Vì sao cả thế giới như muốn chống lại genZ?

Tháng tám 11, 2024

Gần đây có nhiều bài viết nói về Gen Z như những bạn trẻ xốc nổi vô ơn, còn doanh nghiệp thì như những kẻ bóc lột tư bản đầy thao túng. Với 5 năm du học Mỹ và hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, mình nhìn thấy rõ cả hai bên đều ĐÚNG như thế nào.

Photo by on
Dưới đây là cách mình cố gắng giải thích góc nhìn của cả hai bên, như vai trò của một kẻ kẹt giữa – một gen Y làm sản phẩm.

1. Mâu thuẫn xuất phát từ tâm lý đi làm và đi học

Ta cần chân thật về việc các bạn khi mới ra trường CHƯA đủ kỹ năng để đóng góp cho doanh nghiệp, nhưng các bạn vẫn muốn được có LƯƠNG và TÔN TRỌNG.
Các doanh nghiệp có phải ĐÀO TẠO các bạn, và vẫn đặt dấu hỏi về lợi ích khi BÓC LỘT mà vẫn chưa cảm thấy hữu dụng.
Việc này không phải lỗi của bên nào, vì đây là LỖ HỔNG trong hệ thống giáo dục. Lỗ hổng này khá trầm trọng ở Việt Nam, nhưng ngay cả trên thế giới thì giáo dục vẫn luôn đi sau để ĐUỔI KỊP thực tế.
Ở thế hệ nào, kiếp intern thì hầu hết toàn gánh những công việc ĐAU KHỔ, VÔ NÃO nhất. Giá trị của tầng lớp này là việc các bạn có thời gian rảnh để GIÚP ĐỠ các anh chị làm những công việc tay chân này.
Nhiều bạn cảm thấy CHÁN với những việc này, và sau đó KHÔNG ĐỂ TÂM vào đó. Từ đó các bạn mắc kẹt trong vòng lặp của chán việc, thay vì kịch bản WIN-WIN.
Kịch bản win-win ở đây là để làm tốt các công việc đau khổ, bạn sẽ được tiếp xúc và chỉ dẫn bài toán CÓ NÃO thực tế, điều mà ở trường lớp bạn không thể có được.

Bạn sẽ không được trao nó ngay từ đầu, mà phải phấn đấu để giành được nó.

Đây là luật chơi có từ thời đất nước hoà bình, doanh nghiệp làm thay nhà trường nhiệm vụ đào tạo những công dân có ích cho xã hội, thông qua hình thức “BÓC LỘT HỢP PHÁP sức lao động” của các bạn.
Khi đi làm, bạn mới tiếp xúc với quy luật đơn giản của thế giới và cuộc đời:
“Có đi có lại, KHÔNG gì là miễn phí”.
Mỗi bên đều cần cho đi trước, nhận lại sau.

2. Gen Z họ khác tất cả các thế hệ trước đây

Gen Z khác biệt KHÔNG có nghĩa là họ tệ hơn, nhưng họ có lựa chọn mà các thế hệ trước không có.
Gen Z hầu hết có SMART-PHONE từ hồi cấp ba, nhiều bạn lên INTERNET từ trước khi dậy thì. Họ được sống SƯỚNG và ĐẦY ĐỦ hơn thế hệ trước, và có CÔNG CỤ và CỘNG ĐỒNG để sinh hoạt với nhau theo hình thức online từ nhỏ.
Gen Z được cha mẹ hỗ trợ + thế giới công nghệ và truyền thông phục vụ từ sớm, trưởng thành trong một thế giới đã thay đổi chóng mặt về CÔNG NGHỆ và TƯ DUY.
Họ biết ĐÒI HỎI những QUYỀN CƠ BẢN cho mình sớm hơn, những quyền mà thế hệ trước sẵn sàng bỏ qua và chấp nhận cuộc chơi cũ.
Không hiếm intern gen Z lái ô tô và ở biệt phủ XỊN hơn cả sếp tổng, chứ chưa nói đến quản lý và sếp trực tiếp.
Nhiều gen Z tuổi trẻ hơn, mà đã có trải nghiệm thú vị hơn và có ý thức sống sớm hơn dân công sở văn phòng đời trước.
Thay vì nhìn quanh bạn bè mình xem ai đang cày cho sếp nào to, thì một gen Z có các lựa chọn như đi thực tập, đi mở quán làm ông chủ, đi dạy tiếng Anh, đi làm idol TikTok, đi du lịch bụi, đi làm Freelance, đi làm cho công ty gia đình, đi học tiếp,….
Họ cày phim Mỹ, Hàn, thảo luận những vấn đề về triết học, khủng hoảng hiện sinh, bình đẳng giới tính, quyền cho động vật,…khi nhiều người thế hệ trước vẫn đang chìm đắm trong biên bản cuộc họp, bỉm sữa, drama công sở, quà cáp, xin học cho con,… và thậm chí ăn thịt chó 🤣.

Khi có quá nhiều lựa chọn và thông tin, bạn khó mà bình tâm hơn để xin sự giúp đỡ.

Nhất là khi làm giỏi ở công sở, gen Z cũng chưa chắc đã đủ tiền mua nhà và làm CHỦ cuộc sống, Tự Do Tài Chính, sống có PHONG CÁCH,..
Có thể vì thế, một số bạn còn coi những GIÚP ĐỠ, CHỈ BẢO chân thành từ tiền bối là thứ đương nhiên, vì công sở CẦN BẠN hơn bạn cần công sở.
Chưa kể, nhiều Gen Z nghĩ cho mình hơn, ích kỷ hơn thế hệ trước, vì họ chưa kịp học xong luật chơi cũ thì thế giới lại thay đổi tiếp theo cách CHIỀU CHUỘNG họ với những cơ hội MỚI LẠ hơn.

3. Một thế giới đang thay đổi rất nhanh

Nếu bạn làm trong ngành công nghệ, bạn sẽ cảm nhận được thế giới này đang thay đổi nhanh như thế nào.
Chỉ 10 năm trước, Grab và Uber mới vào Việt Nam, đường phố vẫn tràn ngập xe taxi của các hãng.
Chỉ 5 năm trước, chúng ta vẫn dùng tiền mặt nhiều hơn chuyển khoản QR. Người ta vẫn quen , thay vì gọi ship đến tận nhà.
Chỉ 4 năm trước, khái niệm remote working tưởng như là giả tưởng, nhiều người chưa bao giờ xài Zoom cho đến khi Covid.
Bây giờ là thời đại mà khi bạn hăm hở xông thẳng vào cơ quan để xin làm giấy tờ, bạn sẽ bị đuổi về nhà để điền form online.
Và khi ChatGPT ra đời, chúng ta sắp sửa còn thay đổi nữa và mãi mãi.

Nhiều Gen Z đã có ý thức đầu tư sớm, mua bitcoin, về hưu sớm, kiếm tiền thụ động,… thay vì mài lưng kiếm trải nghiệm công sở
Khi cuộc chơi có nhiều đột biến như vậy mà văn hoá công sở vẫn CHƯA kịp “cập nhật hệ thống”, cái ta có là những lỗ hổng tâm lý chẳng thế lấp đầy, với mỗi bên đều tin vào nửa sự thật của riêng những gì mình biết.

4. Khi mình không bao giờ biết đủ, chỉ cần BIẾT ĐIỀU là đủ

Dù muốn hay không, thì các bạn gen Z và phần còn lại vẫn phải sống và làm việc với nhau. Có những giá trị đẹp vẫn nên bảo tồn, đó là sự biết ơn, sự học hỏi, lắng nghe và tôn trọng văn hoá của nhau.
Các bạn Gen Z intern cố chuyên nghiệp hơn, biết ơn thế hệ trước hơn một tí, vì không phải ngẫu nhiên các bạn được sướng như bây giờ. Chưa kể, các bạn muốn hiểu đời hơn, thì bạn phải cho đời dạy các bạn.
Không phải lúc nào bạn cũng đi tắt được mãi, mọi thực lực đều cần sự rèn giũa, khiêm tốn, và khả năng kết nối, làm việc với nhiều thế hệ đi trước.
Còn các thế hệ trước thì cũng cởi mở, lắng nghe các bạn hơn, biết đâu lại sáng tạo, học hỏi ra cái gì mới, rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, tăng sức đề kháng để tự chữa lành bản thân.
Cả hai bên bớt lệch lạc lại, cùng tháo gỡ khó khăn của mâu thuẫn hệ thống và thế hệ.
Dân Product mình thì luôn bám víu vào một hy vọng duy nhất: Thông cảm – Empathy. Mỗi phía đều có lý của mình, chỉ cần hai bên còn chung một mục đích thì ắt sẽ có cách giải quyết.
Hãy cùng nhau đặt trà sữa, biết ơn nhau và lắng nghe nhau kể chuyện.
Chúng mình làm sản phẩm vẫn phải sống với Nợ hệ thống – Technical debts suốt, mà cũng có ai thông cảm cho đâu 😂
Mình thuộc gen Y, vẫn vừa đang hầu các sếp, lại hay bị đời cho quản lý trực tiếp gen Z. Nỗi khổ này không ai thấu, mạn phép gõ phím vài dòng xin chút thông cảm (đoạn này xin phép khóc một chút cho hai bên cùng an ủi 😭)
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay