Thiếu giáo viên nhưng địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo, vì sao?
Thiếu giáo viên nhưng địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo, vì sao?
Tuy nhiên, thực tế việc đặt hàng giáo viên (GV) đang diễn ra “nhỏ giọt”, thậm chí địa phương còn nợ tiền người học.
SINH VIÊN THUỘC DIỆN ĐẶT HÀNG CHIẾM TỶ LỆ RẤT THẤP
Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên (SV) sư phạm có hiệu lực cho khóa tuyển sinh từ năm 2021. Theo đó, người học sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí và nhận 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Theo Nghị định 116, kinh phí hỗ trợ người học sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành. Trong đó, các cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo GV kinh phí hỗ trợ SV sư phạm. Nhưng kết quả triển khai thực tế cho thấy SV sư phạm thuộc nhóm giao chỉ tiêu, đặt hàng hoặc đấu thầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định 116, số liệu năm 2021 cho thấy Bộ GD-ĐT giao 50.505 chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo và số nhập học trên 43.000. Ở năm đầu tiên này, cơ chế đấu thầu chưa được triển khai, còn tỷ lệ người học được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với tổng số nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số người học đăng ký hưởng chính sách. Phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo GV chưa được triển khai hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.
Chia sẻ với Thanh Niên, PGS-TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), cho hay: “Trong 3 năm qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho trường đào tạo trên 2.500 chỉ tiêu của các ngành đào tạo GV. Nhà trường chưa nhận được đặt hàng từ các địa phương khác mặc dù đã chủ động liên hệ với các địa phương ngoài tỉnh, nơi không có các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo GV”.
ĐỊA PHƯƠNG “NỢ” TIỀN HỖ TRỢ SINH VIÊN
Đáng chú ý, cho đến đầu năm 2023 chỉ có 12/58 trường trực thuộc địa phương được các địa phương giao nhiệm vụ triển khai và chi trả học phí, sinh hoạt phí cho SV. Nhưng nhiều trường CĐ, ĐH đào tạo sư phạm thuộc địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học. Thống kê của Bộ GD-ĐT tính đến đầu năm 2023 cho thấy có 6 trường được địa phương sở tại hoặc lân cận đặt hàng nhưng chưa hoặc mới chi trả một phần kinh phí rất nhỏ.
Ngay tại TP.HCM, một số cơ sở đào tạo sư phạm được UBND đặt hàng đào tạo GV vẫn chưa nhận được kinh phí địa phương chuyển về. Các SV sư phạm theo hợp đồng đặt hàng của TP.HCM từ năm 2021 đến nay vẫn chưa nhận được sinh hoạt phí. Với số tiền hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng thì đến nay sau 3 năm học, mỗi SV thuộc diện này đang bị địa phương nợ hơn 100 triệu đồng. Chia sẻ về việc này, một SV thắc mắc với Thanh Niên: “Một nghị định đã được Nhà nước ban hành tại sao lại không được thực hiện đúng? Chính sách của Nghị định 116 rất tốt, tạo điều kiện học tập cho người yêu thích nghề giáo. Như bản thân em, lựa chọn học sư phạm bởi yêu thích và một phần vì chính sách tốt nhưng vào học hết 3 năm rồi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ”.
XEM LẠI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SINH VIÊN
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng việc không thu hút được địa phương đặt hàng đào tạo GV có 2 lý do. Một mặt là quy trình tuyển dụng SV được đặt hàng vẫn phải theo đúng quy định tuyển dụng công chức, viên chức. Mặt khác, SV được đặt hàng sau khi ra trường có thể tham gia ứng tuyển ở bất cứ đâu miễn trong ngành giáo dục. “Người học sau khi được địa phương đặt hàng không bị sự ràng buộc về công tác, kể cả có thì cũng vẫn phải đáp ứng được kỳ thi tuyển mới được tuyển dụng. Có thể thấy những mâu thuẫn ngay trong các quy định này gây cản trở cho việc đặt hàng đào tạo GV từ các địa phương”, thạc sĩ Khang phân tích.
Còn PGS-TS Bùi Văn Dũng cho rằng vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 là vì ngân sách tại các cơ sở giáo dục địa phương do địa phương cân đối trong khi đó, các địa phương chưa được cấp bù kinh phí cho việc đào tạo GV nên việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo GV sẽ ít. Vì thế, theo PGS-TS Bùi Văn Dũng, cần phải có chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ bằng việc cân đối, bổ sung ngân sách cho các địa phương có cơ sở đào tạo GV trong việc triển khai thực hiện đào tạo GV theo Nghị định 116. Đối với các địa phương không có cơ sở đào tạo, xem xét chuyển kinh phí đào tạo trực tiếp cho cơ sở đào tạo GV (kể cả các trường ĐH địa phương) khi tuyển sinh người học có hộ khẩu từ các địa phương khác.
Đề xuất điều chỉnh Nghị định 116, thạc sĩ Khang cho rằng: “Chính sách cần tạo cơ chế để bản thân SV phải cạnh tranh ngay trong học tập và tìm việc làm khi hưởng chính sách. Khi đó, chính sách không chỉ thu hút được người học ở đầu vào mà còn cả sự quan tâm của địa phương trong đặt hàng, sử dụng lao động“.
Tương tự, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng vấn đề đang nằm ở cơ chế. Ông Quốc phân tích: “Để thực hiện việc đặt hàng đào tạo, địa phương phải có một kế hoạch và thực hiện lộ trình này trong nhiều năm. Một chỉ tiêu đặt hàng đào tạo của năm nay cần tính toán dựa trên nhu cầu tuyển dụng GV của 4 năm sau đó. Việc quản lý tài chính với mỗi SV thuộc diện này cũng kéo dài hơn 10 năm, trong đó ít nhất 4 năm cấp kinh phí trong thời gian học tập và 8 năm theo dõi quá trình có hay không phải bồi hoàn kinh phí”. Cũng theo ông Quốc, do nhiều khó khăn nên các địa phương cân nhắc, đắn đo đặt hàng. “Cách làm dễ hơn của nhiều địa phương hiện nay là thay vì bỏ tiền đầu tư cho SV theo học thì chọn đầu tư cho tuyển dụng. Không ít địa phương có chính sách đãi ngộ rất tốt nhằm thu hút GV giỏi đến làm việc”, ông Quốc nhận xét.
Với những điểm chưa hợp lý của Nghị định 116, ông Quốc cho rằng việc gỡ “nút thắt” cần từ nhiều mặt. Ví dụ, nghiên cứu lại cơ chế phối hợp, trong đó có đầu mối chi và quản lý kinh phí hỗ trợ người học. Nên chăng đầu mối quản lý tài chính đó là Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sinh viên cũng không mặn mà với việc đặt hàng đào tạo
Không chỉ địa phương, người học cũng bày tỏ sự không mặn mà với chính sách đặt hàng đào tạo của địa phương. Hiện nay, SV theo học sư phạm có 2 cách để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116: theo đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương hoặc theo nhu cầu xã hội. Sinh viên N.T.P, ngành sư phạm sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết ngay từ đầu đã chọn không ký hợp đồng đào tạo với địa phương. Lý do là không theo diện đặt hàng SV vẫn hưởng chính sách hỗ trợ chung và chỉ cần thực hiện cam kết làm việc trong ngành giáo dục. Dù ở Bến Tre nhưng SV này cho biết sau khi tốt nghiệp vẫn mong muốn ở lại TP.HCM xin việc vì nơi đây GV được hưởng lương theo chính sách cơ chế đặc thù mà địa phương khác không có.
Bạn đang đọc Thiếu giáo viên nhưng địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo, vì sao? tại website hungday.com