Tại sao Thuỵ Sĩ hợp pháp hoá trợ tử (còn Việt Nam thì không)?
Tháng tám 27, 2024
Disclaimer: Trợ tử vẫn còn là một khái niệm xa lạ tại Việt Nam. Kể cả khi nói về cái chết hay trợ tử, chủ đề này thường dẫn đến những cuộc tranh luận mang tính cảm xúc cao thay vì lý trí logic. Vì thế hy vọng bài viết này sẽ mang đến các bạn những lập luận sắc bén và đa chiều hơn, dẫu rằng bài viết của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót.
Bạn có biết chiếc hộp màu xanh này là gì không?
Trông có vẻ giống như một buồng làm trắng da ở thẩm mỹ viện, hay một phi thuyền trên tàu vũ trụ trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng thực chất, đây là cỗ máy được thiết kế để kết thúc sinh mạng con người một cách hợp pháp – hộp trợ tử Sarco của Thuỵ Sĩ. Người muốn tự sát chỉ cần bước vào trong chiếc hộp và nhấn nút, bên trong sẽ suy giảm lượng oxy, phun ra khí nitơ và đưa người dùng vào giấc ngủ vĩnh hằng chỉ trong vòng 30s.
Có thể bạn đang tự hỏi: Tại sao lại có một thiết bị sinh ra chỉ để hỗ trợ con người tự sát? Và tại sao điều nghe có vẻ phi lý này lại hợp pháp ở Thuỵ Sĩ?
Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần tìm hiểu về trợ tử – quyền được chết của những người mắc bệnh nan y. Đây là chủ đề gây tranh cãi khắp toàn cầu bởi tính đạo đức y học của nó. Trong khi hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, cấm hoàn toàn hành vi này và coi đó là tội ác giết người, thì ở Thụy Sĩ, trợ tử không những được hợp pháp hóa mà còn trở thành một “dịch vụ” nổi tiếng, sinh ra cả một thuật ngữ riêng: Du lịch trợ tử. Điều gì khiến quan điểm của hai nước khác biệt đến vậy? Hãy cùng phân tích các nền tảng lập luận ủng hộ hay phản đối hành động trợ tử trong bài viết này nhé!
2. Trợ tử là gì và quy trình thực hiện trợ tử
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trợ tử hay còn gọi là tự tử được trợ giúp, là hành động giúp đỡ một người tự kết liễu cuộc đời của mình. Việc trợ tử thường được thực hiện bởi các chuyên gia y tế và thường được áp dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y đang phải chịu đựng đau đớn tột cùng không thể chữa khỏi.
Với những bạn đang thắc mắc: “Vậy người già không mắc bệnh nan y nhưng muốn ra đi sớm thì có quyền trợ tử không?”, thì ở một số nước như Hà Lan, Bỉ, người già có thể được xem xét với những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, việc một người có được chết bằng trợ tử không nằm ở vấn đề tuổi tác mà phụ thuộc vào khả năng sức khoẻ, năng lực pháp lý của người bệnh. Tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể về quy trình trợ tử nghiêm ngặt ở Thuỵ Sĩ để các bạn dễ dàng hình dung hơn.
Thứ nhất, về những điều kiện cần phải đáp ứng nếu muốn trợ tử, bao gồm:
(1) Đầy đủ năng lực pháp lý, có khả năng hiểu và nhận thức được hậu quả từ quyết định của mình
(2) Mắc các bệnh nan y hoặc suy giảm chức năng nghiêm trọng không thể hồi phục
(3) Quyết định phải hoàn toàn tự nguyện, không chịu áp lực từ bên thứ ba
(4) Đã thử các phương pháp điều trị giảm nhẹ khác
(5) Có sự xác nhận thoả mãn điều kiện của ít nhất hai bác sĩ trở lên. Đây chỉ là những điều kiện tiêu biểu, nếu bạn tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy còn rất nhiều những tiêu chí khác nữa.
Sau khi đã thoả mãn những yêu cầu trên, bạn còn phải trải qua các bước quy trình đánh giá khắt khe như:
(1) Thẩm định tổng quan, chứng minh tình trạng bệnh lý
(2) Thẩm định chi tiết, từ sức khoẻ thể chất tới năng lực pháp lý
(3) Người bệnh phải chờ từ vài tuần đến vài tháng để chắc chắn rằng đây không phải là một quyết định vội vàng
(4) Sau đó, nếu người bệnh vẫn kiên quyết thì sẽ gặp gỡ với bác sĩ/đại diện của tổ chức để xác nhận
(5) Nếu tất cả các điều kiện và quy trình được thoả mãn, dịch vụ hỗ trợ tự tử sẽ tiến hành. Người bệnh phải tự tay mình thực hiện hành động trợ tử, ví dụ như đưa ống thuốc độc để bơm vào mạch máu thì họ sẽ phải là người bấm nút bơm, hoặc uống thuốc độc thì sẽ tự lấy thuốc uống.
3. Tranh cãi về trợ tử để trả lời câu hỏi: Thế nào mới là sống?
Trợ tử gây tranh cãi gay gắt vì bản chất của hành động này được coi là giết người, tước đi cơ hội được sống của một cá thể. Thế nhưng điều quan trọng cần bàn ở đây, đóng vai trò là nền tảng cho việc ủng hộ hay phản đối trợ tử, nằm ở việc bạn định nghĩa như thế nào mới là sống?
Có người cho rằng, sống không phải chỉ dừng ở việc bạn có khả năng hít thở, sinh hoạt ăn ngủ bài tiết qua ngày. Sống với họ, là một hành trình tìm kiếm mọi tiềm năng có thể của bản thân và tìm cách phát huy, sống trọn vẹn với khả năng ấy. Đó là đặc quyền của việc làm người và là sự khác biệt giữa loài động vật khi chỉ tìm cách sinh tồn và sinh sản.
Đây cũng là định nghĩa của phần lớn người theo trường phái ủng hộ việc trợ tử. Với họ, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn việc kéo dài sự sống một cách vô nghĩa và đau đớn.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối cho rằng mọi sinh mạng đều quý giá và không ai có quyền kết thúc nó, kể cả chính bản thân người đó. Nếu bạn vẫn còn thức dậy, nhận thức về thế giới và bản thân tức là bạn đang sống. Mạng sống con người do tạo hóa ban tặng thông qua cha mẹ, nếu không phạm tội tử hình thì chỉ có tạo hóa được quyền lấy đi sinh mạng con người chứ không phải bản thân hay bất kỳ một ai khác.
Sự khác biệt trong định nghĩa “sống” tạo nên nền tảng quyết định cho hai luồng tư tưởng đối lập về trợ tử. Việc tranh cãi khi nào cuộc sống không còn “đáng sống” để được trợ tử sẽ vẫn luôn là nút thắt khó tháo gỡ cho hai luồng tư tưởng này.
Vậy Thuỵ Sĩ và những nước ủng hộ trợ tử, họ có những lập luận như thế nào về vấn đề này?
4. Những lập luận ủng hộ trợ tử: Quan điểm tiên tiến từ Thuỵ sĩ và những quốc gia tiên phong
Chúng ta hãy cùng cân nhắc 3 lập luận chính dưới đây.
Lý do ủng hộ đầu tiên: Trợ tử cần phải được hợp pháp hoá, vì việc buộc người bệnh chịu đựng đau đớn trong bất lực chỉ để chờ đợi cái chết là một hành động phi nhân đạo.
4.1. Chịu đựng đau đớn trong bất lực chỉ để chờ chết là một hành động phi nhân đạo
Con người là loài động vật có sức mạnh phi thường, với khả năng sẵn sàng đấu tranh với bất cứ sự đau đớn nào để đạt được đến mục tiêu của mình. Ở Việt Nam, chúng ta có thể nhìn thấy ở những tù binh chiến tranh với khả năng chịu đựng sự đàn áp phi thường. Thậm chí, họ còn tìm cách vượt ngục chỉ bằng một chiếc thìa để đổi lấy tự do và tiếp tục đấu tranh cho đất nước. Hay trường hợp của tác giả Viktor E Frankl nổi tiếng trong cuốn sách “Đi tìm lẽ sống”, ông đã tìm mọi cách sinh tồn trước nghịch cảnh trong trại tập trung khắc nghiệt nhất của Đức Quốc Xã.
Sự đau đớn tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính niềm tin và khát khao của con người mới khoác lên cho chúng một sứ mệnh. Vậy ý nghĩa sau tất thảy việc tranh đấu trong đau đớn của người bệnh nan y là gì, khi thứ đón chờ họ là cái chết?
Nỗi đau thể xác do bệnh tật gây ra, dù khủng khiếp đến đâu, cũng có thể không sánh được với nỗi đau tinh thần khi biết rằng mình sắp chết mà không thể làm gì khác để thay đổi. Đau đớn về thể xác có thể dùng được thuốc giảm đau, nhưng nỗi thống khổ trong tinh thần thì không có cách nào xoa dịu được.
Vậy khi người bệnh chịu đau khổ dằn vặt đến mức không thể chịu đựng được, mà không được chấp nhận quyền được chết thì họ sẽ làm gì? Họ sẽ cố gắng tự kết liễu mình. Và đây cũng là lập luận tiếp theo của phe ủng hộ trợ tử:
4.2. Ngăn chặn người bệnh phải tìm đến tự sát, giảm tỷ lệ tự tử
Trong rất nhiều trường hợp, lời xin chết của một người thực chất là lời kêu cứu mong muốn được giải thoát trong tuyệt vọng. Khi lời kêu cứu ấy không được đáp ứng, họ sẽ có xu hướng tìm cách tự kết thúc cuộc đời của mình trong đau đớn.
Hãy để những con số nói lên vấn nạn này: 700.000 người trên toàn thế giới chết do self-harm mỗi năm, số lượng người cố gắng tự tử cao gấp 10 – 50 lần số lượng tử vong do tự tử được ghi nhận chính thức, 7 triệu người trên toàn thế giới đã cố gắng tự tử, và 6,3 triệu trong số họ phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ việc tự tử bất thành. (Theo báo cáo “Suicide Attempt Prevention” của tổ chức Dignitas Thuỵ Sĩ)
Nếu những con số vẫn chưa đủ để minh chứng nếu quyền được chết không được công nhận, người bệnh sẽ chỉ còn cách duy nhất là tự sát. Hãy cùng nhìn vào trường hợp sau của cô Michelle.
Michelle mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, cô không thể tự đi lại hay sinh hoạt bình thường mà luôn cần có người trợ giúp 24/7. Căn bệnh khiến Michelle luôn cảm thấy khó thở, không thể giao tiếp bằng một câu hoàn chỉnh. Khi chồng cô – Chris phát hiện Michelle đã cố gắng kết liễu cuộc đời mình bằng cách uống thuốc quá liều tại nhà, cô vẫn còn thở yếu ớt. Trong lúc gọi cấp cứu, Chris đã thấy tờ ghi chú của cô với lời nhắn: “Em không muốn được cứu”. Michelle đã qua đời vài ngày sau đó, đúng với mong nguyện của mình.
Ở Thụy Sĩ và các nước đã hợp pháp hóa trợ tử như Hà Lan, Bỉ, họ có cơ sở để tin rằng quyền được chết là một quyền đúng đắn. Không chỉ trao quyền lựa chọn kết thúc cuộc sống cho người bệnh nan y một cách nhân đạo, trợ tử còn tạo cơ hội cho các chuyên gia y tế can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho những bệnh nhân có ý định tự tử, từ đó giúp giảm tỷ lệ tự tử tổng thể trong xã hội.
Trong khi hai luận điểm đầu tiên chủ yếu dựa vào cảm xúc và trải nghiệm cá nhân, thì luận điểm cuối cùng có thể sẽ thuyết phục được những người hoài nghi nhất về khái niệm này khi có tiếng nói của pháp luật.
4.3. Quyền được chết có giá trị pháp lý tương đương với quyền được sống
Nếu như quyền được sống được công nhận để bảo vệ cá nhân khỏi việc bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện, thì quyền được chết sẽ bảo vệ quyền tự chủ của cá nhân trong việc quyết định khi nào, và bằng cách nào họ muốn kết thúc cuộc đời mình. Quyền được sống và quyền được chết được xem như hai mặt của một đồng xu, đều bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản: Tôn trọng phẩm giá và sự tự do cá nhân của mỗi con người.
Những người ủng hộ trợ tử tin rằng họ có quyền tối cao đối với cơ thể và cuộc sống của mình. Họ cho rằng mình không phải là tài sản của nhà nước để xin phép được kết thúc cuộc sống, do đó nhà nước và chính phủ không được phép lựa chọn hay cấm đoán công dân làm gì với cơ thể của họ. Vai trò của nhà nước nên chỉ giới hạn ở việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, không phải áp đưa ra quyết định cấm đoán.
Ở Thụy Sĩ, quyền trợ tự hay quyền được chết đã được Toà án Tối cao Liên Bảng Thuỵ Sĩ công nhận vào ngày 3 tháng 11 năm 2006. Sau đó, Toà án Nhân quyền Châu Âu đã xác nhận trong phán quyết 31322/07 vào ngày 20 tháng 01 năm 2011 như sau:
“Theo thẩm quyền này, Tòa án nhận thấy rằng quyền của một cá nhân quyết định cách thức và thời điểm kết thúc cuộc đời của mình, với điều kiện cá nhân đó có khả năng tự quyết định và thực hiện hành động thích hợp, là một khía cạnh của quyền được tôn trọng đời sống riêng tư theo Điều 8 của Công ước.”
Do đó, “quyền được chết” ở Thuỵ Sĩ có giá trị pháp lý tương đương với quyền được sống vì chính phủ tin rằng cả hai đều hướng đến mục đích tốt đẹp: Giúp những bệnh nhân trong tình trạng đau đớn kéo dài, mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa được ra đi thanh thản.
Mặc dù những lập luận ủng hộ trợ tử có vẻ thuyết phục, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi. Để có cái nhìn toàn diện, ta cần phải cân nhắc cả những lập luận phản đối. Những ý kiến này không chỉ thách thức các giá trị mà các nước hợp pháp hóa trợ tử đã tin tưởng, mà còn nêu ra những hậu quả tiềm tàng của trợ tử đối với xã hội và hệ thống y tế.
5. Đằng sau quyền được chết: Những lập luận phản đối và những thách thức không ngờ của trợ tử
5.1. Không ai dám khẳng định chẩn đoán y khoa có tính tuyệt đối, vì thế rất có thể quyền được chết sẽ giết lầm một sinh mạng
Tất cả chúng ta đều biết y khoa là một ngành khoa học không chính xác tuyệt đối vì sẽ luôn có những tỉ lệ sai sót không mong muốn bất ngờ xuất hiện. Tỷ lệ này cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của từng bác sĩ, trang thiết bị kỹ thuật của từng bệnh viện. Vậy nên làm sao chúng ta có thể phán đoán chắc rằng người bệnh này đã hết cách cứu chữa?
Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, chuyên ngành ung bướu chia sẻ trên tờ báo Tuổi trẻ:
“Có một bệnh nhân ung thư gan bị vỡ được mổ, sau đó tình trạng sốc rất nặng, tưởng đâu sẽ tử vong trong vòng 24 giờ. Gia đình muốn đem bệnh nhân về chết tại nhà, nhưng vì trời đã khuya nên chúng tôi khuyên để sang ngày mai. Ngày hôm sau, bệnh nhân có sinh hiệu ổn định hơn, từ từ hồi phục. Đến nay, bệnh nhân đã sống và làm việc bình thường.
Thế đó, làm sao ta có thể đoán chắc về “quyền được chết” sẽ được thực hiện đúng người. Về mặt đạo đức của người bác sĩ, chúng tôi học y là để cứu người. Y đức luôn là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi. Giờ làm sao chúng tôi có thể can đảm làm việc kết thúc một sinh mạng?”
Dĩ nhiên, trong 1000 ca nguy kịch thì tỷ lệ hồi phục kỳ diệu như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên cũng khó để nuôi hy vọng rằng phép màu nào đó sẽ xảy ra. Nhưng chẳng phải y học cũng đã và đang mang đến điều kỳ diệu đời thực bằng những tiến bộ vượt bậc hay sao? Ví dụ như trong lĩnh vực ung thư, liệu pháp miễn dịch đã giúp kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối. Vì vậy nên ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào tương lai của y khoa mà tiếp tục cố gắng.
Hơn nữa, cần nhận ra rằng nhiệm vụ của y tế và những phát triển y khoa chưa bao giờ là giúp cho con người chết. Điều này được nhắc đến trực tiếp trong lời thề Hippocrates – “kinh thánh” của mọi bác sĩ: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ”. Vậy nên ngay cả khi không còn hy vọng, con người vẫn có quyền được chăm sóc, và y bác sĩ phải có nghĩa vụ tìm mọi cách để cứu chữa bệnh nhân giúp họ sống. Với bệnh nhân đang đối diện với cái chết, thứ họ cần không chỉ là thuốc men hay những can thiệp y khoa, mà là hơi ấm của tình người, không phải là một giải pháp gọn gàng tiện lợi cho xong vấn đề.
5.2. Cho phép trợ tử vô tình cổ suý và làm bình thường hoá vấn nạn tự sát
Giờ, hãy tưởng tượng một người hoàn toàn khoẻ mạnh, không hề mắc bệnh nan y nhưng họ vẫn lựa chọn trợ tử như một biện pháp giải quyết bế tắc cá nhân, không cần quan tâm đến nỗi đau của người thân ở lại. Hậu quả để lại cho xã hội sẽ là gì?
Trường hợp của anh Alister Hamilton, 47 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh và đang sinh sống tại Anh là một ví dụ. Alister nói với gia đình rằng sẽ dành thời gian nghỉ lễ ở Paris, nhưng thực tế lại đến Thuỵ Sĩ để trợ tử. Chỉ đến khi mẹ của Alister báo cáo con trai mình mất tích, cô ấy mới phát hiện được rằng Alister đã qua đời tại một phòng khám ở Thuỵ Sĩ.
Theo nội dung một cuốn sách có tựa đề “Suicide Assisted By Two Swiss Right-To-Die Organisations”, có tới 21% số người được Dignitas – tổ chức trợ tử tại Thuỵ Sĩ thừa nhận các bệnh nhân không mắc bệnh nan y giai đoạn cuối hoặc ngày càng trầm trọng, mà họ chỉ đơn giản là “chán sống”.
Các ví dụ trên phản ánh rõ ràng việc cho phép trợ tử có thể làm “bình thường hoá” suy nghĩ của xã hội về nạn tự sát, sử dụng nó như một lối thoát thay vì cố gắng. Vậy kết quả là điều này không những không làm giảm tỷ lệ tự sát của người bệnh như phe ủng hộ đã lập luận, mà ngược lại còn khiến tỷ lệ tự sát trong xã hội tăng lên.
5.3. Quyền được chết là một công cụ để thoái thác trách nhiệm, để lại quá nhiều hậu quả nghiêm trọng khó lường
Nếu ở bên trên, luận điểm ủng hộ cho rằng hợp pháp hoá trợ tử là thể hiện quyền tự quyết của cá nhân đối với cuộc sống của mình, được coi là quyền cơ bản của con người. Thì ở phía phản đối, họ cho rằng nhà nước có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng công dân, việc cho phép trợ tử có thể được xem là vi phạm nghĩa vụ này và mở ra các tiền lệ khó lường khác trong tương lai. Vậy nên thay vì hợp pháp hoá trợ tử như một giải pháp ngắn hạn, nhà nước nên tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống và chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh.
Chưa kể nếu đồng ý với quyền được chết, con người sẽ rất dễ lạm dụng quyền này để thoái thác trách nhiệm đối với những người mình có bổn phận nuôi dưỡng, thậm chí là trục lợi từ các khoản đầu tư như bảo hiểm, tranh giành tài sản. Vì vậy luật trợ tử chẳng khác nào là công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích, cổ suý hành vi hoặc tư tưởng bất hiếu trong xã hội.
Nhìn rộng hơn, việc thoái thác trách nhiệm không chỉ nằm ở những người thân của người bệnh mà còn có thể đến từ các bác sĩ thiếu y đức. Họ sẽ sử dụng quyền được chết dưới cái mác nhân đạo để “loại trừ” những bệnh nhân không có khả năng chi trả viện phí được chết nhanh hơn nhằm làm giảm gánh nặng về kinh tế cho nhà nước.
Hẳn nhiên một quyền được sinh ra với mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích và hạnh phúc tối đa cho tất cả mọi người. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc phân biệt tính nhân đạo và phi nhân đạo trong trợ tử rất khó khăn. Trợ tử có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khó lường đối với xã hội và gia đình người bệnh. Hơn nữa, chúng ta đâu thể chứng minh thực nghiệm rằng liệu pháp này có thực sự mang lại hạnh phúc cho người bệnh hay không?
6. Tại sao Việt Nam phản đối mạnh mẽ quyền được chết?
Sau khi nghiên cứu hai tư tưởng tranh luận trái chiều nhau như đã đề cập ở trên, tôi nhận thấy đa số dân phương Tây có chung một đặc điểm là tính thế tục hoá. Họ không ngần ngại bàn luận về những vấn đề nhạy cảm mà người Việt hay né tránh như cái chết, phá thai, trợ tử. Kể cả không đồng tình với nhau thì những lập họ đưa ra thường được dựa trên bằng chứng thực nghiệm, kết quả thực tế. Ngược lại với người Việt, hành vi và niềm tin sẽ có xu hướng cảm tính nhiều hơn, bị ảnh hưởng từ các niềm tin vô thức di truyền nhiều thế hệ.
Hãy để tôi lấy ví dụ từ câu nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” giải thích cho nhận định trên. Khi một đứa trẻ có hành động chưa chuẩn mực, tại sao hành vi của bạn lại bị đổ lỗi cho một con người vô can, không trực tiếp đưa ra quyết định, và cũng không thể chịu trách nhiệm cho quyết định đó? Tại sao lại có xu hướng đổ lỗi cho một bên thứ ba thay vì giúp cho đứa trẻ ấy nhận ra sai sót của mình, để từ đó bạn có những quyết định đúng đắn hơn cho lần sau?
Ở một góc độ khác, cụ thể là ở trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ Việt Nam thường e ngại việc chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu các bạn search từ khoá “người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ” sẽ ngay lập tức cho ra 3.280.000 kết quả. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Người nhà bệnh nhân có xu hướng đổ lỗi hoàn toàn cho bác sĩ, bỏ qua các yếu tố quan trọng khác như bệnh nền, tình trạng bệnh, hay thời gian cấp cứu.
Bác sĩ Việt Nam kể cả khi hết mình mong muốn cứu bệnh nhân thoát khỏi tay tử thần mà vẫn còn sợ bị người nhà của bệnh nhân… tăng tương tác, nói gì đến việc một tổ chức nào đó dám đứng ra cung cấp dịch vụ trợ tử?
Để hợp pháp hoá được trợ tử thì có lẽ Việt Nam sẽ còn phải vượt qua rất nhiều rào cản văn hóa, xã hội. Vì khác với người phương Tây, đề cao sự độc lập và tính tự quyết cá nhân thì người Việt Nam Á Đông như chúng ta, lại ưu tiên việc sống cho tập thể, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Kể cả khi người bệnh mong muốn được trợ tử, nhưng nếu điều đó gây ra sự đau khổ cho những người thân của họ thì người bệnh cũng sẽ chọn chịu đựng “vì con vì cháu”.
Yếu tố quan trọng nhất, chính là đạo hiếu của người Việt được đặt lên hàng đầu. Người Việt chúng ta coi việc bảo vệ và kéo dài sự sống của cha mẹ hay con cái là một nhiệm vụ thiêng liêng, coi sinh mạng của những người trong gia đình như chính sinh mệnh của mình. Vì thế, việc can thiệp để kết thúc sớm cuộc sống của người thân, dù với bất kỳ lý do gì, có thể được xem là vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn đạo đức. Kể cả khi người bệnh có thể mong muốn được trợ tử, gia đình cũng sẽ không đồng ý với quyết định này. Họ e ngại rằng việc chấp thuận trợ tử sẽ dẫn đến cảm giác day dứt và hối hận vì đã tước đi mạng sống của người thân thay vì cố gắng chăm sóc.
5. Sau cùng, tranh cãi về cái chết là để khiến việc sống giá trị hơn
Trợ tử vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi lớn trên khắp thế giới. Nhưng bước ra xa cuộc thảo luận về tính đúng – sai, tôi có thể nhìn thấy một câu hỏi quan trọng hơn cho mình: “Sống như thế nào để xứng đáng, và nên theo đuổi những giá trị nào trong đời sống hữu hạn này?”. Bởi chính những giá trị ấy sẽ định hình tôi đối diện với những thử thách cuộc đời, giúp tôi đưa ra những quyết định khi đứng trước những tình huống không mang tính trắng – đen như trợ tử.
Cuối cùng, dù quan điểm về trợ tử có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần học cách tôn trọng quyền tự quyết của mỗi cá nhân, đồng thời xây dựng một xã hội với nhiều bao dung và tình yêu để mọi người đều có cơ hội sống một cuộc đời có ý nghĩa theo cách riêng của mình.
Tài liệu tham khảo
Dignitas Suicide Attempt Prevention