Cuộc đua tỉ USD của các thủ phủ du lịch
Cuộc đua tỉ USD của các thủ phủ du lịch
Khách ngoại “gom trứng đầy tổ” cho du lịch
“Tôi vừa đưa gia đình đi Phú Quốc tuần trước. Ở giữa Hòn Thơm mà tưởng như bên Seoul, toàn người Hàn. Ai cứ bảo Phú Quốc vắng chứ chỗ nào cũng đông nghẹt khách, chủ yếu là người Hàn Quốc và Đài Loan”, anh Thanh Tùng (ngụ TP.HCM) kể sau chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại đảo ngọc. Hơn 4 năm mới trở lại Phú Quốc, anh Tùng vô cùng kinh ngạc về sự thay đổi, sự xuất hiện của những sản phẩm mới vô cùng ấn tượng như cầu Hôn, màn bắn pháo hoa hằng đêm tại chợ đêm Vui Phết, cùng hàng loạt khu nghỉ dưỡng sang trọng, được quản lý bởi những thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới… “Bảo sao khách quốc tế mê Phú Quốc. Khách Việt giờ ít hơn, phần nhiều chắc do ít chuyến bay và giá vé cao nhưng khách ngoại thì quá đông”, anh Tùng nói tiếp.
Chỉ cách đây vài tháng, Phú Quốc vẫn còn chật vật, tụt hạng trên đường đua các điểm đến hút khách hàng đầu, bị khách nội “quay lưng” vì giá vé máy bay quá đắt đỏ và môi trường du lịch bị cho là bát nháo, lộn xộn. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chính quyền quyết tâm ra quân chấn chỉnh, phối hợp cùng các hãng hàng không hạ nhiệt giá vé và xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm, Phú Quốc đã bứt tốc ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm, lượng chuyến bay quốc tế đến đảo ngọc tăng 186%, trong đó khách quốc tế đến tăng 134,8% so với cùng kỳ 2023. Số liệu mới nhất ghi nhận trong tháng 7, TP.Phú Quốc ước đón hơn 636.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đón 63.116 lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ. Các hãng hàng không Hàn Quốc liên tục mở đường bay tới đảo ngọc của VN.
Theo công bố kết quả khảo sát qua mạng của Rankify Korea, Phú Quốc là điểm đến được yêu thích nhất của du khách Hàn Quốc – thị trường gửi khách lớn nhất đến VN, vượt qua Đà Nẵng, Nha Trang và nhiều điểm đến quen thuộc trước đó của dòng khách này như Bangkok, Phuket của Thái Lan và Kyoto (Nhật Bản)… Không chỉ bứt tốc trong cuộc đua hút khách Hàn, Phú Quốc cũng ngày càng hấp dẫn du khách Đài Loan. Tỷ lệ đặt chỗ của các hãng hàng không từ Đài Loan đến Phú Quốc ghi nhận vượt quá 90% trong tháng 7 và tháng 8.
Mặc dù khởi đầu khá gian nan và trải qua nhiều mùa cao điểm ảm đạm nhưng đột phá về khách quốc tế đã giúp ngành du lịch Phú Quốc “bỏ túi” 12.844 tỉ đồng sau 7 tháng, đạt 75,6% kế hoạch năm.
Tương tự Phú Quốc, Đà Nẵng cũng bùng nổ khách quốc tế khi mục tiêu đón 2,5 triệu khách quốc tế trong năm 2024, tăng 34,7%, được “giải quyết” gọn sau khi khép lại tháng 7 với mùa lễ hội pháo hoa quốc tế thành công rực rỡ. Nhờ vậy, TP.Đà Nẵng tự tin phục hồi hoàn toàn mảng du lịch quốc tế như trước dịch Covid-19 ngay trong năm 2024. Đáng chú ý, khách ngoại tăng kéo theo doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn cũng tăng mạnh. Riêng tháng 7 ước đạt 2.772 tỉ đồng, tăng 10% so với tháng trước và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng ước đạt 15.700 tỉ đồng, chiếm 19,7% tổng mức và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ đô Hà Nội cũng đang dần “đánh bay” khái niệm mùa thấp điểm với tổng lượng khách quốc tế trong tháng 7 đạt 425.000 lượt, tăng 20,8% so với tháng 7.2023. Tính chung 7 tháng, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,43 triệu lượt, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, có tới 2,42 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú, kéo dài thời gian ở, tăng chi tiêu, đóng góp lớn đưa tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.602 tỉ đồng, tăng 18,9%.
Bùng nổ doanh thu
Không chỉ lượng khách quốc tế tăng trưởng, tỷ lệ khách lưu trú và mức chi tiêu của du khách cũng đang cải thiện rất rõ, đem về “tiền tươi thóc thật” cho rất nhiều địa phương. Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu về du lịch trong 6 tháng đầu năm đạt trên 10.000 tỉ đồng thì năm nay, đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Nhiều điểm đến đã tiệm cận ngưỡng doanh thu tỉ USD như: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa…
Đứng số 1 vẫn là TP.HCM với tổng thu du lịch 6 tháng năm 2024 ước đạt hơn 92.600 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024. Song, tốc độ bứt phá ấn tượng nhất phải kể đến Khánh Hòa. Thiên đường du lịch biển miền Trung đón lượng khách quốc tế gần bằng TP.HCM trong 6 tháng đầu năm (gần 2,4 triệu lượt, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái) và lượng khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng tới 40% so với cùng kỳ. Lượng khách đông mang về cho tỉnh doanh thu du lịch hơn 26.000 tỉ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ 2023.
Đứng ngay sau Khánh Hòa là Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long nổi tiếng, với doanh thu đạt hơn 22.300 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tỉnh Bình Định cũng là một trong những cái tên nổi bật về tốc độ bứt phá nửa đầu năm nay với doanh thu ước đạt 15.000 tỉ đồng, tăng 96,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, còn một số tỉnh thành khách có mức tăng trưởng doanh thu lạc quan như: Quảng Bình (hơn 5.300 tỉ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (hơn 5.000 tỉ đồng), Thừa Thiên-Huế (hơn 4.000 tỉ đồng) hay Quảng Nam (hơn 3.800 tỉ đồng).
Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia nhìn nhận sự tăng trưởng cả về lượng và chất của ngành du lịch các địa phương là tín hiệu phục hồi tích cực, tạo cơ hội cho du lịch VN tự tin đạt được dấu mốc như trước đại dịch trong năm nay và mục tiêu đón 25 – 28 triệu lượt khách quốc tế trong 2025.
Về lượng, lãnh đạo ngành đánh giá các địa phương kết hợp với doanh nghiệp du lịch, hàng không, thời gian qua và đã rất chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến điểm đến, đưa hình ảnh du lịch VN vươn xa hơn trên trường quốc tế, chạm tới những thị trường mới khai thác một cách hiệu quả. Hiệu ứng từ chính sách thị thực thông thoáng là bệ đỡ vững chắc cho những chính sách quảng bá này phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, loại hình du lịch được linh hoạt triển khai, đường sắt hỗ trợ đường bay, đường bộ hỗ trợ đường sắt, đường thủy hạ nhiệt cùng đường bộ… giúp nhiều điểm đến có cơ hội đón khách chủ động hơn, thuận tiện hơn. Còn về chất, nhiều địa phương đã rất nỗ lực xây dựng nhiều bộ sản phẩm mới hấp dẫn, đẳng cấp, kích thích du khách trải nghiệm, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn. Không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa cũng không ngại mở hầu bao cho hoạt động vui chơi, giải trí, những trải nghiệm mới hấp dẫn tại các điểm đến.
“Du lịch đang khẳng định vai trò điểm sáng trong bức tranh kinh tế của VN nửa đầu năm nay nói riêng cũng như quá trình phục hồi hậu Covid-19 nói chung. Với những bước tiến thuận lợi, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tạo đà cho VN trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới vào năm 2025. Đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới”, lãnh đạo Cục Du lịch nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Cục Du lịch quốc gia, trong tháng 7 – tháng thứ ba của mùa thấp điểm – VN vẫn đón thêm 1,15 triệu khách quốc tế, nâng tổng lượng khách ngoại trong 7 tháng lên 9,98 triệu lượt, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm 2020 – 2024. Con số này tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Bạn đang đọc Cuộc đua tỉ USD của các thủ phủ du lịch tại website hungday.com