Mình độc hại mình nhận nhưng giờ hết độc hại kiểu gì???
Tháng tám 27, 2024
Chào mọi người! Trước tiên, mình muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến các bạn vì đã để các bạn chờ đợi bài viết trước quá lâu. Nhưng do một vài lý do cá nhân, mình vẫn chưa thể hoàn thành nó như mong đợi. Thay vào đó, hôm nay mình muốn chia sẻ về một trải nghiệm đầy cảm xúc mà mình đã trải qua và những bài học mà mình rút ra từ đó.
Phải nói rằng hôm nay là một ngày không hề nhẹ nhàng, mà đúng hơn là một chuyến tàu lượn siêu tốc cảm xúc. Mình đã trải qua những khoảnh khắc của niềm vui sướng đỉnh cao, nhưng ngay sau đó lại bị kéo tụt xuống vực sâu của đau khổ. Hai trạng thái đối lập này như những đợt sóng lớn xô bờ, không ngừng cuốn mình vào một vòng xoáy cảm xúc mà dường như chẳng có điểm dừng, khiến mình cảm thấy hoàn toàn kiệt quệ. Điều này khiến mình nhận ra rằng tâm trạng của mình dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh đến mức đáng kinh ngạc. Chỉ cần một thay đổi nhỏ, cảm xúc của mình có thể lập tức biến chuyển từ hân hoan rạng rỡ sang u sầu tột độ, như thể niềm vui chưa từng tồn tại, hoặc ngược lại.
Nhưng chính những biến đổi cảm xúc chóng mặt này đã đặt ra cho mình một câu hỏi: Liệu mình có đang trở nên “độc hại” đối với bản thân và những người xung quanh khi tâm trạng của mình biến đổi một cách khó lường như vậy? Và sau một hồi tự ngẫm, mình nhận ra câu trả lời là “có”—một cách chắc chắn và không thể chối cãi (ít nhất là đối với mình).
Trong quá trình tìm hiểu, mình khám phá ra rằng có bốn kiểu gắn kết trong các mối quan hệ: An toàn, lo âu, né tránh, và lo âu-né tránh.
Đây là bốn kiểu gắn bó trong tâm lý học phát triển, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người với người, được gọi là “Attachment Styles”. Chúng mô tả cách mà con người thiết lập và duy trì các mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là trong tình yêu và tình bạn. Dưới đây là mô tả về từng kiểu gắn bó:
1. Gắn bó an toàn (Secure Attachment):
Những người có kiểu gắn bó này thường cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ và tin tưởng đối tác của mình. Họ dễ dàng thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình, đồng thời cũng sẵn sàng hỗ trợ và lắng nghe người khác. Họ có khả năng duy trì một mối quan hệ lành mạnh và ít có lo âu hay nghi ngờ về tình yêu hoặc sự cam kết của đối phương.
2. Gắn bó lo âu (Anxious Attachment):
Những người này thường cảm thấy bất an và lo lắng về mối quan hệ của mình. Họ thường sợ mất đi tình cảm từ đối phương và có xu hướng trở nên phụ thuộc hoặc đòi hỏi. Họ cần sự xác nhận liên tục về tình yêu và sự cam kết từ người kia và thường lo sợ bị bỏ rơi hoặc không được yêu thương đủ.
3. Gắn bó né tránh (Avoidant Attachment):
Người có kiểu gắn bó này thường cố gắng giữ khoảng cách trong các mối quan hệ và có xu hướng tránh sự gần gũi hoặc cam kết. Họ có thể sợ bị tổn thương hoặc mất quyền kiểm soát, nên họ giữ khoảng cách với đối phương và không dễ dàng thể hiện cảm xúc hoặc nhu cầu của mình.
4. Gắn bó lo âu – né tránh (Anxious-Avoidant Attachment hay còn gọi là Fearful-Avoidant):
Đây là một kiểu gắn bó phức tạp hơn, kết hợp cả lo âu và né tránh. Những người này thường cảm thấy muốn gần gũi và yêu thương, nhưng đồng thời lại sợ bị tổn thương nên họ thường giữ khoảng cách. Họ có thể cảm thấy mâu thuẫn nội tâm, muốn được yêu thương nhưng lại sợ sự gần gũi và dễ rơi vào những mối quan hệ không ổn định.
Các kiểu gắn bó này thường được hình thành từ thời thơ ấu và có thể ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta tương tác trong các mối quan hệ khi trưởng thành.
Mình tự thấy mình thuộc kiểu lo âu, và điều này đã khiến mình phải dừng lại và suy ngẫm về bản thân. Lo âu thường đi kèm với cảm giác bất an, thiếu tự tin và sự phụ thuộc vào người khác để tìm kiếm sự khẳng định. Nó là một vòng xoáy tự tạo, vừa làm tổn thương bản thân vừa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Nhận thức này khiến mình cảm thấy cần thiết phải thay đổi, để không chỉ trở nên tốt hơn cho bản thân, mà còn không làm tổn thương những người mình yêu quý.
Thực tế, chúng ta thường có xu hướng né tránh những sai lầm của mình, cố gắng trốn chạy khỏi những vấn đề mà bản thân không muốn đối diện. Mình cũng đã từng như vậy. Khi một mối quan hệ đổ vỡ, mình tự bào chữa rằng nguyên nhân là do sự không hợp nhau, rằng mình không cần phải thay đổi vì bất kỳ ai. Nhưng càng suy ngẫm, mình càng nhận ra rằng, dù đúng là không nên thay đổi bản thân chỉ vì người khác, việc dám đối diện với chính mình, tự nhìn nhận lại và điều chỉnh là một hành động vô cùng đáng giá. Mình không muốn trở thành người gây tổn thương trong bất kỳ mối quan hệ nào, và để làm được điều đó, mình phải học cách kiểm soát những lo âu vô lý, không để chúng chi phối và làm mờ đi cá tính riêng biệt của mình.
Gia đình mình có lẽ thực sự là một mảnh ghép quan trọng trong điều này. Mẹ mình, với một tuổi thơ đầy giông bão, đã phải đối mặt với những tổn thương không chỉ về thể chất mà còn tinh thần. Bố mình cũng chẳng khá khẩm hơn. Khi mình còn đang hồn nhiên cười khúc khích trước những trò nghịch ngợm của Nobita trong phim Doraemon, bố đã phải lặn lội đi bộ ít nhất 4 cây số mỗi ngày chỉ để bán vài bó rau ở chợ. Họ đã lớn lên trong những hoàn cảnh đầy chông gai, nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng thay đổi cuộc đời.
Có lẽ chính những tháng ngày khốn khó ấy đã tạo nên nỗi lo sợ thường trực trong họ, lo sợ rằng mình cũng sẽ phải chịu đựng những gì họ từng trải qua. Điều đó khiến họ trở nên nghiêm khắc, đôi khi cố gắng kiểm soát mình đến mức khiến mình cảm giác như đang bị mắc kẹt trong một cái hộp vô hình. Mình không nói rằng họ “toxic,” mà thật ra có lẽ họ đang vật lộn với những bóng ma lo âu từ quá khứ, và vô tình đã truyền lại cho mình ít nhiều cảm giác ấy. Bạn biết đấy sống trong một “vòng tay lo lắng” như vậy có lẽ cũng giống như việc đeo một cái áo mưa khi trời không mưa, bạn cảm thấy an toàn, nhưng cũng chẳng thoải mái chút nào! kết hợp với một tuổi thơ không mấy vui vẻ của mình nữa, thành ra thành “combo hủy diệt.” nữa :)).
Người ta thường khuyên rằng tốt nhất là nên tránh xa những người độc hại và học cách nhận diện họ để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, mình lại cho rằng, thay vì né tránh chúng ta nên thử đối thoại nghiêm túc với họ. Có thể, trong cuộc trò chuyện đó, họ sẽ không ngay lập tức lắng nghe hoặc thay đổi, thậm chí có thể phản ứng một cách tiêu cực. Nhưng đôi khi, chính sự chân thành và kiên nhẫn của chúng ta lại là chìa khóa mở ra cánh cửa nhận thức của họ, dẫn dắt họ đến với sự cải thiện, dù cho điều đó có thể diễn ra âm thầm, chậm rãi. Giống như mình đang cố gắng từng bước để thay đổi bản thân, mình tin rằng sự thay đổi ở người khác cũng cần thời gian và cơ hội để nảy mầm. Dĩ nhiên, không phải mọi tình huống đều như vậy, và không phải ai cũng sẵn sàng để đón nhận sự thay đổi. Nhưng trước khi quyết định từ bỏ, ít nhất chúng ta cũng nên thử trao cho họ một cơ hội – và cũng là trao cho chính mình một cơ hội để hiểu họ sâu hơn. Tất nhiên mình không dại gì từ bỏ cơ hội này.
Vậy phải làm sao để tận dụng nó đây? Mình đã mất ngủ cả đêm vì cái chuyện này, giờ thì mệt như cái xác chết, nhưng vẫn phải lết ra đây làm cho xong. Làm xong rồi, mình sẽ lao vào giấc ngủ như một người hùng chiến thắng cuộc chiến với chiếc gối! ( buồn ngủ quá trời :<)
Hiện tại mình không biết mình đang có cơ hội không, nhưng đây là kế hoạch của mình nếu có thể cứu vãn được tình hình.
1. Chuẩn bị trước cuộc trò chuyện: Xác định rõ mục tiêu của mình trong cuộc đối thoại. Mình muốn giải quyết vấn đề gì? Mình có mong đợi điều gì từ cuộc trò chuyện này? Tốt nhất mình nên lập thêm kế hoạch phần này nữa
2. Chọn thời điểm và cách thức thích hợp: Lựa chọn thời điểm và phương thức giao tiếp khi cả hai bên đều cảm thấy thoải mái. Điều này có thể làm cho cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn và giúp mọi người dễ tiếp thu ý kiến hơn. Mối quan hệ của mình hiện giờ rất căng thẳng nên mình sẽ để một khoản thời gian nói chuyện sau.
3. Lắng nghe chủ động: Trong cuộc trò chuyện, hãy lắng nghe cẩn thận và thể hiện sự tôn trọng đối với quan điểm của người khác. Cái này mình yếu nhất nên mình cũng cần cải thiện gấp.
4. Diễn đạt rõ ràng và nhẹ nhàng: Trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng, cụ thể nhưng vẫn nhẹ nhàng và không gây phòng thủ. Sử dụng các ví dụ cụ thể và cảm xúc chân thành để làm nổi bật vấn đề. Mà mình lỡ làm sai phần này rồi hihi ;))
5. Kiên nhẫn và linh hoạt: hiểu rằng thay đổi là quá trình và có thể cần thời gian. Duy trì sự kiên nhẫn và linh hoạt trong cách tiếp cận của mình, mình đoán thế :)) đồng thời sẵn sàng điều chỉnh khi cần.
Oki kế hoạch sơ lượt là vậy, cái này có lẽ mình sẽ mất ba ngày chuẩn bị chi tiết hơn, sơ lượt vậy thôi buồn ngủ quá aaaa, ngủ rồi tính sau.
Bye =))
An Nhiên
Nhật kí: 26+27/8/2024