Tất tần tật về ghi chú và đánh dấu sách: Làm sao để chinh phục sách level khó?

Tháng tám 17, 2024

Gần đây, mình nhận được rất nhiều câu hỏi về cách ghi chú và đánh dấu sách (annotation) từ các bạn followers trên kênh và Manh Đi Viết Thuê. Mình tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm của mình liên quan đến việc ghi chú và đánh dấu sách dưới dạng hỏi đáp.
Mình tin rằng cách tiếp cận này sẽ dễ dàng chia sẻ thông tin và gần gũi với mọi người, so với cách tiếp cận trong các bài viết trước đó (đi từ nguyên nhân cốt lõi, cung cấp cách giải quyết vấn đề).
Nào, vào việc!

1. Nên ghi chú trong sách hay ghi chú ra ngoài sách?

Cái này sẽ tùy vào phong cách của mỗi người. Ghi chú trong sách sẽ được cái tiện lợi, nhưng sẽ phải chấp nhận việc sách bị xấu đi. Còn nếu muốn giữ sách sạch đẹp thì ghi chú ra ngoài.
Mình thuộc team ghi chú ngoài sách. Một phần vì muốn giữ sách để sau này còn cho mượn, tặng. Một phần vì mình thấy việc ghi chú vào trong sách gây cho mình nhiều bất lợi hơn, cụ thể:
– Chỗ để ghi chú hơi nhỏ so với dung lượng mình muốn ghi
– Việc vừa giữ gáy sách, vừa ghi chép khiến mình bị mất tập trung

2. Bộ công cụ để đánh dấu sách và ghi chú sách gồm những gì?

– Giấy note, tab đánh dấu sách: Loại nhỏ để đánh dấu, loại to để ghi chép
– Bút: Bút viết và bút highlight, mình chủ yếu dùng bút viết thông thường, còn bạn nào thích highlight quotes sách có thể dùng bút highglight.
– Sổ tay, laptop: trong trường hợp cậu có quá nhiều thứ để ghi chép

Đồ nghề mình hay dùng để đánh dấu, ghi chú sách

3. Trước khi ghi chú, đánh dấu sách, cần làm gì?

Nên đọc trước một vài chương đầu để định hình được những kiểu nội dung chính cần được đánh dấu và ghi chú của sách. Lý do là vì mỗi sách mỗi khác, các tác giả sử dụng những kỹ thuật viết và lối tư duy khác nhau khi tạo nên một cuốn sách. Ngoài ra nhu cầu của mỗi người đọc đối với một cuốn sách là vô cùng đa dạng, vì thế rất khó để có một công thức chung về các kiểu nội dung chính cần được đánh dấu và ghi chú. 
Trước đây, mình cũng từng thử làm nội dung về việc ghi chú và đánh dấu sách, bằng cách phân chia thành 2 loại: cho sách nonfiction và sách fiction. Tuy nhiên, khi đọc càng nhiều, mình càng nhận ra phong cách viết sách của các tác giả luôn biến hóa khôn lường và những kinh nghiệm về kiểu nội dung nên được đánh dấu/ ghi chép thường dễ trở nên vô dụng khi tiếp cận những cuốn sách mới, đặc biệt là sách fiction. 

4. Nhưng chắc cũng phải có một vài kiểu nội dung cơ bản trong sách mà người ta hay đánh dấu và ghi chú nhỉ?

Đối với những bạn lần đầu làm chuyện ấy, mình sẽ để dưới đây một vài kiểu nội dung mà mình hay đánh dấu/ ghi chú trong suốt 3 năm đọc sách gần đây:
– Những điểm lập đi lập lại trong sách: luận điểm, quan điểm, hành động của nhân vật, lỗi chính tả, lỗi dịch thuật, etc. Tóm lại là bất kỳ điều gì cậu thấy xuất hiện nhiều lần trong sách.
– Những thứ cậu thấy khó hiểu: cứ đánh dấu và note vào trước, có gì quay lại xử lý nó sau.
– Những thứ cậu đồng ý, hoặc không đồng ý với tác giả: đánh dấu lại và ghi chú lý do phản biện hoặc bổ sung.
– Những thứ cậu muốn làm sau khi hoàn thành cuốn sách: Ví dụ như thực hành, nghiên cứu thêm, trao đổi với ai đó… Thường sẽ áp dụng với sách nonfiction, sách self-help, sách chuyên ngành… 

5. Trong khi đánh dấu, ghi chú sách, cần làm gì?

Đầu tiên là tập hợp các công cụ cần thiết: giấy note, tab đánh dấu, bút, sổ…
Sau khi xác định những kiểu nội dung cần đánh dấu, cậu dùng giấy note và tab đánh dấu như color code để quy định màu sắc cho từng kiểu nội dung. Mình thường hay quy định luôn ở trang lót của sách, để sau này đánh dấu và ghi chú cho dễ, cũng thuận tiện cho việc tra cứu lại về sau. 
Cách mình dùng giấy note quy định các kiểu nội dung cần được đánh dấu, ghi chú trong sách

Cách mình dùng giấy note quy định các kiểu nội dung cần được đánh dấu, ghi chú trong sách
Cuối cùng là thực hiện đánh dấu và ghi chú sách thôi.
Việc đánh dấu và ghi chú sách phải theo đúng color code đã được quy định ở đầu

Việc đánh dấu và ghi chú sách phải theo đúng color code đã được quy định ở đầu

6. Sau khi đánh dấu, ghi chú sách, cần làm gì?

Đọc lại ghi chú của cậu, hệ thống hóa lại các ghi chép và rút ra những kết luận, bài học từ sách.
7. Trong lúc đọc, có thể thêm các kiểu nội dung muốn đánh dấu và ghi chép có được không?
Được chứ, làm vậy càng tốt. Có nhiều tác giả viết khéo đến nỗi người đọc chúng ta khi đọc đến cuối mới ngộ ra được cái gì đó để đánh dấu và ghi chú. Việc thêm vào là hoàn toàn bình thường. 

8. Tớ không xác định được cái gì cần đánh dấu, ghi chú, cái gì không. Vậy phải làm sao?

Việc này là bình thường, vì thực ra nhiều sách có cấu trúc phức tạp, hoặc thậm chí tác giả cố tình ẩn đi các logic để người đọc phải đoán hoặc trả lời một câu hỏi nào đó, rút ra một thông điệp nào đó. 
Lúc này cậu chỉ cần đánh dấu những đoạn trích gây ấn tượng và note vào bằng tab/ giấy note CÙNG MỘT MÀU là được. Sau khi đọc xong sách có thể review và đúc kết lại sau.
Nhớ là đánh dấu và note hết bằng giấy note cùng màu nhé, để tránh bị loạn, vì cậu chưa xác định được kiểu nội dung cụ thể.
Với những cuốn sách khó, không định hình được kiểu nội dung cần đánh dấu, ghi chú, mình sẽ dùng tab cùng màu để đánh dấu những đoạn trích ấn tượng

Với những cuốn sách khó, không định hình được kiểu nội dung cần đánh dấu, ghi chú, mình sẽ dùng tab cùng màu để đánh dấu những đoạn trích ấn tượng

9. Review một vài loại giấy note, tab đánh dấu sách và cách sử dụng:

Các loại giấy note và tab đánh dấu mình hay dùng

Các loại giấy note và tab đánh dấu mình hay dùng
a. Giấy note trong suốt, hình mũi tên: 
Nhỏ, ngắn, dùng để đánh dấu đoạn trích, chất liệu trong suốt nên vẫn nhìn thấy chữ trong sách. Mỗi tội vì chất liệu trong suốt nên ko viết được.
Chất liệu trong suốt cho phép mình nhìn thấy chữ trên sách, nhưng loại này ko viết được nên mình chỉ dùng để đánh dấu đoạn trích

Chất liệu trong suốt cho phép mình nhìn thấy chữ trên sách, nhưng loại này ko viết được nên mình chỉ dùng để đánh dấu đoạn trích
b. Giấy note loại nhỏ: 
Loại này dài hơn, chất liệu nhám, vì thế nên nếu dùng để đánh dấu đoạn trích, nó sẽ che hết chữ mất. Nên mình chỉ dùng nó trong 2 việc: hoặc là tạo quy định màu sắc cho các nội dung; hoặc là ghi chú những cái hết sức ngắn gọn, ví dụ như định nghĩa chẳng hạn.
Cuốn sách này có nhiều khái niệm mới nhưng lại không có chú giải cụ thể nên mình đã tự tìm hiểu và ghi chú lại bằng giấy note loại nhỏ

Cuốn sách này có nhiều khái niệm mới nhưng lại không có chú giải cụ thể nên mình đã tự tìm hiểu và ghi chú lại bằng giấy note loại nhỏ
c. Giấy note loại to: 
Cái này thì rõ rồi, dùng để ghi chép

d. Giấy note phân trang: 
Về loại này, mọi người cứ hình dung cách mà ông bà, anh chị đánh dấu từ điển là hiểu. Về cơ bản tờ giấy có 2 phần, phần trong suốt là phần dính được, dùng để dán vào sách, phần có màu dùng để viết, và nó sẽ nhô ra ngoài. Chính vì cấu trúc đặc biệt đó nên loại giấy note này thường dùng khi người đọc có mục đích tra cứu nhanh, với các dòng sách đặc thù như từ điển. 
Mình hạn chế dùng loại giấy note này vì nó gây khó khăn cho việc sắp xếp sách vào tủ. Mình chỉ dùng khi nhu cầu tra cứu nhanh với một cuốn sách rất lớn, chủ yếu là sách chuyên ngành có tính ứng dụng cao, nhằm phục vụ công việc chuyên môn.
Cho đến nay, cuốn "MBA bằng hình" là sách duy nhất mình dùng loại giấy note này

Cho đến nay, cuốn “MBA bằng hình” là sách duy nhất mình dùng loại giấy note này

10. Lần đầu tớ tập note và đánh dấu sách, có lưu ý gì không?

Đầu tiên là hãy đọc bài viết này
Thứ hai là, nghĩ đơn giản thôi, giống như câu hỏi trên, chỉ cần đánh dấu và note những đoạn trích ấn tượng với cậu là được. Thực hành nhiều là sẽ rút ra kinh nghiệm; đọc dủ nhiều là cậu sẽ biết những kiểu nội dung nào xứng đáng được note và đánh dấu lại 😀
Cuối cùng, ghi chú sách, đánh dấu sách, đọc sách, về cơ bản giống như bao việc khác, cứ làm nhiều là sẽ có kinh nghiệm, có kinh nghiệm tất sẽ làm tốt hơn. Đến lúc đó, mọi cuốn sách khó không còn là vấn đề.
Happy reading and noting, people!
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê, mình viết về sách, văn hóa đọc và những quan điểm về cuộc sống. Mời mọi người ghé qua Instagram @manh.di.viet.thue để đọc thêm các nội dung về sách của mình nha.
Đọc thêm các bài viết khác của mình tại đây: