Cực đoan là gì?

Tháng tám 21, 2024

Con người luôn có một thôi thúc, khao khát tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống,
tìm kiếm một định hướng và lý do cho sự sống của họ, từ nhu cầu này, con người thường bám vào những lý tưởng, lý thuyết, để định hình hành động, tư tưởng, và lối sống của mình.
Tuy nhiên, khi một lý tưởng bị đẩy đến mức tuyệt đối, vượt qua, hoặc bỏ qua sự cân nhắc, phản biện, phản tư, nó có thể trở thành cực đoan. Nghĩa là lý tưởng đó trở thành một sự tuyệt đối, chắc chắn, không cần bàn cãi, và để đạt được lý tưởng đó, con người cho rằng phải làm mọi điều cần thiết, bất chấp các điều đó sẽ gây ra nguy hiểm, tổn hại đến bản thân hoặc người khác.
Cực đoan thường được định nghĩa là một quan điểm, hành động hoặc niềm tin nằm ở giới hạn xa nhất của một phổ tư tưởng, thường là mang tính tuyệt đối và không khoan nhượng.
Cực đoan không chỉ xuất hiện trong các hệ tư tưởng chính trị hay tôn giáo mà còn hiện diện trong nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội, nó có thể xuất hiện ngay cả trong các mặt của đời sống thường ngày, trở thành một căn bệnh ám ảnh, một lối sống biến chất.
Điều gì khiến con người dễ dàng đi đến những cực đoan như vậy?
Phải chăng đó là hệ quả của tâm lý tìm kiếm sự chắc chắn trong một thế giới đầy rẫy sự bất định, hay là hệ quả của những tác động từ môi trường xã hội xung quanh?
Thông qua việc tìm hiểu các yếu tố tâm lý, xã hội và lịch sử, chúng ta có thể giải mã được nguyên nhân và cơ chế khiến con người dễ rơi vào tình trạng cực đoan hóa trong tư tưởng và hành động.
Theo lý thuyết tâm lý học, con người có nhu cầu cơ bản về an toàn và ổn định. Từ đó tâm lý tìm kiếm an toàn là một khía cạnh cơ bản của tâm lý học, nơi con người có xu hướng tìm kiếm sự ổn định, bảo vệ, và dự đoán trong môi trường xung quanh. Trong những tình huống, môi trường không chắc chắn hoặc nguy hiểm, cảm giác không an toàn có thể dẫn đến lo âu và căng thẳng. Và việc đối mặt với sự bất ổn hoặc mơ hồ, tâm lý này có thể dẫn đến việc con người tìm kiếm các hệ tư tưởng hoặc lý thuyết giúp họ cảm thấy an toàn hơn. Tìm kiếm an toàn không chỉ liên quan đến việc bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ, mà còn liên quan đến việc tạo ra một cấu trúc rõ ràng trong cuộc sống. Các lý thuyết hoặc niềm tin cung cấp một cái nhìn có hệ thống về thế giới giúp con người cảm thấy họ có kiểm soát và dự đoán được các tình huống, giảm bớt sự bất ổn trong đời sống.
Nhưng chỉ nếu chỉ như thế, các lý thuyết hoặc tư tưởng vẫn sẽ không đủ mạnh mẽ để lôi kéo con người vào sự cực đoan hóa. Phải có những động lực và yếu tố khác kết hợp.
Nếu chỉ với tâm lý tìm kiếm an toàn đơn thuần, đơn giản là một khía cạnh tâm lý của con người, sẽ không nhất thiết dẫn đến cực đoan, tôi cho là phải có các động lực và yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tâm lý tìm kiếm sự an toàn để trở thành sự cực đoan hoá.
Nhưng trước hết, chúng ta nên xem xét các góc nhìn của những triết gia về sự “cực đoan”. Việc làm này không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư tưởng cực đoan mà còn giúp khám phá sâu hơn các yếu tố xã hội, tâm lý, và triết học đóng vai trò trong việc hình thành và duy trì các xu hướng cực đoan trong con người, cũng như một phần làm rõ câu trả lời cho câu hỏi “cực đoan là gì?” – một câu hỏi mà tôi nghĩ là quan trọng trong các tranh luận về các chủ nghĩa cực đoan.

Phần 1: Các triết gia lớn nhìn nhận cực đoan là như thế nào.

A. Các triết gia phương Tây từ thời cổ đại.

Triết gia Hy Lạp, Aristotle đã đặt ra khái niệm “golden mean” – tạm dịch là sự trung dung, trong tác phẩm “Nicomachean Ethics”.
Ông cho rằng đạo đức nằm ở việc tìm kiếm con đường trung dung giữa hai cực đoan.
Ví dụ, lòng can đảm là một đức tính nằm giữa sự hèn nhát (quá ít can đảm) và sự liều lĩnh (quá nhiều can đảm). Theo Aristotle, sự cực đoan thường là kết quả của việc mất cân bằng trong hành động và tư tưởng, và chỉ bằng cách đạt được sự trung dung, con người mới có thể sống một cuộc sống đức hạnh và hạnh phúc. Ông đã lập luận rằng đức hạnh (virtue) là một trạng thái của nhân cách liên quan đến sự lựa chọn, và đức hạnh nằm ở mức trung dung giữa hai thái cực của hành động hoặc cảm xúc. Với ông “trung dung tương đối với chúng ta,” có nghĩa là sự trung dung này không phải là một điểm cố định, mà là một phạm vi linh hoạt phụ thuộc vào hoàn cảnh và bản chất của mỗi người. Cũng theo như ví dụ trên, một người dũng cảm không phải là người không biết sợ, mà là người biết điều chỉnh nỗi sợ để hành động đúng đắn trong hoàn cảnh cần thiết.
Cũng theo ông, sự trung dung này phải là một sự thực hành trong đời sống hằng ngày. Ông cũng nêu lên một nhận thức rõ ràng là việc đưa những quyết định mang tính trung dung đó không hề dễ dàng, vì nó đòi hỏi khả năng nhận thức, phản biện, và sự khôn ngoan để xác định đâu là một quyết định đúng đắn trong mỗi tình huống cụ thể. Ông khẳng định rằng đức hạnh là một sự lựa chọn có ý thức, chứ không phải là một trạng thái tự nhiên hay bẩm sinh. Vì vậy, việc đạt được và duy trì sự trung dung đòi hỏi một quá trình rèn luyện liên tục và sự tự nhận thức.
Ông nêu bật tầm quan trọng của sự tự nhận thức ở đây bởi vì phải có nhận thức thì chúng ta mới nhận biết được chúng ta đang hướng đến các cực đoan, quá nhiều hoặc quá ít, và phải có sự tự nhận thức cũng như hành động (thực hành theo quan điểm của ông) thì con người mới có được đức hạnh, từ đó có thể hiểu, trung dung không chỉ đơn thuần là sự cân bằng giữa hai cực đoan, mà còn là sự phản ánh của lý trí và sự khôn ngoan trong hành động, làm cho nó trở thành một trong những khái niệm quan trọng nhất trong triết học đạo đức cổ điển.
Ở thời điểm này, Aristotle không trình bày một khái niệm cụ thể về “cực đoan” theo cách mà các nhà tư tưởng hiện đại, hoặc những con người hiện đại như chúng ta hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình bàn luận về đức hạnh và trung dung, ông đã ngầm định và phân tích các trạng thái cực đoan qua khái niệm về ” trung dung” (golden mean).
Vậy tóm gọn lại, với Aristotle, các cực đoan chính là những trạng thái đối lập với trung dung, nằm ở hai đầu của một phổ hành vi hoặc cảm xúc. Nghĩa những hành vi cực đoan, ở mức thái quá hay thiếu hụt, đều không thể dẫn đến một cuộc sống đức hạnh và hạnh phúc.
Ông nhấn mạnh rằng sự cực đoan, không chỉ không dẫn tới sự hạnh phúc mà còn dẫn đến các hậu quả tiêu cực trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Sử dụng lại ví dụ trên của ông, sự liều lĩnh có thể dẫn đến nguy cơ không cần thiết và dẫn tới sự hủy hoại, trong khi sự hèn nhát có thể ngăn cản một người bảo vệ điều đúng đắn.
Và ông đồng thời cũng cho rằng con người có thể rơi vào các trạng thái cực đoan do thiếu sự giáo dục đúng đắn, hoặc do không có khả năng tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình.
Như vậy, mặc dù Aristotle không có một quan niệm chi tiết về sự cực đoan như một số triết gia hiện đại, ông đã cung cấp một cơ sở lý luận mạnh mẽ để hiểu và phê phán sự cực đoan qua lý thuyết về trung dung. Sự cực đoan, trong cách hiểu của ông, là những sai lầm trong phán đoán và hành động, và việc tránh các cực đoan là điều cần thiết để sống một cuộc sống đức hạnh và viên mãn.

Trong thần thoại Hy Lạp, cũng có một câu chuyện có thể được xem như là một cách ẩn dụ cho khái niệm cực đoan, đó là Icarus và mộng tưởng chinh phục bầu trời. 
Trong câu chuyện, Icarus và cha mình là Daedalus bị giam giữ tại Mê Cung (Labyrinth)trên đảo Crete. Để trốn thoát, Daedalus chế tạo cho hai cha con đôi cánh bằng sáp và lông chim. Trước khi bay đi, ông dặn con rằng phải vô cùng thận trọng với đôi cánh này. Cả hai không được bay quá thấp vì hơi nước ở biển sẽ khiến những chiếc lông bị ướt, nhưng họ cũng không được bay quá cao, vì ánh mặt trời nóng bỏng sẽ làm sáp ong bị chảy. Tuy nhiên, Icarus bị cuốn theo niềm hứng khởi của việc được bay cao, chàng trai trẻ hào hứng đuổi theo cỗ xe ngựa của thần mặt trời Helios, cuối cùng đã bay quá gần. Sáp tan chảy, cánh của Icarus rơi ra, và anh rơi xuống biển chết đuối. Chúng ta có thể tạm hiểu câu chuyện này như là một phép ẩn dụ cho khái niệm Golden mean của Aristotle. Mặt trời và đại dương là hai cực đoan. Sự đam mê, khát vọng hay lý tưởng của con người nếu trở thành một sự ám ảnh, nó có thể dẫn tới sự thiếu suy xét, sự phản tư, để rồi bỏ qua những ranh giới tự nhiên hay ranh giới xã hội. Hành động của Icarrus còn có thể hiểu như là biểu hiện của sự kiêu ngạo, một đặc điểm thường thấy trong các tư tưởng cực đoan, nơi con người tin rằng họ có thể vượt qua các quy tắc và ranh giới tự nhiên. Sự kiêu ngạo này khiến họ tin rằng họ có thể kiểm soát mọi thứ, thậm chí cả những quy luật không thể thay đổi, Sự cực đoan, trong bối cảnh này, là việc từ chối chấp nhận giới hạn của con người và tự nhiên, dẫn đến việc theo đuổi mục tiêu một cách mù quáng. Đồng thời những yếu tố trên cũng cũng khiến con người dễ bỏ qua các cảnh báo, Daedalus đã cảnh báo Icarus không nên bay quá cao hoặc quá thấp, tượng trưng cho lời khuyên về sự cân bằng và thận trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, Icarus đã bỏ qua cảnh báo này, điều mà trong nhiều trường hợp của cực đoan, người ta thường từ chối nghe theo những lời khuyên hay các dấu hiệu cảnh báo. Điều này cũng là một đặc điểm của cực đoan, khi con người tin rằng họ biết rõ hơn và không cần lắng nghe một cách thận trọng từ người khác. Sự bỏ qua này không chỉ là sự kiêu ngạo mà còn là một biểu hiện của sự từ chối đối với sự hợp lý và cân bằng. Xét theo khía cạnh triết học, hình ảnh đôi cánh của Icarus bị tan chảy dưới sức nóng của mặt trời cũng là một phép ẩn dụ cho sự tan rã của những hệ thống hoặc tư tưởng cực đoan khi chúng không thể duy trì được trước thực tế khắc nghiệt.
Quay trở lại với các triết gia, ngoài Aristotle ra, còn những triết gia khác sau ông, cũng phát triển những khái niệm, hoặc chủ nghĩa tương tự.
Ví dụ như Epicurus với chủ nghĩa khoái lạc điều độ, ông cho rằng khoái lạc nên được theo đuổi một cách điều độ, tránh những sự thái quá dẫn đến đau khổ hoặc sự bất ổn. Sự cân bằng này có thể được xem như một dạng tránh xa cực đoan trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Hoặc các triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ như Seneca, Epictetus, và Marcus Aurelius tiếp tục thảo luận về sự điều độ và cách kiểm soát cảm xúc. Mặc dù không bàn trực tiếp về khái niệm cực đoan, họ nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt được trạng thái apatheia – trạng thái tinh thần bình thản, không bị xao động bởi cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, tức giận, đau buồn hay ham muốn. Nó đại diện cho sự làm chủ cảm xúc của mình, đạt được sự an tĩnh trong tâm hồn bất chấp những biến cố bên ngoài, dịch “apatheia” sang tiếng Việt, nên hiểu nó theo nghĩa tích cực, là sự bình tĩnh, sáng suốt và tự chủ trước những thách thức của cuộc sống.
Dẫu rằng trong bối cảnh lịch sử triết học, các triết gia cổ đại có thể đã có sự nhận thức rất rõ về các tính chất cực đoan, tuy nhiên ở thời điểm này khái niệm cực đoan vẫn chưa được đề cập một cách trực tiếp. Tuy nhiên các triết gia cổ đại phương Tây đã cung cấp cho chúng ta nền tảng lý luận để hiểu và phê phán cực đoan.
Chúng ta hãy lại bước tiếp theo dòng lịch sử của triết học phương Tây, thời kỳ cuối cổ đại, đến thời đầu thời kỳ trung cổ.
Bối cảnh lịch sử lúc này các nhà tư tưởng lớn, các triết gia chủ yếu chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Kitô giáo, và quan điểm về cực đoan thường được xem xét trong bối cảnh tôn giáo, đạo đức và triết học thần học. Ở đây tôi sẽ nói sơ lược và không đi quá sâu về góc nhìn của các triết gia này, để tập trung vào các triết gia ở thời kỳ sau. Dù rằng tôi nhận thức rất rõ các chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cũng gây ra hậu quả thảm khốc không khác gì các chủ nghĩa cực đoan chính trị. Nhưng trong khuôn khổ của phần này, tôi sẽ chỉ đưa ra góc nhìn của triết học để tập trung làm rõ câu trả lời cho câu hỏi “cực đoan là gì?”
Thánh Augustine tin rằng tội lỗi là một hình thức của sự cực đoan, khi con người lạm dụng ý chí tự do mà Thiên Chúa đã ban cho, lựa chọn những điều xấu xa thay vì những điều thiện lành. Thánh Augustine lý giải rằng mọi sự thái quá trong việc tìm kiếm khoái lạc, quyền lực, hoặc sự hiểu biết mà không dựa trên tình yêu Thiên Chúa đều dẫn đến sự tội lỗi và xa rời ân sủng. Do đó, cực đoan không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề thần học, vì nó làm tổn hại đến mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa.

Thánh Thomas Aquinas, hay đại chúng nghiên cứu thần học ở Việt Nam còn gọi là Thánh Tôma, phát triển hệ thống triết học của mình bằng cách kết hợp, hay nói đúng hơn là… hòa quyện tư tưởng của Aristotle (trong nhiều vấn đề) và giáo lý Kito giáo. Aquinas nhấn mạnh rằng đức hạnh không chỉ là vấn đề của hành vi bên ngoài mà còn là trạng thái của tâm hồn, một sự hài hòa giữa lý trí và đức tin. Vì vậy, ông cho rằng các thái cực không chỉ làm hại bản thân mà còn đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa trong việc dẫn dắt con người đến với sự cứu rỗi.
Nhưng có lẽ, theo tôi, đáng thú vị nhất là quan điểm của Thánh Bernard of Clairvaux, ông là một nhà tu khổ hạnh, tuy nhiên ông cũng chỉ ra rằng, việc thực hành khổ hạnh một cách quá mức cần thiết (excessive), rằng là những người tu hành có thể trở nên quá tập trung vào việc thực hành khổ hạnh để thể hiện sự thánh thiện của họ, từ đó dẫn đến sự tự cao và thiếu tình yêu thương thực sự đối với Thiên Chúa và đồng loại. Cụ thể, trong phần mà Bernard bàn luận về việc không nên tự mãn với các thực hành tôn giáo, ông khuyên các tu sĩ nên kiểm tra động cơ của họ và giữ cho lòng mình luôn khiêm nhường.(*)
(*) Đoạn này chỉ là một cảm hứng bộc phát vì tôi chợt nhớ tới On the Steps of Humility and Pride của Thánh Bernard, phần pride, bước thứ 5, tôi có ấn tượng bởi vì có câu trích dẫn sau: “I am not like the rest of men.” Về nguồn cụ thể tôi xin phép được bổ xung sau nếu cần thiết, và tại sao nó thú vị thì tôi xin chú thích tại đây, bởi vì ông chỉ ra đây là một trong những trạng thái của con người khi đi đến một cái gì đó cực đoan. Mà theo tôi đây là cái trạng thái chính khiến con người dễ “hùa” theo một khía cạnh cực đoan, nhất là khi về sau tôi sẽ bàn tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoặc chủ nghĩa Sô vanh – chauvinism (mục tiêu mà tôi muốn hướng tới trong xê-ri bài viết này). Đây là trạng thái cảm cảm xúc thấy bản thân mình màu là thượng đẳng hơn người khác, tốt đẹp hơn phần còn lại, đồng thời cũng như các triết gia và nhà tư tưởng khác, ông cũng đề cao sự phản tư, suy xét về động cơ hành động của mình để không dẫn tới một hành động được hiểu là cực đoan – theo cách hiểu của chúng ta thời bây giờ.
Vậy là chúng ta đã có một cái nhìn chung từ các triết gia phương Tây cổ đại về “sự cực đoan”. Ngắn gọn, dưới góc nhìn này có thể hiểu cực đoan là một sự mất cân bằng, khi các tư tưởng, hành động một cách thái quá, và bỏ qua, hoặc từ chối các yếu tố tư duy, phản biện, phản tư, cũng như các giới hạn tự nhiên, như thể chất, tự nhiên. Thực hành, theo đuổi một ý tưởng, mục tiêu một cách triệt để và bất chấp các hậu quả không lường trước được.
Các tư tưởng cực đoan, thường có những cảm xúc tâm lý kiêu căng, ngạo mạn và xem bản thân mình vượt trội. Từ đó chối từ các sự góp ý, khuyên can, hoặc phê phán từ bên ngoài.
Dẫu vậy các cảm xúc tâm lý đã nêu có đều mối quan hệ qua lại. Một người vì muốn có được cảm giác ưu việt, vượt trội mà thực hành, tham gia vào các hoạt động, ý tưởng cực đoan. Đồng thời cũng ngược lại, có những hoạt động, ý tưởng cực đoan, tạo ra cho con người cảm giác kiêu ngạo, ưu việt và thượng đẳng. Mối quan hệ tương hỗ này sinh ra hành vi đối kháng với các quan điểm, tư tưởng khác, từ đó mà những con người cực đoan sẽ không thể nào chấp nhận các quan điểm, phản biện hợp lý, có tính cân bằng hơn.

Phần 1: Các triết gia lớn nhìn nhận cực đoan là như thế nào.

B. Các triết gia phương Đông từ thời cổ đại.

(Sự sắp xếp từ Tây sang Đông không hề có bất kỳ mục đích để định hướng dòng suy nghĩ của đọc giả, đây chỉ đơn thuần bởi vì tôi không thể trình bày bài viết dưới dạng song song Đông Tây cùng một lúc. Còn tại sao lại là Tây trước thì đơn giản do tôi lựa chọn như thế)
Lưu ý: Trong bối cảnh lịch sử và văn hoá Châu Á, các nền tảng triết học và tôn giáo không phải lúc nào cũng tách biệt mà thường hòa quyện với nhau. Ví dụ, các triết lý trong Phật giáo, Ấn Độ giáo, cũng như Đạo giáo, Khổng giáo không chỉ là những hệ thống tư tưởng mà đôi khi còn là những biểu hiện tôn giáo với thực hành tâm linh và đạo đức cụ thể. Triết học trong các truyền thống này thường xuyên phản ánh và được thể hiện qua các giáo lý tôn giáo.
Tôi sẽ không lạm bàn vào định nghĩa các tư tưởng này có phải là một “khoa học” hay “tôn giáo” – tôi sẽ sử dụng từ tư tưởng để tránh gây ra cái tranh cãi không cần thiết, và chỉ xem xét góc nhìn của những tư tưởng này về sự cực đoan, xem xét các triết gia, hoặc lãnh đạo tinh thần của những tư tưởng này có nói gì về sự cực đoan không. Tuy nhiên, phải nhận thức rõ rằng, khi bàn tới triết học phương Đông, nhất là vào thời cổ đại, thì việc phân tách triết học và tôn giáo là một sự khó khăn và không cần thiết phải làm.
Theo sự nghiên cứu có hạn của tôi, có một sự thật rằng nền tảng lý luận của phương Đông, đặc biệt là Đông Á, là dựa trên các cực đoan, đen-trắng. Đó chính là thuyết Âm Dương. Thuyết này mô tả cách vận hành của vũ trụ, của vạn vật, là một lý thuyết có tính chất bao quát để lý giải cho nhiều sự kiện, giúp con người ở nhìn nhận và định hướng cho lối sống, văn hóa ở Trung Hoa cổ đại. Tôi xin được phép trình bày (một cách ngắn gọn) trước thuyết Âm Dương cho bạn đọc không biết, hoặc chưa quan tâm tới , vì thuyết âm dương có mối quan hệ sâu sắc với các tư tưởng của những nhà tư tưởng lớn mà chúng ta sẽ đề cập đến. Thế nên việc hiểu rõ, hay ít nhất là có cái nhìn để nhận biết thuyết Âm Dương là một yếu tố cần thiết.
Chúng ta sẽ bắt đầu với câu :”Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng,…”
Vô Cực, nghĩa là không có gì, “Vô” nghĩa là không có, chỉ trạng thái trống rỗng, nguyên sơ, không có gì cả, là một trạng thái cơ bản nhất của vạn vật. Đọc giả có tạm hình dung khái niệm này như là một trạng thái hư vô, không có gì, từ trạng thái này sinh ra Thái Cực, có thể tạm hiểu là cái toàn thể, chứa đựng tất cả, một trạng thái tuyết đối, vô cùng, không có gì có thể thêm vào được nữa.
(Đoạn này bạn đọc có thể tạm hình dung như cách mà thuyết bigbang diễn đạt cũng được, trước khoảnh khắc BigBang thì không có gì tồn tại, đại diện cho Vô Cực, sau khoảnh khắc BigBang sinh ra vũ trụ đại diện cho Thái Cực. Tôi đồ rằng sẽ gặp những phản biện trong cách so sánh này, tuy nhiên ngoài cách so sánh này ra thì tôi không còn cách khác). 
Bây giờ chúng ta tạm thời tới cái quan trọng và cần nhấn mạnh trong khuôn khổ bài viết này, chính là khái niệm Lưỡng Nghi và Tứ Tượng.
Lưỡng nghi chính là Âm và Dương, là các cực đoan dưới góc nhìn lý giải của người Trung Hoa cổ đại, tạo thành các cặp đối lặp nhau. Ví dụ: Ngày (dương) – Đêm (âm), Ánh sáng – bóng tối, mặt trời – mặt trăng, nổi – chìm, cao – thấp, nóng – lạnh, mùa hè – mùa đông, Nam – Nữ. Khái niệm này không giới hạn trong việc đề cập các hiện tượng tự nhiên mà còn mở rộng đến các yếu tố tinh thần, hoặc tính chất xã hội, như các cặp liều lĩnh – hèn nhát, cuồng nhiệt – kinh tởm, phung phí – keo kiệt .v..v…

Các trạng thái cực đoan này luôn bảo trì và cân đối cho nhau, đồng thời không thể tồn tại một cái này mà thiếu cái kia. Từ trạng thái phân cực theo nguyên lý nhị nguyên này, thuyết Âm Dương phát triển thêm khái niệm phức tạp hơn là Tứ Tượng, có thể giải nghĩa bằng câu “Trong âm có dương, trong dương có âm”, âm và dương liên tục vận động, cái này tăng lên, cái kia giảm đi một cách quân bình. Đây là một cách nhìn nhận rằng không có gì hoàn toàn tuyệt đối, và trong bất kỳ tình huống nào, yếu tố đối lập luôn tồn tại dưới một hình thức nào đó. Ví dụ sau cho bạn đọc dễ hiểu mà tôi cũng tránh việc lạm bàn.
Mùa hè – Mùa Đông
Mùa hè (Dương): Tuy mùa hè ấm ấp và tràn đầy năng lượng, sinh khí, thì vẫn có những ngày mát mẻ, âm u, hoặc mưa (âm)
Mùa Đông(Âm): Mùa đông dù lạnh lẽo và tĩnh lặng, trong mùa đông vẫn có những ngày có nắng ấm (dương).
Hoạt động – Nghỉ ngơi:
Nghỉ ngơi (âm) – chúng ta cần cơ thể và tâm trí tĩnh lặng (âm) khi nghĩ ngơi, nhưng trong quá trình này, cơ thể chúng ta hồi phục và chuẩn bị cho các hoạt động sau đó (dương), và tới một lúc nào đó chúng ta cảm thấy mình cơ thể bắt đầu tràn đầy năng lượng trở lại thì không cần phải tiếp tục nghỉ ngơi.
Hoạt động (dương) – Khi cơ thể chúng ta vận động tới một lúc nào đó thì sẽ không còn sức lực để có thể hoạt động tiếp nữa, và lúc đó cần phải nghĩ ngơi (âm)
Vậy thì như trên tôi đã trình bày sơ lược về các cực đoan có thể hiểu trong hệ thống triết lý phương Đông một cách cơ bản nhất.
Các nhà tư tưởng lớn quen thuộc với chúng ta như Khổng Tử, Lão Tử gần như không đề cập một cách trực tiếp về khái niệm “Cực đoan” theo như cách mà chúng ta đang nhìn nhận. Dù vậy các ông vẫn đưa ra những lời khuyên và diễn ngôn ngầm định cho khái niệm “cực đoan”, giống như cách mà các triết gia phương Tây tiếp cận.
Nếu phương Tây, Aristole có “Golden Mean” thì ở phương Đông, có khái niệm “Trung Dung” (中庸 Zhōng Yóng) của Nho giáo – Khổng Tử, tức là không thiên lệch về bất kỳ cực đoan nào. Theo Nho giáo, “trung dung” là trạng thái lý tưởng của hành động và tư tưởng, nơi con người giữ sự cân bằng và tránh xa các thái cực. Tứ Thư – Trung Dung, Khổng Tử nói: “Quân tử Trung Dung; tiểu nhân phản Trung Dung” (Người quân tử giữ đạo trung dung, kẻ tiểu nhân trái đạo trung dung). Điều này ám chỉ rằng sự cực đoan, dù trong tư tưởng hay hành động, đều không được khuyến khích. Nho giáo coi trọng sự hòa hợp xã hội và đạo đức cá nhân, và để đạt được điều này, việc tránh các thái cực trong suy nghĩ và hành động là điều cần thiết. Sự cực đoan được xem như một mối đe dọa đến sự ổn định và trật tự xã hội.
Còn ở Đạo giáo – Lão Tử với khái niệm và chủ trương “Vô Vi”, có thể tạm hiểu nghĩa là hành động tự nhiên, không cưỡng cầu, không ép buộc. Ông cho rằng bất kỳ hình thức cưỡng chế hoặc hành động thái quá nào đều trái với đạo tự nhiên và sẽ gây ra sự hỗn loạn, dù rằng khái niệm “Vô Vi” của Lão Tử có thể không đồng nhất bằng khái niệm Trung Dung của Khổng Tử nếu đặt trong khuôn khổ bài viết với mục đích hiểu “cực đoan” là gì, nhưng tôi cũng xin phép thêm vào để đọc giả có thể có cái nhìn tương đối về suy nghĩ của các nhà tư tưởng lớn.
Tạm thời chúng ta có thể hiểu cách tiếp cận về các cực đoan của hai nhà tư tưởng lớn có sức ảnh hưởng tại châu Á thời cổ đại, cũng giống với các triết gia phương Tây, họ không thật sự đề cập tới khái niệm cực đoan, nhưng hầu hết đều nhận ra, ngầm định được các cực đoan này, và luôn cố gắng chỉ ra một con đường vàng, một con đường ở chính giữa, một sự cân bằng. Và đồng thời cũng nhận ra việc khó khăn để con người có thể đi đúng con đường ở giữa này. Tuy nhiên cách nhìn nhận về các cực đoan của tư tưởng phương Đông có thể mang tính chất tách bạch hơn, là hai mặt của một đồng xu, là hai cái tuyệt đối về bản chất nhưng hòa trộn và tồn tại cùng nhau, cũng như có mối tương hỗ cho nhau, mối quan hệ này vừa là tranh giành xem cái nào sẽ mạnh hơn, hiển lộ ra bên ngoài hình tướng, vừa là cũng cố cho nhau, có cái này thì phải có cái đối nghịch lại với nó, cái này tồn tại, cái đối nghịch nó sẽ tồn tại.
Nhắc đến nền triết học Châu Á chắc chắn phải nhắc tới Phật giáo. Siddhartha Gautama, một triết gia, nhà giáo dục, nhà tư tưởng vĩ đại đã từng bước đi trên mặt đất này. Ông có một quan điểm khá toàn diện về vấn đề cực đoan, và được ông thể hiện rất rõ qua các giáo lý tư tưởng căn bản, đặc biệt là trong Trung Đạo (Middle Way).
Trung Đạo là con đường tránh xa cả hai thái cực – một bên là sự khổ hạnh cực đoan và một bên là sự hưởng thụ quá độ. Ông đã dạy rằng con đường giữa, không thiên về cực đoan nào, sẽ dẫn đến sự giải thoát và giác ngộ. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của Đức Phật, khi Ông đã trải qua cả hai thái cực: từ cuộc sống xa hoa trong hoàng cung đến việc tu khổ hạnh đến mức gần như suy kiệt. Sau khi nhận ra rằng cả hai con đường này đều không dẫn đến giác ngộ, Ông chọn con đường Trung Đạo. Phật giáo muốn nhấn mạnh rằng sự cực đoan trong bất kỳ hình thức nào, dù là khổ hạnh hay hưởng thụ, đều là chướng ngại trên con đường giải thoát. Trung đạo là cách để con người tránh sự dính mắc và đạt được trạng thái an lạc và trí tuệ.
Một ví dụ nổi tiếng là câu chuyện về dây đàn. Ông đã dạy rằng nếu dây đàn quá căng thì sẽ đứt, còn nếu quá chùng thì sẽ không thể phát ra âm thanh đúng. Tương tự như cuộc sống cần phải được điều chỉnh ở mức độ vừa phải, không quá khắc nghiệt và cũng không quá buông thả.
Dù không phải là người đầu tiên và duy nhất đề cập tới khái niệm “nằm giữa hai cực đoan”, nhưng Tất-đạt-đa là có lẽ là người đầu tiên chỉ rõ các mặt của cực đoan, cũng như mối quan hệ của cực đoan đến cảm xúc, ông cũng đưa ra các lý luận sâu sắc rằng sự cực đoan thường bắt nguồn từ sự vô minh, thiếu hiểu biết. Ông đồng thời nêu lên và chứng minh được sự cực đoan thường đi kèm với sự vướng mắc, gắn bó mạnh mẽ vào các quan điểm hoặc hành động. Phật giáo của ông dạy rằng sự gắn bó này là một nguyên nhân chính của khổ đau, và chỉ bằng cách buông bỏ các thái cực, con người mới có thể đạt được sự tự do thật sự. Quan trọng hơn hết, ông hệ thống hóa được cái suy tư, lý luận của mình một cách rõ ràng, và đưa ra tính ứng dụng thực tiễn để áp dụng tư tưởng của ông vào đời sống một cách thực dụng chứ không hoàn toàn lý thuyết.

Để có thể tiếp cận khái niệm cực đoan theo đường hướng triết học và không quá bị ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ cái tinh thần của Phật giáo thì tôi khuyến khích bạn đọc nên tìm đọc Milinda Panha (Kinh Mi Tiên vấn đáp), cuộc đối thoại giữa vị đại đức Phật Giáo Nāgasena (NA-TIÊN) và vua Milinda (MI-LAN-ĐÀ), một vị vua trị vì một vương quốc Ấn-Hy Lạp.
Để tạm kết, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng ở cả hai nền triết học lớn thời kỳ cổ đại, đều chung một mục tiêu: tìm kiếm sự cân bằng và tránh những hậu quả tiêu cực mà cực đoan có thể gây ra. Triết học phương Tây nhấn mạnh vào lý trí và đạo đức cá nhân, trong khi phương Đông nhấn mạnh vào sự hòa hợp với tự nhiên và cộng đồng, mang tính chất mềm dẽo hơn. 
Đồng thời cả hai đều đồng ý rằng con người chúng ta nên có một con đường ở giữa của hai thái cực để có thể có một đức hạnh, hạnh phúc, giác ngộ, hay mở rộng ra thêm là một xã hội ổn định và cân bằng.
Cả hai nền triết học đều có cái nhìn về cực đoan như là những điểm cực mà con người nên tránh xa, và để có thể tránh xa các cực đoan đòi hỏi bản thân con người phải có sự suy tư, tư duy, một trí tuệ minh bạch tỏ tường. Việc con người có thể đi “con đường ở giữa” này cũng được thừa nhận là một việc khó khăn, cần phải được rèn luyện, học tập, thực hành một cách thường xuyên.
Cả Đông và Tây đều nói lên tính vướng mắc, cố chấp, bất chấp của tư duy con người khi sự cực đoan diễn ra bên trong họ, và điều đó có thể dẫn con người xuống cấp về mặt đạo đức, tinh thần, trở thành một con người vô minh, ngu độn, không có khả năng tiếp nhận thêm các góc nhìn hoặc tư tưởng mới.
Hy vọng trong bài viết này các bạn đọc có thể có thêm một góc nhìn rộng hơn thông qua lăng kính của các triết gia cổ đại, và bài viết này đã đủ để tạm trả lời cho câu hỏi “Cực đoan là gì?”