Chiếc khiên 1.800 năm tuổi hé lộ thời huy hoàng của đế chế La Mã

Chiếc khiên 1.800 năm tuổi hé lộ thời huy hoàng của đế chế La Mã Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale (Mỹ)

Một tấm khiên được làm bằng gỗ và da có niên đại khoảng năm 250 sau Công nguyên là một trong số ít những hiện vật thời La Mã hoàn chỉnh từng được tìm thấy.

Chiếc khiên có hình bán trụ này nằm trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale (Mỹ), là một trong số ít hiện vật còn sót lại của những chiếc khiên chiến binh La Mã, loại khiên phổ biến từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.

Chiếc khiên chiến binh La Mã 1.800 năm tuổi
Chiếc khiên chiến binh La Mã 1.800 năm tuổi được phát hiện tại thành phố cổ Dura-Europos ở Syria. (Nguồn: Live Science).

Hiện vật được khai quật ở thành phố cổ Dura-Europos ở Syria cách đây gần một thế kỷ, và thuộc về một người lính La Mã đã hy sinh trong trận chiến.

Rất ít hiện vật về loại khiên này còn tồn tại qua hàng ngàn năm, mặc dù được biết đến nhiều qua các mô tả trong nghệ thuật và phim ảnh. Một số lớp gỗ được ép lại với nhau để tạo thành một bề mặt cao 105,5 cm, rộng 41 cm và dày khoảng 6 mm.

Mặt trước của tấm khiên được phủ bằng da, sau đó được sơn màu. Theo Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale, “những hình vẽ trang trí bằng sơn miêu tả những biểu tượng chiến thắng của người La Mã, bao gồm một con đại bàng với vòng nguyệt quế, thần Chiến thắng có cánh, và một con sư tử”.

Chiếc khiên được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1933 dưới một tòa tháp pháo đài trong cuộc khai quật ở thành phố cổ Dura-Europos. Người La Mã đã biến Dura-Europos trở thành một phần của đế chế vào năm 165 sau Công Nguyên, trở thành một trung tâm buôn bán ở phía Đông đế chế La Mã. Nhưng thành phố này đã bị bỏ hoang vào năm 256 sau Công nguyên sau khi bị binh lính của Đế chế Sasan (Iran cổ đại) tấn công.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bộ xương của 19 người lính La Mã, vũ khí, áo giáp, và chiếc khiên này, trong một đường hầm bên dưới tòa tháp pháo đài. Có khả năng những người lính này đã bị mắc kẹt và chết ngạt trong đường hầm bị sập. Một số chuyên gia thì cho rằng binh lính Sasan đã mai phục chờ lính La Mã đột phá ra. Khi lính La Mã tiến ra, lính Sasan đã sử dụng naphtha – một loại vũ khí hóa học cổ xưa – để làm họ chết ngạt.

Sau trận chiến với người Sasan, cư dân ở thành phố bỏ chạy và Dura-Europos dần bị cát sa mạc vùi lấp. Nơi này đã bị lãng quên cho đến năm 1920, khi nhà khảo cổ học người Mỹ James Henry Breasted phát hiện thành phố cổ.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *