Tiếng vang từ trang phục Việt cho siêu sao quốc tế
Tiếng vang từ trang phục Việt cho siêu sao quốc tế
Lợi nhuận lâu dài và vô hình
Những mẫu trang phục của các nhà thiết kế (NTK) Công Trí, Chung Thanh Phong, Đỗ Mạnh Cường, Lê Thanh Hòa, Nguyễn Minh Tuấn, Phạm Đặng Anh Thư, Trà Linh, Đỗ Long… đang nhận được nhiều sự yêu thích từ các ngôi sao lớn trên thế giới.
Hơn 20 năm theo đuổi thời trang, NTK Công Trí khẳng định phong cách riêng trên sàn diễn trong lẫn ngoài nước. Tính đến nay đã có gần 100 nghệ sĩ, ngôi sao Hollywood chọn các mẫu trang phục do anh thiết kế như: Miley Cyrus, Adele, Charlize Theron, Demi Lovato, Katy Perry, Zendaya, Dakota Johnson, Beyoncé, Jennifer Lopez, Khloé Kardashian, Lisa (nhóm BlackPink)… Các bộ sưu tập của anh từng xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí danh giá thế giới như: Hollywood Reporter, Vogue, Elle, V Magazine, Paper, Attitude, Essence, Glamour…
NTK Chung Thanh Phong từng làm trang phục cho ngôi sao Phạm Băng Băng dự LHP Cannes 2023. Nữ diễn viên Mỹ Caylee Cowan (đóng các phim Frank and Penelope, Willy’s Wonderland, Sunrise in Heaven) hai lần chọn trang phục do Nguyễn Minh Tuấn thiết kế. Ngôi sao ca nhạc Ariana Grande diện bộ váy thêu hoa của NTK Trần Hùng trong buổi chụp hình album Eternal Sunshine cùng MV We Can’t Be Friends (Wait For Your Love).
Lưu Diệc Phi cũng từng gây sốt khi diện chiếc váy xuyên thấu được cô đặt riêng từ NTK Trà Linh trong bộ ảnh quảng bá bộ phim hoạt hình Wish. Lê Thanh Hòa tiếp tục để lại ấn tượng Việt trên bản đồ thời trang quốc tế với những thiết kế ấn tượng được các nghệ sĩ Eugenia Kuzmina, Yovanna Ventura, Nicole Kang, Alix Angelis… chọn mặc tại lễ trao giải Oscar 2024. Ba ngôi sao chọn đầm của NTK Đỗ Long dự lễ trao giải Grammy 2024 là Emma Brooks, Izabella Metz và nữ ca sĩ SZA.
Thiết kế và thực hiện trang phục cho các siêu sao hẳn được trả nhiều tiền? NTK Công Trí cho biết: “Khi thiết kế trang phục cho các ngôi sao thế giới, tôi không kiếm được lợi nhuận trực tiếp vì đây là sự kết hợp đôi bên cùng có lợi, và người có lợi nhiều nhất là tôi. Sao quốc tế họ mặc nhiều trang phục của NTK nổi tiếng hay những thương hiệu lừng danh. Các NTK hay thương hiệu lớn phải trả tiền cho ngôi sao khi mặc trang phục của họ vì đây là cơ hội quảng bá. Riêng tôi, họ ưu ái không phải trả tiền để có được điều đó. Chủ yếu là quảng bá thiết kế Việt ra thế giới thôi. Đó là cái lợi lâu dài”.
Gia nhập ngành công nghiệp toàn cầu
Thế nhưng, vấn đề cần đặt ra là nhiều sao thế giới chọn trang phục của NTK Việt liệu có đồng nghĩa ngành thời trang của chúng ta đang phát triển, dù đây rõ ràng là một trong những điều khiến thế giới chú ý hơn đến thời trang Việt.
Theo NTK Công Trí, sản phẩm thời trang Việt Nam rất khó tiếp cận thị trường nước ngoài vì Việt Nam không là cái nôi của thời trang. “Để được thị trường nước ngoài chấp nhận, chúng ta cần làm việc cật lực, thâm nhập sâu hơn vào thời trang thế giới, nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo cá tính riêng, mang bản sắc Việt và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu”, anh nói thêm. Bên cạnh đó, việc nắm bắt xu hướng thời trang thế giới, nắm bắt cơ hội xuất hiện tại các sự kiện thời trang lớn để hội nhập cũng được đặt ra.
NTK Sĩ Hoàng nhận định: Để thời trang Việt hội nhập sâu rộng hơn nữa, mỗi NTK cần chú trọng một số khía cạnh. Trước tiên, NTK cần khai thác và phát triển các yếu tố văn hóa truyền thống một cách sáng tạo và độc đáo, biến chúng thành nguồn cảm hứng cho các bộ sưu tập của mình. Điều này giúp tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn thể hiện được nét đặc trưng của văn hóa Việt. Bên cạnh đó, cần phải nắm bắt xu hướng thời trang quốc tế. Thời trang là ngành công nghiệp có tính chất toàn cầu, NTK cần cập nhật liên tục các xu hướng mới nhất, hiểu rõ nhu cầu và sở thích của thị trường quốc tế để có thể sáng tạo những sản phẩm phù hợp với thị hiếu toàn cầu. Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường chú trọng vào chất lượng từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất. Các sản phẩm thời trang cần phải được làm từ những chất liệu tốt, đảm bảo độ bền và thoải mái khi mặc, đồng thời phải được hoàn thiện tỉ mỉ để cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh đó, NTK Sĩ Hoàng cho rằng mỗi NTK phải xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân một cách chuyên nghiệp và nhất quán. Việc này bao gồm từ chuyện xây dựng hình ảnh, logo, website đến quản lý các kênh truyền thông xã hội, tương tác với khách hàng. Cần hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thời trang, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các NTK, thương hiệu và tổ chức quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm đến với thị trường nước ngoài. Các NTK cần tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và hướng tới việc phát triển bền vững.
“Dĩ nhiên quan trọng nhất là ngành thời trang phải được sự hỗ trợ từ Chính phủ, tạo điều kiện cho các NTK bứt phá, xây dựng thương hiệu. Từ đó, ngành dệt may VN mới dần thoát khỏi chuyện làm gia công cho nước ngoài”, NTK Sĩ Hoàng kết luận. (còn tiếp)
Với nhu cầu theo xu thế hiện nay việc sở hữu những chiếc giường spa gia đình để phục vụ nhu cầu cá nhân rất được ưa chuộng hiện nay. Với những Ông Bà, Cô Chú có tuổi việc đi lại khó khăn thì việc chăm sóc sức khoẻ cá nhân tại nhà rất được ưu tiên. Anh chị chị, cô chú có thể tham khảo mẫu tại đây: