Ưu tiên đầu tư cảng cạn tại Bình Dương

Tháng tám 7, 2024

Ưu tiên đầu tư cảng cạn tại Bình Dương

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống giao thông vận tải bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và của tỉnh. Đáng chú ý có sự ưu tiên đầu tư trước các cảng cạn.

Ưu tiên đầu tư cảng cạn tại Bình Dương
Ưu tiên đầu tư trước các cảng cạn để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bảo đảm quốc phòng – an ninh. (Ảnh minh họa)

Việc ưu tiên đầu tư trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đối với cảng cạn và ICD (cảng nội địa), sẽ phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam bộ. Trong đó, có các cảng cạn An Sơn với năng lực thông qua dự kiến đạt 332.000 – 350.000 Teu/năm; cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần) tại thành phố Thuận An có năng lực thông qua dự kiến 300.000 – 500.000 Teu/năm; cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An (tại Dĩ An) có năng lực thông qua dự kiến đạt 230.000 – 250.000 Teu/năm.

Quy hoạch cảng cạn Thạnh Phước và Tân Uyên tại thành phố Tân Uyên có năng lực thông qua dự kiến lần lượt là 100.000 – 170.000 Teu/năm và 150.000 – 200.000 Teu/năm; cụm cảng cạn Bến Cát tại thành phố Bến Cát (gồm cảng cạn An Điền, cảng cạn An Tây, cảng cạn Rạch Bắp); và cảng cạn Thạnh An tại thành phố Dầu Tiếng với quy mô dự kiến 5-10ha và năng lực thông qua đạt từ 50.000 – 100.000 Teu/năm.

Các cảng cạn này đều thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, các cảng cạn tại Bình Dương nằm trên hai hành lang kinh tế gồm khu vực kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang này đến năm 2030 khoảng từ 3,2 triệu Teu/năm đến 4,24 triệu Teu/năm) và hành lang vận tải Đắk Nông – Bình Phước – Thành phố Hồ Chí Minh (năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang đến năm 2030 khoảng từ 1,86 triệu Teu/năm đến 2,65 triệu Teu/năm).

Các cảng cạn tại địa phương đều có kết nối đa phương thức, kết nối với các cảng biển Đồng Nai, Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, cảng cạn An Sơn kết nối với các tuyến đường bộ gồm Quốc lộ 13, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và với kết nối với cảng thủy nội địa An Sơn tại bờ phải sông Sài Gòn. Cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần) kết nối với các tuyến đường bộ gồm đường tỉnh ĐT743, Quốc lộ 13. Cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, ĐT743, đại lộ Bình Dương và vành đai 3.

Cảng cạn Thái Hòa lại kết nối với các tuyến đường bộ gồm ĐT747, Quốc lộ 1A, vành đai 2, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như kết nối với tuyến đường thủy Sài Gòn – Hiếu Liêm (sông Đồng Nai). Cảng cạn Thạnh Phước lại có kết nối với sông Đồng Nai và đường tỉnh 747A, Quốc lộ 13. Hai cảng cạn An Sơn và Thái Hòa cũng nằm trong danh mục cảng cạn ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.

Đáng chú ý, tại Quy hoạch tỉnh Bình Dương, địa phương cũng định hướng nghiên cứu xây dựng các cảng cạn mới gồm cảng cạn Bàu Bàng và Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng, cảng cạn Vĩnh Tân tại thành phố Tân Uyên, cảng cạn Bắc Tân Uyên tại huyện Bắc Tân Uyên, cảng cạn ga đầu mối An Bình tại thành phố Dĩ An, ICD Riverside tại thành phố Bến Cát và cảng cạn tại các đầu mối giao thông, khu cụm công nghiệp dự kiến.

Trong đó, cảng cạn Lai Hưng được định hướng sẽ có quy mô lớn nhất với diện tích ước tính khoảng 100ha. Quy hoạch lưu ý quy mô, năng lực thông qua và vị trí cụ thể các cảng cạn, ICD trong danh mục trên được xác định chuẩn xác trong quá trình lập các thủ tục đầu tư.

Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các nội dung chi tiết về quy mô, năng lực thông qua, vị trí xây dựng của từng dự án có thể có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, nhưng phải bảo đảm mục tiêu dự án phù hợp với quy hoạch và được sự thống nhất của các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng của Bình Dương tăng 5,63% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 của Bình Dương đạt gần 18,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 10,6%; thặng dư thương mại đạt 5,4 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 195 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 130.730 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt gần 17.300 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong 7 tháng năm 2024 lấy lại đà tăng trưởng và tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử ngành gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD tăng 21,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,7% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

Trong đó, thị trường chủ yếu là Mỹ chiếm 71,11% tổng số, tăng 26,6% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu chiếm 13,3%, tăng 10%; Canada chiếm 2,4%, tăng 9,2%; Hàn Quốc chiếm 1,8%, tăng 8,2%..

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com