mặc, người phụ nữ có thể mặc tất cả những gì mà họ muốn. Sự đề cao quá mức tính tự chủ của việc lựa chọn mà bỏ qua hoặc giản lược đi những tầng lớp quyền lực ngầm ẩn trong văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến sự lựa chọn ấy. Một người phụ nữ có thể nói rằng cô “chọn” trang phục vì chính bản thân mình, nhưng trên thực tế lựa chọn ấy vẫn không thoát khỏi sự ảnh hưởng của khuôn mẫu về tính nữ được đặt ra bởi nhãn quan nam giới (male gaze) và tiêu chuẩn vẻ đẹp dĩ Âu vi trung (Eurocentric beauty standards)
Tự do và sự phù hợp luôn mâu thuẫn nhau, bởi một bên là sự thoải mái của bản thân và một bên là sự thoải mái của cộng đồng. Nhưng mỗi con người đều là một phần trong không gian văn hóa xã hội mà họ sinh sống. Mọi hành xử nói chung và ăn mặc nói riêng đều phải thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với những người xung quanh mình, với cộng đồng mà mình đang sống.
Trong thành ngữ có câu “Y phục xứng kỳ đức”, có nghĩa là ăn mặc ra sao cũng phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình và hoàn cảnh chung của cộng đồng hay toàn xã hội. Dù mặc đẹp đến đâu, sang đến đâu mà không phù hợp với hoàn cảnh thì cũng làm trò cười cho thiên hạ, làm mình tự xấu đi mà thôi. Xưa nay, cái đẹp bao giờ cũng đi đôi với cái giản dị, nhất là phù hợp với môi trường. Người có văn hoá, biết ứng xử chính là người biết tự mình hoà vào cộng đồng như thế, không kể hình thức còn phải đi với nội dung, tức là con người phải có trình độ, có hiểu biết. Một nhà văn đã nói: ” Nếu một cô gái khen tôi chỉ vì có một bộ quần áo đẹp, mà không khen tôi vì có bộ óc thông minh thì tôi chẳng có gì đáng hãnh diện”. Tôn trọng là sự tương tác qua lại và người ta chỉ nhận được khi trao nó đi. Sự tôn trọng ấy bao gồm cả việc ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh. Như không nên mặc một chiếc áo hở lưng bước vào trường học, mặc cái quần short cũn cỡn hay một chiếc váy xuyên thấu với những khoảng hở táo bạo đến những sự kiện trang trọng và càng không nên mặc quần tất thay cho quần để ra đường. Không riêng phụ nữ mà đàn ông cũng thế.
Tất nhiên, mỗi người đều có quyền cá nhân của mình, miễn là không vi phạm quy định và luật lệ. Vì thế, nếu người phụ nữ nào tự do mặc bất kỳ cái gì họ thích vì đó là quyền của họ thì đồng thời họ cũng phải chấp nhận người khác bình phẩm về bất kỳ cái gì mà người ta không thích, vì đó cũng là quyền của người ta.