Sự Phát Triển Khái Niệm: tưởng tượng, mô hình tương tác giữa nội tâm và thực tại.

Tháng tám 17, 2024

Có một quan niệm tồn tại kể từ khi cuốn sách “Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari được ra mắt, quan điểm đó cho rằng con người có thể tiến bộ và vượt bậc như ngày hôm nay, là vì có hai yếu tố, khả năng giao tiếp trò chuyện, và khả năng tưởng tượng. Từ đó suy ra rằng thế giới, xã hội, đạo đức, các khái niệm đều là do chúng ta tưởng tượng. Và bản thân tôi có một vấn đề với quan điểm này, nó không cụ thể, nhưng trong bài viết này tôi sẽ cố gắng phân tích mô hình hoạt động về cách mà tưởng tượng, tạo nên thế giới, sự tưởng tượng có phải là yếu tố chính hay không, hay còn những yếu tố khác. Thế giới của cái tôi có phải là một thế giới tưởng tượng không?
Theo tôi, con người vượt bậc lên trên các loài, không phải vì chỉ có khả năng tưởng tượng, bởi vì tưởng tượng có giới hạn, bạn chỉ có thể tượng tượng ra được thứ mà bạn trải nghiệm. Tưởng tượng, hiểu theo nghĩa rộng, là khả năng vượt ra ngoài những trải nghiệm và kiến thức hiện tại để hình dung những khả năng, khái niệm, ý tưởng mới mẻ.
Tuy nhiên, tưởng tượng không phải là một quá trình hoàn toàn tự do khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Những giới hạn về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội và kinh nghiệm cá nhân cũng góp phần định hình cách chúng ta tưởng tượng. Sự tưởng tượng còn bị giới hạn cả bởi cả yếu tố thời đại, lượng tri thức có trong xã hội lúc đó.
Thế nhưng, cái môi trường nội tâm mà con người xây dựng bên trong, lại là một môi trường hoàn toàn tự do, trong cái môi trường này, sự tưởng tượng được giao thoa với tự do, được kích thích bởi tự do. Những hạn chế xã hội và văn hóa, ngôn ngữ, và cả kinh nghiệm cá nhân, có thể đóng vai trò là những khung giới hạn tạo điều kiện cho sự sáng tạo phát triển. Sự tự do nội tâm cho phép cá nhân khám phá những ý tưởng ngoài khung giới hạn này, và những giới hạn lại là điểm tựa để ý tưởng/ khái niệm có thể định hình và phát triển theo cách cụ thể hơn.
Trong lịch sử, nhiều phát kiến khoa học và nghệ thuật xuất phát từ những nỗ lực vượt qua giới hạn xã hội hoặc tự nhiên. Tưởng tượng không phải là một quá trình độc lập hoàn toàn với thực tế mà là kết quả của sự đối thoại giữa tự do và giới hạn. (Có thể gọi quá trình đối thoại này là sự sáng tạo)
Ví dụ như Nhà khoa học Galileo Galilei phát minh ra kính viễn vọng và thuyết nhật tâm trong một thời kỳ mà tự do tư tưởng bị hạn chế bởi Giáo hội Công giáo. Dù bị ràng buộc bởi những quy định nghiêm ngặt của Giáo hội, ông vẫn có thể tưởng tượng ra một vũ trụ khác với mô hình Ptolemaic (Trái đất là trung tâm).
.
Một ví dụ khác về cách Albert Enstein tìm ra thuyết tương đối, ông đã nói rằng ông tưởng tượng ra việc ông cưỡi lên một tia sáng.
Nếu như thế giới nội tâm của ông cho dù có phong phú và uyên thâm thế nào, nhưng nó không có sự tự do thật sự, mà vẫn buộc phải tuân theo các quy tắc, kiến thức của thế giới thật, ông sẽ không thể tưởng tượng ra được một khung cảnh mà ở đó, khái niệm “cưỡi lên một cái gì đó” có thể sử dụng cho một thứ không thể “cưỡi” như là tia sáng. Nếu như thế giới nội tâm của ông tuân theo các quy tắc của thế giới thật, ông sẽ chỉ có thể hình dung ra việc mình đang “cưỡi” một cái gì đó mang tính chất “có thể cưỡi”, một cái gì đó đáp ứng và liên quan tới khái niệm “cưỡi”.
Ông phải có một sự tự do hiển nhiên bên trong không gian nội tâm, để trí tưởng tượng có thể đột phá, phá vỡ các rào cảng của tưởng tượng, điều này mới chính là sự quan trọng.
Tuy nhiên, ví dụ này của tôi còn một yếu tố quan trọng khác, như đã đề cập ở trên, để Einstein hay Galileo Galilei có thể phát triển lý thuyết của mình, họ không chỉ tưởng tượng một cách ngẫu hứng mà còn dựa trên các nguyên tắc vật lý và toán học đã biết để xây dựng lý thuyết của mình.
Việc Einstein tưởng tượng ra ông cưỡi trên tia sáng là một phương tiện “hình ảnh”, mà ở đó sự tưởng tượng trong môi trường tự do giúp ông tạo ra. Các quy luật vật lý thực tế và khả năng được kiểm nghiệm, là khung sường cho sự tưởng tượng bám vào, định hình và đột phá.
Dù vậy, thế giới nội tâm vẫn rất cần có sự tự do để, suy nghĩ và tượng tượng, có thể vượt ra ngoài các quy tắc hiện có, một dạng “tư duy không bị ràng buộc”, và yếu tố tự do là cần thiết để phát triển các ý tưởng, khái niệm có tính đột phá.
Sự tự do là hiển nhiên và cần thiết để cho sự tưởng tượng bên trong nội tâm có thể phát triển, bất chấp các quy tắc, giới hạn của thế giới bên ngoài. Sự tưởng tượng tự do có thể cho cái tôi được phép đưa ra các giả thuyết, khái niệm mới, để từ đó những giả thuyết, khái niệm này có thể được kiểm chứng thông qua thực nghiệm sau đó(ở bên ngoài).
Sự tự do là nền tảng cho tưởng tượng, và là khởi đầu cho quá trình tìm kiếm các lý thuyết/ phát minh có thể được kiểm chứng.
Có thể hiểu cái tôi đi tìm tới sự tự do nội tâm là sự phản ánh của cái tôi đang bị giới hạn bởi các quy tắc của giới thực. Thế nên, trong các môi trường bị ràng buộc và giới hạn của giới thới thật, các ý tưởng, tưởng tưởng lại trở nên phát triển mạnh mẽ và phi thường, bởi vì chúng được phát triển bên trong nội tâm, một không gian tự do không bị ràng buộc. Môi trường càng bị giới hạn, cái tôi càng muốn có được sự tự do.

Nội tâm và thế giới thực
Tôi sẽ tiếp tục làm rõ mối quan hệ này ở phần tiếp theo đây. Như đã nhắc đến, sự phát triển của các lý thuyết khoa học cũng cần được kiểm chứng bằng thực nghiệm và logic. Điều này có nghĩa là, mặc dù “tự do” mở rộng khả năng của tưởng tượng, tuy nhiên quá trình giao thoa bên trong nội tâm này vẫn chỉ là hình thái mơ hồ của các khái niệm/ý tưởng. Nó vẫn cần sự xác nhận, kiểm tra qua thực tế (bên ngoài) để trở thành một phần của lý thuyết khoa học/chính trị hay các sản phẩm sáng tạo. Chúng ta cần có công cụ để đưa những khái niệm ra thế giới thực, và công cụ đó không gì hơn là ngôn ngữ.
Ngôn ngữ và cách mà công cụ này xây dựng thế giới của chúng ta.
Nhân loại có thể vượt bậc như bây giờ, quan trọng là nằm ở khả năng “hiện thực” hóa các khái niệm, đưa những ý tưởng, khái niệm trở thành một phần của thế giới thực, các khái niệm từ siêu hình cho tới hữu hình, vốn được phát triển/phát hiện từ quá trình bên trong nội tâm.
“Ngôn ngữ” là một trong những công cụ chính, để hiện thực hóa điều đó, tuy nhiên cũng như bao công cụ khác, kỹ năng sử dụng nó là khá quan trọng, và không gian sử dụng nó cũng quan trọng không kém, không gian sử dụng công cụ nghĩa là nơi đó phải là một môi trường tập hợp những con người “tự do” chia sẻ một số yếu tố căn bản như thế giới, văn hóa, quan hệ, chung một không gian địa lý như cùng quê hương, cùng quốc gia, hoặc cùng sắc tộc và quan trọng hơn hết là có khả năng cùng hiểu “ngôn ngữ” của nhau.
Tôi bỏ ngôn ngữ vào ngoặc kép vì muốn nhấn mạnh về một “công cụ giao tiếp, truyền đạt tư tưởng từ bên trong nội tâm ra bên ngoài thế giới”, cho dù có thể hiểu theo hình thái ngôn ngữ thuần túy mà con người sử dụng cũng đúng, nhưng sẽ không đầy đủ. Chẳng hạn thủ ngữ (một hình thái ngôn ngữ giao tiếp, sử dụng các cử chỉ, ký hiệu cơ thể, được cộng đồng người khiếm thính sử dụng) vẫn có thể truyền tải các khái niệm cơ bản, nhưng sẽ không hiệu quả để truyền tải các khái niệm mang tính siêu hình, phức tạp, cấu trúc của thủ ngữ cũng khác với cấu trúc ngôn ngữ giao tiếp thuần túy, từ đó các khái niệm được đưa ra cũng có tính khác biệt, không có ngôn ngữ nào là hoàn hảo, chỉ có ngôn ngữ nào sử dụng hiệu quả hơn trong một hoàn cảnh, không gian nhất định.
. Đồng thời, tôi cũng muốn làm rõ vì sao nói rằng “chia sẻ một số yếu tố”, bởi vì một môi trường quá nhiều sự đồng nhất, có thể hạn chế các góc nhìn mới và ý tưởng khác biệt, thế nhưng điều này về mặt lý thuyết là không tồn tại, bởi vì thế giới nội tâm con người không bao giờ có thể đồng nhất với nhau. Chúng có thể giống nhau một cách tương đối, nhưng không tuyệt đối. Tuy nhiên tính đồng nhất và tính khác biệt là hai thái cực, yếu tố này sẽ nằm đâu đó ở giữa hai thái cực này.
.
Cái tôi sử dụng “ngôn ngữ” như một cách truyền tải các ý tưởng, khái niệm bên trong nội tâm ra thế giới thực, nhưng việc người khác có hiểu đúng chính xác hoàn toàn những gì cái tôi muốn đưa ra hay không thì lại là câu chuyện khác. Lý do bởi vì “ngôn ngữ” có giới hạn, giới hạn ở cả người sử dụng nó và người tiếp nhận nó. Ngôn ngữ là công cụ sắp xếp những viên gạch của thế giới thực, từ đó xây dựng một thế giới nội tâm bên trong con người.
Ví dụ cho quá trình này:
Một cộng đồng có niềm tin chung vào một vị Chúa trời, bởi vì trước đó đã có ai đó “hiện thực” hóa khái niệm Chúa trời, bằng cách dùng ngôn ngữ, hoặc các hình thức giao tiếp khác, trong một không gian “tự do chính trị”(tôi sẽ làm rõ tại sao lại là không gian chính trị sau).
Tại không gian này, nơi khái niệm, ý tưởng “Chúa” được đem ra thế giới thực, từ đó những cá nhân khác nhau, tiếp nhận khái niệm, sử dụng cái “chất liệu khái niệm” Chúa này, để có thể phát triển “khái niệm Chúa” bên trong nội tâm của họ.
Và người đầu tiên đó phải có một sự “tự do” vượt qua ngoài biên giới của sự tưởng tượng để khám phá/sáng tạo ra khái niệm Chúa Trời, bởi nếu không có sự tự do đó, Chúa trời sẽ không tồn tại, nếu không có sự tự do hiển nhiên và cần thiết đó, thì cho dù trí có trí tưởng tượng, con người này cũng sẽ không thể tạo ra một khái niệm về một “ông già ở tạo ra vũ trụ trong 7 ngày, sống trên mây và yêu thương nhưng thường xuyên đánh giá nhân loại”. Tương tự như các ví dụ về Einstein và Gallio.
Rất rõ ràng, sự tưởng tưởng này vẫn dựa vào các giới hạn có cơ sở của thế giới thực. Chúa cần có một hành động “tạo ra”, phải có một “nơi ở”, một “cá tính”, những chất liệu này được lấy từ thế giới thực, đem vào nội tâm tự do và từ đó các khái niệm có thể tự do giao thoa với nhau (các khái niệm vốn không thể giao thoa nếu như tuân theo quy tắc của môi trường thế giới thực), để tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới.
Để làm rõ hơn, nếu như thế giới nội tâm cũng bị giới hạn bởi những quy tắc của thế giới thực, cái tôi sẽ không thể tưởng tượng ra được việc sống trên trời cao là như thế nào, việc tạo ra vũ trụ trong bảy ngày là như thế nào.
Việc sử dụng “ngôn ngữ” để mô tả “Chúa” là một hành động hiện thực hóa khái niệm Chúa một cách rõ ràng, ví dụ như “ông lão, người đàn ông, tóc dài, có râu”, các từ ngữ này là phương tiện ngôn ngữ mà cái tôi sử dụng, để vẽ nên “hình ảnh” của các “hiện thực”.
Nói theo cách khác, ngôn ngữ đặt ra những giới hạn tự do cho “khái niệm” đó. Tạo ra những biên giới bằng các từ ngữ mô tả (tính chất, quy luật, hình dáng của khái niệm), định hình cho khái niệm đó.
Từ đó cái tôi có thể vẽ ra một “hình ảnh” của “hiện thực” ở thế giới thật, để tất cả mọi con người tham gia bên trong không gian tự do này có thể tạo ra một “hình ảnh” cụ thể của hiện thực bên trong nội tâm của từng người.
Nhưng cũng như đã nói ở trên, bởi vì ngôn ngữ có giới hạn, nên những “hình ảnh” này không hề đồng nhất với nhau nếu chúng ta so sánh sự tưởng tượng của từng cái tôi, một lần nữa, chúng chỉ có thể giống nhau một cách tương đối, không tuyệt đối.
Chúng chia sẻ chung những đặc điểm có thể chỉ ra, những đặc điểm có thể xác định, nhưng để các hình ảnh bên trong nội tâm của từng cá nhân giống nhau một cách hoàn toàn là điều cực kỳ khó khăn.
Nên hiểu “hiện thực” trong bài viết này không phải là “chân lý tuyệt đối” nó chỉ đơn giản là một tồn tại của khái niệm, nó có thể đúng hoặc sai.
Ví dụ: Những người không tin vào Chúa vẫn có thể một hiện thực khái niệm về Chúa, nhưng hiện thực khái niệm này không phù hợp với thế giới quan, văn hóa, xã hội, trình độ học vấn, kiến thức của họ, từ đó cái tôi của họ sẽ không xem khái niệm đó là một phần của thế giới thực, cũng như thế giới nội tâm. Từ đó nếu nói “CÓ Chúa” với họ là sai.
Để vào chi tiết hơn,
Khi khái niệm này được đưa ra thế giới thật ở không gian “tự do chính trị”, nó gặp phải sự kháng cự từ chính yếu tố tự do.
Nghĩa là “khái niệm về Chúa” va chạm với biên giới tự do của các khái niệm khác, gây ra mâu thuẫn với các hiện thực xã hội, mâu thuẫn với tôn giáo, văn hóa, yếu tố địa lý, nói chung.
Ví dụ:
Khái niệm Chúa mâu thuẫn với các khái niệm đã được chứng minh và trở thành chân lý của thế thực (quy luật vật lý),
Hay mâu thuẫn với các khái niệm văn hoá sẵn có tại thời điểm đó (Có một vị thần tạo ra thế giới, nhưng không phải Chúa, ông ấy được gọi bằng cái tên cụ thể và những mô tả về ông ấy khác với mô tả về vị Chúa này).
Khái niệm về Chúa có thể là một hiện thực đối với một số người, nhưng không phải là chân lý tuyệt đối.
Thêm nữa, mặc dù Người đầu tiên đó có một sự “tự do” để đưa khái niệm này ra cho người khác thông qua ngôn ngữ, thế nhưng cũng chưa đủ, bởi vì, nếu như người đầu tiên đó đưa khái niệm Chúa trời cho một con người hoàn toàn không có khái niệm gì về Chúa Trời (và con người đó cũng không có sự tự do để vượt ra ngoài biên giới tưởng tượng của bản thân để hiểu được khái niệm Chúa Trời) thì cũng vô ích.
Phải cùng là hai con người “tự do”, có khả năng vượt qua giới hạn của sự tưởng tượng, mới có thể cùng nhau chia sẻ về một khái niệm, và cùng nhau tương tác với nó.
.
Rồi lúc này đây thì một không gian công cộng của những con người “tự do” có thể trao đổi, truyền tải, tương tác với các ý tưởng, các khái niệm phức tạp, và hoạt động này sinh ra tính chính trị.
Môi trường “tự do chính trị” theo nghĩa rằng đây là một môi trường cho phép sự tự do được bày tỏ ý tưởng, sự tự do để phản biện, phê phán lại một ý tưởng, khái niệm. Sự tự do chính trị phải trên nền tảng tất cả mọi người trong cái không gian đó, phải cùng tôn trọng sự tự do cá nhân, cùng chung một mục đích là đưa các khái niệm, được suy luận/phát hiện/phát triển trong thế giới nội tâm, ra bên bên ngoài thực tại, để trao đổi, tranh luận và xem xét những khái niệm đó có phù hợp với thế giới sự vật hay không.
Tự do chính trị là một môi trường quan trọng để các ý tưởng, khái niệm có thể tồn tại ở thế giới thực, để những điều “tưởng tượng” được kiểm nghiệm và phát triển, từ đó giúp con người hiểu rõ hơn về thế giới thực. Ngoài ra việc kiểm chứng thực nghiệm, giúp đảm bảo rằng các ý tưởng tưởng tượng không chỉ là ảo tưởng mà còn có giá trị thực tiễn và có thể được áp dụng trong thực tế.
Tuy nhiên, phải nhận thức rõ ràng rằng, tự do ở môi trường nội tâm là một dạng tự do tuyệt đối, khái niệm được phát triển bên trong môi trường tự do, cho dù có nền tảng giới hạn trên các chất liệu của thế giới thực, thì các khái niệm này vẫn có thể mở rộng một cách không giới hạn, nếu bỏ qua tất cả các quy tắc. Nhưng, để những khái niệm đó được đưa ra thế giới thực, được trình bày trong một môi trường chính trị, nó sẽ phải bị ảnh hưởng, bị giới hạn bởi các quy tắc, quy chuẩn chung, những quy tắc này không nhằm mục đích giới hạn tự do của khái niệm, mà tạo ra một khung sường, một đường biên giới có thể mở rộng để các khái niệm có thể phát triển theo hướng có mục đích.
Nói một cách trừu tượng thì:
Cái tôi (hoặc cá nhân) tiếp nhận các yếu tố và chất liệu từ thế giới thực—như kinh nghiệm, tri thức, và cảm xúc—để xây dựng một thế giới nội tâm. Đây là giai đoạn tích lũy và hình thành các nguyên liệu thô từ thế giới xung quanh. Trong môi trường nội tâm, cái tôi có thể tự do khám phá, kết hợp, và sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi các quy tắc và giới hạn của thế giới thực. Đây là giai đoạn mà các ý tưởng và khái niệm mới được phát triển trong một không gian tự do tuyệt đối.
Sau đó, Để các ý tưởng và khái niệm từ thế giới nội tâm được đưa ra và áp dụng trong thế giới thực, chúng phải trải qua quá trình kiểm tra, điều chỉnh, và gọt dũa. Quá trình này bao gồm việc tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn, và quy luật của thế giới thực (bao gồm cả các giới hạn mang tính khách quan như các quy luật tự nhiên, và các giới hạn chủ quan hoặc xã hội như chuẩn mực văn hóa, quy định xã hội), nhằm đảm bảo rằng các ý tưởng có thể hoạt động hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Sự tương tác, tưởng tượng giữa nội tâm và thế giới thực này không tách biệt hoàn toàn, mà thường xuyên tương tác lẫn nhau, ý tưởng được phát triển trong không gian nội tâm có thể liên tục được kiểm nghiệm và điều chỉnh khi chúng được mang ra thế giới thực.
Khi các ý tưởng, tưởng tượng từ từ thế giới nội tâm được kiểm nghiệm trong thế giới thực, kết quả từ thực tế có thể quay trở lại để tiếp tục phát triển thêm trong thế giới nội tâm. Đây là một quá trình liên tục của việc khám phá, cải tiến và hoàn thiện khái niệm, lý thuyết, thay vì chỉ là một lần chuyển đổi từ tưởng tượng nội tâm sang thực tế. Từ đó tạo thành một vòng lặp hoàn chỉnh cho cách con người sáng tạo ra các khái niệm, và cải tiến/sửa chữa chúng. vòng lặp này không chỉ là một cơ chế sửa lỗi mà còn là cách để mở rộng, làm giàu ý tưởng thông qua việc tương tác không ngừng giữa hai thế giới.
Ví dụ dễ hiểu nhất cho quá trình này là.
Câu chuyện nổi tiếng về quả táo rơi khi Newton đang suy nghĩ dưới gốc cây. Khái niệm về lực hấp dẫn bắt đầu từ việc Newton tưởng tượng, suy ngẫm trong thế giới nội tâm (vốn có những chất liệu, kinh nghiệm, kiến thức, quy tắc từ thế giới thực làm nền tảng), nhưng sau đó ông vẫn phải kiểm chứng nó bằng thực nghiệm và toán học, từ đó phát triển định luật vạn vật hấp dẫn.
Một ví dụ khác, là tiểu thuyết 1984 của George Orwell. Orwell tưởng tượng một thế giới tương lai đầy áp bức và kiểm soát, dựa trên những sự kiện thực tế trong thế giới của mình, như chế độ độc tài toàn trị và chiến tranh lạnh. Các ý tưởng về Big Brother và sự thao túng tư tưởng đã được ông phát triển trong không gian nội tâm, nhưng lại phản ánh một cách mạnh mẽ những nguy cơ của sự kiểm soát tư tưởng trong xã hội thực tế.
Để củng cố và làm rõ hơn nữa thì chúng ta có tác phẩm Starry Night của Van Gogh là một ví dụ về sự tự do trong việc thể hiện thế giới nội tâm. Bức tranh không tái hiện thế giới thực một cách chính xác, mà là một sự diễn giải của tâm hồn ông. Van Gogh kết hợp những trải nghiệm, cảm xúc của mình với sự tự do sáng tạo nội tâm để vẽ nên một cảnh tượng siêu thực. Tuy nhiên, dù tự do tưởng tượng, Van Gogh vẫn phải tuân theo những quy tắc về màu sắc, hình khối, và cấu trúc để tác phẩm có thể truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem.
Cũng nên hiểu quá trình này diễn ra trong sự vô thức, tuy nhiên, khi có sự tham gia chủ động của ý thức, quá trình này mới thật sự hoạt động một cách hiệu quả nhất. Và cũng nên hiểu rõ, quá trình này là một mô hình hoạt động và tương tác của thế giới nội tâm và thế giới thực để tạo ra các khái niệm và ý tưởng, và những khái niệm, ý tưởng này không nhất thiết phải có đạo đức, hoặc có tính chất xây dựng cho sự tiến bộ. 

Để rõ hơn, hãy hình dung một thế giới nội tâm được xây dựng từ những chất liệu bạo lực của thế giới thực, thì thế giới nội tâm đó vẫn có một quá trình sáng tạo như thế. Các ý tưởng và khái niệm được xây dựng từ một nội tâm như vậy, khi được đưa ra và áp dụng trong thế giới thực vẫn phải trải qua quá trình kiểm tra, điều chỉnh, và gọt dũa, cũng như tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn của thế giới thực.
Chẳng hạn như những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực, buộc phải dùng bạo lực, sức mạnh để giải quyết vấn đề sẽ xây dựng một khái niệm “mạnh được yếu thua” bên trong thế giới nội tâm. Khái niệm này khi đưa ra môi trường thế giới thực vẫn sẽ là một hiện thực, và nó vẫn sẽ gặp phải các biên giới tự do của các khái niệm khác. Mức độ ủng hộ và phát triển khái niệm “mạnh được yếu thua” phụ thuộc vào khả năng thực hành chính trị của cá nhân đó trong môi trường tự do chính trị.
Ví dụ có thật: 

Các chủ nghĩa Dân tộc cục đoan, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cụ thể là Chủ nghĩa Phát Xít ở Đức, hoặc hệ thống Apartheid ở Nam Phi.
Ngoài ra còn có các chủ nghĩa tương tự mà giới học thuật vẫn đang tranh cãi là chủ nghĩa Cộng Sản của Liên Bang Xô Viết, hoặc Tư tưởng  Mao Trạch Đông.
Khi các “khái niệm” có tính chất cực đoan xuất hiện, nó sẽ lại trở thành một rào cảng, một biên giới mà cái tôi lại đi tìm cách vượt qua, phá bỏ. Và chu trình này sẽ lại tiếp tục.
———————-
Để kết thúc bài viết này tại đây thì sẽ là đoản hậu, tuy nhiên, để có thể làm rõ “tự do chính trị” như thế nào, vai trò của nó trong sự sáng tạo cũng như tương tác của nó với tự do cá nhân ra sao sẽ đòi hỏi một bài viết mới, và sự nỗ lực nhiều hơn để có thể diễn đạt. Mặc dù vậy, trong khuôn khổ bài viết này, người đọc có thể hiểu “tự do chính trị” theo cách định nghĩa phổ thông, bao gồm quyền bầu cử, tự do ngôn luận, quyền tụ tập và hội họp, quyền theo đuổi tín ngưỡng và lập trường cá nhân, và quyền tham gia vào các quyết định chính trị. Những quyền này đảm bảo rằng cá nhân có thể tham gia một cách tích cực và không bị can thiệp vào quá trình chính trị, từ đó tạo ra một nền tảng cho sự quản lý công bằng và dân chủ.