Quán net và Game online, một thời say mê, một thời để nhớ
Tháng tám 28, 2024
Game online, quá nhiều kỷ niệm gắn liền với tuổi học trò của mình. Đã bao lần mày mò tải game về chơi tìm kiếm niềm vui trong quá khứ, xong lại ngậm ngùi xoá đi. Đã bao lần tìm kiếm server private của một game ruột nào đó, xong lại nhận ra nó không còn mang lại sự phấn khích hào hứng như những ngày xưa…
Mình viết bài này, chỉ giới hạn chủ đề về kỷ niệm của mình với game online trên máy tính (PC) chứ không bao gồm game mobile online. Ngoài ra, do những game mình đề cập đa phần đã xuất hiện mười mấy gần 20 năm ở Việt Nam, giờ rất khó để tìm tư liệu nên mình chủ yếu lấy ảnh từ trên mạng, mọi sự xuất hiện của cá nhân/tài khoản game nào đó đều là không cố ý nêu đích danh ai cả, rất mong mọi người thông cảm.
Game online đã từng toả sáng rực rỡ ở Việt Nam và cả trong ký ức của những thằng con trai như mình. Nhưng kinh nghiệm cho thấy việc cố tải và chơi lại game online sẽ không bao giờ mang lại được hồi ức và sự thoả mãn như xưa.
Vâng, không thể nào như xưa được.
Quán net – nơi tiếp lửa đam mê cho game thủ, nhưng cũng là nơi dập tắt sự học của nhiều cậu trai mới lớn
Thời đó để thoả mãn đam mê game online, mình đã phải trốn học, tranh thủ 1 2 chục phút trước khi về nhà để la cà quán net. Vừa chơi vừa hồi hộp lo bị phụ huynh bắt gặp. Thế nên từng giây phút được hoà mình vào thế giới ảo hồi đó, nó quý giá lắm.
Ngày đó gần trường cấp 2 của mình có 01 khu được gọi là Thánh địa của mấy thằng con trai – nằm trong sân khu tập thể có chừng hơn chục hàng net. Khỏi phải nói, lũ con trai thuộc nằm lòng các đường ngang ngõ tắt vào khu thánh địa này tới độ có bịt mắt cũng mò được tới nơi.
Mình còn nhớ, sáng đi học khi nào cũng cắp cặp ra khỏi nhà từ rõ sớm. Phụ huynh thắc mắc sao chăm chỉ thể thì trả lời tỉnh bơ “Con đi sớm phòng tắc đường, kẹt xe lại tới lớp muộn, bị trừ điểm thi đua”. Phụ huynh gật gù, chỉ dặn dò thêm mấy câu đi lại cẩn thận xe cộ phóng nhanh. Giờ ngẫm lại, có lẽ phụ huynh cũng lờ mờ biết, nhưng … cho qua. Vội vội vàng vàng ra điểm dừng xe bus (nguyên cấp 2 đi bus đi học) để tới trường, nhưng khi cách cổng trường chừng 2 chục mét là a – lê – hấp, bàn chân nhỏ bé vội rẽ vào con ngõ nhỏ dẫn tới thánh địa game online.
Bước vào quán thấy bà chủ quán đang chau mày nhìn sổ sách, mình lao vào ào ào để… chiếm máy. Chẳng hiểu sao hồi đó mỗi thằng lại có một góc máy ruột, cứ cảm giác như cứ phải ngồi đúng máy đó chơi mới phê, chơi mới thăng hoa. Hôm nào mà bị khách khác chiếm máy là bực lắm – đành phải bật máy gần đó ngồi, vừa ngồi vừa canh khách đứng lên tính tiền là ngay lập tức hô với chủ quán “Đổi cháu máy 9 sang máy 10 bác ơiiiiiiiii”.
Quán net cỏ thì vừa xấu vừa bẩn, bàn phím với chuột thì bám đầy tàn thuốc lá, thức ăn thừa, tăm, bông tai,… không biết có ai ở đây còn nhớ. Mình quen chơi quán net không có điều hoà mà chỉ có quạt treo tường, thế nên mùa hè thì nóng gọi là vã cả mồ hôi ra như tắm. Các anh lớn xung quanh có khi cởi trần trùng trục ra ngồi chơi. Giờ nghĩ lại đi làm hay ở nhà mà nóng là không chịu được, thế mà hồi đó ngày ngày chinh chiến ngoài quán nét cũng không có thấy gì bất tiện, tài thật.
Chơi được lúc thì tới giờ chuẩn bị trống trường, thế là lại nhanh chóng tính tiền tháo lui. Lên lớp mà trong đầu vẫn còn mơ màng hình ảnh về những set đồ hiếm, những skill lập loè trong game. Hết giờ về thì có hôm đánh liều ra net chơi chừng 20 phút gì đấy, kết quả là lên bus muộn và về nhà muộn hơn hẳn mọi ngày, bị phụ huynh tra hỏi và mắng cho một trận nên thân.
Đến bữa đi học thêm, cả lũ con trai trong lớp rình tới giờ giải lao là phi như bay từ lớp học thêm ra quán net. Ào ào bật máy chỉ để log acc chạy nhanh 1 2 nhiệm vụ hàng ngày, hay đơn thuần là khoe nhân vật mình sở hữu. Dù chỉ chơi được có 10 phút mà cũng cảm thấy hả hê lắm, lúc nào quán đông, không đủ máy thì những đứa chậm chân phải đứng nhìn bạn bè chơi, rồi thì đứng sau chỉ chỉ, bàn tán xôn xao. Rồi cũng tới ngày cả lũ… quên mất giờ vào học. Thế là mười mấy ông con trai cúi gằm đi vào lớp trước những tiếng cười của các bạn còn lại. Khỏi phải nói, ắt hẳn là bị thông báo về cho phụ huynh và ăn đòn nát đít.
Tới năm cấp 3, cách trường mình học chừng trăm mét đã có dãy quán net rồi, vậy nên khỏi phải nói, muốn tìm 1 thằng bạn nào đó, không gì nhanh bằng ra net (hồi đấy chưa mấy đứa có điện thoại để mà í ới gọi nhau). Được cái sau mấy năm đi net thì học sinh chúng tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong việc né phụ huynh và nhà trường :)). Đứa nào cũng đi đúng giờ về đúng giờ, chỉ có cái là hay khai khống thêm lịch học thêm, ví dụ như tuần đáng ra đi học thêm 03 buổi thì khai thành 5 6 buổi để thoả sức đi net. Lúc này thì các quán net cũng bắt đầu xịn hơn, được đầu tư hơn về gear, bàn ghế các thứ. Đa phần các quán giờ đều đã dùng phần mềm và yêu cầu khách đăng ký tài khoản nạp tiền chơi. Nhớ mãi ông anh tóc dài trông quán net ruột, suốt ngày ngồi gõ mổ cò Audition nhìn thiện nghệ luôn. Lâu lâu ông lại đứng lên thò đầu vào mắng mấy thằng học sinh chúng tôi vì tội chửi bới hoặc hò hét ầm ĩ quá. Có dạo, tất cả các phím space trong quán đều bị gỡ ra cũng chỉ vì trò Audition…
Chơi game là chính, nhưng thi thoảng cũng phải tự thưởng cho mình đồ ăn đồ uống chứ
Không quá khi nói rằng có một dạo mà mình ăn sáng triền miên ở quán net. Quanh đi quẩn lại thực đơn thì chỉ có vài món, mà sao ăn mãi không thấy chán. Có lẽ lúc đó việc quan trọng nhất là tiếp thêm năng lượng để chiến game chứ ngon hay dở nào có quan trọng. Sơ sơ về đồ ăn thì có:
– Bánh mì: rẻ, no bụng, chuẩn bị nhanh mà lại ngon lành. Bữa này bánh mì pa-tê thì bữa sau bánh mì trứng. Ấy vậy mà quán net mình hay ngồi ở gần nhà có hàng bánh mì ngon ra phết, tới giờ vẫn nhớ hương vị. Sau này khi quán net ruột của mình sập tiệm, hàng bánh mì vẫn còn tồn tại nên lâu lâu nhớ hương vị xưa vẫn mò ra mua bánh mì ăn.
– Mì tôm: rẻ, không no bụng lắm mà được cái chuẩn bị cũng nhanh. Về sau thì một số quán có kèm thêm thịt bò khô hoặc trứng, xúc xích, nhưng mình thì thi thoảng ăn chỉ ăn mì không.
– Cơm rang: mỹ vị luôn, trong số các thức ăn tại quán net thì đây là món ngon nhất (và cũng đắt nhất). Đời học sinh sinh viên không mấy khi rủng rỉnh tiền để có thể ăn món này. Lâu lâu (thường là sau Tết mới được nhận lì xì) thì mới có thể dõng dạc hô lên với chủ quán “Bác ơi gọi cháu 1 dưa bò/thập cẩm” Khỏi phải nói, ăn được suất cơm rang là bá vương luôn, chắc bụng tới tận tối. Có những khi mình đang sẵn tiền, nên hào hứng khao thằng bạn thân đi net, gọi cho nó cả nước uống và trưa thì khao cơm rang – lúc đấy nhìn cũng oách lắm chứ đùa.
Vậy, còn đồ uống thì sao nhỉ:
– Trà đá: quốc dân rồi, rẻ, mát, lại không sợ ngọt nhiều. Ngày đấy có vài nghìn/cốc trà đá, ấy vậy mà quanh quẩn một ngày ngồi net có ngày uống nhiều cũng hết 5 – 7 cốc. Chả nhớ vị có ngon hay không, chỉ biết là có cái lâu lâu đưa lên mồm tiếp năng lượng trong những ngày nắng nóng.
– Nước ngọt (Sting, C2, Coca,…); mình thì xưa nghiện món Sting, vị dâu. Uống thì mê thật, mà cũng không dám uống nhiều, một phần vì nó là nước có ga, một phần vì… đắt.
Ngẫm lại hồi đấy ăn uống thì chả ra sao, bữa đực bữa cái – ấy vậy mà cũng thấy thoả mãn. Có lẽ việc tận hưởng game nó mới quan trọng, chứ ăn uống thì không cần để ý mấy. Chính vì vậy mà lúc đấy gầy trơ trọi, không nổi 50kg.
Không gian của game, không gian của chiến hữu, bạn bè
Không biết đã ai trải nghiệm cảm giác bị gãy ghế hoặc xoè trong khi ngồi net không nhỉ. Đau thì ít mà ngượng thì nhiều. Mình cũng từng 2 3 lần làm gãy ghế, nào phải do nặng, chẳng qua là khi đang phiêu thì cứ nhún nhún hoặc xoay qua xoay lại nên mới xảy ra cơ sự. Mỗi lần như vậy, ông chủ quán lại lắc đầu “Múa cho lắm vào” còn xung quanh thì cười ồ lên.
Chà, đồng đội, có lẽ đấy là một yếu tố hút cánh con trai ra net. Nhiều đứa bạn bè nhà có máy xịn hẳn hoi, ngồi mát mẻ chơi thì không thích, cứ phải giữa trưa nắng chang chang phi hộc tốc ra mồ hôi nhễ nhại ngồi thi đấu với cái nóng mùa hè. Tất cả cũng chỉ vì một tin nhắn “Ra net mày ơi”. Khi đó mình cũng có 4 5 đứa bạn là cạ đi net. Tựa game khiến chúng mình gắn bó với nhau là D-Day, Dota 1 (02 game rồi là custom map của Warcraft 3) rồi Counter Strike, rồi Dota 2. Cứ y rằng đợt nào có thằng chuyển game, là cả lũ lập team quay sang chơi với thằng đó. Lúc thắng game, lúc vui thì quay sang cười hô hố với nhau rồi khen nhau nức nở – lúc thua game thì cũng có cáu giận, thậm chí là dỗi nhau. Những lúc đấy, mạnh thằng nào thằng đó chơi. Đứa thì đọc manga, đứa thì xem phim, đứa thì chơi game online riêng,… Sau chừng 1 tiếng, tới lúc cả lũ đã quên cái buồn cũ (tuổi teen mà dễ giận cũng dễ quên) thì lại quay sang í ới nhau “Làm trận không mày?”
Còn nhớ những ngày quán bị mất mạng, đúng là cảm giác chờ đợi trong vô vọng. Vừa dắt được cái xe lên hè là ông chủ quán ngước mắt lên “Mất mạng, có đợi không?” Thôi thì tặc lưỡi “Chắc 10 15 phút là lại có mạng ngay ấy mà”, lại hăm hở vào quán chọn máy quen thuộc. Bật được cái máy lên thì ôi thôi, đại dài cả cổ. hết vào bắn vịt lại tới bắn trứng, hết cho cá ăn lại đào vàng…. Cứ chơi được 5 – 10 phút lại alt tab ra desktop lần để xem đã có mạng chưa. Thế mà cũng có lần ngồi tới 3 tiếng đồng hồ chỉ để đợi có mạng.
Mình thì thực sự là chưa từng bị phụ huynh bắt tại trận ở quán net, vì thường tìm được những quán khá kín để chơi. Nhưng cũng không ít lần chứng kiến cảnh các game thủ bị phụ huynh bắt quả tang tại trận. Trong khi game thủ vẫn còn đang say sưa dán mắt vào màn hình, bấm chuột lia lịa, gõ phím cành cạch và chửi bới ầm ĩ thì phụ huynh đã đứng sau lưng từ lúc nào không hay. Nhẹ thì bị mắng và lôi cổ về nhà, nặng thì ăn bạt tai ngay tại chỗ, choáng váng cả đầu trong khi còn chưa hiểu câu chuyện ra sao.
Ngày nay, khi đa phần chúng ta đều sở hữu cho bản thân ít nhất 01 chiếc smartphone, thì nhu cầu xem các nội dung “giải trí người lớn” đã trở nên quá dễ dàng tiếp cận. Thế nhưng hồi smartphone chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam (do giá thành còn cao) thì có một bộ phận lựa chọn truy cập những nội dung này ở ngoài quán net. Cái này không chỉ gây mất tập trung cho những người xung quanh (tò mò mà), thậm chí còn gây phản cảm và ảnh hưởng tới việc truy cập Internet của những khách hàng khác trong cùng quán. Cứ có người nào đó xem *** hoặc tải phim *** trong quán là y rằng tốc độ mạng của quán đó bị tụt kinh khủng lắm. Thao tác nhân vật bị delay, không kết nối được server,… báo hại cho mọi người cáu tiết chửi bới ầm ĩ lên. Thế mới có chuyện khi nào cả quán dùng mạng bị giật lag quá nhiều lần, là có anh lớn nào đấy cởi trần đập bàn phím cái RUỲNH, rồi xăm xăm đi từ đầu tới cuối quán, vừa đi mắt vừa dáo dác nhìn hai hàng máy hai bên, mồm tuyên bố “*** tao tìm được thằng nào xem *** tao đập chết *** ** nó”.
Kết hảo hữu
Ông bạn béo hay chơi Dota 1 cùng mình, sau này cùng nhau chuyển sang chơi Dota 2. Cha này chơi cũng gà, được 01 cái ưu điểm là tinh thần lạc quan. Dù party cùng nhau đánh thua thông 4 5 ván liền cũng vẫn cười nhăn nhở “Chúng ta sẽ phục thù ván sau”. Nhớ đợt sinh nhật mua tặng nó skin cặp vũ khí trong game, hồi đấy chừng vài trăm nghìn, cũng là một con số đáng kể với mình. Sau thằng ra nước ngoài, thằng vẫn ở Việt Nam nên mỗi năm chỉ có thể gặp nhau qua những dòng tin nhắn, hoặc đợt nào nó về Việt Nam thì anh em mới có dịp tụ tập. Không thằng nào còn nhắc đến game từ lâu lắm rồi.
Ông bạn thứ hai gặp mình tại quán net ruột khi ông bạn mới ra Hà Nội làm việc. Hôm đấy mình ngồi chơi Dota 2 như thường lệ, bỗng thấy có một gương mặt mới trong quán. Chẳng là cắm chốt hàng ngày ở quán nên toàn người quen, cứ ông nào lạ lạ bước vào là cả lũ nhận ra ngay. Mình ngồi cách ông này mấy máy, và trnah thủ lúc nghỉ ngơi vươn vai, quay ra nhìn quanh thấy ông bạn này vẫn dang chơi Dota 1. Lúc này phần nhiều game thủ Dota 1 đã chuyển sang Dota 2, mình thấy lạ nên mới bước tới hỏi han mấy câu, chẳng là cũng có mấy năm kinh nghiệm chơi Dota 1 mà. Thế là từ hôm ấy, cứ tới quán là 2 ông lại tìm nhau để ngồi cạnh nhau vừa chơi vừa nói chuyện, ấy thế mà cũng quen nhau được hơn chục năm rồi đấy, kể cả sau khi không đi net nữa vẫn giữ liên lạc
Đứa em gặp nhau qua game online, kém mình mấy tuổi. Trước có lập party cùng nhau mấy lần, cậu ấy thấy nói chuyện với mình cũng hợp nên xin số điện thoại để “khi nào online gọi nhau cho vui”. Thế rồi dần dần mình cũng kéo cậu em về quán ruột của mình chơi cùng. Tầm 6 7 h tối, hai anh em đi học/đi làm về là lại í ới “Qua đón anh”, thế là cậu em lại sang nhà ship mình ra quán net. Rất tiếc là sau này có một số lý do nên không còn giữ liên lạc với nhau – nhưng dù sao cũng đã có mấy năm chơi cùng nhau vui vẻ và hợp cạ.
Còn rất nhiều những người bạn tới rồi đi nữa, điểm hẹn chung là quán net. Nhóm sinh viên hay rủ mình chơi custom map Warcarft 3; ông anh ngồi góc hay rủ mình bắn Left 4 Dead mỗi khi quán mất mạng; cậu em nhà bán quán ăn ngay gần đấy hay sang chơi game bắn súng và hành cả lũ bọn mình; nhóm các anh già (vì khi đó mình mới 13, 14 mà các ông đã hơn 3 chục tuổi) suốt ngày chơi Chinh Đồ online, cứ ra là bật 1 dãy cả chục máy để chạy acc clone;… dù có biết tên hay có còn giữ liên lạc hay không thì cũng đã từng là kỷ niệm của mình.
Còn đó những mặt tối, những góc khuất
Quán net gắn liền với tuổi học trò của mình và luôn lưu lại một cách vui vẻ, nhưng không phải vì thế mà không có những góc xấu xí (thậm chí là tiêu cực) mình bắt gặp trong quãng thời gian ra net. Có thể liệt kê một số như sau:
– Bùng tiền: Giai đoạn trước khi các quán net quản lý bằng phần mềm yêu cầu nạp tiền đăng ký tài khoản thì hiện tượng này không phải là hiếm. Chuyện tráo phiếu giờ chơi (dán trên case máy) hoặc rình rình chủ quán không để ý là ù té chạy mình từng thấy khá nhiều.
– Khách truy cập nội dung đồi truỵ, không phù hợp: Quá nhiều chứ không phải hiện tượng hiếm. Trước mình học cấp 2 còn có thằng bạn ra net thản nhiên bật phim *** xem, làm cho lũ con trai vừa ngại mà vừa… tò mò. Ngòai ra, thi thoảng cũng thấy mấy ông chat *** trên mạng.
– Sử dụng chất kích thích trong quán: Mình không tính Thuốc lá/Thuốc lào vào trường hợp này vì nhiều quán cũng trang bị khu vực dành cho người hút thuốc. Cái mình nói ở đây là các dạng ma tuý. Mình từng được nghe nhiều về chuyện một số thanh niên sử dụng ma tuý trong quán net. Ngày ấy chơi ở tầng 2 quán quen, mình ngồi ở phòng 1, sát cửa vào phòng 2 (phòng trong cùng). Một hôm đang mải chơi thì có một đội vào phòng 2, thấy cởi trần trùng trục. Một lúc sau thì thấy tiếng rít cũng như mùi khét cực kỳ từ trong phòng bay ra, mùi ghê tới mức độ mấy đứa bọn mình choáng váng, xây xẩm cả mặt mày và phải nhanh chóng chuyển xuống chơi ở tầng 1.
– Key logger/Hack: Bản thân mình chưa gặp tình trạng này bao giờ (có thể là do mình là game thủ nghèo, không có tiền nạp nên tài khoản không bao giờ được lên top có giá trị). Nhưng bạn mình từng bị hack mất tài khoản MU online với set trang bị cùng nhân vật ước tính có giá trị chừng 2 ~ 3 triệu VNĐ vào thời điểm học cấp 2 (lúc đó thì là một con số quá lớn với cánh học sinh)
– Đánh nhau trong quán: Có khi thì là do cay cú thua game, có khi là do hai bên đã mâu thuẫn trên mạng từ trước, nên tìm được địa chỉ quán và tới dằn mặt nhau. Tuy nhiên tình huống này thì xuất hiện không quá nhiều, chỉ là lẻ tẻ rời rạc.
– Ăn cắp: Hiện tượng này nhiều này, ăn cắp điện thoại, ví tư trang trên mặt bàn, ăn cắp xe đạp xe máy dựng trước cửa quán. Đứa bạn cùng lớp hồi cấp 2 của mình đạp xe đi học thêm, hết ca thì đạp thẳng ra hàng net, rồi mất xe đạp luôn. Thế là bị đánh cho trận no đòn. Có lần mình ngồi quán net ruột, lúc đó là sáng sớm (chừng 7h gì đấy nên quán khá vắng). Ông chủ quán thì lúi húi quét dọn bên ngoài với chuẩn bị nước nôi, trong quán có mỗi mình và 01 cặp đôi nam nữ ngồi cách mình mấy máy. Đôi này lạ mặt, nhưng mình đang mải chơi nên cũng không để ý mấy, chỉ loáng thoáng thấy họ mang theo balo và mặc áo khoác rất to. Chơi được lúc thì họ đứng lên tính tiền đi về, bẵng đi chừng 1 2 tiếng thì ông chủ quán tất tả chạy vào hỏi mình “Mày có để ý hai đứa ngồi góc này không, chúng nó ăn trộm thanh RAM của tao rồi”. Thế là mình mới ngạc nhiên “Nãy cháu thấy hai đứa 1 nam 1 nữ ngồi lúi húi trong góc mà mải chơi nên cũng không để ý lắm”. Vậy đấy, sơ sểnh ra là có ăn trộm ăn cắp ngay.
– Cứu net: Mình không hiểu biết nhiều nên không đi sâu về cái này, có lần có bạn nữ ngồi trong quán net (đầu tóc bết bát tơi tả, quần áo bốc mùi hôi rình) bị chủ quán gọi ra mắng cho trận và bắt trả tiền. Nghe ra thì là bạn nữ này đã ngồi lì ở quán được 2 ngày rồi, ăn ngủ tại quán, không chỉ dùng máy mà còn gọi thêm đồ ăn đồ uống nhưng chưa trả đồng nào. Thế nên chủ quán mất kiên nhẫn và yêu cầu bạn nữ này phải trả ít nhất số tiền dịch vụ tính tới thời điểm này đã. Nhưng bạn nữ thì cứ khăng khăng “Lát nữa có bạn cháu tới trả tiền”.
Thứ giúp cho game online từng phát triển huy hoàng tới vậy: Cộng đồng người chơi
Mình cảm nhận rằng một game online thành công được hay không, ít nhất 50% là tới từ cộng đồng game thủ. Điều này mình cảm nhận rõ rệt nhất vào thời điểm game online mới du nhập vào thị trường Việt Nam cũng như trở thành trào lưu của giới trẻ. Ai còn nhớ ngày đó game online là chủ đề bàn tán sôi nổi của các bạn trẻ ở mọi lúc mọi nơi? Ai còn nhớ một dạo các trang tin điện tử phải dành hẳn ra một chuyên mục để cập nhật những tin tức nóng hổi về tình hình game online trong nước? Ai còn nhớ những event do nhà phát hành tổ chức đã gây bão thế nào trong giới trẻ?
Mình có chơi game mobile online ở thời điểm hiện tại, tất nhiên thời gian dành cho nó không thể nhiều bằng ngày xưa chơi game online trên máy tính. Phần vì công việc cũng như gia đình chiếm phần lớn thời gian trong ngày, phần vì mình cảm thấy … game online nói chung và cộng đồng game thủ nói riêng không còn vui như ngày trước nữa.
Ngày trước, cộng đồng game thủ đoàn kết và thân thiện với người chơi mới lắm. Mình không nhớ nổi số lần được giúp đỡ khi vẫn còn là newbie của một tựa game mới, không nhớ nổi những lần được chia sẻ kinh nghiệm/thủ thuật để chơi game hiệu quả hơn từ những người đàn anh trong Guild. Thậm chí, cũng nhiều lần được sự giúp đỡ từ những tài khoản lạ hoắc, họ vô tình đi ngang qua nhân vật của mình trong game lúc mình đang bị kẹt ở 01 nhiệm vụ/con boss nào đó – họ ngay lập tức nghĩa hiệp rút đao tương trợ ngay, rồi xong việc lại lặng lẽ biến mất, để lại sự biết ơn của 01 game thủ gà. Rồi những buổi offline Guild, quy tụ nhân sĩ tới từ mọi miền Tổ quốc. Có cả những thành viên nhiệt tình bay từ hai đầu đất nước đến để gặp gỡ và chia vui với anh em, hòng được gặp những chiến hữu của mình ngoài đời thật. Xong 01 tối ăn nhậu tâm sự vui vẻ, có khi sáng hôm sau họ lại vội vã lên đường về nhà để còn lo các công việc. Những cuộc gặp chớp nhoáng ấy, vậy mà lại là chất keo gắn kết nghĩa tình huynh đệ trong thế giới ảo.
Ngày đó, kênh chat bang hội thú vị lắm. Không chỉ là nơi các Lão đại (thành viên cấp cao) đưa ra chỉ thị cho các mục tiêu hoạt động của bang hội sắp tới, mà còn là nơi tâm sự giới trẻ. Ông thì làm thơ, ông thì kể lể tình trường thất bại, ông thì kể lể chuyện làm ăn khó khăn. Nào có khác gì một gia đình thứ 2, thứ 3 đâu, vì ở đây mọi người đều ẩn danh, nên không ngại ngần gì trong việc chia sẻ tâm tư tình cảm. Có ông tán gái cũng lên hỏi xin anh em văn mẫu để nhắn tin/viết thư sao cho mùi mẫn.
Bẵng đi một thời gian, tới khi game mobile online xâm chiếm thị trường và đạt được những thành tựu lớn, mình không còn cảm thấy cộng đồng người chơi thân thiện như trước nữa. Đổ lỗi cho đồng đội, cái tôi cá nhân quá cao, xúc phạm và miệt thị đồng đội/đối thủ, hack/cheat,… quá nhiều những hành động khiến cho cộng đồng game thủ được đánh giá là Toxic, Trẻ trâu,…
Hồi đó, mấy cái event lớn của nhà phát hành game như Cuộc thi Thập đại Mỹ nhân, Đại hội Võ lâm đã trở thành cú nổ lớn trong cộng đồng game thủ bấy giờ. Cuộc thi Thập đại Mỹ nhân với Miss Audition đã chắp cánh cho nhiều hot girl đời đầu dấn thân vào showbiz và trở thành idol của giới trẻ. Đại hội Võ lâm thì trở thành sự kiện offline quy mô nhất về game được biết đến lúc bấy giờ, quy tụ hơn 40.000 người tham gia ở thời điểm đó. Mình không nghĩ rằng về sau này, các sự kiện quảng bá cho game có còn thu hút được đông đảo sự chú ý và tham gia của cộng đồng được như những ngày đầu tiên.
Title là game online mà chưa thấy mấy nội dung về game online. Thôi thì bắt đầu với tựa game online đầu tiên mình chơi và cũng là tựa game để lại nhiều kỷ niệm với mình nào: MU Online
Game online đầu tiên mà mình chơi – MU Hà Nội. Hồi đấy nghe bạn bè rủ rê nên cũng ti toe đi theo xem và mê lúc nào không hay. Hình ảnh những nhân vật thi triển bộ skill Rồng đen, Chọc gió, Ngũ tiễn,… bay vèo vèo lệp loè khắp màn hình; hình ảnh những nhân vật diện những set đồ lấp lánh và đeo cánh trên vai đã in sâu vào tâm trí một đứa trẻ non nớt.
Kể từ đó, trong đầu không khi nào không nghĩ tới Mu Online. Vùng biển Atlans thần bí, vùng trời Icarus với sắc tím thơ mộng, đất Noria đẹp như cổ tích với những Goblin miệt mài vận hành máy ép trang bị, Stadium/Arena tiền rơi thành đống, xứ tuyết Devias với những cỗ xe trượt tuyết, tháp Lost Tower với khung cảnh địa ngục rên xiết,… những địa danh này, trong mơ mình cũng mơ thấy.
Hồi đấy lũ trẻ con hàng xóm nhà mình có mấy anh em trạc tuổi nhau, và đều mê MU Online như điếu đổ. Cứ tối tối, chừng ăn cơm xong là cả lũ hú nhau ra sân khu dân cư chơi và tụ tập chém gió, bàn tán về MU Online. Ái chà, hồi đấy xôm phải biết. Ông nào cũng khoe là mình có 1 char (nhân vật) cực mạnh, ông nào cũng khoe mình có 01 char đang đứng top server. Rồi thì cãi nhau om xòm xem lối trang bị, cộng điểm nhân vật nào cho khoẻ. Thế rồi gạ kèo solo, thể rồi gạ trao đổi trang bị. Thế mà mình cũng loanh quanh với MU Online được gần chục năm mới bỏ hẳn.
Ngày đấy MU xứ mình chơi phần nhiều là MU lậu nên đội admin cũng chỉ mở ra hòng vơ vét 01 khoản rồi bỏ không server cho sập. Có cả MU Trung Quốc, toàn chữ tượng hình đọc không hiểu gì mà vẫn thấy các bố chơi ầm ầm ngoài quán net. Về sau FPT có mua MU chính chủ từ WebZen về Việt Nam vận hành, nhưng do là bản gốc nên chơi rất khó, cũng như do thói quen chơi nhanh chóng chơi không cần suy nghĩ nhiều nên MU của FPT cũng không thọ được quá lâu. Ngày đấy lũ bạn còn chế bài hát Kiếp đỏ đen thành “Một MU Trung Quốc, kiếm rồng bay khắp nơi, mình anh đi đông đi tây nhặt kiếm…”
Đợt Tết năm xưa rủng rỉnh tiền lì xì, đúng lúc quen đứa bạn trong MU Trống Đồng. Nó bảo là bạn của admin nên có bán item xịn, muốn mua thì mua thẻ cào điện thoại ném sang đây, nó bán cho. Nghĩ thế nào cũng mua gần triệu tiền thẻ điện thoại, cào rồi nạp sang cho nó. Thế rồi nó đòi ID với Pass của mình để vào chuyển đồ. Mua được đôi cánh với set trang bị, vũ khí xịn xong cảm giác vương bá lắm, đánh quái với đi PK (giao đấu với người chơi khác) cảm giác tự tin hẳn. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, mới hí hửng được chừng 02 tuần thì có hôm log acc tự nhiên thấy trang bị trong game không cánh mà bay. Tức tốc ping thằng bán đồ, hỏi nó “Đồ tao đâu?” thì nó trả lời tỉnh bơ “Tao kẹt tiền, mượn tạm đồ mày bán, mấy bữa có tao trả”. Thất vọng và cũng nhận được bài học đầu đời về tin người lạ trên Internet, mình nghỉ MU Online.
Sau này cũng một đôi lần tải lại MU lậu hoặc MU Mobile chơi, nhưng cũng chỉ được chừng nửa buổi là chán và xoá game.
Võ lâm truyền kỳ, tựa game đông người chơi nhất nhưng mình lại chưa từng gắn bó
Võ lâm truyền kỳ – một cái tên có thể nói là huyền thoại. Dù không chính thức là nhân sĩ trong thế giới võ lâm truyền kỳ nhưng mình cũng đã từng sống trong những tháng ngày tựa game này tung hoành ở các quán net nên cũng nhớ mang máng về độ hot khủng khiếp của nó.
Mấy đứa bạn học cùng lớp cấp 2 cứ mở mồm ra là Tống Kim, là Ba Lăng, là Trường Giang là Châu Giang. Nghe chúng so kè với nhau Phi long tại thiên rồi Bách độc xuyên tâm, Cập phong chân vũ kiếm với Đồng cừu kháng long,… cũng làm mình thấy tò mò. Tuy nhiên rào cản lớn nhất với mình khi đó là việc Vinagame quyết định thu phí giờ chơi. Thật sự học sinh bọn mình lúc đó, không phải đứa nào cũng dư dả, tiền đi net đã là cố gắng chứ còn tiền giờ chơi thì quá sức. Vậy nên cơ duyên của mình với Võ lâm truyền kỳ không tới với nhau. Mãi sau này khi Võ lâm truyền kỳ có dấu hiệu đi xuống, nhà phát hành có mở server miễn phí cũng như đưa ra một số ưu đãi. Mình cũng thử tạo tài khỏan chơi nhưng rõ ràng lúc đấy sức hút của tựa game này với mình đã không còn được như xưa, khi xung quanh có quá nhiều lựa chọn nên mình cũng chỉ bôn tẩu được vỏn vẹn… 01 ngày rồi không chơi nữa.
Ngày ấy mỗi khi ra net, 10 máy thì chắc hết 6 7 máy là đang Võ lâm truyền kỳ. Vốn dĩ văn hoá võ hiệp đã được lưu truyền sâu rộng ở Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học của Kim Dung, Cổ Long hay các bộ phim võ hiệp chuyển thể – thì nay lại càng có cơ hội được lan toả hơn nữa nhờ sự tiên phong chiếm lĩnh thị trường của Võ lâm truyền kỳ. Ngồi trong lớp nghe lũ bạn hào hứng trò chuyện về con Boss mới săn được hôm trước, về món trang bị có thuộc tính xịn mà mình cũng thấy nao nao.
Võ lâm truyền kỳ cũng nắm giữ nhiều kỷ lục về giá trị giao dịch. Những câu chuyện về các món đồ hiếm được rao bán với giá hàng trăm triệu tới nay vẫn còn trong ký ức của nhiều game thủ. Đặc biệt là với lứa học sinh như mình khi ấy, đủ tiền đi net đã là sung sướng thì việc nghe tới 01 đại gia nào đó đốt cả trăm triệu cả tỉ đồng vào game online nghe cứ như chuyện cổ tích.
Audition – nữ hoàng game online
Audition – game mà số người chơi nữ có khi còn nhiều hơn cả nam. Ở thời điểm mà game online còn được gắn với hình tượng một cậu học sinh nghịch ngợm ngồi lì ngoài quán net thì hiện tượng nữ giới đổ xô đi chơi game, thậm chí đầu tư không ít thời gian và tiền bạc vào game lại khiến mọi người cảm thấy khó hiểu. Lý do gì mà một tựa game online có thể thay đổi thói quen giải trí của cả một nhóm người trẻ?
Trong khi lũ con trai chúng mình còn đang hăm hở đọ võ công, thi triển kỹ năng hay tham gia vào những chiến trường cả trăm người hừng hực khí thế thì các bạn gái đã tìm thấy niềm vui mới – game âm nhạc Audition. Dần dần tai nghe lại trở thành vật dụng không thể thiếu ở các quán net. Thế rồi Audition như một cơn sóng thần càn quét cộng đồng game online. Ai còn nhớ mỗi khi ra quán net, đâu đấy lại nghe những tiếng gõ phím Space uỳnh uỳnh như búa bổ. Rồi thì các máy mở loa ngoài luôn phát những bản nhạc hot hit trong game. Mấy cô bạn học cùng mình hồi cấp 2 cũng bắt đầu lẽo đẽo theo bọn con trai ra quán net để “nhảy Au”. Quán net không còn là thánh địa độc tôn của riêng bọn con trai chúng mình nữa, mà giờ xuất hiện không ít bóng hồng vừa chơi vừa ngân nga hát theo giai điệu.
Audition có lẽ đã đánh vào đúng miếng bánh thị phần còn đang để ngỏ lúc bấy giờ: Game cho nữ giới và Game đề tài Âm nhạc. Sau những MU Online, TS Online, Võ lâm truyền kỳ,… và rất nhiều những game online khai thác 02 đề tài quá quen mặt: Kiếm hiệp hoặc Thần thoại. Mặc dù có thể khác nhau về bối cảnh và phong cách đồ hoạ, nhưng vẫn thường đi vào lối mòn Đánh quái -> Thu Exp (kinh nghiệm) -> Lên level -> Phân phối điểm thuộc tính và điểm kỹ năng -> Kiếm trang bị -> Giao chiến với người chơi khác… Chính vì thế, trong bối cảnh những game nhập vai cày cuốc mang những đặc trưng vũ khí phép thuật đâm chém đang nhan nhản trên thị trường, nhiều game thủ cũng dần cảm thấy chán. Sự xuất hiện của một game với đề tài mới toanh đã mang lại luồng gió mới cho cộng đồng, sự bùng nổ của Audition cũng là điều tương đối dễ hiểu.
Mình nhớ không nhầm thì rất nhiều cặp “Vk – Ck” đã tìm thấy nhau qua tựa game này, duy trì tình yêu bọ xít với nửa bên kia chưa hề biết mặt. Rồi cuối cùng có lúc ngã ngửa ra khi 2 nửa của cặp Vk – Ck đều là cánh mày râu lực lưỡng.
Nhiều sự kiện đã được tổ chức để góp phần đẩy mạnh tên tuổi của tựa game này khắp mảnh đất hình chữ S, trong số đó ấn tượng với mình nhất là Miss Audition. Giai đoạn này thị trường âm nhạc vẫn chưa phải mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ có tài năng được thể hiện (chưa có sự xuất hiện của các nền tảng stream hay đăng tải video ngắn). Không nói quá khi các hot girl bước ra từ cuộc thi Miss Audition đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tự tin hơn trong việc thể hiện tài năng và cá tính của bản thân.
Các ca khúc trong game Audition cũng trở thành Hit và nhiều bài cho tới nay vẫn in hằn trong ký ức của game thủ. Ngày ấy, các hàng băng đĩa cũng nhanh chóng chớp thời cơ bày bán các VCD ca khúc tuyển tập từ Audition phục vụ các bạn trẻ. Nhiều ca khúc như Please Tell Me Why, Aloha, Tuyết yêu thương, Vũ điệu hoang dã,… tới giờ vẫn được nhiều người ngân nga.
Phong thần – game sở hữu nhiều tính năng lần đầu tiên xuất hiện
Phong thần – tựa game mình gắn bó khá lâu, cũng nhịn ăn nhịn tiêu để nạp thẻ cày game cho bằng anh bằng em. Tận thời điểm đỉnh cao của Phong thần, mình nghĩ tựa game này cũng không thể có được vị thế như Võ lâm truyền kỳ hay Audition đã làm được ở Việt Nam, nhưng tựa game này lại duy trì được một cộng đồng bền vững, tới nay là mười mấy gần 20 năm mà tựa game vẫn giữ được lửa trong lòng người hâm mộ.
Khác với Võ lâm truyền kỳ lấy bối cảnh giang hồ võ hiệp, Phong thần online khai thác đề tài Người – Thần – Ma, được lấy tư liệu chính từ cuốn Phong thần diễn nghĩa. Vì thế trong tựa game này chỉ có đúng 03 phái là Giáp sĩ (Chiến binh) – Đạo sĩ (Pháp sư) – Dị nhân (Triệu hồi sư). Hồi đầu chơi thấy Dị nhân hay hay, lại có cánh đeo nên tạo nhân vật chơi, sau thấy nhàm quá nên chuyển sang chơi Giáp sĩ, và gắn bó với Giáp sĩ cho tới khi nghỉ game.
Ngày ấy mình chơi Phong thần vì nó… miễn phí giờ chơi, lại có phong cách đồ hoạ khá là gần gũi với tựa game đang nổi đình nổi đám bấy giờ là Võ lâm truyền kỳ. Tới lúc dấn thân vào tựa game mới thấy nó có khá nhiều tính năng thú vị:
Phong thần là game online đầu tiên mà mình chơi tìm hiểu cốt truyện, đọc kỹ từng lời thoại của NPC thay vì cứ click cho nhanh qua hội thoại. Cảm xúc lần đầu tiên ghép được 01 set trang bị full (mình nhớ là set Vũ Khúc – tầm level 40 ~ 50) thật sự khó tả. Hiệu ứng hào quang toả ra quanh nhân vật Giáp sĩ mặc set trang bị full làm mình cứ phải đi nhong nhong quanh Triều Ca (01 địa điểm chính trong game) cho xung quanh ngắm nghía lác mắt. Sư phụ của mình trong game (sau này mới biết là 01 cậu kém mình 04 tuổi) cũng đã hỗ trợ mình rất nhiều, từ hướng dẫn nhiệm vụ tới trang bị (lượm đồ sư phụ thải ra) cho nên sau khi mình chuyển sang chơi Shaiya, cặp đôi vẫn tiếp tục đồng hành với nhau.
Hiệp khách giang hồ – chơi vì mê truyện tranh
Hiệp khách giang hồ – tựa game theo ý mình là khá hay, cả về gameplay lẫn phong cách đồ hoạ chibi nhưng lại không có số lượng người quá đông đảo như MU Online hay Võ lâm truyền kỳ. Ngày trước mình mê bộ truyện tranh Hiệp khách giang hồ do ông tác giả gì người Hàn Quốc vẽ (đọc cũng ngót nghét 20 năm mà vẫn chưa end truyện, lâu thật). Thế nên khi biết tin tựa game này được phát hành ở Việt Nam, mình đã tham gia trải nghiệm ngay.
Ngày đó mình nhớ bản mình chơi còn đang khoá góc nhìn, về sau thì hình như có thể xoay góc nhìn tự do hơn để ngắm cảnh quan thì phải. Lúc đầu mình chơi hệ Đao (mê nhân vật Hàn Bảo Quân cầm Phục Ma Hoả Long Đao trong bản truyện tranh mà), mày mò xem tạp chí game rồi hỏi bạn bè cách cộng điểm kỹ năng sao cho chuẩn. Được một thời gian thì thấy hệ Kiếm đẹp quá nên lại chuyển sang chơi Kiếm.
Boom online
Boom online – tựa game có đồ hoạ rất dễ thương, dù vẫn mang trong mình yếu tố đối kháng, bom đạn nhưng lại không có máu me chết chóc gì. Có lẽ đấy là lý do mà Boom online thoát được kiểm duyệt hình ảnh khi các cơ quan chức năng mạnh tay hơn với các tựa game online cổ suý bạo lực.
Với lối chơi dễ tiếp cận và hình ảnh dễ thương, Boom online ghi điểm với đủ mọi lứa tuổi. Game thủ nữ cũng chiếm một lượng rất lớn người chơi Boom online. Mình nhớ trong Boom có rất nhiều nhân vật với chỉ số và lối chơi riêng biệt, làm góp phần gia tăng sự đa dạng giữa các trận thi đấu.
Mục tiêu chính của ván đấu cơ bản sẽ là sử dụng trái bom (vũ khí của nhân vật) để phá các chướng ngại và đặt cạm bẫy tiêu diệt đối thủ. Khi đối thủ bị tiêu diệt sẽ bị “sặc nước” (gần như trạng thái hấp hối), nếu không dùng một vật phẩm đặc biệt là Kim (có tác dụng phá bóng nước) thì sau khi bị chạm vào sẽ Game over. Có lần mình đã phì cười khi trong phòng đấu gặp 01 bạn tên là “Nhà tao bán kim”.
Gunbound, tựa game bắn súng toạ độ đầu tiên được phát hành ở Việt Nam
Tựa game bắn súng toạ độ này ra đời từ khá sớm, có thể coi là thế hệ đầu tiên luôn. Mình không còn nhớ được chính xác, nhưng hình như ngay sau khi MU Online và Võ lâm truyền kỳ về Việt Nam là tới Gunbound. Cảm nhận của mình về game là chơi khá thư giãn, do đồ hoạ phong cách hoạt hình và là thể loại bắn theo lượt nên không bị quá nhiều áp lực khi chơi.
Gunbound có hệ thống cấp bậc khá lạ khi được biểu trưng bằng các biểu tượng như Gà, Búa, Rìu,… Có lẽ từ “Gà” dùng để chỉ những người chơi mới, có kỹ năng kém là bắt đầu từ đây chăng.
Hệ thống xe chiến đấu của Gunbound cũng rất đa dạng, từ Boomer, Boomerang, Mage,… và 02 xe chỉ ra được khi chọn random là Unicorn và Dragon. Hồi đấy mà chọn random ra được Rồng hoặc Kỳ lân là phê lắm.
Gunbound có cái hay là trong thời gian lượt của bản thân, phải dựa vào những yếu tố hiện thời như địa hình (địa hình trong game sẽ thay đổi do bị vũ khí tàn phá), gió (thay đổi theo từng lượt gây ảnh hưởng tới tầm đạn bay), góc (độ cao khác nhau sẽ có những góc bắn khác nhau) và những yếu tố ngẫu nhiên như lốc xoáy có thể làm thay đổi hoàn toàn những tính toán của người chơi. Có thể nói, may mắn cũng là một yếu tố định hình lối chơi của Gunbound.
Dota 1&2 – còn đấy đam mê nhưng khó lòng theo đuổi
Dota – 01 custom map của Warcraft 3 đã được cộng đồng hâm mộ trên toàn thế giới say mê cuồng nhiệt, và mình cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Biết tới map này sau nhiều tháng ngày cày map D-Day (cũng là 01 custom map khác), được bọn bạn cùng lớp rủ rê chơi cùng. Và thế là mê tới tận bây giờ.
Game điều khiển duy nhất 01 nhân vật (trong một số trường hợp sẽ là 2, 3 hoặc nhiều hơn với các nhân vật có khả năng triệu hồi), quanh quẩn trận nào cũng như trận nào Pick tướng, Đi farm, Đi gank, Combat, Đẩy đường, Phá nhà, Mua sắm trang bị,… mà lũ con trai bọn mình say như điếu đổ. Mặc dù ngày ấy Dota 1 không có gì lưu lại thành tích, hay trang bị như các game online thông thường (cứ hết mỗi trận là reset, đánh trận tiếp theo mới hoàn toàn) nhưng game có sức hút tới kỳ lạ. Các nhà phát triển của Dota 1 cũng thường xuyên update lối chơi, hero và trang bị mới qua các phiên bản nên Dota 1 thường xuyên được làm mới, tránh sự nhàm chán.
Sức hút kỳ lạ vì mỗi trận đấu lại mang lại những tình huống, những thế trận và những cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Trong số cả trăm hero (nhân vật điều khiển được) của Dota, mỗi nhân vật lại có một lối xây dựng (cộng điểm, mua trang bị) khác nhau. Đã vậy, với mỗi thế trận lại tuỳ theo đội hình của đối thủ để lựa chọn những hero/lựa chọn lối trang bị phù hợp. Chẳng hạn như với đội hình đối thủ có sát thương phép thuật cao, thì nên sử dụng các hero có lợi thế kỹ năng kháng phép tốt/mua các trang bị kháng phép thuật.
Mình thường xuyên lựa chọn vị trí Hỗ trợ (Support) nhằm mục đích bảo vệ đồng đội chủ lực trong giai đoạn họ còn yếu (đầu game), tạo tiền đề cho thắng lợi sau này. Cho tới khi chuyển sang Dota 2 mình cũng vẫn chỉ theo role Support, có lẽ lối chơi này phù hợp với mình.
Một game Dota 1 sẽ có thể dao động khoảng 30 ~ 60 phút (con số trung bình mình ước tính, cá biệt có những game có thể kéo dài vài giờ đồng hồ). Vậy nên đã bao lần vì cố chơi thêm vài phút với niềm tin “sắp thắng rồi” mà mình về nhà muộn, bị phụ huynh xử lý. Cảm giác “gần thắng rồi anh em cố lên” với “mấy phút nữa thôi, đánh ván này cả tiếng đồng hồ không lẽ còn vài phút bỏ” rồi “mày quit game là bỏ anh em đang chiến đấu à?” nó day dứt lắm, thế nên mới bị về muộn nhiều.
Rồi cuối cùng cái gì phải đến sẽ đến, Valve (01 công ty game rất lớn) đã mua thương hiệu Dota 2 và mời những nhà phát triển có kinh nghiệm với Dota 1 sang làm việc và xây dựng Dota 2 với một nền đồ hoạ lung linh, thời thượng hơn. Mình nhớ đâu đó khoảng năm 2011 thì Dota 2 ra mắt thì phải, và khiến cộng đồng Dota 1 dậy sóng trước những hình ảnh đẹp quá đỗi (so với Dota 1 già cỗi). Thế nên, từ biệt bạn bè ở Dota 1, mình gói ghém hành trang du hành vào thế giới Dota 2.
Ấn tượng đầu tiên của mình về Dota 2 cơ bản là… đẹp, quá đẹp. Bao năm căng mắt ra nhìn những hình thù vuông vức trong custom map Dota 1, nay được nhìn những nhân vật quen thuộc khoác lên mình tấm áo mới, ai mà chẳng bồi hồi.
Về cơ bản thì cách chơi của Dota 2 so với Dota 1 không khác biệt quá nhiều (tính ở thời điểm mình mới tham gia vào Dota 2, còn tới nay thì Dota 2 sau nhiều bản cập nhật đã trở thành một game có cơ chế cực đa dạng và phức tạp). Vẫn chọn hero phù hợp đội hình, farm tài nguyên nâng cấp nhân vật, combat cùng team, phá huỷ công trình đối phương,… Thứ khác biệt lớn đáng kể trong những ngày đầu chính là đồ hoạ và giao diện của Dota 2, do được xây dựng hoàn toàn mới.
Vì yếu tố bản quyền nên nhiều hero trong Dota 2 không còn giữ lại được cái tên gắn bó từ thời Dota 1, điều tương tự xảy ra với tên trang bị và tên kỹ năng. Ví dụ Nevermore -> Shadowfiend, Rylai -> Crystal Maiden, Syllabear -> Lone Druid, Furion -> Nature Prophet,… Tuy nhiên điều này không gây ảnh hưởng mấy vì model các heroes vẫn rất gợi nhớ tới hình tượng cũ, cho nên chỉ mất thời gian ngắn làm quen là đâu lại vào đấy.
Nhiều cơ chế mới đã được thêm vào Dota 2 để giúp cho người chơi dễ tiếp cận hơn (tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì đối với cá nhân mình Dota 2 vẫn quá khó dành cho newbie so với Liên minh huyền thoại). Những cơ chế ghép trang bị được sort một cách dễ nhìn hơn, cơ chế quản lý profile theo chỉ số, hệ thống đấu tập để giúp làm quen với heroes,… Càng về sau cơ chế Dota 2 càng phình ra, tới mức độ một game thủ lâu năm như mình cũng khó mà có thể nắm bắt được game nữa.
Liên minh huyền thoại – dễ làm quen mà khó pro
Đâu đó vào khoảng năm 2013/2014 mình có tiếp xúc với Liên minh huyền thoại (xin gọi là LOL – League of Legends cho gọn). Cũng có dành nhiều thời gian cày rank (trình độ có hạn nên lần cao nhất hình như lên được rank Vàng) và tiền (nạp thẻ mua skin á, ai mà không mê skin game). Tới giờ thì quên cả tài khoản LOL rồi, bỏ game cũng khá lâu.
Cá nhân mình nghĩ LOL học hỏi khá nhiều từ Dota (cũng không gì lạ, Dota có thể được coi là người đi trước LOL trong thể loại game này, vậy nên việc các tựa game ra sau học hỏi về cơ chế cũng là dễ hiểu). Một thời gian dài rất dài, thậm chí là cả tới bây giờ vẫn có nhiều tranh cãi giữa cộng đồng người chơi của cả 2 game Dota với LOL là game nào đạo nhái game nào? Tuy nhiên với mình điều này không quan trọng, vì sau chiều dài phát triển thì hai tựa game đã có sự khác biệt đáng kể.
Để có thể đạt được vị thế như ngày hôm nay, mình tin rằng đội ngũ phát triển của LOL đã rất cố gắng nỗ lực, đối với mình LOL có rất nhiều thành tích khủng:
– Game Moba đông người chơi nhất hiện nay
– Có phiên bản chơi trên mobile (điều mà Dota chưa thể làm được)
– Lấn sân sang ca nhạc (MV) và phim ảnh (series Arcane)
– Nhiều hãng figure, toy mua bản quyền nhân vật
– Tổ chức rất nhiều giải đấu hoành tráng ở cấp khu vực và cấp quốc tế
LOL thực sự không phải là cái bóng của Dota, đã có rất nhiều thay đổi, cập nhật được đưa ra nhằm biến LOL thành một tựa game độc đáo. Trong khi game thủ Dota ngày càng già đi (khó tiếp cận với người chơi trẻ/người chơi mới) thì LOL lại rất thân thiện cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ thành thạo. Vậy nên mình không lấy làm lạ khi số lượng người chơi Dota ngày càng giảm đi, còn số lượng người chơi LOL vẫn không ngừng tăng tiến.
Dù chơi Dota hay LOL thì role mình lựa chọn vẫn là Support (Hỗ trợ) vì mình cảm thấy thoải mái khi cung cấp sự an toàn cho đồng đội trong suốt game đấu. Tướng tủ của mình là Soraka, Blizcrank, Alistar, Thresh. Trong quá trình chơi, một điều khá phiền là mình đôi lúc gặp tình trạng bị đồng đội xúc phạm.
Vâng, ăn chửi từ đồng đội là chuyện thường ngày trong game Moba. Có thể kể tới một số hành vi không đẹp của đồng đội như:
– Chửi bới, chửi cả game, buông cả chuột chỉ để ngồi chửi bới (cả đồng đội lẫn đối thủ)
– Cố tình KS (kill steal) của đồng đội
– Cố tình đi feed (chủ động cho đối thủ giết chết) suốt trận nhằm gây ức chế cho đồng đội
– Không hợp tác cùng team, khi team combat thì chạy đi farm, khi team farm thì chạy đi combat
Còn nhiều hình thức phá game lắm, mình không kể hết được.
Thiên long bát bộ – game ăn theo sách/phim mà hay không ngờ
Một thời gian chơi Thiên long bát bộ (TLBB) không quá dài nhưng cũng kịp để lại cho mình nhiều ấn tượng về tựa game có tuổi thọ khá cao này (mình không rõ tình trạng của game được phát hành chính thức ở Việt Nam, nhưng các server lậu thì vẫn còn khá nhiều và khá khỏe).
TLBB cuốn hút mình bởi phong cách đồ họa có thể nói là…màu mè, sặc sỡ. Qua tấm ảnh bên trên là mọi người cảm nhận được rồi đấy, còn khi các chiêu thức võ công được thi triển thì màn hình còn sặc sỡ nữa.
TLBB có số lượng hệ phái khá phong phú, hồi ấy mình tạo một nhân vật Cái Bang. Cứ ngỡ Cái Bang trong TLBB sẽ giống trong Võ lâm truyền kỳ là Hỏa hệ bắn chưởng rồng kín màn hình, ai dè khi chơi TLBB mình đã sốc. Nhân vật Cái Bang của mình lại đánh ra rồng xanh lè và có… độc công ạ. Hồi ấy còn gà nên cộng điểm tùm lum, build linh tinh nên nhân vật của mình đánh yếu xìu, may mà vào được một Bang cũng thân thiện nên được mọi người hỗ trợ cũng nhiều lắm.
TLBB có một số phụ bản khá thú vị, trong đó mình nhớ Trân Long Kỳ Cuộc. Quen chơi game MU Online nên khi chơi TLBB, cứ đơ ra không biết phải đi phụ bản thế nào. Cho tới khi có anh em trong Bang hội hướng dẫn mình mới bắt đầu quen dần với việc thực hiện các phụ bản. Ngày đầu mình chơi thì TLBB khóa góc nhìn, về sau hình như có thay đổi qua các phiên bản.
Thú cưỡi cũng là một điểm sáng trong game, do có nền đồ họa tương đối tân tiến so với các game ra mắt cùng thời nên thú cưỡi trong game phải nói là khá đẹp. Từ Hươu (Linh lộc) của Đoàn thị tới Sư tử của Minh giáo,… thú cưỡi trong TLBB thật sự đa dạng và cũng mang lại cho người chơi cảm giác tự hào khi đi diễu hành quanh các thành thị lớn.
Ngoài ra, hệ thống thú nuôi (Pet) trong game cũng là một điểm sáng. TLBB là game online đầu tiên mình chơi sở hữu tính năng Pet vừa đa dạng về chủng loại, mẫu mã lại còn có bộ kỹ năng độc đáo (mỗi Pet sẽ có những kỹ năng riêng biệt, hỗ trợ cho người chơi trong quá trình hành tẩu giang hồ). Hồi đó mình chơi có cái event tham gia để nhận Long bảo bảo (Pet rồng) không chỉ sở hữu vẻ ngoài hút mắt mà lại còn có Chỉ số thuộc tính cũng như bộ Kỹ năng ưu việt. Khỏi phải nói anh em game thủ đã phát cuồng thế nào để sở hữu Pet siêu hiếm này.
Linh vương – webgame đầu tiên mình chơi, và mở màn cho rất nhiều webgame khác
Tựa game đưa mình tới với khái niệm webgame – trước đó mình toàn chơi game cài đặt. Tò mò một chút về quảng cáo “chơi trực tiếp trên trình duyệt, không cần cài đặt” nên mình cũng theo mấy đứa bạn chơi thử.
Xây công trình, thu thập tài nguyên, tuyển mộ võ tướng, chiêu quân, đánh chiếm cứ diểm,… có thể coi đây là những công việc chính trong game. Mình nghĩ với dòng game chiến thuật trên nền web này thì đồ họa không phải thứ được chú trọng, thay vào đó là lối chơi và tư duy chiến thuật.
Thời gian ngắn sau đó, webgame bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam như một cơn lốc đe dọa quét ngang game cài đặt truyền thống. Mình cũng có trải nghiệm một số webgame như Pockie Ninja, Khuynh thành, Võ lâm chi mộng, Tam quốc truyền kỳ, Đát kỷ online,… nhưng cũng không gắn bó với game nào được quá lâu.
Rakion – tựa game hành động mãn nhãn
Hồi cấp 2 bọn bạn có rủ rê chơi Rakion nên mình cũng tham gia vào một chút. Ngày ấy game online mình chơi chủ yếu là cày cuốc để xây dựng nhân vật ngày một mạnh hơn nên trải nghiệm một tựa game thuần hành động chặt chém rất là đã tay sướng mắt.
Ghi điểm với phong cách đồ họa ấn tượng và gameplay combat dồn dập căng não, Rakion nhanh chóng chiếm được cảm tình của mình nhưng rồi cũng nhanh chóng khiến mình phải bỏ cuộc vì… game khó quá. Khó thật, ít ra là đối với một đứa phản xạ trong game đối kháng/hành động tương đối chậm. Nhiều khi trong combat mình còn chưa kịp đánh trúng đối thủ phát nào thì đã bị tiêu diệt trong nốt nhạc rồi.
Mình không còn nhớ tên các Class (Hệ phái) trong game, vì vốn dĩ hồi dấy bọn mình gọi tên Class theo ngoại hình ví dụ như Búa – Kiếm – Phép… Mình còn nhớ được mang máng rằng nhân vật Kiếm khá là cân bằng, các chỉ số như Sinh lực, Tấn công, Tốc độ đều ở mức trung bình. Nhân vật Búa thì Sinh lực với Tấn công cao nhưng chỉ số Tốc độ lại kém. Nhân vật Phép thì có ưu thế sử dụng kỹ năng ma pháp từ xa nhưng lại có chỉ số Phòng thủ và Sinh lực yếu. Về cơ bản, mình nghĩ Rakion chia Class khá cân bằng. Thế nhưng do kỹ năng có hạn nên mình không kéo dài quãng thời gian gắn bó với tựa game này được lâu, có lẽ chỉ trong khoảng hơn nửa năm gì đấy.
Rồi cũng tới lúc quán net chỉ còn là dĩ vãng
Cuộc vui nào cũng tới lúc tàn, đam mê của mình với thú vui ra net cũng dừng lại. Khoảng chừng năm 2018, một buổi sáng cuối tuần như thường lệ mình lại phóng xe ra địa chỉ quen thuộc để làm vài ván game. Nhưng trước mắt mình là khung cảnh từng dàn máy tính, màn hình theo nhau ngự trên chiếc xe chở hàng, đứng 1 góc là ông chủ quán đang đứng kiểm đếm. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì ông chủ quán quay ra nhìn thấy mình và nói khẽ “Chú nghỉ cháu ạ”.
Sau khi quán net yêu thích của mình đóng cửa, mình cũng mất chừng 2 tuần đi tìm kiếm, mỗi ngày thử ngồi 1 quán net khác ở khu vực xung quanh xem có quán nào hợp lý để chinh chiến lâu dài không. Nhưng không quán nào tạo cho mình cảm giác muốn quay lại lần 2 cả. Thế là mình cũng bỏ luôn thói quen ra net từ đấy. Có lẽ game online hấp dẫn, nhưng không phải là yếu tố chính thúc đẩy những đứa con trai như mình ra net – mà nó là cả một bầu trời hoài niệm.
Thanh xuân của mình, có một phần là quán net, game online và những người chiến hữu trong game