Đào tạo nghề ‘ì xèo’ nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp

Tháng tám 21, 2024

Đào tạo nghề ‘ì xèo’ nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp

Ngày 21.8, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức khảo sát công tác tham gia quản lý nhà nước về lao động và việc làm đối với Liên đoàn Lao động TP.HCM (LĐLĐ TP.HCM).

Đào tạo nghề nhưng ‘bí’ đầu ra

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, nhận định sau dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao nhưng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu hụt trầm trọng lao động tay nghề cao.

“BHXH, chúng tôi quản lý các đơn vị lao động nước ngoài và nhận thấy, họ sa thải nhiều người lao động trong độ tuổi từ 35 – 40 và thay thế bằng máy móc hiện đại. Vậy cần tìm cách làm thế nào để đào tạo lại nguồn lao động tay nghề cao này, giúp họ quay lại thị trường lao động”, bà Dung nói.

Theo bà Dung, hiện thiếu sự liên kết giữa đào tạo với nhu cầu việc làm thực tế.

“Các trường đại học đào tạo sau đại học rất nhiều nhưng đào tạo nghề rất ít. Tôi thấy việc hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp cho công nhân đi học việc vẫn còn nhiều bất cập, mình không biết họ nhận tiền đó rồi có đi học thật không, chất lượng đào tạo như thế nào. Tôi đề nghị, người lao động muốn nhận số tiền đó thì phải hoàn thành khóa học hoặc được cấp chứng chỉ tương ứng”, bà Dung kiến nghị.

Đào tạo nghề 'ì xèo' nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc BHXH TP.HCM phát biểu tại buổi khảo sát

PHẠM THU NGÂN

Bên cạnh đó, Phó giám đốc BHXH TP.HCM đề xuất cần thực hiện nghiêm quy định chi trả tiền lương theo tối thiểu vùng. Theo bà Dung, qua giám sát có một doanh nghiệp 10 năm chỉ trả một mức lương cho người lao động, ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Tương tự, ông Trần Phước Hùng, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Thủ Đức, cho biết hiện có khoảng 50% doanh nghiệp tiềm ẩn việc thiếu lao động làm việc, không có đơn hàng.

“Hiện 3 đơn vị là chủ doanh nghiệp, trường đào tạo nghề và người lao động chưa có tiếng nói chung, hay nói cách khác là cung cầu chưa gặp nhau. Đào tạo nghề thì ì xèo nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp. Và một lý do nữa là người lao động thích vào những doanh nghiệp có đào tạo cho họ, sau đó nhận lại làm luôn”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, các trường đào tạo nghề dạy xong nhưng không hỗ trợ đầu ra cho học viên, khiến họ không lựa chọn việc học nghề. Ông Hùng kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các trường đào tạo nghề, miễn học phí và giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề.

Về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, nhận định đây là vấn đề mà TP.HCM quan tâm. Ông Bình đặt câu hỏi, thực tế việc cung cầu giữa đào tạo nghề và đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp đã gặp nhau chưa, hay vẫn còn đang đi trên hai đường thẳng song song. Và vấn đề ông Hùng đặt ra là rất xác đáng và HĐND TP.HCM sẽ ghi nhận, tìm hướng giải quyết phù hợp.

Cần chế tài xử lý những doanh nghiệp nợ đóng BHXH

Về việc các doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động, bà Dung kể câu chuyện một tổng giám đốc làm việc tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, lương hơn 100 triệu đồng/tháng, nhưng khi ông chủ trốn mất, người này mới tìm bà Dung để giải quyết BHXH.

“Tôi hỏi kỹ thì anh này mới nói thật, trong đơn vị đó cũng còn hơn 90 người bị công ty nợ không đóng BHXH mà anh là tổng giám đốc nhưng không đóng. Anh này vì bị nợ lương 8 tháng, đụng chạm quyền lợi nên mới đến tìm tôi để giải quyết. Tôi thấy chúng ta chưa quản lý chặt chẽ ở điểm này và họ trốn mà chúng ta cũng không hề biết”, bà Dung nói.

Đào tạo nghề 'ì xèo' nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc

THÚY LIỄU

Theo bà Dung, tính đến hết ngày 31.7.2024, tại TP.HCM chỉ mới có hơn 2,86 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, khá thấp so với số lượng lao động thực tế là gần 5 triệu người.

Còn đại diện LĐLĐ Q.Bình Tân cho hay, do tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp nợ đóng hoặc chậm đóng BHXH cho người lao động. Theo vị này, việc này sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu người chủ trốn về nước thì không biết kêu ai để xử lý. Do đó, kiến nghị cần có sự giám sát chặt chẽ vấn đề này, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình cho rằng, cần có chế tài phù hợp để xử lý, ví dụ như cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ đóng BHXH, chứ không thể để họ trốn về nước thì coi như người lao động mất trắng.

Tại chương trình, các đại biểu có đặt vấn đề về nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, ông Cao Thanh Bình nhận xét, cần rà soát kỹ xem nhu cầu của công nhân hiện có muốn mua hay thuê nhà ở xã hội, hay họ cần nhà lưu trú, nhà cho thuê.

“Thực chất, người cần mua nhà ở xã hội rất ít, nhưng người cần ở nhà cho thuê, nhà lưu trú rất nhiều. Các địa phương cần thống kê xem nhu cầu mua nhà ở xã hội hiện là bao nhiêu, dự án nào đã đưa vào hoạt động và dự án nào chưa triển khai. Nhà ở xã hội nếu mua cũng phải phù hợp với địa bàn làm việc của người lao động, không thể nào mà làm việc ở Bình Tân mà đi mua nhà ở Thủ Đức”, ông Bình nói.


Bạn đang đọc Đào tạo nghề ‘ì xèo’ nhưng không đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp tại website hungday.com