Nhiều ý kiến đóng góp liên quan tới dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Nhiều ý kiến đóng góp liên quan tới dự thảo Luật Cấp, thoát nước
(Xây dựng) – Sau 06 buổi hội thảo, tọa đàm, họp lấy ý kiến với đại diện các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp thoát nước, các Hiệp hội, chuyên gia và tổ chức quốc tế, dự thảo lần thứ 2 Luật Cấp, thoát nước tiếp tục tổ chức lấy ý kiến tại Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu một số vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp về bàn giao hệ thống cấp nước nông thôn, chống ngập úng đô thị, lựa chọn tần suất ngập lụt đối với các khu đô thị, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư các công trình cấp, thoát nước… |
Ông Shinoda Takanobu, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng cho rằng: Việt Nam đang rất cần một cơ sở pháp lý quy định về các hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải, nhằm bảo đảm các hoạt động chính yếu trong đời sống người dân và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, JICA cũng đã và đang triển khai nhiều dự án vốn vay và hợp tác kỹ thuật tại một số tỉnh, thành phố nhằm xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới đường ống thoát nước, từ đó giúp cải thiện môi trường nước, hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
Đồng thời, JICA đang phối hợp với Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị trong hơn 1 năm qua với lĩnh vực trọng tâm là thoát nước. Chúng tôi kỳ vọng thông qua dự án này, những kinh nghiệm và chuyên môn của Nhật Bản sẽ đóng góp vào việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước của Việt Nam để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam vào tương lai không xa.
Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất một số nội dung đối với dự thảo Luật Cấp, thoát nước. |
Về các điều khoản của dự thảo Luật, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng ý kiến: Khoản 6 Điều 2: Có giải thích từ ngữ về “hành làng bảo vệ an toàn công trình cấp, thoát nước”; tuy nhiên, các quy định hiện nay không đề cập cụ thể hành lang an toàn của các tuyến ống, cống cấp, thoát nước là như thế nào như về đường kính, khẩu độ bao nhiêu thì cần hành lang an toàn bao nhiêu, dẫn đến khó khăn trong công tác lập quy định quản lý. Đối với khoản 18 Điều 2: Có giải thích từ ngữ về “công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng” là nhà máy nước có quy mô công suất lớn, phạm vi cấp nước rộng; tuy nhiên, lớn và rộng ở đây là bao nhiêu thì chưa có quy định cụ thể, dẫn đến khó xác định.
Đối với điểm b khoản 2 Điều 34 quy định bắt buộc đầu tư tách riêng mạng lưới thoát nước mưa và thoát nước thải đối với các khu đô thị mới, Sở Xây dựng nhận thấy là phù hợp. Tuy nhiên, điều này có mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể tại Điều 86 đã quy định “Đô thị, khu dân cư tập trung mới… phải có hệ thống thoát nước riêng”.
Riêng về Điều 8, Quy định về cấp nước phòng cháy chữa cháy, theo ông Võ Tấn Hà, khoản 2 có đề cập đến trách nhiệm quản lý các trụ nước chữa cháy do chính quyền địa phương. Đề nghị cân nhắc nội dung này, nên giao cho cơ quan phòng cháy chữa cháy tại địa phương quản lý sẽ phù hợp hơn nhằm bảo đảm tính chuyên môn kỹ thuật và xác định cụ thể trách nhiệm.
Khoản 4 có đề cập đến trách nhiệm đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các điểm lấy nước phục vụ chữa cháy (bến bãi lấy nước) do tổ chức, cá nhân quản lý theo địa bàn là chưa thật sự phù hợp. Đề nghị cân nhắc, cũng nên giao cho cơ quan phòng cháy chữa cháy tại địa phương quản lý.
Về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước đã đề xuất một số góp ý như: Theo bộ khung của Luật Cấp, thoát nước, tại 4 chương, chương 3, 4, 5, 6 cần gộp chung thành 2 chương trong đó 1 chương nói riêng về cấp nước và 01 chương nói riêng về thoát nước để có sự rõ ràng. Phần cấp nước đề nghị bổ sung về những quy định tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng. Đề nghị bổ sung thêm về điều khoản quyền, chuyển nhượng quyền về kinh doanh cấp thoát nước. Đề nghị thêm điều khoản liên quan đến công trình cấp nước đặt biệt.
Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất một số ý kiến về hạ tầng các công trình cấp, thoát nước. |
Đối với lĩnh vực thoát nước, ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất: Cần quy định cụ thể về quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, đảm bảo cung cấp nước sạch và an toàn cho cộng đồng, nông nghiệp và công nghiệp. Đề ra các quy định về quản lý và giám sát hệ thống cấp thoát nước. Xác định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng, cơ chế giám sát và kiểm tra, thiết lập hệ thống thông tin liên quan để quản lý và giám sát hiệu quả.
Vấn đề bảo vệ, quản lý và xử lý khi hạ tầng các công trình cấp thoát nước bị xâm lấn như: Lấn chiếm không gian bố trí cống thoát nước, cống thoát nước bị xâm lấn bởi các hạng mục hạ tầng ngầm khác. Vấn đề này đề xuất được đưa vào luật nhằm tăng tính răn đe, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Vấn đề chia sẻ hạ tầng trong quy hoạch và phát triển đô thị: Quy định mức độ ưu tiên của các công trình thoát nước, cấp nước, cáp điện, thông tin liên lạc… nhằm giải quyết việc chồng lấn của các công trình hạ tầng trong quá trình quy hoạch đô thị.
Quy định về chất lượng nước thải của các hộ thoát nước khi xả thải vào hệ thống thoát nước đô thị đối với các trường hợp nước thải được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung và trường hợp nước thải khu vực chưa có hệ thống thu gom… Đảm bảo thống nhất quản lý chất lượng xả thải tại các địa phương. Định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải: Luật cần quy định cơ chế xây dựng lộ trình giá nhằm đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị, đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội. Hiện tại, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng chi phí quản lý, vận hành và thu hồi vốn đầu tư.
Ban hành quy định về hệ thống quan trắc sự sụt lún của nền đô thị và quan trắc mực nước biển do biến đổi khí hậu. Bổ sung quy định về áp dụng mô hình thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong các đồ án quy hoạch.
Quy hoạch vùng tránh lũ và ngập: Luật cần đưa vào các quy định về quy hoạch vùng tránh lũ và ngập để giảm thiểu thiệt hại từ các trận lũ và ngập. Quy hoạch này bao gồm xác định các vùng tránh lũ, vùng dự phòng và các công trình hạ tầng chống ngập nước như hệ thống cống thoát nước lớn, hồ chứa nước và hệ thống kênh mương.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng Luật Cấp, thoát nước ở Nhật Bản, ông Aoyama Yoshihiko, Tư vấn trưởng, Chuyên gia JICA cho rằng: Quy hoạch thoát nước được đưa vào Chiến lược quốc gia, Quy hoạch cơ bản, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Ở Nhật Bản, Chính phủ hỗ trợ tài chính cho địa phương, do đó có Kế hoạch ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng xã hội thuộc Quy hoạch theo luật định cấp Nhà nước.
Quy hoạch thoát nước nhằm tăng cường phân bổ ngân sách đối với dịch vụ thoát nước cho địa phương, do đó cần có Quy hoạch thoát nước cấp quốc gia. Cần thúc đẩy chính sách tích hợp biện pháp cứng và biện pháp mềm song song tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, xây dựng luật mới đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương. Cần có quy định về biện pháp hỗ trợ trong trường hợp khó đấu nối mạng lưới thoát nước cả về mặt vật lý và mặt kinh tế. Hiệp hội Doanh nghiệp thoát nước phát huy vai trò to lớn như là một nền tảng hỗ trợ – nâng cao năng lực của chính quyền địa phương.
Đơn vị vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thoát nước cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về vận hành, duy tu bảo dưỡng được quy định trong nghị định thông tư, quy định kỳ hạn trách nhiệm ngoài hợp đồng sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý công. Về giá dịch vụ thoát nước, có thể cân nhắc phương án quy định loại bỏ một phần chi phí liên quan đến tiêu thoát nước mưa như chi phí công, chi phí đối tượng, phí sử dụng.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com