Định luật Murphy: “Một điều gì đó xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.”
Tháng tám 14, 2024
1. Mở đầu
Tôi có một cậu bạn muốn học lên thạc sĩ nhưng chần chừ chưa ôn tập và ghi danh. Ban đầu tôi nghĩ cậu ấy thuộc tuýp người thích trì hoãn hoặc chỉ nói cho vui miệng. Sau này mới hiểu, vì sợ thất bại nên cậu mới không nộp hồ sơ.
Tôi khuyên:
“Đăng ký thi biết đâu lại đỗ, đắn đo mãi sẽ không bao giờ có cơ hội đó đâu, cứ đà này cậu chỉ đành tiếp tục ở lại đây lãnh mấy đồng lương ít ỏi thôi.”
Cậu ấy đáp:
“Biết là thế, nhưng nếu không nộp hồ sơ thì ít nhất tớ còn có lý do để ngụy biện. Tớ có thể tự an ủi rằng nếu chịu cố gắng biết đâu sẽ thành công. Nhưng nếu thi rớt, tớ sẽ không thể tiếp tục biện minh mà bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Thế nên, để lại cho mình một điều gì đó để hy vọng cũng tốt mà.”
Người bạn của tôi coi việc thi thạc sĩ là chỗ dựa tinh thần và lựa chọn trốn tránh và trì hoãn để bảo vệ điều này.
2. Định luật Murphy: Một điều gì đó xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.
Câu chuyện của cậu cho thấy một định lý: Càng quan tâm càng sợ thất bại và dễ nảy sinh ý định tiêu cực. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Joseph Murphy:
“Khi sử dụng sức mạnh ý chí để giải quyết vấn đề, con người thường quen với việc đưa ra những giả thiết trái ngược với ước muốn”.
Chẳng hạn như nguyện vọng của chúng ta là thi đậu nhưng cảnh tượng thi rớt lại thường xuyên diễn ra trong đầu.
Chẳng lẽ bạn có thù hằn với bản thân ư? Dĩ nhiên là không. Vì chỉ khi càng nỗ lực chúng ta sẽ càng quan tâm đến kết quả, càng sợ thất bại càng hay tưởng tượng đến những tình huống không mong muốn xảy ra. Hiện tượng này cũng được nhà tâm lý học người Pháp Émile Coué nghiên cứu, chứng minh và đặt tên là “Luật hiệu quả ngược” – Khi suy nghĩ đối lập với ước muốn của một người thì suy nghĩ luôn chiếm ưu thế.
Chúng ta càng sợ hãi điều gì thì điều ấy lại càng dễ xảy đến. Nếu ngay bây giờ tôi yêu cầu bạn hãy liên tục nhắc nhở bản thân đừng nghĩ đến màu đỏ, có phải bạn sẽ càng nhớ đến màu đỏ hơn không?
Tại sao chúng ta luôn cảm thấy ước muốn và kết quả trái ngược nhau? Đó là bởi vì chúng ta coi trọng ước muốn của bản thân, nhưng chưa từng quan tâm liệu tưởng tượng và ước muốn có thực sự đồng nhất hay không. Chính vì vậy, con người thường có xu hướng trì hoãn hành động để tâm lý được thoải mái. Lúc bấy giờ, trì hoãn sẽ trở thành phương pháp để bảo vệ và xoa dịu tinh thần.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc trì hoãn đó là việc quá để tâm đến kết quả nên khiến bản thân rơi vào trạng thái lo lắng căng thẳng, dẫn đến không muốn hành động. Chúng ta thường thế này:
“Hôm nay lên kế hoạch, ngày mai bắt tay vào hành động. Qua vài ngày nỗ lực chợt nhận ra kết quả không như mong đợi, lòng tự tin bắt đầu lung lay. Ta phủ định bản thân và liên tục tự chất vấn mình, hòng truy tìm manh mối để chứng minh sự tiến bộ của bản thân. Nếu nhận ra mọi việc không như kỳ vọng, ta sẽ cảm thấy những điều mình bỏ ra và nhận lại không tương xứng. Dần dà, từ một người đầy tự tin và ý chí, ta biến thành một con người hay lo lắng, hoang mang và bối rối.”
Những cảm xúc tiêu cực trên là kẻ thù không đội trời chung của sức mạnh ý chí. Để bản thân cảm thấy thoải mái và bảo vệ một lượng lớn ý chí bị tiêu hao, hệ thống tự chủ đành phải trì hoãn thậm chí hủy bỏ kế hoạch chúng ta đã đề ra.
3. Kết luận
Từ đó có thể thấy, duy trì tâm lý thoải mái là một mắt xích quan trọng trong quá trình rèn luyện tính kỷ luật tự giác.
Hết.
Nguồn tham khảo: