Khoa Học Về Nghệ Thuật Ghi Chú: Làm sao để nâng cao khả năng ghi nhớ và đọc hiểu?
Tháng tám 8, 2024
Một nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã thu thập thông tin điện não đồ lên 30 sinh viên đại học trong khi họ viết tay, bút kỹ thuật số và gõ bàn phím. Kết quả cho thấy khả năng kết nối của các vùng não khác nhau đã tăng lên khi những người tham gia nghiên cứu viết bằng tay. Trong khi không có thay đổi nào khi những người tham gia gõ phím. [1]
Một cuộc nghiên cứu khác của hai nhà khoa học tâm lý Pam Mueller và Daniel Oppenheimer trên giữa hai nhóm học sinh khi nghe một bài giảng. Nhóm đầu tiên ghi chú vào sổ tay truyền thống, nhóm thứ hai sử dụng thiết bị bàn phím để ghi chép. Sau đó, hai nhà khoa học kiểm tra về khả năng nhớ lại sự kiện và khả năng học tập các khái niệm của 2 nhóm học sinh. Họ nhận ra rằng, nhóm ghi chép sổ tay tỏ ra vượt trội hơn nhóm đánh máy về cả hai tiêu chí. [2]
Tại sao viết tay mặt dù chậm hơn gõ phím, nhưng lại giúp học sinh học tập tốt hơn?
Trong , tôi đã nói khả năng ghi nhớ tốt phụ thuộc vào khả năng não bộ mã hoá thông tin theo nhiều chiều kích khác nhau. Và viết tay là cũng là một hoạt động mã hóa thông tin phức tạp. Viết tay yêu cầu người cầm bút vừa suy nghĩ, vừa di chuyển cây bút trên giấy, để tạo ra các ký tự riêng biệt. Trong khi đó, hành động gõ phím thì hoàn toàn tương tự nhau, không có sự phân biệt rõ ràng các ký tự so với viết tay. Mặt khác, viết tay đồng nghĩa với thu thập thông tin chậm chạp. Điều này bắt buộc người viết tay phải lắng nghe để chọn lọc từ ngữ cẩn thận hơn. Những người gõ phím có tốc độ ghi chép nhanh hơn, thu thập thông tin nhanh hơn, nhưng họ lại có xu hướng ghi chép toàn bộ nguyên văn của giảng viên. Như vậy, nhóm gõ phím tỏ ra thụ động hơn về mặt tư duy – một thiệt thòi lớn cho quá trình ghi nhớ thông tin vào não bộ.
Phía trên là những kết luận đối với nền giáo dục phương tây, với đa số các học sinh sử dụng các thiết bị điện tử để ghi chú, những nỗ lực nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy họ đang cố gắng bảo vệ sự hiệu quả trong học tập của việc viết tay.
Còn đối với học sinh Việt Nam, những ghi chép tay hàng ngày lại không cảm thấy bản thân có siêu trí nhớ gì cả. Bởi vì, chúng ta đã quen với thói ghi chú thụ động, chúng ta chờ đợi giảng viên đọc hiểu, phân tích, rồi tóm tắt thông tin thay cho chúng ta. Như vậy, sự chủ động tìm hiểu kiến thức và lối tổ chức ghi chú mới là yếu tố quyết định cho quá trình hiểu và ghi nhớ kiến thức.
I. Giới thiệu 3 phương pháp ghi chú:
James Clear cho rằng “hành vi con người tuân theo Quy luật Nỗ lực ít nhất” [3]. Để giải thích quy luật, James cho rằng con người luôn tìm cách tiết kiệm năng lượng. Vì thế, người thông minh thường tìm cách đặt ra một khuôn khổ môi trường để kích thích hành vi tốt. Ví như nhà xã hội học Niklas Luhmann, ông có xu hướng ghi chép thông tin từ sách vào các tờ giấy nhỏ thay vì sổ tay, vì kích thước của tờ giấy buộc tâm trí của ông phải đọc hiểu cẩn thận và ghi ghép kiến thức một cách hàm xúc có chọn lọc.
Tương tự như vậy, các phương pháp ghi chú bên dưới cũng tuân theo Quy luật Nỗ lực ít nhất. Đó là những khuôn khổ buộc bạn phải ghi chú đúng cách và hiệu quả trong vô thức, thay vì phải để tâm trí của bạn chủ động tìm kiếm, sàng lọc và đắn đo để ghi làm sao cho đúng.
1. Phương pháp Ghi chú Cornell.
Là phương pháp ghi chú do Giáo sư Walter Paul của Đại học Cornell phát minh vào những năm 1950.
Ghi chú Cornell là phương pháp ghi chú phổ biến để ghi chép, sắp xếp và tóm tắt ghi chú để mang lại khả năng thấu hiểu tổng thể tốt hơn. Ngoài ra, quá trình ôn tập của học sinh được cải thiện khi cấu trúc của phương pháp được thiết kế cho kỹ thuật active recall.
Cấu trúc:
Cấu trúc của ghi chú Cornell khá giống cấu trúc của một tờ giấy kiểm tra, điểm khác biệt ở chỗ là ở dưới chân tờ giấy được chừa một khoảng trống để tóm tắt kiến thức.
Đầu tiên, hãy chọn mua một quyển vở có kích thước bằng với giấy A4. Sau đó, chia tờ ghi chú theo hình sau:
– 3 dòng trên đầu tờ giấy để ghi tên bài giảng và ngày tháng.
– 5 đến 7 dòng dưới chân tờ giấy là phần tóm tắt kiến thức.
– Tại phần thân tờ giấy, hãy chia nó thành 2 cột: Cột phụ ở phía tay trái chiếm 30% là nơi ghi tiêu đề, keyword quan trọng và câu hỏi; Cột chính chiếm 70% là nơi ghi chép tất cả các ghi chú trong một bài giảng.
– 5 đến 7 dòng dưới chân tờ giấy là phần tóm tắt kiến thức.
– Tại phần thân tờ giấy, hãy chia nó thành 2 cột: Cột phụ ở phía tay trái chiếm 30% là nơi ghi tiêu đề, keyword quan trọng và câu hỏi; Cột chính chiếm 70% là nơi ghi chép tất cả các ghi chú trong một bài giảng.
Hướng dẫn sử dụng
Đầu tiên là ghi chép, vì cấu trúc của phương pháp cornell chủ động giới hạn trang giấy. Cho nên, bạn phải ghi chép thông tin bằng các câu ngắn gọn. Cuối bài giảng, hãy xem lại một lượt các ý và tóm tắt chúng . Hành động tóm tắt cho thấy cái nhìn toàn diện và trình độ nghe hiểu của bạn về bài giảng.
Thứ hai, đặt câu hỏi. Dựa trên các thông tin đã thu thập được từ tiết học, hãy biến chúng thành các câu hỏi ở cột ghi chú phụ. Việc tự đặt các câu hỏi mang lại khả năng tư duy sâu sắc giúp làm rõ ý nghĩa, và nhìn thấy được sợi dây liên kết giữa các thông tin. Việc tư duy dựa trên sự thắc mắc giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.
Thứ ba, ôn tập bằng phương pháp active recall (chủ động gợi nhớ). Active recall là một kỹ thuật yêu cầu não bộ tích cực truy vấn thông tin dựa trên các câu hỏi. So với việc lặp lại thông tin một cách thụ động, active recall hiệu quả hơn nhiều lần trong việc củng cố trí nhớ dài hạn. Trong thời gian ôn tập: (1) hãy che toàn bộ cột chính chiếm 70% trang giấy; (2) nhìn qua cột bên trái và đọc các câu hỏi, keyword, tiêu đề mang tính gợi nhớ thông tin; (3) đọc thành tiếng những gì bạn nhớ được; (4) kiểm tra lại đáp án nằm trong cột chính; (5) quay lại bước đầu tiên cho đến khi bạn trả lời lưu loát các đáp án.
Ưu nhược điểm của phương pháp Cornell
Nhược điểm của phương pháp Cornell chủ động hạn chế không gian ghi chép. Người có nỗi sợ bỏ lỡ thông tin sẽ không thích phương pháp này. Bù lại, nhược điểm này lại là một ưu điểm cho những ai có sự tập trung cao độ khi nghe giảng, họ thường nỗ lực hơn trong việc lắng nghe, quan sát, tóm tắt để mã hoá các thông tin quan trọng vào não bộ. Tất nhiên, khả năng tập trung cao độ và nỗ lực mã hoá các thông tin đầu vào cũng cho thấy, đây là quá trình ghi nhớ kiến thức sâu sắc.
Đồng thời, bố cục trình bày của phương pháp làm nổi bật các khái niệm nhanh hơn, nên quá trình ôn tập hàng ngày với active recall sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn so với lối học thuộc lòng truyền thống.
Tận dụng phương pháp này khi nào?
Nếu bạn là người có nỗi sợ bỏ lỡ thông tin, bạn nên ghi chép thông tin theo phương pháp Outline truyền thống. Trong thời gian ôn tập hàng ngày, hãy dùng phương pháp Cornell để tóm tắt lại ý chính từ những gì bạn đã ghi chép trên giảng đường.
Bạn cũng nên tận dụng phương pháp này trong khi nghe podcast và đọc sách. Bạn nên coi đây là nơi để tập luyện phương pháp Cornell trước khi bắt đầu áp dụng vào môi trường học tập. Ngoài việc viết tóm tắt đơn thuần, đừng quên đặt câu hỏi thắc mắc, đưa ra suy nghĩ và bình luận của riêng bạn dành cho giảng viên hay tác giả.
2. Phương pháp ghi chú Outline (dàn ý – phác thảo):
Như đã nói trong phần trước, bạn có thể ghi chú thoải mái bằng phương pháp Outline nếu sợ bỏ lỡ thông tin. Outline là một phương pháp quen thuộc với bất kỳ học sinh nào. Ưu điểm của nó là trình bày chi tiết và trực quan, giúp các bạn có thể nắm bắt thông tin kịp thời với khả năng thuyết trình cường độ cao của giảng viên đại học.
Hướng dẫn sử dụng
Bước 1: Thiết lập tiêu đề chính: đây là các thông tin lớn được giảng viên trình bày sẵn, chúng được đánh dấu bằng số La Mã (I, II, III) hoặc chữ in hoa (A, B, C).
Bước 2: Xác định tiêu đề phụ: đây là chi tiết cụ thể hơn nhằm bổ sung cho tiêu đề chính. Hãy liệt kê các điểm phụ bằng cách sử dụng số (1, 2, 3) hoặc chữ thường (a, b, c).
Bước 3: Thêm các chi tiết và sự kiện:
– Hãy điền các ý chính có tác dụng giải thích cho tiêu đề phụ. Nên liệt kê các thông tin này dưới dạng gạch đầu dòng (-).
‘Ví dụ’ cũng được bổ sung nếu như những thông tin dưới dạng gạch đầu dòng trở nên quá trừu tượng.
– Hãy điền các ý chính có tác dụng giải thích cho tiêu đề phụ. Nên liệt kê các thông tin này dưới dạng gạch đầu dòng (-).
‘Ví dụ’ cũng được bổ sung nếu như những thông tin dưới dạng gạch đầu dòng trở nên quá trừu tượng.
Bước 4: Ở cuối outline hoặc sau khi kết thúc một tiêu đề phụ. Bạn có thể tóm tắt lại những gì bạn đã ghi chép, và thêm đoạn văn phân tích cho thấy khả năng thấu hiểu của bạn.
Ưu điểm của phương pháp:
Tổ chức thông tin hợp lý: Vì mắt người ưu tiên các đoạn văn bản nổi bật, đứng đầu danh sách. Nên phương pháp Outline đã xây dựng cấu trúc phân cấp kiến thức rộng đến sâu, từ sơ lược đến chi tiết. Từ quan trọng đến không quan trọng
Hỗ trợ khả năng ghi chép có chọn lọc: Mỗi tiêu đề đều đại diện cho lượng thông tin định nghĩa nên nó. Vì vậy, những câu hỏi tiền nhận thức là cách tốt nhất thu hẹp phạm vi thu thập thông tin.
Dễ ôn tập: vì phương pháp tập trung vào giải thích chi tiết để bạn hiểu thông tin, nên kiến thức càng dễ hiểu thì não bộ càng dễ ghi nhớ.
Về nhược điểm, vì phương pháp tập trung vào giải thích chi tiết và chặt chẽ, nên dung lượng thông tin rất cao. Theo hiệu ứng bình lọc nước Brita – bộ lọc nước cần thời gian để nước thẩm thấu xuống phía dưới, khi bạn đổ quá nhiều nước vào bình lọc trong thời gian ngắn thì nước sẽ tràn ra ngoài. Não bộ cũng vậy, nó cần thời gian tiêu hóa kiến thức, nên việc học nhồi nhét một lượng lớn thông tin chỉ làm bạn mau quên kiến thức đó đi. Thật đáng tiếc là nền giáo dục truyền thống đang bắt buộc học sinh học thuộc lòng bằng phương pháp ghi chép mà mục đích ban đầu của nó là “thấu hiểu kiến thức”.
Khi nào nên sử dụng phương pháp Outline?
Khi tôi tiếp cận một chủ đề hoàn toàn mới, hay chưa có bất kỳ sự chuẩn bị trước nào cho bài giảng trước mắt, tôi sẽ sử dụng phương pháp outline để ghi chép.
Mặt khác, outline cũng có nghĩa là ‘phác thảo’ hay ‘dàn ý’, nên trước khi bắt đầu một bài tập lớn, bài thuyết trình, tôi dùng nó như một danh sách chi tiết nhiệm vụ đại diện cho các mục tiêu nguyên tử. Mỗi lần hoàn thành một mục tiêu nguyên tử thì tôi lại có thêm động lực cho mục tiêu tiếp theo. Cứ như vậy, tôi dễ dàng hoàn thành các bài tập và dự án của mình.
3. Phương pháp ghi chú Mindmap:
Nếu bạn là một người bị mắc hội chứng AHAD, thường cảm thấy bản thân có tính bốc đồng, khó khăn để tập trung và hay làm việc riêng. Thì việc tập trung lắng nghe bài giảng hay ôn tập với những dòng văn bản khó hiểu sẽ vô cùng khó khăn đối với bạn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bruce D. Perry cho rằng, các giáo viên đã sai trong việc cấm trẻ tự điều hòa tâm trí bằng cách làm việc riêng như bấm bút bi, vẽ vời khi nghe giảng hoặc nghe nhạc khi làm bài tập. Thực ra, hành động điều hòa này giúp thông tin đi lên vỏ não – nơi đảm nhận khả năng lĩnh hội kiến thức của con người. [4]
Vậy, phương pháp ghi chép bằng mindmap có vẻ khả dĩ cho những người mắc hội chứng kể trên. Bởi vì, mindmap tập trung vào trình bày thông tin dưới dạng hình ảnh, phục vụ cho thế mạnh tiếp thu thông tin bằng thị giác. Đồng thời, hành động vẽ vời mindmap giúp cho thân não giảm căng thẳng, điều này giúp thông tin dễ tiếp cận vỏ não.
Vậy làm thế nào để ghi chú đúng cách bằng mindmap?
Đầu tiên, hãy chuẩn bị một tờ giấy trắng khổ ngang để tạo không gian đầy đủ cho việc vẽ các phân nhánh.
Kế đến, cũng giống như phương phương pháp Outline, mindmap phân cấp thông tin thành tiêu đề chính, tiêu đề phụ, và các ý. Nên dùng ít nhất 3 màu mực để phân biệt các từ khóa này.
Tiếp theo, các phân nhánh nằm ở trung tâm sẽ dày hơn, càng ở phân cấp thấp hơn thì càng mảnh.
Cuối cùng, hãy tập trung lắng nghe và tóm tắt thông tin thành cụm từ ngắn gọn theo cách hiểu của bạn.
Ưu nhược điểm của phương pháp:
Như đã nói ở trên, ưu điểm của mindmap là: hành động vẽ vời giúp tâm trạng người vẽ giảm căng thẳng, từ đó, thông tin được đưa lên vỏ não. Phục vụ ưu thế tiếp nhận thông tin bằng thị giác của loài người. Ngoài ra, cấu trúc của mindmap là phi tuyến tính, giúp linh động trong việc ghi chép thông tin.
Về mặt bất lợi, phương pháp yêu cầu bạn phải hiểu và nhớ thông tin phía sau các từ khóa quan trọng. Bạn sẽ tốn nhiều thời gian trong việc chỉnh sửa nếu bạn trình bày thông tin lộn xộn ngay từ đầu.
Nên dùng mindmap khi nào?
Ôn tập: Khi bạn cần phải nhớ những chi tiết cấu trúc phức tạp hay một sự kiện có mối liên hệ chồng chéo lên nhau.
Lập kế hoạch cho các dự án như bài thuyết trình, bài tập lớn, bài luận. Vì mindmap:
– Dễ cho thấy một bức tranh tổng thể của toàn bộ dự án.
– Dễ dàng phân công xử lý các nhiệm vụ lớn nhờ các phân nhánh chẻ nhỏ.
– Phương pháp mindmap linh động hơn so với outline trong việc lựa chọn nhiệm vụ.
– Dễ cho thấy một bức tranh tổng thể của toàn bộ dự án.
– Dễ dàng phân công xử lý các nhiệm vụ lớn nhờ các phân nhánh chẻ nhỏ.
– Phương pháp mindmap linh động hơn so với outline trong việc lựa chọn nhiệm vụ.
Làm bài thuyết trình: mindmap khuyến khích giảm tải việc trình bày khái niệm dài dòng như Outline. Đặc biệt là không lặp lại thông tin. Tóm lại là nó tiết kiệm thời gian trình bày nội dung thuyết trình. Ngoài ra, khi bạn bị chất vấn với người nghe, bạn có thể tìm ngay trên mindmap để xem người đó muốn hỏi về điểm nào thuộc mindmap, như vậy, bạn không dễ bị đối phương lôi kéo ra khỏi chủ đề chính của buổi thuyết trình.
II. Ba bước ‘trước, trong, và sau’ khi ghi chú.
Từ trước đến nay, các bạn đã từng nghe qua những lời khuyên “nước đổ đầu vịt” về việc tìm hiểu trước chương trình học như đọc sách, soạn văn hay dành ra một chút thời gian vào buổi tối để ôn tập lại những gì đã ghi chép. hay là cách học thật sự là tập trung nghe giảng để hiểu kiến thức, thay vì cắm đầu ghi chép. Cơ mà chẳng có “con vịt” nào (kể cả tôi) lại tin lời thầy cô. Chắc có lẽ là vì kết quả về điểm số thường không đến ngay lập tức, nên không học sinh nào quan tâm đến những lời khuyên đó.
Thực chất, lời khuyên trên là có giá trị. Việc tìm hiểu trước kiến thức và ôn tập tại nhà là cơ hội để bạn hình thành những thông tin sẵn có trong đầu, bao gồm những kiến thức đã biết, kiến thức mới – có tính chất mơ hồ – cần được một buổi giảng của thầy cô tháo gỡ. Sự tháo gỡ này đem lại cảm giác nhẹ nhàng: “Tại vì chúng ta nghe cái chúng ta học nó có tác dụng tháo gỡ, phá đổ những hiểu lầm, u mê của chúng ta. Vì vậy, chúng ta học tới đâu, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng tới đó vì trong chúng ta có nhiều bí kẹt” ().
Ngay từ ban đầu, bạn sẽ có cảm giác muốn bỏ cuộc vì cái tôi về thích thú học tập của bạn chưa được hình thành. Nhưng về lâu dài, “sự chú ý định hình cái tôi và cái tôi định hình nên sự chú ý”[5]
Vậy làm thế nào để thực hiện 3 bước trước – trong – sau khi ghi chú?
1. Trước tiết học:
Xem lại các bài giảng trước đó để nhìn thấy mối liên kết kiến thức giữa chúng. Từ đó, hãy sắp xếp và tổ chức lại thông tin. Kiểm tra chính tả và nghĩa của các thuật ngữ chuyên ngành quan trọng. Đọc trước nội dung trong sách để nắm bắt các thông tin chưa biết và đã biết. Đối với thông tin chưa biết và các thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, hãy lên một danh sách câu hỏi dành cho giảng viên. Đương nhiên, một sự hoài nghi trong tâm trí luôn tự giúp chính nó tìm ra các đáp án quan trọng khi nghe giảng.
2. Trong tiết học:
Đến sớm, tìm chỗ ngồi tốt ở các dãy đầu tiên. Tại sao? Bởi vì hệ thần kinh trung ương chỉ tiếp thu 126 mẫu thông tin/giây đến từ 5 giác quan, sắc thái cảm xúc và những suy nghĩ nội tâm của bạn. [5] Việc ngồi ở hàng ghế sau, để tiếp những thu mẫu tin đến từ điện thoại, những suy tư vẩn vơ, hay là cuộc trò chuyện vô bổ chỉ làm giảm chất lượng tiếp thu của não bộ.
Phân biệt được trong lời phát biểu của giảng viên thông qua giọng điệu nhấn mạnh, ngôn từ, và cách ăn nói vòng vo lặp lại của giảng viên. Đặc biệt hãy để ý đến các TỪ NỐI trong phát ngôn của họ.
Thứ nhất, luận điểm chính nằm sau 3 loại từ nối nhân quả, kết luận và trình tự.
– Nhân quả là các câu: “Vì vậy”, “do đó” và “kết quả là” thể hiện mối quan hệ giữa các hành động hoặc sự kiện.
– Kết luận là “Kết luận”, “tóm tắt” và “tổng thể” báo hiệu sự tóm tắt hoặc kết thúc cuộc thảo luận.
– Trình tự là “Đầu tiên”, “thứ hai”, “sau đó” và “cuối cùng” cho biết tiến trình của các bước trong danh sách hoặc quy trình.
Thứ hai, kiến thức bổ sung thường nằm sau 2 loại từ nối thêm vào và tương phản. Trong đó:
– Thêm vào là những từ như “hơn nữa”, “và”, “cũng như”.
– Tương phản là “tuy nhiên”, “mặt khác” và “mặt dù”, “đối lập với” biểu thị sự tương phản hoặc mâu thuẫn.
Thứ ba là lời giải thích hoặc ví dụ cho luận điểm chính. Các từ khóa bao gồm: “ví như”, “ví dụ”, “tỉ dụ”, “để minh họa”, “có nghĩa là”…
Để tiết kiệm thời gian, các bạn đừng quên sử dụng các ký hiệu đặc biệt và từ viết tắt trong việc ghi chú.
Nếu giảng viên có nhắc thêm những tài liệu quan trọng khác hoặc những câu hỏi mở. Rất có thể đây là những câu hỏi quan trọng nằm trong bài kiểm tra. Hãy ghi xuống vở những chi tiết này.
Ở cuối tiết học, hãy hỏi giảng viên và bạn bè về những điều bạn muốn biết, muốn hiểu kể cả trong và ngoài phạm vi kiến thức của tiết giảng. Nhớ mượn vở của các bạn nữ để bổ sung kiến thức còn thiếu sót vì họ không cẩu thả như bọn con trai.
3. Sau tiết học:
Theo dường cong lãng quên Ebbinghaus, bạn chỉ còn nhớ 33,7% lượng kiến thức đã học sau một ngày. Nên là trong thời gian ôn tập hằng ngày, bạn nên viết một bản tóm tắt về những gì bạn ghi chép. Hành động tóm tắt là để ghi nhớ những gì bạn đã học, nó giúp bạn nhẹ gánh hơn trong những lần ôn tập sau. Tôi khuyến nghị bạn nên dùng phương pháp cornell và mindmap, vì cả hai đều yêu cầu tóm tắt thông tin. Cornell tận dụng được phương pháp active recall, trong khi mindmap phát huy thế mạnh về khả năng tiếp thu thông tin bằng thị giác của con người.
4. Bổ sung: Thời gian thích hợp để ôn tập và tìm hiểu cái mới.
Về thời điểm ôn tập kiến thức cũ và tìm hiểu kiến thức mới. Một nghiên cứu đã cho thấy, buổi sáng và buổi trưa (từ 6:00 sáng đến 1:30 chiều) là thời gian hoạt động mạnh của trí nhớ làm việc. Bạn sẽ tìm hiểu kiến thức mới tốt hơn vào buổi sáng.
Trái lại buổi chiều và buổi tối là thời gian hoạt động mạnh của trí nhớ dài hạn (từ 3:30 chiều đến 10:00 tối), não bộ của bạn sẽ truy xuất ký ức tốt hơn bao giờ hết. Vậy thì hãy ôn tập kiến thức cũ trong khung thời gian này. [6]
Nếu bạn là một cú đêm do gen quyết định, tức là những người cảm thấy não trước trán bị “đứt bóng” vào buổi sáng và hay ngủ dậy trễ vào cuối tuần. Thì bạn nên đảo ngược quá trình này.
III. Kết.
Trong một lần nghe bàn về câu chuyện viết tay tốt cho não bộ. Tôi tự hỏi tại sao người phương Tây lại quá chú trọng vào một hành vi tầm thường và quen thuộc với học sinh, sinh viên Việt Nam? Chúng ta viết tay hơn 12 năm, nhưng điểm số vẫn không mấy cải thiện.
Sau khi đào sâu vào vô số tài liệu, tôi nhận ra rằng, người phương Tây đang cho con em của họ dùng sổ tay điện tử hoặc máy tính xách tay để ghi chép, nên họ cần phải bảo vệ việc viết tay truyền thống để giúp cải thiện khả năng học tập của trẻ. Nhưng, điểm khác biệt ở đây là họ phổ biến rất nhiều phương pháp ghi chú để thay thế lối ghi chú cũ kỹ outline – một phương pháp được dùng sai cách cả trăm năm nay tại Việt Nam. Thay vì dùng outline để đọc hiểu thì lại bắt học sinh học thuộc lòng. Còn ghi chú dành cho việc học thuộc lòng như Cornell hay Mindmap thì chẳng được thầy cô phổ biến.
Tôi có bổ sung thêm 3 bước trước, trong và sau khi ghi chép ở phần II, đây là hướng dẫn ôn tập chi tiết của đại học Auckland – New Zealand. Nó đại diện cho những lời khuyên hời hợt của giáo viên như: “các em nên tìm hiểu trước, các em nên bỏ ra một chút thời gian mỗi tối để ôn tập”. Cơ mà lời khuyên đó chỉ có học sinh giỏi quan tâm và làm theo để đúc kết được kinh nghiệm tự học xương máu, còn bọn lười nhác thì xem đó là lời nói sáo rỗng.
Chúc các bạn sinh viên năm nhất (những thanh niên ngây thơ bị thầy cô lừa dối về quãng thời gian an nhàn của đại học) có một kỳ học tập vui vẻ đầy áp lực. Nhàn đâu không thấy, chỉ thấy học lòi mắt.
Mong rằng, bài viết của tôi có thể giúp bạn giảm tải áp lực học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. (2024). Handwriting Shows Unexpected Benefits Over Typing. Psychiatrist.com, <https://www.psychiatrist.com/news/handwriting-shows-unexpected-benefits-over-typing/>
2. Ink on Paper: Some Notes on Note Taking*. Association for Psychological Science – APS, <https://www.psychologicalscience.org/news/were-only-human/ink-on-paper-some-notes-on-note-taking.html>
3. James C. (2023), Atomic Habits – Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ, NXB Thế Giới & Phương Nam Book. tr.209.
4. Bruce D P. và Oprah W. (2022), Chữa lành những sang chấn tuổi thơ, Saigon Books. tr.254
5. Mihaly C. (2021), Flow – Dòng Chảy, NXB Dân Trí. tr.65 & tr.76.
6. Nowakowski T. (2021). When is the best time to study?. SuperMemo, <https://www.supermemo.com/en/blog/the-best-time-to-study>.