LỊCH SỬ BỊ ĐÁNH MẤT CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO[PHẦN 2]

Tháng chín 1, 2024

Trích dịch từ The Lost History of Liberalism của Helena Rosenblatt

Seven Virtues and Seven Liberal Arts
Nguồn: fineartamerica

THỜI TRUNG CỔ: KI-TÔ HÓA TÍNH HÀO PHÓNG

Tính hào phóng trong thời kỳ trung cổ khoác lên mình các giá trị Ki-tô giáo như tình yêu, lòng trắc ẩn và đặc biệt là lòng thiện nguyện,…Thiên Chúa rất rộng lượng trong lòng thương xót của Ngài giống như Chúa Jesus với lòng thương yêu.
Khi thời thượng cổ nhường chỗ cho thời trung cổ, quan điểm cổ xưa này về tính hòa phóng không hoàn toàn bị đánh mất đi mà được Kitô giáo hóa và phổ biến rộng rãi hơn bởi các giáo phụ đầu tiên của Giáo hội như St.Ambrose.[3] St. Ambrose đã viết một khảo luận dựa theo Bàn về nghĩa vụ của Cicero, chắt lọc lại những ý tưởng và nguyên tắc cốt yếu của Cicero. Bất kỳ cộng đồng thực sự nào đều dựa trên công lý và thiện ý, Ambrose viết, và tính hào phóng và sự tử tế là những gì đã gắn kết xã hội lại với nhau.[4]
Tính hào phóng trong thời kỳ trung cổ khoác lên mình các giá trị Ki-tô giáo như tình yêu, lòng trắc ẩn và đặc biệt là lòng thiện nguyện, các giá trị được cho là cần thiết không chỉ cho nền cộng hòa, mà con cho các nền quân chủ. Các Ki-tô hữu được kể rằng Thiên Chúa rất rộng lượng trong lòng thương xót của Ngài giống như Chúa Jesus với lòng thương yêu. Các Ki-tô hữu nên noi gương Thiên Chúa bằng cách yêu thương và cho đi để báo đáp. Từ điển từ thời trung cổ trở đi, dù là tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Anh, đều định nghĩa “liberal” là phẩm chất của một người “thích cho đi” và “liberality” là “phẩm chất cho đi hoặc chi trả một cách thoải mái”. Các nhà thần học vĩ đại thời trung cổ như Thomas Aquinas đã truyền bá những quan niệm như vậy trong các tác phẩm của họ.[5]
Giáo hội thời trung cổ tiếp tục coi giáo dục khai phóng là chương trình giáo dục lý tưởng cho các nhà lãnh đạo xã hội. Thường đối lập với “kỹ nghệ”(mechanical arts) hay “nghề nghiệp hèn kém”(servile) phục vụ những nhu cầu cơ bản của loài người, chẳng hạn như may, dệt và rèn. Giáo dục khai phóng được coi là phát triển sự xuất sắc về trí tuệ và đạo đức. Họ chuẩn bị cho những chàng trai trẻ tuổi những vai trò tích cực trong khu vực công và phục vụ nhà nước. Giống như trong thời kỳ thượng cổ, nền giáo dục khai phóng vẫn là một dấu hiệu nhận diện địa vị, khiến giới thượng lưu trở nên khác biệt với phần còn lại. Mọi Kitô hữu, dù giàu hay nghèo, đều được khuyến khích phải có tính cách hào phóng, nhưng tính cách ấy vẫn tiếp tục được coi là đặc biệt quan trọng đối với những người “có địa vị xã hội cao hơn”.

GIÁO DỤC KHAI PHÓNG THỜI KỲ PHỤC HƯNG

Ăn nằm với sách vở thì không có lòng tham; những chàng trai trẻ đã học được đức hạnh và trí tuệ, những nghĩa vụ của một công dân
Tính hào phóng xuyên suốt thời kỳ Phục hưng tiếp tục được xem là một đức tính quý tộc hoặc mang [phong cách vương tử(princely)], Như một trong nhiều văn bản thời Phục hưng đã giải thích, tính hám lợi là “dấu hiệu chắc chắn của một tinh thần hèn hạ và độc ác”, trong khi tính cách hào khoáng là đức tính chuẩn mực của giới quý tộc.[6] Phạm vi của giáo dục khai phóng giờ đây đã được mở rộng và uy danh của nó ngày càng tăng. Nhà nhân văn người Ý Pietro Paolo Vergerio (1370–1445), một người ngưỡng mộ Cicero, đã trình bày lại nhiều ý tưởng cổ điển về giáo dục trong khảo luận “Về tính cách cao quý và nghiên cứu khai phóng của tuổi trẻ”. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1402, nó đã trải qua bốn mươi lần xuất bản trước năm 1600, trở thành khảo luận sư phạm thời Phục hưng được sao chép và tái bản thường xuyên nhất. Vergerio giải thích, một nền giáo dục khai phóng đã nâng tầm những người tiếp nhận nó thoát khỏi “đám đông vô tri”.[7] Nó chuẩn bị cho họ những vị trí lãnh đạo và hợp pháp hóa yêu sách của họ đối với những vị trí đó. Ăn nằm với sách vở thì không có lòng tham; những chàng trai trẻ đã học được đức hạnh và trí tuệ, những nghĩa vụ của một công dân.