“Học văn ở Việt Nam ….

Tháng năm 25, 2024

…. chán bỏ mẹ”
Đây là hồi trước mình hay nghĩ thế, mà mình cũng chưa được học văn ở nước ngoài bao giờ. Bây giờ thì mình không nghĩ vậy nữa, vì đây là một hiện thực mà chúng ta cần chấp nhận và cải tạo dần dần thay vì cứ ngồi phán xét và cãi vã.
Quay ngược lại thời gian, trong chương trình Ngữ văn 12, tác phẩm mình yêu thích nhất là “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Nhưng đó cũng là tác phẩm mà mình không thích học nhất trong chương trình, lý do nằm ở cách dạy và học đã làm giới hạn một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đỉnh.

Nếu các bạn còn nhớ, mà không nhớ thì hãy đọc lại bản scan “Chiếc thuyền ngoài xa” trong SGK 12 dưới đây, thì nhân vật người đàn bà hàng chài mang nhiều vẻ đẹp phẩm chất như nhẫn nhục, chịu đựng, giàu tình yêu thương, vị tha, bao dung và thấu hiểu lẽ đời. Có thể nói người đàn bà dù có xấu xí, nghèo khổ, đáng thương nhưng lại ẩn chứa những vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp đại diện của người phụ nữ Việt Nam.
Thật  khó mà phủ nhận rằng đây chính là những vẻ đẹp đáng trân quý. Nhưng mình luôn nghĩ rằng việc dạy học sinh phân tích tác phẩm như thế này hoặc chính xác hơn là chỉ dừng lại ở kết luận vẻ đẹp của người đàn bà mà không đi sâu hơn có lẽ không ổn lắm. Theo mình, đây là một cách xây dựng chương trình có phần “lười biếng”, bởi quan niệm của hầu hết mọi người từ xưa tới nay đều là vẻ đẹp của người phụ nữ nằm ở sự dịu dàng, sẵn sàng hy sinh hết lòng vì chồng con. Người dạy văn cũng nằm trong “hầu hết mọi người” đó và đương nhiên họ sẽ áp dụng luôn quan niệm này vào giáo dục.
Mình vẫn còn nhớ, khi học tác phẩm này, đầu mình nóng bừng bừng vì chữ “vẻ đẹp” cứ được lặp đi lặp lại trong dàn ý văn mẫu. Mình không muốn gọi đây là “vẻ đẹp”, mình thấy nó giống một sự lựa chọn hơn hoặc nếu dùng từ “vẻ đẹp” nó phải là “một vẻ đẹp đáng đau lòng”. Rõ ràng, điểm đặc sắc nhất của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là bài học về cái nhìn đa chiều, đa diện, cái nhìn sâu sắc vào hiện thực cuộc sống thay vì chỉ nhìn từ xa một cách hời hợt. Nếu vậy thì việc kết luận rằng việc người đàn bà nhẫn nhịn chịu chồng đánh để bảo vệ gia đình là vẻ đẹp cao cả có phải là quá vội vàng và “phong kiến”?
Bởi vì, một đứa trẻ cấp 1 nếu đã từng nghe qua với văn mẫu miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ, thậm chí không cần học kĩ “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng kết luận được như trên.
Nhắc lại lần nữa không mọi người quên, với mình “Chiếc thuyền ngoài xa” là tác phẩm hay nhất trong chương trình học và mình không hề có ý chê tác phẩm này nhé! Cái mình không thấy hợp lý lắm ở đây là cách dạy và học văn ở Việt Nam thôi.
Hồi đó, khi học bài này, trong đầu mình cứ quanh quẩn nghĩ rằng người phụ nữ ấy đâu có muốn bảo vệ những đứa con, bà ta chỉ đang bảo vệ hình tượng người phụ nữ cao cả mà chính bà ta vạch ra trong đầu. Dù có phải chịu bạo lực, thậm chí nguy hiểm tính mạng của bản thân, đã là phụ nữ – ta phải bảo vệ hình tượng đó – nó là trọng trách của ta từ khi sinh ra rồi. Vậy thì đó là lựa chọn của bà ta đó chứ!

Nhưng nếu bà ta không có sự lựa chọn khác thì sao? Xem xét yếu tố hoàn cảnh, người đàn bà phải phụ thuộc vào người chồng, người đàn bà không được tiếp cận với tri thức, người đàn bà bị định kiến xã hội vây hãm, người đàn bà không kết nối được với những người có đủ khả năng để giúp bà, v.v. Và trong cảnh tối tăm đó, bà bấu víu vào hình tượng người phụ nữ kia để tồn tại.
Ta không trách bà ta được, một người phụ nữ nhỏ bé sao có thể chống lại nghịch cảnh vì đây là một nạn nhân của cái nghèo, của sự thất học, của lạc hậu, của định kiến xã hội. Nhưng ta thích gán cho bà ta một vẻ đẹp sáng ngời, ta muốn ca ngợi bà, để ta tự yên tâm với chính mình rằng trong cuộc sống đầy khổ đau kia vẫn có một vẻ đẹp lấp lánh đấy. Rồi ta quên luôn cái đau lòng ẩn sau vẻ đẹp đó!
Yên tâm là cái cúp này tồn tại thêm mấy nghìn năm nữa nhé

Yên tâm là cái cúp này tồn tại thêm mấy nghìn năm nữa nhé
Trong giáo án Ngữ văn, giáo viên thường tập trung vào vẻ đẹp hay bài học tư tưởng rút ra từ tác phẩm văn học. Nhưng chúng ta có thể đẩy mức độ nhân văn lên thêm một bậc nếu ta gắn nó với vấn đề hiện thực và đưa ra giải pháp. Thừa nhận rằng, câu chuyện người đàn bà hàng chài diễn ra trong bối cảnh xã hội đầy rẫy vấn đề nhức nhối, nhân vật sống tại khu vực dân trí thấp, vấn đề trước mắt của họ chỉ là giải quyết nhu cầu sinh tồn, vậy nên bạo lực gia đình là một trong những tệ nạn không thể tránh khỏi. Nhưng nghèo hay đói ăn chỉ là biểu hiện gần nhất, nhìn sâu và xa hơn nữa là họ không thể tiếp cận với tri thức, bị định kiến vây hãm và họ không thể tiếp cận với công cụ để bảo vệ chính mình là luật pháp.  
Trong cuộc sống hiện đại, bạo lực gia đình vẫn diễn ra, những nguyên nhân kể trên thì vẫn còn đó, làm thế nào ta có thể giúp những người đang là nạn nhân hay có thể là nạn nhân trong tương lai nếu chính ta không có nhận thức về bản chất vấn đề và giải pháp?
Và sẽ như thế nào nếu giáo dục phổ thông vẫn dạy cho học sinh một kết luận duy nhất rằng vẻ đẹp của phụ nữ nằm ở sự hy sinh và tha thứ, kể cả khi bị đánh, thay vì giúp các em ý thức được về hiện thực, về cách bảo vệ bản thân mình?
Không ai thấy bất ổn thật à?

Không ai thấy bất ổn thật à?
Đến đây mình xin phép trích dẫn 1 đoạn từ cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang như sau:
Tha thứ có thể không đi kèm với hòa giải. Một người vợ có thể tha thứ cho người chồng bạo lực, hiểu vì sao anh ta hành xử như vậy, thậm chí giúp đỡ khi anh ta gặp khó khăn, nhưng nếu anh ta không cải thiện được các hành vi của mình, thì hòa giải và tiếp tục quan hệ hôn nhân là một điều nguy hiểm. Trong trường hợp đó, người vợ nên từ chối tiếp tục là nạn nhân. Cô nên xây dựng cuộc sống riêng của mình mà không có người chồng, mặc dù không mang theo sự oán trách và giận dữ, bởi cô đã tha thứ. Ngược lại, một người nhẫn nhục tự nguyện chịu đựng cái sai trái của người khác không phải là người có trái tim tha thứ, mà là một người không phân biệt được đúng sai.
Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện học văn mẫu ở Việt Nam được bàn tán và tranh luận từ năm này sang năm khác. Mình gọi cách dạy và học ở Việt Nam là “lười biếng” vì chính những nhà giáo dục, đúng ra đại diện cho tiên phong, đổi mới lại thích đi theo lối mòn tư duy. Nên đương nhiên, học sinh cũng không thể viết theo ý tưởng của mình.

Học sinh chỉ có thể đạt điểm cao khi viết theo quan điểm cá nhân nếu như bạn đó thực sự xuất sắc trong lập luận, cộng thêm các điều kiện khác như được giáo viên có chuyên môn sâu hướng dẫn, dung lượng bài viết đủ dài để diễn tả trọn vẹn quan điểm, v.v. Và chỉ có như vậy, bạn mới được quyền sáng tạo.
Nhắc nhở các em học sinh yêu quý

Nhắc nhở các em học sinh yêu quý
Còn nếu không, đã theo học chương trình đại trà, bạn buộc phải chấp nhận theo hệ thống đại trà, nghĩa là học theo dàn ý, giáo trình mẫu được thiết kế dành cho học sinh đại trà (bao gồm những em không quá giỏi nhưng nếu chăm chỉ học thuộc cũng có thể đạt điểm Khá). Riêng về phần ý tưởng cá nhân thì một cách giải quyết là đăng lên mạng xã hội (chí ít thì thỏa mãn quyền tự do ngôn luận mà không bị điểm kém)!
Giáo viên và học sinh là tương lai của đất nước nhưng là hạt cát nhỏ bé trong hệ thống giáo dục

Giáo viên và học sinh là tương lai của đất nước nhưng là hạt cát nhỏ bé trong hệ thống giáo dục
Tóm lại, có lẽ không thể xóa sổ văn mẫu nhưng hy vọng rằng các nhà giáo dục trong tương lai sẽ bớt “lười” và có những hành động hợp lý trong thiết kế chương trình dạy và học Ngữ Văn. Họ có thể giúp học sinh có thể chủ động hơn và học sinh cũng không còn “lười” nữa.
Chắc chắn khi đó mỗi em học sinh cấp 1 sẽ dành thời gian lâu hơn để ngắm nhìn vẻ đẹp của mẹ mình thay vì chạy theo tiêu chuẩn sắc đẹp “lông mày lá liễu, mắt bồ câu, mũi dọc dừa”.
Mỗi em học sinh cấp 2 sẽ dành thời gian để biết đâu là sách hay, sách dở thay vì lúc nào cũng lấy truyện tranh ra làm ví dụ cho văn hóa đọc kém ở người trẻ.
Mỗi em học sinh cấp 3, cả nam và nữ, đều biết rằng bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật và biết mình phải làm thế nào để tự bảo vệ chính bản thân mình thay vì tin rằng nhẫn nhục là vẻ đẹp.
Còn giấy viết nốt: Cái hay của nghệ thuật là cùng một tác phẩm nhưng cảm nhận của mỗi khán giả là muôn hình vạn trạng. Chắc chỉ có chiến dịch Marketing là được xây dựng để công chúng hiểu và phản ứng như nhau thôi. Thế nên, mình thích nhất là đọc và nghiền ngẫm văn học trong … toilet…
Không gian nghệ thuật không lo bị điểm kém

Không gian nghệ thuật không lo bị điểm kém
Ghi chú: Toàn bộ tranh minh họa là do mình tự vẽ và viết lời.
À, các bạn sắp tới thi Đại học thì cứ văn mẫu mà quất nhé, không là đi luôn đấy!