Sự độc đáo của Bleach

Tháng tám 18, 2024

Bleach là bộ manga nổi tiếng được sáng tác và minh hoạ bởi tác giả Tite Kubo. Truyện được đăng lần đầu trên tạp chí Weekly Shōnen Jump từ ngày 20 tháng 8 năm 2001 đến ngày 22 tháng 8 năm 2016. Cùng với One Piece và Naruto, Bleach từng được xem là “Tam trụ” của tạp chí Shounen Jump vào thời kỳ cuối những năm 90 và đầu những năm 2000. Tác phẩm gặt hái được thành công lớn khi tiêu thụ 130 triệu bản cho 74 tập tankōbon.
Bleach được đánh giá ăn khách bởi cốt truyện hấp dẫn và nội dung có chiều sâu. Nếu dùng một từ để mô tả về Bleach, thì “độc đáo” có lẽ là một tính từ khá phù hợp.

Thiết kế mỹ thuật đẹp mắt

So với nhiều bộ shōnen manga nổi tiếng khác, Bleach có cách thiết kế ngoại hình nhân vật khá chững chạc. Nhân vật chính của bộ truyện, cậu học sinh trung học Ichigo Urosaki, có vóc dáng cao ráo cùng đường nét khuôn mặt nam tính.
Một điểm nhấn đặc sắc của Bleach là ở phần thiết kế trang phục và vũ khí. Trang phục của các Shinigami (Tử Thần) trong truyện được mô phỏng từ bộ kimono truyền thống của Nhật Bản. Với cách lựa chọn trang phục này, cảm hứng cổ trang được thổi vào từng trang truyện một cách hoàn hảo.
Trang phục chủ đạo của các Shinigami là một bộ kimono màu đen. Đối với các Đội trưởng của Gotei 13 (Hộ Đình Thập Tam Đội) – lực lượng vũ trang của Soul Society (Linh Giới/Thi Hồn Giới), bên ngoài trang phục kimono đen được khoác thêm một tấm áo khoác màu trắng. Tuy là đồng phục, nhưng mỗi nhân vật trong Gotei 13 vẫn có cách lựa chọn thiết kế riêng cho trang phục của mình.
<i>Hình ảnh Đội Gotei 13 trong “Soul Society” Arc và “Thousand-Year Blood War” Arc</i>

Hình ảnh Đội Gotei 13 trong “Soul Society” Arc và “Thousand-Year Blood War” Arc
Bên cạnh lực lượng chiến đấu chủ đạo là Gotei 13, thiết kế trang phục của các phe đối nghịch cũng rất chỉn chu và bắt mắt. Cả Đội Espada (Thập Nhận) và Đội Sternritter (Tinh Thập Tự Kỹ Sĩ Đoàn) đều được tác giả lựa chọn trang phục màu trắng. Sự tương phản Đen – Trắng trong trang phục cũng thể hiện sự đối nghịch trong lý tưởng chiến đấu giữa Gotei 13 và các đội quân này.
<i>Hình ảnh về Đội Espada (Thập Nhận) và Sternritter (Tinh Thập Tự Kỵ Sĩ Đoàn)</i>

Hình ảnh về Đội Espada (Thập Nhận) và Sternritter (Tinh Thập Tự Kỵ Sĩ Đoàn)
Bleach là một bộ manga chiến đấu lấy vũ khí chủ đạo là kiếm (đao). Trong tác phẩm, cũng có một số nhân vật sử dụng loại vũ khí khác, tuy nhiên nhân vật chính Ichigo và các thành viên Gotei 13 đều chiến đấu với vũ khí chính là kiếm. Trong quá trình sáng tác, tác giả đã thoả sức sáng tạo ra rất nhiều kiểu dáng khác nhau của các loại vũ khí này.
Tương tự như trang phục, vũ khí của các nhân vật trong truyện cũng được lấy cảm hứng từ vũ khí truyền thống, đó là các thanh kiếm kiểu Nhật (katana, wakizashi, kodachi, tachi,…). Mỗi thanh kiếm sẽ có chuôi với màu sắc khác nhau. Độ dài, độ lớn và kiểu dáng của thanh kiếm cũng khác nhau ở mỗi nhân vật.
Thanh kiếm được các Shinigami (Tử Thần) sử dụng trong Bleach được gọi là Zanpakutō (Trảm Hồn Đao/Trảm Phách Đao). Các Shinigami cấp thấp được cho sử dụng các thanh kiếm có tên gọi chung là Asauchi. Sau khi các Shinigami tiến lên cấp cao và giải ấn, thanh Zanpakutō của họ sẽ có tên gọi và hình dáng riêng. Các Zanpakutō phản ánh sức mạnh và ý chí của người sử dụng.
Điều đặc biệt, mỗi Zanpakutō cũng có một nhân dạng riêng, có tâm hồn như một thực thể sống. Các Shinigami cũng có thể trò chuyện và tập luyện với thanh Zanpakutō của mình.
<i>Nhân vật chính Ichigo và thanh </i>Zanpakutō<i> mang tên Zangetsu với các hình dáng khác nhau từng xuất hiện trong manga</i>

Nhân vật chính Ichigo và thanh Zanpakutō mang tên Zangetsu với các hình dáng khác nhau từng xuất hiện trong manga
Zanpakutō của Shinigami có 2 hình thái biến đổi, đó là Shikai (Thuỷ Giải) và Bankai (Vạn Giải). Tương ứng với mỗi hình thái, thanh kiếm được biến đổi thành các hình dáng và sở hữu các năng lực khác nhau. Điều này tạo ra rất nhiều cách thức chiến đấu độc đáo, kết hợp giữa chiến thuật và kiếm pháp của chủ nhân thanh kiếm đó.
Trước đây, Bankai được biết đến là khả năng mà các Đội trưởng Gotei 13 mới có khả năng thi triển. Tuy nhiên, thông qua sự nỗ lực tập luyện, các nhân vật không phải Đội trưởng cũng có thể lĩnh hội được Bankai. Chính vì vậy, Bankai là một trạng thái mà người hâm mộ của Bleach luôn mong chờ được diện kiến ở mỗi nhân vật.
<i>Các trạng thái giải ấn thanh Zanpakutō của 2 thành viên Đội số 11 là Yumichika Ayasegawa và Ikkaku Madarame</i>

Các trạng thái giải ấn thanh Zanpakutō của 2 thành viên Đội số 11 là Yumichika Ayasegawa và Ikkaku Madarame
<i>Trạng thái Shikai của một số Đội phó Gotei 13: Momo Hinamori (Đội số 5), Tetsuzaemon Iba (Đội số 7), Izuru Kira (Đội số 3), Renji Abarai (Đội số 6) và Shūhei Hisagi (Đội số 9)</i>

Trạng thái Shikai của một số Đội phó Gotei 13: Momo Hinamori (Đội số 5), Tetsuzaemon Iba (Đội số 7), Izuru Kira (Đội số 3), Renji Abarai (Đội số 6) và Shūhei Hisagi (Đội số 9)
<i>Trạng thái Shikai của một số Đội Trưởng Gotei 13: Shunsui Kyōraku (Đội số 8), Jūshirō </i><i>Ukitake (Đội số 13), Zaraki Kenpachi (Đội số 11) và Mayuri Kurotsuchi (Đội số 12)</i>

Trạng thái Shikai của một số Đội Trưởng Gotei 13: Shunsui Kyōraku (Đội số 8), Jūshirō Ukitake (Đội số 13), Zaraki Kenpachi (Đội số 11) và Mayuri Kurotsuchi (Đội số 12)
<i>Bankai của Đội Trưởng Byakuya Kuchiki (Đội số 6) là Bankai được nhiều người hâm mộ yêu thích</i>

Bankai của Đội Trưởng Byakuya Kuchiki (Đội số 6) là Bankai được nhiều người hâm mộ yêu thích
Ngoài Shinigami (Tử Thần), Arrancar (Phá Diện) và Vizard (Giả Diện Quân) cũng sử dụng thanh Zanpakutō. Arancar là các Hollow (Hư Linh) đã gỡ bỏ mặt nạ và có sức mạnh như Shinigami. Trạng thái khi Arrancar giải ấn Zanpakutō của họ được gọi là “Resurrección”.
<i>Các vũ khí có hình dáng lạ mắt của một số Espada (Thập Nhận): Tier Harribel, Nnoitra Gilga, Baraggan Louisenbairn và Aaroniero Arruruerie</i>

Các vũ khí có hình dáng lạ mắt của một số Espada (Thập Nhận): Tier Harribel, Nnoitra Gilga, Baraggan Louisenbairn và Aaroniero Arruruerie
<i>Trạng thái giải ấn (Resurrección) của một số Espada (Thập Nhận): Baraggan Louisenbairn, Tier Harribel, Nelliel Tu Odelschwanck, Nnoitra Gilga và Szayelaporro Granz</i>

Trạng thái giải ấn (Resurrección) của một số Espada (Thập Nhận): Baraggan Louisenbairn, Tier Harribel, Nelliel Tu Odelschwanck, Nnoitra Gilga và Szayelaporro Granz
Vizard/Visored (Giả Diện Quân) là các Shinigami (Tử Thần) bị Hollow hoá và có sức mạnh của Hollow (Hư Linh). Các Vizard khi giải ấn thanh Zanpakutō, hình thái họ đạt được cũng tương tự như các Shinigami khi giải ấn.
<i>Trạng thái giải ấn của một số Vizard (Giả Diện Quân): Lisa </i><i>Yadōmaru</i><i>,&nbsp;Hirako</i><i>Shinji, Love Aikawa (Shikai) và “Rose” Rōjūrō Ōtoribashi (Bankai)</i>

Trạng thái giải ấn của một số Vizard (Giả Diện Quân): Lisa Yadōmaru, HirakoShinji, Love Aikawa (Shikai) và “Rose” Rōjūrō Ōtoribashi (Bankai)
Bleach cũng là một bộ manga khiến cho người đọc thích thú bởi bìa truyện được thiết kế đẹp mắt. Phong cách bìa của Bleach tuân theo quy tắc sử dụng nền trắng tối giản, cùng hình vẽ minh hoạ là một nhân vật có sự xuất hiện quan trọng trong tập truyện đó. Bố cục, màu sắc của bìa truyện Bleach luôn tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao.
<i>Một số bìa manga Bleach phiên bản tiếng Việt</i>

Một số bìa manga Bleach phiên bản tiếng Việt

Xây dựng các nhân vật thú vị

Các nhân vật trong Bleach được xây dựng với các khía cạnh tính cách khác nhau, và điểm chung là đều có nhiều điểm thú vị.
Gin Ichimaru là Đội Trưởng của Đội số 3 trong Gotei 13. Anh cũng là Đội Trưởng đầu tiên mà nhóm của Ichigo phải đối mặt khi xâm nhập Seireitei (Tịnh Linh Đình). Gin khiến khán giả phải nhớ đến anh với khuôn mặt và biểu cảm đặc biệt, đó là đôi mắt luôn có vẻ nhắm và khuôn miệng luôn cho thấy một nụ cười.
Về tính cách, Gin thể hiện bản thân là một nhân vật khó đoán, luôn có hành tung bí ẩn và đôi khi khiến người khác nghi ngờ. Tuy nhiên, đây cũng là một nhân vật đem lại sự thoải mái cho người xem, với biểu cảm “khuôn mặt cười” đặc trưng và phong thái ung dung, từ tốn.
Gin sở hữu câu chuyện quá khứ khá ấn tượng. Cho đến giữa bộ truyện, khán giả mới thực sự hiểu được mục đích của con đường mà anh đã đi. Cũng vào khi đó, khán giả mới biết được màu mắt của anh là màu gì.
Gin Ichimaru giải thích các định nghĩa về Arrancar
Một Đội trưởng khác của Gotei 13 cũng có sự hiện diện khá ấn tượng, đó là Mayuri Kurotsuchi – Đội Trưởng Đội số 12. Mặc dù ở màn xuất hiện đầu tiên, nhân vật này cho thấy một khía cạnh tính cách khá tàn nhẫn. Nhưng, càng về sau, ông lại có không ít màn thể hiện xuất thần.
Đội Trưởng Kurotsuchi là một thiên tài trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo. Ông cũng là một nhân vật lập dị, khi tạo cho mình những vẻ ngoài trông không khác robot là bao. Đội Trưởng đội số 12 thay đổi khá nhiều “outfit” xuyên suốt bộ truyện. Nhưng, ẩn sau những lớp “outfit” quái dị đó, khán giả hẳn sẽ bất ngờ khi biết được ngoại hình thực sự của ông.
Đội trưởng Kurotsuchi thể hiện phẩm chất xuất chúng về các nghiên cứu sáng tạo, cũng như cách áp dụng các sáng chế của ông vào việc chiến đấu. Kurotsuchi có khả năng chiến đấu vật lý. Ông sở hữu thanh Zanpakutō có hình dáng khá độc đáo. Tuy nhiên, ông đặc biệt nguy hiểm khi tung ra các chiêu bài để hạ đối phương mà không cần dùng quá nhiều sức lực. Có thể nói, đội trưởng Kurotsuchi là một nhân vật chiến đấu bằng đầu óc đúng nghĩa.
<i>Một số tạo hình của “dị nhân” Mayuri Kurotsuchi</i>

Một số tạo hình của “dị nhân” Mayuri Kurotsuchi
Ngoài 2 Đội Trưởng kể trên, các Đội Trưởng khác cũng tạo ra nhiều ấn tượng ở các màn xuất hiện trong truyện như Byakuya Kuchiki, Zaraki Kenpachi, Retsu Unohana, Jūshirō Ukitake…
Zaraki Kenpachi – Đội Trưởng Đội số 11, được nhận xét là một con quái vật trong chiến đấu. Ông có ngoại hình đáng sợ, cùng phong cách ngang tàng. Nhưng, bên cạnh tính cách thô lỗ và lý tưởng chiến-đấu-để-vui, Zaraki cũng thể hiện là một người có những mặt tốt.
Yachiru Kusajishi là một cô bé được Đội Trưởng Kenpachi cưu mang. Yachiru thừa hưởng sức mạnh chiến đấu từ Zaraki và đạt được cấp độ Đội phó của Đội số 11. Mối quan hệ giữa Đội Trưởng Kenpachi và Đội phó Kusajishi bền chặt và thân thiết đến khó tin. Tình cảm đó vừa giống như tình cha con, vừa giống như tình anh em.
Cô bé tóc hồng nhỏ nhắn thường vắt vẻo trên vai người đàn ông to lớn mỗi khi họ đi cùng nhau. Cô có sở thích chỉ đường cho Zaraki, nhưng hoàn toàn… sai hướng. Mặc dù vậy, Zaraki không bao giờ nổi giận với cô. Ông luôn tin tưởng, bảo vệ và quan tâm đến cô.
Ngoài Yachiru, Đội Trưởng Kenpachi còn có mối quan hệ đặc biệt với Retsu Unohana – Đội Trưởng Đội số 4 của Gotei 13. Nếu Đội số 11 của Kenpachi được giới thiệu là Đội có sức mạnh binh lực cao, thì Đội số 4 của Unohana được giới thiệu là Đội chuyên phục vụ cho công tác trị thương và hậu cần. Tuy vậy, thân thế thực sự của Đội Trưởng Unohana là không hề đơn giản. Mối liên kết giữa Unohana và Kenpachi cũng là một plot twist khá hay ho trong tác phẩm.
<i>Một số hình ảnh của Zaraki Kenpachi trong anime: Gin Ichimaru “đùa” với Zaraki, Zaraki với Yachiru trên vai, Zaraki chiến đấu với Ichigo, Zaraki chiến đấu với Nnoitra Gilga (Espada số 5)</i>.

Một số hình ảnh của Zaraki Kenpachi trong anime: Gin Ichimaru “đùa” với Zaraki, Zaraki với Yachiru trên vai, Zaraki chiến đấu với Ichigo, Zaraki chiến đấu với Nnoitra Gilga (Espada số 5).
Đội quân Espada (Thập Nhận/Thập Đạo Quân) là tập hợp các Arrancar (Phá Diện: mang sức mạnh của Hollow và Shinigami). Espada bao gồm 10 chiến binh có sức mạnh to lớn, là một đối trọng đáng gờm của Gotei 13. Trong Thập Nhận cũng xuất hiện một số nhân vật được xây dựng có chiều sâu, đơn cử là Grimmjow Jaegerjaquez và Ulquiorra Cifer. Đây cũng là 2 nhân vật trong Espada nhận được rất nhiều sự yêu thích từ người hâm mộ của Bleach.
Về cơ bản, Grimmjow và Ulquiorra có tính cách đối lập nhau, điều này tạo nên nhiều mâu thuẫn trong quan điểm giữa họ. Cả 2 nhân vật này đều có các màn tương tác đắt giá với nhân vật chính Ichigo Urosaki và Inoue Orihime – một nhân vật nữ trong nhóm của Ichigo. Qua các tình huống được xây dựng trong các phân đoạn này, khán giả có thể cảm nhận được lý tưởng chiến đấu một cách sòng phẳng, cùng khát khao về tình yêu thương ẩn sâu trong tâm hồn của những kẻ tạp chủng.
Grimmjow Jaegerjaquez và Ulquiorra Cifer cũng là các nhân vật có các màn đối đầu solo đỉnh cao với nhân vật chính Ichigo Urosaki. Các trận đấu giữa Ichigo vs Grimmjow và Ichigo vs Ulquiorra thường xuất hiện trong danh sách các trận đấu hay nhất toàn bộ tác phẩm.
<i>Grimmjow Jaegerjaquez và Ulquiorra Cifer trên bìa manga Bleach phiên bản tiếng Việt</i>

Grimmjow Jaegerjaquez và Ulquiorra Cifer trên bìa manga Bleach phiên bản tiếng Việt

Xây dựng hệ thống thế giới có chiều sâu

Vũ trụ trong Bleach được xây dựng với nhiều thế giới tồn tại song song với nhau, bao gồm Nhân Giới, Soul Society (Linh Giới), Hueco Mundo (Hư Linh Giới).
Nhân Giới là thế giới quen thuộc với con người, và cũng là thế giới mà nhân vật chính Ichigo Urosaki đang sống. Ichigo được coi là có linh lực mạnh và có thể nhìn thấy các linh hồn. Trong một lần bắt gặp Rukia – một Shinigami (Tử Thần) đang săn đuổi Hollow (Hư Linh) ở Nhân Giới, Ichigo đã có cơ duyên biết đến một thế giới khác, đó là Soul Society (Linh Giới).
Cũng giống như Nhân Giới, xã hội ở Linh Giới cũng có sự phân tầng. Sự phân chia giai cấp giàu nghèo, giữa dân nghèo và quý tộc được thể hiện qua các tình huống giữa các nhân vật trong truyện.
Đó là câu chuyện giữa nhân vật nữ chính Rukia và Byakuya Kuchiki – Đội Trưởng Đội số 6, trong đó có sự tham gia của Renji Abarai – Đội phó Đội số 6 và cũng là người bạn thời thơ ấu của Rukia. Mối quan hệ giữa Soi Fon (Sui Feng) – Đội Trưởng Đội số 2 và Yoruichi Shihōin – cựu Đội Trưởng Đội số 2, cũng phần nào phản ánh mối quan hệ giai cấp.
Sau cùng, những nhân vật có sự đối lập về tầng lớp xã hội vẫn có thể dẹp bỏ khoảng cách về xuất thân để sát cánh bên nhau, cùng phụng sự cho sự nghiệp to lớn hơn, hướng đến mục tiêu vì cộng đồng. Đồng thời, các nhân vật có xuất thân từ tầng lớp thấp vẫn sẽ có được một vị trí được nể phục trong xã hội, nếu người đó có năng lực và có ý chí vươn lên.
<i>Kuchiki và Shihōin là 2 trong số 4 gia tộc danh giá tại Soul Society</i>

Kuchiki và Shihōin là 2 trong số 4 gia tộc danh giá tại Soul Society
Hueco Mundo (Hư Linh Giới) là chiều không gian mà các Hollow (Hư Linh) và Arrancar (Phá Diện) sinh sống. Nơi đây được mô tả là một thế giới của sa mạc đầy cát và các cánh rừng thạch anh. Hueco Mundo cũng có một vị vua cai trị, ông ta mang sức mạnh của sự lão hoá.
Tại một nơi được vận hành bởi quy luật “mạnh được yếu thua”, một nhân vật trong Espada (Thập Nhận) là Tier Harribel đã trải qua quá trình chiến đấu và đấu tranh cho vị trí phản ánh sức mạnh của cô. Tinh thần về nữ quyền đã được thể hiện khá rõ nét trong câu chuyện của nhân vật này.
Nelliel Tu Odelschwanck cũng là một nhân vật trong Espada thể hiện khát vọng của những người phụ nữ tại Hueco Mundo. Mặc dù có sức mạnh vượt trội và tính cách khiêm nhường, cô vẫn bị coi thường bởi những người đàn ông không-chấp-nhận-đứng-sau-phụ-nữ.
Từng là thành viên trong Espada (Thập Nhận) – một tập thể bị dẫn dắt bởi tư tưởng xây dựng lại thế giới một cách hoang đường, nhưng về sau cả Tier Harribel và Nelliel Tu Odelschwanck đều là các nhân tố chủ chốt đóng góp vào công cuộc bảo vệ và kiến thiết Hueco Mundo.
<i>Tier Harribel và Nelliel Tu Odelschwanck đại diện cho tinh thần nữ quyền tại Hueco Mundo</i>

Tier Harribel và Nelliel Tu Odelschwanck đại diện cho tinh thần nữ quyền tại Hueco Mundo
Ngoài 3 thế giới đã kể phía trên, trong phần movie thứ 4 của Bleach ra mắt năm 2010 mang tên “Bleach: Hell Verse”, một thế giới khác đã được đem ra khai thác, đó là Hell (Địa Ngục). Trong manga gốc và anime chuyển thể của Bleach, Địa Ngục chỉ được nhắc đến một cách thoáng qua. Tuy nhiên, khán giả có không ít mường tượng và thắc mắc về thế giới này, khi nơi đây có mối liên hệ khá chặt chẽ đến các thế giới khác. Đặc biệt, Địa ngục được tiết lộ là “điểm đến” của linh lực các Đội Trưởng Gotei 13 khi họ chết đi.
Sự kết thúc của manga ở tập 74 đã gây ra không ít hụt hẫng cho người hâm mộ của Bleach. Tuy vậy, vào năm 2021, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ra mắt, một one-shot của Bleach đã được tác giả Tite Kubo tung ra trên tạp chí Weekly Shōnen Jump. Phần truyện ngắn đặc biệt này có sự góp mặt của một số nhân vật mới, với nội dung hoàn toàn mới, đồng thời hé lộ một số chi tiết liên quan đến Địa Ngục – thế giới vẫn còn khá bí ẩn kia.
<i>Cánh cổng Địa Ngục trong “Bleach Special One-Shot” manga</i><i>&nbsp;ra mắt vào năm 2021</i>

Cánh cổng Địa Ngục trong “Bleach Special One-Shot” manga ra mắt vào năm 2021

Kết

Trong quá trình phát triển, Bleach đã đạt được những đỉnh cao của thành công. Tác phẩm có khởi đầu tốt và được đánh giá cao, nhưng điều đáng tiếc là Bleach đã có những khoản hụt hơi ở nửa sau của bộ truyện.
Các Arc ở nửa cuối là ArrancarXCution và Thousands-years Bloodwar đều có màn mở đầu rất triển vọng. Tuy nhiên, cách triển khai tình tiết chậm rãi, cùng nhiều trận đấu diễn ra đan cài, phần nào đi vào lối mòn cùng phần lời thoại kéo dài, đã khiến cho sự hấp dẫn của mạch truyện bị giảm sút.
Dù vấp phải tình trạng sa sút khi đi đến giai đoạn cao trào, Bleach vẫn được xem là một tượng đài của shōnen manga giai đoạn đầu thế kỷ 21. Tác phẩm của Tite Kubo là một bộ manga nhuốm màu truyền thống, chứa đựng nhiều ý tưởng độc đáo, cài cắm nhiều ẩn ý về tôn giáo và lý luận về sự luân hồi trong vũ trụ. Khía cạnh mỹ thuật cũng là yếu tố tạo nên sức hút cho tác phẩm này.
Năm 2022, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ra mắt của tác phẩm, phần anime tiếp theo của Bleach mang tên “Thousand-Year Blood War” (Huyết chiến ngàn năm) đã được ra mắt. “Thousand-Year Blood War” là arc cuối cùng trong manga, nhưng chưa được thực hiện ở bộ anime của Bleach trước đây. Nội dung của arc này là cuộc đối đầu đầy bi hùng giữa lực lượng Shinigami (Tử Thần) và Quincy (Diệt Linh), nhằm giải quyết ân oán trải dài 1000 năm.
Người hâm mộ của Bleach trong những năm gần đây đã một lần nữa sống dậy cảm xúc đối với tác phẩm mà họ yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều fans của Bleach cũng thắp lên hy vọng về việc tiếp tục được thưởng thức các nội dung thuộc về tác phẩm này trong tương lai.
Trên thực tế, có thể Bleach vẫn chưa đạt được thành công thực sự “đỉnh nóc kịch trần” như tiềm năng ban đầu. Nhưng, đối với người hâm mộ của Bleach, thì bộ truyện này luôn có một vị trí đặc biệt bởi sự độc đáo của nó./
Nguồn ảnh: Bleach Wiki, Bandai Namco.