Ludwig Wittgenstein – Những tác phẩm chính và tầm ảnh hưởng

Tháng tám 18, 2024

Ludwig Wittgenstein, một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20, nhân vật đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực triết học với tác phẩm Tractatus Logico-Philosophicus. Xuất bản lần đầu vào năm 1921.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá hành trình triết học của Wittgenstein, từ những ý tưởng cốt lõi trong Tractatus đến những quan điểm đổi mới trong các tác phẩm sau, và xem sự ảnh hưởng sâu rộng của ông đến nhiều lĩnh vực khác nhau như thế nào.
Tractatus Logico-Philosophicus, hay nói ngắn gọn là Tractatus, không chỉ là đỉnh cao trong hành trình triết học của Wittgenstein mà còn định hình nhiều khía cạnh của triết học ngôn ngữ và logic hiện đại. Với mục tiêu xác định mối liên hệ giữa ngôn ngữ và thế giới, cũng như khám phá giới hạn của tư duy, Tractatus đã đưa ra một lý thuyết về ý nghĩa dựa trên hình ảnh logic của thế giới. Tractatus không chỉ mở ra một cách tiếp cận mới trong việc hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới mà còn đặt nền móng cho triết học phân tích hiện đại. Mặc dù Tractatus có thể khiến nhiều người cảm thấy khó khăn vì cấu trúc và cách diễn đạt độc đáo của nó, nhưng chính những yếu tố này cũng đã khiến nó trở thành một tác phẩm đáng suy ngẫm và thách thức.
Phải thừa nhận là một tác phẩm cực kỳ khó đọc, ngay cả với những người học triết có nền tảng, bởi vì cách viết ngắn gọn, trình bày dưới dạng cấu trúc các mệnh đề được đánh số, và phân cấp. Mỗi mệnh đề chính lại có các mệnh đề phụ bên dưới nó để giải thích và mở rộng, nhưng các mệnh đề phụ này đôi khi cũng khó hiểu như các mệnh đề chính.
Cách trình bày này của ông rất khác so với lối viết triết học thông thường, thường có các lập luận mở rộng, ví dụ minh họa, và sự chuyển tiếp logic dễ theo dõi. Điều này đòi hỏi người đọc phải có khả năng suy luận mạnh mẽ và sự hiểu biết sâu sắc về các khái niệm triết học phức tạp để tự mình làm rõ các mệnh đề ngắn gọn nhưng rất trừu tượng của ông.
Lối sống của ông cũng đặc biệt như triết học của ông, là một triết gia có phong cách và thái độ rất độc đáo. Ông có một sự nghiêm khắc với chính bản thân mình, luôn tự thách thức và đặt câu hỏi về tính chính xác của tư tưởng. Ông không quan tâm đến danh vọng hay thành tựu hàn lâm. Những điều này làm cho ông trở thành một hình tượng triết gia đặc biệt và hấp dẫn.
Ludwig Wittgenstein chỉ xuất bản một tác phẩm chính trong suốt cuộc đời mình, đó là Tractatus Logico-Philosophicus.
Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, nhiều bài viết và ghi chú chưa được xuất bản của ông đã được sắp xếp và công bố bởi các học trò và người thân.
Các học giả cũng nhận xét rằng có hai giai đoạn triết học khác biệt trong sự nghiệp của ông.
Giai đoạn đầu tiên là cách ông phát triển lý thuyết về ngôn ngữ như là một hình ảnh của thực tại. Ông lập luận rằng ngôn ngữ có cấu trúc logic phản ánh cấu trúc của thế giới, và các mệnh đề của ngôn ngữ là những hình ảnh logic của các sự kiện thực tế. Một trong những ý tưởng trung tâm của Tractatus (tác phẩm duy nhất đại diện cho giai đoạn này) là ngôn ngữ có thể miêu tả thế giới một cách chính xác và chỉ có những gì có thể diễn đạt được qua ngôn ngữ logic mới có thể có ý nghĩa. Mọi thứ vượt ra ngoài ngôn ngữ logic (chẳng hạn như đạo đức, thẩm mỹ, siêu hình học) đều là không thể nói được, và vì thế chúng phải “im lặng”.
“What we cannot speak about we must pass over in silence.”
Tạm dịch: Những gì ta không thể nói ra, ta phải giữ im lặng” (Tractatus Logico-Philosophicus, 7).
Một trong những câu kết luận nổi tiếng nhất nhất trong Tractatus. Wittgenstein, cho rằng, những lĩnh vực như đạo đức, thẩm mỹ, và siêu hình học nằm ngoài khả năng của ngôn ngữ logic vì chúng không thể được diễn đạt một cách chính xác qua các mệnh đề logic. Chính vì vậy, theo ông, chúng ta không nên cố gắng nói về chúng mà thay vào đó phải giữ im lặng.
Câu này tóm gọn tư tưởng của Wittgenstein, ở giai đoạn này, rằng chỉ những gì có thể được nói rõ ràng trong ngôn ngữ logic mới có thể có ý nghĩa. Những lĩnh vực khác vượt ra ngoài giới hạn này chỉ có thể được trải nghiệm hoặc hiểu bằng trực giác, nhưng không thể được nói ra.
Sau khi Tractatus được xuất bản, Wittgenstein tạm thời rời bỏ triết học và dành nhiều năm làm giáo viên và kỹ sư. Ông chỉ quay trở lại với triết học sau này, phát triển những ý tưởng mới trong giai đoạn sau, nhưng những tác phẩm và ghi chép của ông từ giai đoạn này đều không được công bố khi ông còn sống.

Bức chân dung được nhiều người biết tới nhất, khi ông được trao học bổng từ trường Cao đẳng Trinity, năm 1929.
Dù vậy , tư duy Wittgenstein không chỉ dừng lại ở Tractatus; sự phát triển tư tưởng của ông tiếp tục trong các tác phẩm sau này (hay còn gọi là giai đoạn sau), dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cách chúng ta hiểu về ngôn ngữ và ý nghĩa. Từ việc xem ngôn ngữ như hình ảnh logic của thực tại, ông chuyển sang một cách nhìn nhận mới, nơi ý nghĩa của từ ngữ phụ thuộc vào ngữ cảnh và cách sử dụng thực tế.
Hầu hết các tác phẩm của ông được xuất bản sau khi ông qua đời, dựa trên những ghi chú và bản thảo mà ông để lại. Bao gồm Philosophical Investigations, một tác phẩm nổi tiếng nhất của Wittgenstein trong giai đoạn sau, được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1951. Ông đã dành nhiều năm để chỉnh sửa và hoàn thiện tác phẩm này, nhưng vẫn chưa công bố khi còn sống. Sau khi ông mất, hai người bạn thân của ông, Elizabeth Anscombe và Rush Rhees, đã biên tập và xuất bản cuốn sách.
Nói thêm, trong giai đoạn sau của sự nghiệp triết học, ông đã phát triển một quan điểm mới về ngôn ngữ. Ông giới thiệu khái niệm “trò chơi ngôn ngữ”, nhấn mạnh rằng ý nghĩa của từ ngữ không phải là sự phản ánh của thực tại mà nằm trong cách chúng được sử dụng trong ngữ cảnh cụ thể. Wittgenstein cho rằng triết học không phải là việc giải quyết các vấn đề lý thuyết, mà là làm rõ những rắc rối phát sinh từ cách sử dụng ngôn ngữ.
Ở giai đoạn sau này, Wittgenstein không còn cho rằng ngôn ngữ có một cấu trúc cố định để phản ánh thế giới, mà ông nhấn mạnh vào tính đa dạng và linh hoạt của ngôn ngữ trong các tình huống thực tế. Thay vì xem những gì không thể nói được là không thể diễn đạt, ông cho rằng ý nghĩa của một từ hoặc câu, phụ thuộc vào cách chúng được sử dụng trong một ngữ cảnh cụ thể.
Đây là một sự thay đổi lớn từ lối tư duy “những gì ta không thể nói, ta phải giữ im lặng” của Tractatus. Triết lý của Wittgenstein ở giai đoạn sau đã cho thấy rằng ý nghĩa nằm trong cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế. Vì vậy, không có sự im lặng tuyệt đối đối với những gì không thể miêu tả logic nữa, mà ngôn ngữ có thể đa dạng hơn, bao quát nhiều hơn, và phụ thuộc vào ngữ cảnh và cách sử dụng.
Sự ảnh hưởng của Ludwig Wittgenstein không chỉ nằm trong lĩnh vực triết học,
khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” trong tác phẩm Philosophical Investigations, là một bước ngoặt trong việc hiểu ngôn ngữ không chỉ là công cụ miêu tả thực tại mà còn là một phần của các hoạt động xã hội và văn hoá. Từ đó tạo ra sức ảnh hưởng đến các ngành khoa học xã hội, nghiên cứu văn hoá, nhân học, những lĩnh vực mà ở đó các ý nghĩa, khái niệm của ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng.
Triết học của ông không chỉ đơn thuần là lý thuyết mà còn có ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực “nhân văn” khác nhau. Nổi bật nhất các lĩnh vực ngôn ngữ học, tâm lý học. Ngoài ra quan điểm của Wittgenstein về ngôn ngữ và ý nghĩa cũng đã được áp dụng trong nghiên cứu văn hóa và xã hội học. Ông nhấn mạnh rằng ý nghĩa của các hành động và giao tiếp phải được hiểu trong bối cảnh xã hội cụ thể, điều này đã dẫn đến cách tiếp cận mới trong nghiên cứu về các hệ thống xã hội và văn hóa.
Đồng thời, triết học của Wittgenstein cũng mở ra nhiều câu hỏi, tranh luận, nghiên cứu về triết học, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, ý thức.
Tựu chung lại, triết học của Wittgenstein không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực triết học mà còn có ứng dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngôn ngữ học và tâm lý học đến khoa học xã hội và giáo dục. Những quan điểm của ông cung cấp những công cụ và phương pháp mới để hiểu và phân tích ngôn ngữ, ý thức, và các khái niệm xã hội. Đồng thời tư tưởng của ông cũng làm thay đổi cơ bản cách chúng ta hiểu về ngôn ngữ, ý thức, và tri thức, truyền cảm hứng cho các khám phá, thăm dò mới trong các lĩnh vực liên quan.
Tuy ông không hẳn là “cha đẻ” của triết học phân tích, nhưng Wittgenstein là một triết gia đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng, trong sự định hình và phát triển trường phái triết học này. Triết lý của ông cùng với Bertrand Russel, George Edward Moore, Gottlob Frege, đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho triết học phân tích.
Và để bắt đầu tìm hiểu về tư duy của ông, không gì tốt hơn bằng cách ngồi xuống và cho bản suy ngẫm về Tractatus, về phương pháp nguyên tử luận mà ông áp dụng để “khám phá” ra thế giới này được cấu thành từ những gì. Về cách mà chúng ta hiểu thế giới này ra sao. Và tại sao Tractatus Logico-Philosophicus là một tác phẩm quan trọng trong triết học hiện đại, đóng vai trò then chốt trong việc hình thành triết học phân tích, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa ngôn ngữ, logic và thực tại.